mardi 11 juin 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 11/06/2024

1. Trên chiến trường có gì?

Suốt một tuần qua, các diễn biến ở chiến trường… vẫn thế. Bọn Nga này vẫn cố gắng tấn công mạnh nhất ở Chasiv Yar và về phía tây Avdiivka.

Bình loạn : Có những chuyện đáng nói nhất, chẳng hạn ở Vovchansk quân Nga rút chưa? Theo tôi hiểu thì chưa, mà cũng không nhất thiết phải bắt chúng nó rút. Qua hơn 2 năm chiến tranh, chúng ta đã nhận thấy phương pháp thi hành chiến tranh của người Ukraine rất rõ: không hề có ý định “tấn công kiểu Nga” tức là giàn quân, tràn lên cố chọc thủng hàng phòng ngự đối phương. Vì vậy ở bắc Kharkiv lần này cũng vậy thôi, họ sẽ “phòng thủ” (có ngoặc kép) như thế nào đó để đến lúc nào đó quân Nga không chịu nổi thì thôi.

Chuyện này tôi đã viết từ khi bắt đầu cái gọi là “Chiến dịch Kharkiv” của Nga: thậm chí bọn Nga này có thể được phép ngồi ở mấy ki-lô-mét chúng chiếm được đó, cho đến khi buộc phải rút do hiệp ước hòa bình đã được ký.

Nhưng thông tin “Nga phải rút khỏi Vovchansk” vẫn đúng. Và đây, tin mới nhất tôi đọc được. Câu chuyện của Lyman đang lặp lại. Hồi đó bọn lực lượng Vệ binh quốc gia Nga người Chechnya đã phải đến Lyman để bắn vào bọn lính Nga chịu không nổi nhiệt, bỏ chạy về phía sau. Khi đó quân Nga được coi là vỡ trận vì không còn lực lượng dự trữ, cạn cả đạn dược… và bỏ chạy. Hiện tại ở Vovchansk những yếu tố đó đã xuất hiện, nhưng chúng một mặt vẫn cố bơm thêm quân, mặt khác đưa bọn Chechnya đến trấn giữ phía sau để gây hoảng sợ, nên có vẻ quá trình này chưa diễn ra.

Được rồi, chưa diễn ra thì sẽ diễn ra. Rồi sẽ có tin HIMARS hỏi thăm doanh trại của bọn Chechnya làm nhiệm vụ bắn vào lưng đồng đội, tạo điều kiện cho các đồng đội của chúng bỏ chạy.

Nhưng quân đội Nga vẫn thắng to trên khắp các mặt trận, thắng đều đặn… nhưng các mặt trận đó là của báo chí xứ phía đông nước Lào. Không kể thằng Tuấn Sơn tức Thanh Bình ở Dân Chí, nhiều chỗ khác cũng thắng giòn giã. Ví dụ đêm qua, Nga “cho Ukraine thua” bằng bài này: “40.000 quân Ukraine tấn công cùng lúc và thất thủ trong hơn một giờ”.

Tôi có hỏi lại người gửi cho tôi bài đó: Tại sao tấn công rồi lại thất thủ? Tiếng Việt kiểu gì thế? Và khi đọc lại thì chẳng thấy 40.000 quân tấn công ở đâu trừ câu này: “Quân đội Ukraine dự kiến sẽ điều 40.000 quân tới khu vực này vào tuần tới để “ổn định tình hình.” Thằng này ký tên là Tiến Minh, bài này gốc trên “Tri thức và cuộc sống” nhưng hơi hướng của nó là của thằng Bình Dân Chí – cơ mà độ ngu thì cao hơn nhiều.

Ngộ nghĩnh nhất là cách đây gần 10 năm TPO (vốn nổi tiếng với mục “người lính” của mình, do anh tổng biên tập của nó đã đi bộ đội và không hiểu sao rất khoái cái khái niệm lãng mạn này) có bài về “siêu vũ khí Nga khiến vũ khí đối phương đông cứng”. Và bây giờ thì đến lượt các bác nông dân nhà ta lôi nó ra nhai lại. Chưa có thời nào chúng ta có một nền truyền thông nhảm nhí như thời bây giờ.


2. Có đúng ở Avdiivka quân Ukraine mất hàng nghìn người?

Hôm trước có một anh bạn mà theo anh ấy, cũng đang làm các video về chiến sự nói ở Avdiivka do rút chậm nên quân Ukraine mất hàng nghìn người. Tôi nhớ về việc này, tôi đã báo cáo quý vị từ ngày 29/03 và đoạn đó như thế này:

“Các điều kiện chính để Ukraine giành chiến thắng trước Nga là bảo toàn mạng sống của người dân và sự đoàn kết của người Ukraine.” Điều này đã được nêu tra rong một cuộc phỏng vấn với Ukrinform bởi Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, thượng tướng Oleksandr Syrskyi.

“Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi lúc này là cứu được sinh mạng mọi người. Vũ khí có thể bổ sung, nhưng những người đã chết thì không thể sống lại. Còn một ưu tiên khác, là sự đoàn kết của xã hội. Phải thủ tiêu được sự bất hòa. Chúng ta phải nhớ những trang bi thảm trong lịch sử của chúng ta. Tôi tin rằng Nga sẽ không bao giờ có thể đánh bại chúng ta trên chiến trường chừng nào người Ukraine còn duy trì sự đoàn kết và sức mạnh tinh thần. Nếu bạn lãng phí năng lượng và sức mạnh vào những tranh chấp chính trị vô bổ với những người khác, đây là con đường thậm chí không phải để bị đánh bại mà là dẫn đến cái chết,” Syrskyi nhấn mạnh.

“Tôi muốn mọi người Ukraine hiểu điều này. Nga phủ nhận quyền tồn tại của tất cả chúng ta. Đó là lý do tại sao thất bại và cái chết giống nhau. Bây giờ đã đến lúc đất nước trở thành một nắm đấm đoàn kết, mạnh mẽ. Nhiệm vụ chính của Ukraine là là để giữ gìn sự đoàn kết. Đây là thành phần chính trong chiến thắng của chúng ta”, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nói thêm.

Syrskyi cho biết: “Trong quá trình rút khỏi Avdiivka, 25 binh sĩ Ukraine đã bị bắt”

Thế mà báo chí phía Đông nước Lào chúng nó bảo hàng nghìn. Mất dạy.

Bình loạn : Vậy ông Syrskyi liệu có nói dối? Quý vị hãy nhìn lại ảnh ông ấy xem thế nào: một con người khắc khổ, ít nói, không khoa trương... Ông ấy luôn làm tôi nhớ đến nhân vật tướng Bessonov trong Tuyết Bỏng của Boldarev.

Anh bạn kia có nói việc “Ukraine mất hàng nghìn người khi rút khỏi Avdiivka” là theo nguồn báo chí nước ngoài – cụ thể là New York Times. Tôi cũng đọc bài đó – nó là ngày 20/02 tức là sau thời điểm Avdiivka thất thủ 3 ngày, tức là khi nhiều thông tin còn chưa rõ ràng.

Cụ thể, họ viết: “Estimates of how many Ukrainians were captured or missing vary, and a precise count may not be possible until Ukraine solidifies new defensive lines outside the city. But two soldiers with knowledge of Ukraine's retreat estimated that 850 to 1,000 soldiers appear to have been captured or are unaccounted for. The Western officials said that range seemed accurate.”

Đến đây chúng ta đã nhận thấy tính mù mờ của thông tin kể cả nguồn phương Tây. Tôi đã viết đến lần thứ N về việc, chúng ta không tô hồng tình thế của người Ukraine, thậm chí tôi vẫn viết là rất khó khăn. Nhưng những chuyện “bốc mùi truyền thông bẩn của Nga” như thế nào, sau gần 2 năm rưỡi theo dõi chiến sự, chúng ta nhẽ ra đã phải quen để nhận biết rồi chứ.

- Thứ nhất, khi ông Syrskyi khi nhận chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine đã ngay lập tức “ăn đủ” các bài báo (hầu hết là phương Tây) nhưng lại có chung một nguồn từ một số trang của Nga gọi ông này là “đồ tể” vì đã yêu cầu quân lính của mình cố trụ ở Bakhmut, thậm chí cả một vài trận đánh hồi chiến tranh 8 năm. Đó là quãng từ ngày 8, 9 cho đến giữa tháng Hai năm 2024. Đòn tâm lý này nhằm gây sức ép: Nếu ông Syrskyi cho rút ngay khỏi Avdiivka để bảo toàn lực lượng, thì lại rơi vào bẫy là “sợ mang tiếng đồ tể” và cho rút sớm, tạo điều kiện cho bọn Nga chiếm thị trấn một cách nhanh chóng. Còn nếu ông ấy cố yêu cầu giữ thị trấn vì một lý do gì đó, thì thành ra lại là “đồ tể” thật.

- Thứ hai. Nếu quý vị nào còn nhớ bộ phim The Year của Dmitro Komarov cuối năm 2022, ông Syrskyi trả lời câu hỏi rằng liệu người Ukraine có ném bom nát thành phố Kherson ra không – để chiếm lại nó? Thì ông ấy nói: chúng tôi có thừa tinh tế để không làm như thế. (Ném bom nát ra xong rồi xây lại à?) – Chuyện này tôi cũng viết N lần rồi. Và Nga chạy khỏi Kherson, rồi ở Kharkiv và nhất là Lyman, cho thấy người Ukraine có cách tấn công riêng của họ, với tổn thất tối thiểu, thậm chí có thể nói là “không đáng kể.”

Thật đáng tiếc là có một anh làm video post YouTube mà cũng sập những cái bẫy như thế.

3. Liên quan đến phương pháp tấn công của người Ukraine, lại nhắc đến Syrskyi, vậy có điều cần nhìn lại...

Tầm này năm ngoái chúng ta đang háo hức với chiến dịch phản công mùa hè của người Ukraine, và nhanh chóng nó biến thành “pháo xịt.” Sau đó chúng ta nghe những chuyện rằng, Valerii Zaluzhnyi đã phản đối kế hoạch này và cho nó dừng đúng lúc... thế này thế khác. Rất nhiều thông tin đổ xô vào bàn tán theo hướng bất lợi cho Tổng thống Zelenskyy, rằng ông ấy là người duy ý chí, quyết định phải tấn công để “làm vừa lòng các nhà tài trợ phương Tây.”

Rồi sau đó, chúng ta lại nghe tiếp các thông tin rằng kế hoạch bị lộ vì có một tên tướng người Ba Lan trong bộ chỉ huy của Ukraine làm gián điệp cho Nga.

Tất cả những điều này nghe có lý, nhưng cũng có những phi lý nhất định. Phòng tuyến Surovikin, Nga đã mất hàng tháng để xây dựng nó, người Ukraine không thể không biết. Và như thế là kế hoạch tấn công của Ukraine đã lộ từ đầu, lộ từ trước đó hàng tháng để Nga biết mà xây dựng phòng tuyến. Có điều gì đó sai sai ở đây. Truyền thông nước ngoài cũng nói ầm ĩ lên về cái phòng tuyến đó, chúng ta cũng biết, làm sao người Ukraine người ta không biết. Vậy tại sao họ vẫn để cho Nga thực hiện? – Đơn giản là không đủ lực. Đến đây chúng ta đã hình dung ra được sức mạnh của người Nga là nằm ở chỗ nào: nếu cần chúng cũng có thể huy động được những nguồn lực khổng lồ.

Hôm trước có bác nhắn cho tôi phàn nàn: Lạ thật, tất cả những kế hoạch đó của Ukraine để cho các ông tướng hưu trí phương Tây lên truyền thông nói như đúng rồi ấy, và cuối cùng để cho bọn Nga này biết ý đồ và có thời gian chuẩn bị. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại thì tháng 9/2022 Putox và Nga có kế hoạch động viên một phần và đã “kiếm” được khoảng hơn 300.000 quân. Chính số quân này đến đầu năm mới (2023) đã kết hợp với phòng tuyến Surovikin tạo thành một thế trận vững chắc mà với cách tiếp cận quý sinh mạng người lính như Ukraine, không thể đột phá được.

Mà kể cả với cách tiếp cận coi mạng lính như rác kiểu Nga, cũng không thể phá được.

Và cũng xin lưu ý quý bạn đọc rằng, lúc Nga động viên một phần, là lúc diễn ra chiến dịch giải phóng vùng phía đông tỉnh Kharkiv của quân Ukraine. Sau đó cũng phải đến gần giữa tháng 11/2022 mới giải phóng được thành phố Kherson. Vì vậy với những ý kiến cho rằng, lúc đó Ukraine “đáng lẽ ra phải tấn công luôn để lâu mất cơ hội” thì không thỏa đáng. Lúc đó các “lữ đoàn phương Tây” mới bắt đầu được huấn luyện. Chưa có câu chuyện Leopard – hay có rồi cũng chưa quyết được.

Cuối cùng, khi một bên xây dựng phòng tuyến thì bên kia rất khó để phá hoại quá trình này – điều này đúng với cả hai bên Nga và Ukraine. Không ai đủ đạn pháo để bắn rải ra trên một diện tích lớn như vậy cả – ví dụ phòng tuyến 1000 ki-lô-mét và sâu khoảng 30 ki-lô-mét, như vậy hệ thống phòng thủ cũng phải có diện tích 30.000 ki-lô-mét vuông. 

4. Vậy việc ông Valerii Zaluzhnyi được thay thế bằng ông Syrskyi có thể cho chúng ta thấy điều gì khi nhìn lại vào lúc này, việc đã qua được khoảng 4 tháng?

Hồi đó, khi tin đồn râm ran lên về việc ông Zaluzhnyi sẽ thôi chức vụ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, không ít trong số quý vị nhắn tin cho tôi vì không thể giấu được sự lo lắng. Tôi có trao đổi lại như thế này: không có gì là vô lý cả, và do đó không có gì đáng phải để quá lo lắng cả. Và nếu người thay ông ấy là ông Syrskyi, thì là điều rất tốt.

Vậy Valerii Zaluzhnyi và cả Olesksandr Syrskyi là những người như thế nào? Chúng ta đã nghe nhiều về việc ông Zaluzhnyi yêu thương binh lính – đúng rồi. Nhưng điều quan trọng hơn, ông này là người đại diện cho lớp sĩ quan Ukraine mới, có tư duy cởi mở và là người có nhiều công lao trong cải tổ quân đội Ukraine theo hướng chuẩn NATO. Vì vậy, có căn cứ để cho rằng ông Zaluzhnyi là người có tư duy chiến lược, nhất là chiến lược xây dựng quân đội.

Tuy nhiên cuộc chiến tranh do Nga đang tiến hành đang cho thấy cả hai bên phải quay lại với phương pháp của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với hình thái chiến tranh hầm hào, trận địa có thêm yếu tố… máy bay không người lái. Các nắm đấm mạnh bằng lượng xe tăng lớn là hình thái chính của chiến tranh thế giới lần thứ hai, không còn tác dụng ở cuộc chiến này, với việc các xe tăng của cả hai bên đều được sử dụng với hiệu quả thấp và đốt cháy nhiều trên chiến trường.

Ngay cả Nga vốn được cho là rất quen với phương pháp thi hành chiến tranh “tiền pháo, hậu xung” với số lượng pháo binh, xe tăng rất lớn và hàng binh đoàn đông đảo của bộ binh, cũng phải chuyển sang hình thái chiến tranh gặm nhấm, sử dụng những toán quân nhỏ cấp trung đội trở xuống, với sự hỗ trợ hạn chế của thiết giáp để cố gắng tấn công vào hệ thống hầm hào của đối phương.

Trong hoàn cảnh đó, ông Zaluzhnyi được cho rằng đã yêu cầu những lực lượng quân đội lớn để thi hành các chiến dịch tấn công, điều này được cho rằng là không thực tế. Để có được quân số lớn như vậy, một nước phải có nguồn tài chính, trong khi đó Ukraine vẫn là nước nghèo. Vì vậy để đảm bảo việc này, lãnh đạo Ukraine đã thi hành một chiến lược dài hơi và có chủ đích: sự kết hợp giữa cơ quan tình báo với đặc nhiệm hải quân, các ngành khoa học công nghệ liên quan đến phát triển thiết bị điều khiển từ xa. Kết quả là Ukraine rút ra được khỏi “thỏa thuận ngũ cốc” và dần dần đưa mức xuất khẩu hàng hóa vượt mức trước chiến tranh.

Đây là một điều các nhà phân tích quân sự trên mạng xã hội xứ phía đông nước Lào thường bỏ qua, nhưng đó mới là cơ sở của chiến tranh. Điều này cũng đúng như chuyện vòng bi và xe tải vậy – hồi đầu chiến tranh tôi cứ lải nhải chuyện này, đó cũng là cơ sở của chiến tranh. Không có vòng bi, thì không có xe tải, không có xe tải, thì đánh nhau bằng tay, cuốc xẻng còn chẳng có mà dùng.

Nhờ có chiến lược Biển Đen, người Ukraine dần đảm bảo được đường xuất khẩu, tức là thoát khỏi thế phong tỏa kinh tế của Nga, đó là thành công đáng kể nhất trong năm 2023 và đặc biệt là sang năm 2024, họ bắt đầu “nện” vào kinh tế Nga bằng cách tấn công các nhà máy lọc dầu. Chúng ta bắt đầu chứng kiến một bên, thì là thế đi lên còn bên kia, thì là thế đi xuống về kinh tế.

Khi ông Zaluzhnyi yêu cầu có thêm nhiều quân, thì quá trình trên đây vẫn đang diễn ra. Phải sang năm 2024 được vài tháng, yêu cầu này của ông mới có cơ sở để thực hiện nhờ đất nước đã bắt đầu có nguồn thu. Vậy vấn đề của ông ấy là gì? Có những căn cứ để có thể cho rằng, ông thiếu chiến thuật tấn công do đó cũng không xây dựng được chiến lược đi từ phòng thủ sang tấn công của quân Ukraine, không xây dựng được một kế hoạch rõ ràng cho lộ trình đó. Ông tiếp tục dựa trên lý luận cho rằng phải có nhiều quân mới có thể thi hành được chiến dịch phản công.

Bây giờ nhìn lại mới thấy việc thi hành chiến dịch phản công mùa hè năm 2023 là cần thiết, và thất bại của nó cũng là cần thiết, vì nó chứng minh rằng điều cần phải làm, khác như thế rất nhiều. Việc thi hành nó và sau đó phải dừng nó lại do thất bại, không phải là do lỗi của ai cả: Zelenskyy, không; và Zaluzhyi, cũng không. Họ đã làm điều cần phải làm: cho chiến dịch chạy thử trong một vài ngày, 1 hay 2 tuần, rồi dừng.

Thực tiễn đã chứng minh rằng cách thi hành chiến dịch tấn công như vậy là không được, vì quân đội Ukraine còn lâu mới được như quân đội của NATO, đặc biệt là về thiết bị, vũ khí. Trước chiến dịch này, người Ukraine cũng đã thử một lần tấn công kiểu tương tự như vậy ở Kherson khoảng tháng 9 năm 2022, nhưng không “đồng khởi” được cùng phía đông tỉnh Kharkiv.     

Vì vậy, một mặt vẫn phải đề nghị phương Tây viện trợ những vũ khí có thể thay đổi cuộc chơi – trước đây là HIMARS và bây giờ là ATACMS. Mặt khác, vẫn phải có một chiến lược phù hợp, từ đó có chiến thuật phù hợp. Việc đề ra nhu cầu tăng quân số là đúng, và nó vẫn đúng cho đến lúc này nhưng nếu bám lấy nó như một điều kiện tiên quyết, thì câu chuyện không còn đúng nữa rồi.

Ở đây có một điều cần nói, là về chiến lược phòng thủ kỳ cùng. Ông Zaluzhnyi được cho là người rất có thế mạnh về khía cạnh này. “Chiến lược phòng thủ kỳ cùng,” hay “thuần túy” chỉ phát huy tác dụng khi bên phòng thủ có thể giữ mọi vị trí không suy suyển ở mọi nơi trên chiến tuyến và chắc chắn rằng đối thủ sẽ không bao giờ có được lợi ích gia tăng, nhưng chính mình cũng không có được lợi ích đó. 

Nếu bên duy trì chiến lược phòng thủ thuần túy không thể làm được điều đó (không để cho kẻ thù đạt được lợi ích gia tăng), thì ngay cả khi kẻ thù chỉ kiếm được những lợi ích khiêm tốn, những lợi ích đó khi ở những vị trí quan trọng thì có thể gây bất ổn cho các khu vực rộng lớn hơn nhiều. Chỉ một sự thâm nhập trong phạm vi nửa chục dặm trong phạm vi hẹp có thể làm mất ổn định toàn bộ mặt trận. Ngay cả khi phòng thủ, bên giữ chiến lược phòng thủ đến cùng cũng phải sẵn sàng tham gia các đợt phản công để thu hồi các vị trí trọng yếu và ổn định tuyến. Chúng ta không thể chỉ trốn trong chiến hào và hy vọng phòng tuyến của mình sẽ luôn được giữ vững ở mọi nơi.

Đó là lý do tại sao ông Syrskyi bị mang tiếng là “đồ tể” ở Bakhmut, khi ông đặt yêu cầu cho quân đội Ukraine ở đây cố giữ quá lâu thị trấn Bakhmut: Người Ukraine đang cần thời gian để xây dựng những phòng tuyến xa hơn nữa về phía tây, chẳng hạn chốt chặn Chasiv Yar, và sau nó là những hệ thống phòng ngự bảo vệ Kramatorsk. Kết quả của nhiệm vụ này là đến nay, Chasiv Yar bọn Nga vẫn chưa chiếm được mà ngay cả khi chiếm được bằng cách biến nó thành đống gạch vụn, thì đi tiếp được đến Kramatorsk cũng còn lâu – có khi khi đó đã kết thúc chiến tranh rồi.

Với Avdiivka cũng vậy, sau khi đánh nát cái điểm dân cư này, do tính quan trọng về chiến lược của nó thấp hơn so với Bakhmut nên hệ thống phòng ngự của Ukraine xung quanh nó không đủ mạnh, quân Nga tiến được nhiều hơn so với bên Bakhmut, nhưng vẫn là không đủ.

Tôi tin rằng ông Syrskyi sẽ có những kế hoạch tấn công rõ rệt và triệt để hơn nhiều. Nếu nhìn lại chiến dịch mùa thu của Ukraine giải phóng phía đông tỉnh Kharkiv, ông Syrskyi đã để lại rất nhiều ấn tượng: Lực lượng dưới quyền ông tàn phá một cách rất khoa học tuyến phòng ngự thứ hai của quân Nga cho đến khi nó sụp đổ, thì tuyến đầu không cần đánh cũng chạy. Ông này mới chính là người chấp nhận được chiến lược phòng thủ đến cùng, nhưng cũng sẵn sàng nắm bắt cơ hội để chuyển từ phòng ngự sang phản công, dù lực lượng không đủ như theo lý thuyết.

5. Liệu Nga có nỗ lực để giải tỏa quá trình giam lỏng bán đảo Crimea hay không?

Nếu nhìn lại, hồi mùa thu năm 2022 quá trình giải tỏa vùng hữu ngạn Dnipro và thành phố Kherson với bọn Nga là đơn giản hơn bây giờ rất nhiều: chúng chỉ có con sông mấy trăm mét, và có cả một cây cầu Antonovskyy. Về diện tích của vùng đó so với Crimea bây giờ, khoảng bằng một nửa, và về quân số đóng trên hai vùng, có thể cho rằng là tương đương.

Có một câu hỏi đặt ra rằng, có phải Nga đã hoàn thành được đường bộ và đường sắt trên cái “hành lang đất liền” nối Donbas với Crimea hay không?

Nếu con đường đó đã chạy tốt, thì Nga chẳng cần nỗ lực tha lôi hàng hóa qua biển từ Tamansky sang Kerch như bây giờ, nói thế cho nó nhanh. Nhưng… đúng vậy: có con đường và nó đã hoạt động được một thời gian rồi. Nếu đi ô tô, sẽ mất khoảng 14 giờ lái xe từ Rostov trên sông Đông đến Crimea qua Maruipol và Melitopol – đó là về lý thuyết trong thời bình.

Dù vậy, đây không phải hành lang “đất liền” 100 % vì hành trình vẫn phải băng qua cầu Chongar bắc qua đầm Sivash. Cây cầu này dài 68 mét nên dễ sửa chữa hơn cầu Crimea. Cầu này đã bị đánh năm 2023 và được sửa chỉ trong một tuần). Ngoài ra, vẫn có hệ thống đường bộ và đường sắt từ Mariupol đến Melitopol nhưng gần tiền tuyến hơn – trong nửa tầm HIMARS (30 ki-lô-mét) – tuyến này qua Vuhledar.

Về tuyến đường sắt, bọn Nga đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường sắt từ Rostov trên sông Đông đến Mariupol, nhưng mới chỉ đến đó, từ đó sang Berdyansk phải sử dụng đường bộ. Đồng thời cả đường bộ và đường sắt đều có thể bị quân du kích phá hoại và bây giờ là việc nó bị tấn công trực tiếp bằng vũ khí tầm xa của Ukraine. Đó là lý do tại sao cả hai tuyến đường đều không hiệu quả lắm vào thời điểm này.

Nếu xem bản đồ, dễ hình dung nhất là bản đồ của ISW, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các nút giao thông của đường bộ và đường sắt gần các thị trấn, điểm dân cư… đều là điểm nóng của hoạt động du kích. Các đội du kích không chỉ tiến hành phá hoại và ám sát mà còn thu thập thông tin tình báo về mọi thứ di chuyển dọc theo các tuyến đường trên cây “cầu đất liền” này.

Thông thường người Ukraine đợi hàng đến kho, khi nào đầy đầy rồi mới “bùm” một phát tiêu hủy kho. Về lý thuyết, tốc độ tiêu hủy nhanh hơn tốc độ sản xuất rất nhiều. Như vậy, nếu Nga sử dụng tuyến đường trên (có một đoạn dài dùng đường ô tô) thì phải vận tải hàng từ Mariupol đến Melitopol, rồi từ đó chuyển hàng hóa xuống Crimea qua ngả cầu Chongar, rồi gần như chắc chắn hàng hóa lại được tập kết ở Dzhankoi. Vì vậy có quá nhiều điểm yếu trên tuyến đường này để tập kích.

Điều thú vị là trước đây khi cây cầu Kerch còn có tác dụng cho vận tải quân sự, Dzhankoi là trung tâm hàng hóa hậu cần “bơm” từ Crimea lên cho chiến trường miền Nam của Nga, thì bây giờ tình thế lại ngược lại.

Tình thế của hạm đội Biển Đen càng ngày càng trở nên khó khăn, thậm chí nhiệm vụ vận tải còn khó thực hiện được – nhưng rõ ràng là chúng vẫn đang cố đưa hàng hóa qua eo biển Kerch, mà chỗ gần nhất là 5 ki-lô-mét ngay gần cửa ngõ Chushka đi vào biển Azov. Tiếc là các bến cảng hiện nay đã nằm trong tầm của ATACMS. Theo như bạn Tran Duy Long sau khi tổng kết:

- Nhử và phá hủy hết các hệ thống phòng không hiện có của Crimea, mới nhất là 1 hệ S400 và 2 hệ S300 vào đêm qua (bây giờ thì là đêm hôm kia)

- Phá hủy các tàu đổ bộ (5 trong số 7 chiếc tàu lớp Ropucha mà Nga có đã bị đánh chìm hoặc hư hại nặng), tàu vận tải và cả tàu đẩy xà lan... chặn đường tiếp tế trên biển.

- Phá hủy tuyến đường bộ/ đường sắt và các kho trên bộ dọc Donbas đến Kherson bằng HIMARS

- Phá hủy kết cấu cầu Kerch bằng bom và USV đến mức tàu hỏa không thể đi qua, xe trọng tải lớn cũng bị cấm => chỉ còn để đường cho dân chạy về Nga sau khi bỏ lại hết của cải.

Vậy là, kết cục của bán đảo Crimea dưới sự chiếm đóng của Nga đã quá rõ, và bộ chỉ huy nước này không thể làm gì được để cứu vãn tình hình. Y như ở hữu ngạn Kherson cuối năm kia – cái mà chúng ta đang thấy là “càng nỗ lực thì càng bị đánh mạnh, đánh đau.” Hiện nay tất cả các nguồn thông tin từ phía Nga đã bị chặn, chúng ta không thể đoán được một tháng hay tháng rưỡi nữa quân Nga ở Crimea sẽ “má hóp đùi tóp, mặt xanh nanh vàng,” nhưng chắc chắn là đã đói rồi và sẽ đói tiếp, thì mốc thời gian chắc cũng chỉ tầm đó thôi.

Chúng ta sẽ thấy ông Syrskyi mở một chiến dịch như ở Kharkiv dạo nào, nhưng sẽ ở phía Kherson và Melitopol. Tôi vẫn thích nghe thấy “chuỗi” địa danh này hiện lên trên các bản tin chiến sự: Orikhiv, Robotyne, Verbove, Tokmak.

6. Phần cuối

Như vậy, tôi đã trình bày với quý vị rằng, việc phòng thủ đến cùng của người Ukraine là… có giới hạn về thời gian, do vậy cũng sẽ có lúc nó kết thúc. Thực chất đến nay, cuộc chiến đã là cuộc đua tranh về ý chí xem ai sẵn sàng chịu đựng nhiều hơn trong thời gian dài hơn.

Lịch sử đã chứng minh trong cuộc đấu này, lợi thế luôn thuộc về bên bị xâm lược. Từng con người của đất nước bị xâm lược sẽ phải chịu đựng rất nhiều trước khi họ chấp nhận một phần quê hương của họ buộc phải quy hàng trước một thế lực ngoại bang – đây là điều sẽ không thể diễn ra ở tình thế hiện tại của cuộc chiến. Nói đơn giản hơn, nếu đổi đất lấy hòa bình, thì người Ukraine đã làm như thế từ lâu rồi, không phải đến bây giờ.

Như vậy, với người Ukraine dễ dàng hơn nhiều khi xác định mục tiêu, cứ cố gắng và nỗ lực mãi thì cũng sẽ đến hồi kết của cuộc chiến. Trong khi đó về phía Nga, cuộc chiến của chúng không thể mang lại kết quả quyết định. Dù bộ máy tuyên truyền của chúng có lu loa đến mấy. Nga phải đẩy cuộc chiến đến hồi kết, và chúng đang giả vờ rằng chúng có thể “đóng băng cuộc chiến” và mong đợi rằng bằng cách nào đó mọi chuyện sẽ bắt đầu có kết quả với chúng. Đó là cách mà bộ máy truyền thông “Goebels của thế kỷ 21” đang bịa ra, gieo hy vọng vào đầu mọi người rằng chúng có thể duy trì cuộc chiến đến dài vô tận.

Thật kỳ lạ khi bộ máy đó muốn người ta nghĩ rằng Nga sẽ sẵn sàng chịu đựng lâu hơn chỉ để mở rộng đế chế, hơn là Ukraine sẽ sẵn sàng chịu đựng để bảo vệ quê hương. Đây là điều sai cơ bản. Nga không thể kéo dài cuộc chiến, Nga không thể duy trì nỗ lực chiến tranh hiện tại của mình mãi mãi vì cái giá mà Nga phải trả là rất lớn, cả về sinh mạng và tài sản. Đến một lúc nào đó – và thời điểm đó là hiện, khi cuộc chiến đã kéo dài được hơn 2 năm, Nga cần phải tìm ra cách nào đó để buộc Ukraine phải chấp nhận các điều khoản và ngồi vào đàm phán để có được hòa bình.

Đến đây thì chúng ta đã nhận thấy, thất bại của Nga đã quá rõ ràng. Mặc dù chúng có thể vẫn nói ra những yêu cầu, nhưng rồi sẽ loại bỏ những yêu cầu đó: phi quân sự hóa, phi phát-xít hóa, hạn chế lực lượng vũ trang, đuổi cổ nội cách Zelenskyy đi… Và cuối cùng chỉ còn lại yêu cầu về lãnh thổ.

Nhưng câu trả lời của người Ukraine là KHÔNG! Và bây giờ thì câu trả lời của phương Tây cũng là KHÔNG.

Không ai nghĩ ra được ánh sáng cuối đường hầm ở đâu cho Putox.

PHÚC LAI 11.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.