lundi 10 juin 2024

Lê Quý Hiền - Hữu xạ tự nhiên hương

 

Tôi không hiểu về Phật giáo, và chắc chắn đại đa số bà con ta không phải ai cũng thuộc Kinh Phật, hiểu mọi giáo phái trong tu hành, càng không quen biết ngàì Thích Minh Tuệ. Nhưng tại sao ngài được Dân kính trọng và ngưỡng mộ đến vậy giữa hàng ngàn vị sư hiện nay. Phải chăng :

1/ Ở góc độ con người, dân chúng học được ở Ngài sự khiêm cung, bền bỉ, khả năng khác thường (đi bộ, ngủ ngồi, đầu trần chân đất suốt 6 năm nay) và kiên trì, chính tâm với mục đích của mình.

Ngưỡng mộ thì muốn chiêm ngưỡng thôi, như ai yêu sân khấu thì đi xem kịch, yêu văn thơ thì tìm sách đọc, thích bóng đá thì đến sân vận động.. Nể phục diễn viên, cầu thủ, tác giả nào đó thì thấy tác phẩm hay  người đó ở đâu sẽ tìm đến băng được, kể cả chỉ muốn chụp ảnh xin chữ ký làm kỷ niệm, không hẳn là hiếu kỳ.

 2/ Ở góc độ Phật tử thì Ngài chả rao giảng, thuyết pháp nhưng làm người ta tỉnh ngộ khi so sánh với nhiều sư đi xế hộp, dùng điện thoại và đồng hồ đắt tiền ; và sự giàu có này không phải từ lao động mà do phật tử đóng góp bằng nhiều hình thức (nói nôm na là Phật tử nuôi sư. Xưa, sư được triều cấp đất, ruộng, tự lao động để sống, phật tử đóng góp bằng nhiều hình thức để nuôi sư và tu bổ, duy trì hoạt động của chùa). Ngài chả phải "kính chiếu yêu" như có người nói vì Ngài chả chiếu ai cả. Dân tự tìm thấy "kính" ở trong ngài bằng sự Giác ngộ và Thức tỉnh thôi.

3/ Ở góc độ đạo đức, ngài chỉ khất thực nước, đồ chay đủ ăn một bữa và không xin tiền. Chứ không đem mê tín dị đoan đem chuyện kiếp trước kiếp sau dọa phật tử những là oan gia trái chủ, tiền duyên, nạn kiếp để lừa dân phải Cúng dường như hối lộ thần linh và nhiều vị manh sư tự coi mình đóng vai trò môi giới.

Nhân đây,  khi công cuộc đốt lò không có vùng cấm, thiết nghĩ các sư cũng cần phải công khai thu nhập, nguồn gốc tài sản. Sư nào trên đất Việt  trước hết cũng là công dân Việt, bịp bợm kiểu ảo thuật ngọn cỏ ngọ nguậy thành tóc Phật để lừa đảo kiếm tiền phải xộ khám. Sư thuyết giảng bậy bạ thì ra Tòa chứ không phải chỉ bị Giáo hội kỷ luật, sám hối là xong !

4/ Ở góc độ danh tính, ngài tự tu thì vẫn là Sư. Cũng như ai đó làm thơ, viết văn hay, được công chúng thích và khen ngợi nhưng không phải hội viên Hội Nhà văn thì dư luận vẫn gọi là nhà văn nhà thơ, và Hội Nhà văn cũng đâu có ra thông báo người đó không phải nhà văn ! Lạ nhất là ngài nói ngài đang tự học mà có ông sư khác cứ nói chuyện ngài chưa đắc đạo, khác gì Sở Y tế bảo cháu sinh viên đang học trường Y không phải là bác sĩ.

Ngài là chân tu, đang sống, theo đúng giáo lý nhà Phật, Phật ở trong tâm thì dư luận gọi ngài là phật sống chứ Nhà nước có ra quyết định đóng dấu đỏ phong tặng danh hiệu này đâu mà sao có mấy người cứ gào lên phản đối dư luận gọi như thế. Xưa Trần Đăng Khoa 7-8 tuổi làm thơ không phải hội viên hội nhà văn, cũng chả định làm thơ để nổi tiếng nhưng dân thích, dân yêu, gọi anh là “Thần đồng” cũng có sao ! Rồi bao cụ sống đức hạnh, phúc hậu cũng được hàng xóm, con cháu gọi là "lão Phật gia" đấy thôi !

5/ Ở góc độ đất nước thì dù ngài chỉ luyện tu một mình, song cũng có giá trị quảng bá đất nước ra toàn cõi về niềm tự hào của đất nước có một công dân như thầy Thích Minh Tuệ.

6/ Ở góc  độ gọi tên thì các nhà hoạt động chính trị, văn học… đều được gọi theo tên họ chọn hiện tại như Trường Chinh, Chế Lan Viên, Tú Mỡ chứ đâu phải kèm theo tên khai sinh. Các nhà sư cũng được gọi theo tên như Thích A, Thích B mà sao ngài là Thích Tuệ Minh trên truyền thông cứ phải kèm theo tên khai sinh là Lê Anh Tú.

7/-Ở góc độ xã hội và lòng kính Phật thì thật đau lòng khi dư luận có khái niệm “xàm tu”, “ma tăng”, “thợ tu” thậm chí là "sư mậu dịch" với hàm ý buôn thần bán thánh trước những hiện tượng không đẹp của một số sư. Và sự xuất hiện của Sư Thích Minh Tuệ đã phần nào đem lại niền tin vào Phật giáo.

LÊ QUÝ HIỀN 10.06.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.