jeudi 23 mai 2024

Phó Đức An - Sơn bất tại cao, thủy bất tại thâm

Núi không cần cao, có tiên nên danh

Nước không cần sâu, có rồng nên thiêng

Minh Tuệ tiên sinh có thể xứng đáng là nhân vật trong năm 2024 của Việt Nam mà không một người nào sánh bằng. (Gọi tiên sinh cho thích hợp bởi gọi kiểu gì cũng thấy chưa chuẩn xác). Chấp hết các tài tử giai nhân hay các nhân vật chính trị sừng sỏ. Còn các sư mậu dịch thì càng không đáng nhắc đến.

Minh Tuệ trên răng dưới súng (không đạn - tiệt dục vọng), một thân vải vụn, một đôi chân sắt thép, một nụ cười ngây ngô như trẻ dại, một câu “con” khiêm nhường đến mức dã thú cũng bị khuất phục. Tiên sinh còn gì trên người để cạnh tranh với đời? Tiên sinh chỉ là một hạt bụi trần gian muốn trải nghiệm tu hành khắc khổ. Chính vậy, bất kể khen chê vùi dập cũng là thừa.

Tiên sinh qua mấy năm dãi dầu, tinh thần đã luyện nên “kim thân bất toại”, mặc cho mưa nắng giông tố của trời hay của đời cũng chẳng hề mẩy may khiến tiên sinh chùn bước. Chắc chắn tiên sinh vẫn còn trên con đường tu hành và thử thách, chưa thể mở miệng hùng biện hoặc thuyết pháp như một số vị ăn no ngồi mát học thuộc lòng, luyện tập có mục đích. Nhưng chỉ cần tiên sinh đi, cười, màn trời chiếu đất và không chấp nhận mọi vật chất tiền bạc cũng đủ để nói lên đạo đức của kẻ tu hành khớp với giá trị mà Phật Thích ca mâu ni đề ra.

Tiên sinh đi đâu, đoàn người theo đến đấy. Tại sao vậy? Loại ra những tay làm YouTube hay TikTok thì bà con một phần là hiếu kỳ, một phần là thương xót, và phần lớn là cảm phục và tôn thờ. Họ tôn thờ đến mức thần thánh hóa và sụp lạy tiên sinh. Thực ra một con người “Nang không như tẩy”, thì sụp lạy hay khấn tụng với tiên sinh thì đều vô tích sự. Họ làm gì là quyền của họ, tiên sinh vẫn bình tâm như vại, không hề động lòng.

“Nang không như tẩy” là gì? Nang là túi, hay tay nải. Câu này ý nói không một xu dính túi, như giặt qua vậy. Hình dung cực kỳ nghèo khổ. Nghèo thì hèn và thèm khát tiền tài danh vọng. Nhưng tiên sinh lại ngược lại, chẳng màng chi những thứ đó, coi đó là vật ở ngoài thân, chết cũng chẳng đem được đi. Tu mà như một thây chết thì quả thực đã đạt được mức siêu phàm.

Một vấn đề khác được đặt ra. Tu có cần phải mang danh tu sĩ không? Có cần vào chùa để tu không? Chúng ta đều có thể trả lời rằng không cần. Mọi người đều không cần thông qua phê duyệt hay có một danh gọi mới tu hành được. Trong lòng mỗi chúng ta đều có một ngôi chùa, dưới gốc cây, trên bãi cỏ, trong hang núi, bên bờ sông hoặc ngay rìa đường, đều có thể là chùa. Chỉ cần chúng ta chắp tay niệm Phật, tâm hồn thư thái, hướng thiện, thì một ngôi chùa tại tâm tức khắc hình thành.

Lão tin rằng tiên sinh lên núi ngồi trên tảng đá, hay xuống biển ngồi trên cát thì đoàn người vẫn theo tiên sinh đến đó. Đấy chính là:

Núi không cần cao, có tiên nên danh

Nước không cần sâu, có rồng nên thiêng

Tiên sinh chính là tiên, là rồng. Đến nơi nào thì nơi ấy khí thiêng bao trùm và sẽ hấp dẫn và lôi cuốn. Chùa to nhưng thiếu một chân nhân thì ngôi chùa đó cũng trống rỗng, có đến đây tu cũng chẳng thành chính quả.

Con người khi đã giác ngộ thì thích giản dị. Một người quân tử việc họ quan tâm là không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức của bản thân. Về hưởng thụ vật chất, chỉ cần duy trì được mức sống cơ bản về cơm áo gạo tiền là đủ. Một người sở hữu được tầm cao của phẩm chất đạo đức, mặc dù họ sống trong điều kiện giản đơn đều làm người khác kính trọng. Bậc đại đức khiêm tốn lễ phép, đức rộng tài cao, lấy lòng từ bi đối đãi chúng sinh, không cần biết họ có tiền tài vật chất như thế nào, đều được người dân yêu mến.

Còn một lũ tham quan trọc phú sống trong dinh thự đồ sộ, lấy sự giàu sang của mình làm thú vui, thú tiêu khiển, thú phân cấp rõ rệt với người dân bình thường thì chẳng qua như chiếc cây cao to nhưng bên trong đã sâu mọt gặm nhấm rỗng ruột, cuối cùng rồi chỉ sập đổ mà chẳng giúp ích gì với đời.

Lão rất tâm đắc với bài thơ “Lậu thất minh 陋室銘”của Lưu Vũ Tích đời Đường ( Lý giải về căn nhà quê mùa ):

Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;

Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.

Dịch:

Núi không cần cao, có tiên nên danh

Nước không cần sâu, có rồng nên thiêng

Hai câu này viết với một nội tâm bác ái và trí tuệ. Núi cao hùng vĩ không cần phải cúi đầu giải thích độ cao của mình. Tất cả hoàn cảnh bên ngoài không làm ảnh hưởng sự uy nghi chọc thủng mây ngàn của nó. Biển rộng thâm thúy không cần phải nhoi mình để giải thích độ sâu của mình, và cũng không hề ảnh hưởng bụng dạ chứa chấp ngàn vạn sông ngòi của nó. Đất bao la trải rộng không cần phải cất lời giải thích độ dầy của mình, nhưng không kẻ nào có thể thay thế được sứ mệnh mang theo trên mình vạn vật của nó.

Gia Cát Lượng, Tư Mã Thiên, Đỗ Phủ...vẫn chỉ thích một đời đạm bạc dưới mái nhà tranh thơm lừng mùi trà thơm, sách mực. Họ coi thường công danh, xem tiền bạc như rác rưởi, nhưng sự giàu có trong trí tuệ thì ít người sánh bằng. Họ lâm nguy bất khuất, kiên thủ tiết độ, vinh nhục thong dong, phong độ đàng hoàng, đường đường chính chính là bậc đại phu quân tử. Thử hỏi bọn trọc phú tham quan có được bộ mặt như vậy không?

Một con người, nếu bất kể lúc nào cũng chiểu theo lời răn bảo của các bậc Thánh hiền để khép mình vào hành vi của người tử tế thì đã đủ toát lên phẩm chất đạo đức của chính mình. Không cần phải đánh bóng mình với của cải vật chất, với sự hào nhoáng bên ngoài. Bất kể anh làm nghề nghiệp gì, bình thường hay cao sang, nhà cửa có sơ sài, đơn giản, chỉ cần anh có một con tim cao thượng, đấy chính là sự tỏa sáng để diễn dịch ý nghĩa chân thực của đời, đồng thời sẽ là một con người có một cuộc sống hạnh phúc. Sau đây là toàn bộ bài thơ kể trên do PP dịch lại:

Núi không cần cao, có tiên nên danh

Nước không cần sâu, có rồng nên thiêng

Nhà ta tuy nghèo, đức ta thơm ngát

Ngấn rêu leo thềm biếc, sắc cỏ chiếu rèm xanh

Cười nói có đại nho, qua lại không tục khách

Gẩy đàn mộc, luận kinh thi

Không tơ trúc phiền tai, chẳng hồ sơ nhọc xác

Nam Dương lều Gia Cát, Tây Thục Tử Vân đình

Khổng Tử nói: “Quê mùa chốn nao?”

Bài thơ này tuy không khắc họa một người tu hành khắc khổ như Minh Tuệ tiên sinh nhưng về tinh thần cũng hao hao giống phong cách tiên sinh. Xin thổi vào không gian bài thơ này để đất trời buông xuống làm màn cho tiên sinh đêm nay. Thân tặng tiên sinh trên con đường hành khất khổ hạnh đầy gian nan thử thách này và chúc toại nguyện.

PHÓ ĐỨC AN 23.05.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.