Tôi định không viết gì nữa về sư Minh Tuệ, vì một phần thấy mọi người nói quá đủ, một phần không muốn để một số người tâm địa hẹp hòi cho rằng những ai đang viết chỉ là để ăn theo hiện tượng này (cho dù chính họ vẫn luôn theo dõi và vẫn nói ít nhiều về sư).
Nhưng nay, tình cơ đọc bài viết về sư của GS Ngô Bảo Châu. Một bài ngắn nhưng tư duy, lập luận sắc sảo, và những hình ảnh so sánh đưa ra rất hay, độc đáo. Song, tôi ấn tượng nhất ở những dòng văn :
“Từ khi biết đến sư Minh Tuệ, mình có thêm niềm vui là nghe những lời nói ngây ngô đáng yêu của sư. Nghe Minh Tuệ nói, xem sư đi lại mình cảm thấy tinh thần mình yên ổn, những điều ngây ngô sư nói làm mình cảm thấy yêu mến, kính trọng sư.”
Vì, dường như những lời này không chỉ là của riêng GS Châu, mà nó như là của chung trong tâm lý đối với tất cả những ai quan tâm đến sư Minh Tuệ. Và tôi tự hỏi tại sao? Phải chăng ở sư Minh Tuệ luôn phát ra một “tầng số thiện lành”, hay tỏa ra một loại “năng lượng thanh tịnh” nào đó ? (*)
Sức hút của sư Minh Tuệ khác hẳn với những nhân vật khác, đặc biệt là sư được sự quan tâm, đồng cảm của giới nhân sĩ, trí thức rất nhiều, như GS Châu là một điển hình.
Có thể nói sự xuất hiện của sư đã trở thành một hiện tượng được chú ý đến độ người ta còn không muốn nghe ngóng xem những thay đổi đang nóng sốt trên chính trường, còn giới showbiz thì càng ảm đạm hơn. Câu chuyện về ông cũng lần lượt được mổ xẻ, phân loại, rằng “hiện tượng xã hội”, hay “hiện tượng tôn giáo”, “hiện tượng tâm linh”.
Dù là hiện tượng gì thì xã hội Việt Nam một lần nữa phân lưỡng cực như bao hiện tượng nổi lên trước đó. Suốt một thời, ông Donald Trump đã khiến bao người Việt lao vào cãi nhau, không khác gì mình là những cử tri nước Mỹ. Rồi đến hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, không chỉ chia phe cãi nhau trên mạng, mà ngay chính trong gia đình cũng trở nên bất đồng, bất hòa giữa các thành viên.
Lần này, hiện tượng Minh Tuệ có vẻ ôn hòa hơn, vì cực ngả về ông chiếm đại đa số, lấn át phía còn lại. Có lẽ nhờ chính cái năng lượng thanh tịnh của ông đã cảm hóa chăng?
Nhưng sức hút này ngoài từ nội tâm, năng lượng của ông, thì còn là sự cộng hưởng của xã hội, mà ẩn sâu trong đó có nhiều nguyên do.
Như chúng ta đã thấy, sư như một tấm kính chiếu yêu, làm lộ rõ chân tướng của các ma tăng, xàm tăng. Nhưng đó chỉ là bề nổi, khi hai hình ảnh tương phản, trái ngược giữa chánh - tà, chân - nguy, thiện - ác…quá rõ nét. Do đó các ma tăng, xàm tăng, trước hết, dễ bị làm dê tế thần.
Điều ẩn sâu hơn, đó là chính xã hội chúng ta đang bị suy yếu, khiếm khuyết, hẫng hụt nhiều giá trị, nhất là phạm trù đạo đức. Vì thế hình ảnh một ông sư đầu trần chân đất, không tài sản; sống thanh tịnh, buông xả, đoạn diệt tham sân si, luôn an lạc hạnh phúc đã khiến cho mỗi người như nhặt được cái mà đang tìm kiếm và đã lâu rồi không tìm thấy. Nó quá xa lạ, xa xỉ !
Rõ ràng, hình ảnh sư Minh Tuệ đã vượt ra khỏi những điều đẹp đẽ bên trong giới hạnh của ông, nó như một thứ ánh sáng luân lý chiếu rọi, đánh thức thiện căn ở mỗi chúng ta.
NGUYỄN THANH HUY Nha Trang, 23/05/2024
Vĩ thanh: Viết về sư Minh Tuệ chỉ tại thời điểm này. Còn bước đường tu phía trước, sư có đến được đích hay không, không ai biết trước.
Ghi chú: (*) “tầng số thiện lành” & “năng lượng thanh tịnh”: chữ dùng của tác giả.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.