dimanche 5 mai 2024

Nguyễn Tuấn Khoa - Nắng, mưa và hạn mặn


Hồi những năm 80 người ta thấy có nhiều nhóm tập trung trên cầu Chà Và (quận 5) để cá độ đoán mưa, đoán nắng. Trò cá độ này thu hút vì ăn thua, chung độ nhanh như một ván bài cào. Khi có đám mây đen kéo tới, họ cá với nhau trong khoảng thời gian nào đó sẽ có hay không có mưa.

Nhiều năm sau, kinh tế Việt Nam xuất hiện mô hình Ba Lợi Ích nên nhiều xí nghiệp sản xuất bắt đầu hình thành. Không xa cầu Chà Và có xí nghiệp Cầu Tre sản xuất hải sản đông lạnh. Xí nghiệp này cũng đồng thời cung cấp cho thị trường cá độ cầu Chà Và nhiều "nhân tài"!

Chuyện là vầy.

Hồi đó xí nghiệp không có máy sấy nên để làm khô hải sản chỉ có cách phơi nắng. Phơi nắng mùa mưa rất rủi ro vì phải đoán trước khi mưa đổ xuống để báo động mà mang hàng trăm khay hải sản đang phơi đem cất. Rồi khi tạnh mưa phải đoán mưa không quay để đem hải sản ra phơi tiếp. Chuyện này đâu có dễ đối với thời tiết miền Nam.

Thời tiết miền Nam khác với thời tiết miền Bắc và miền Trung. Miền Nam chợt nắng rồi chợt mưa trong khi miền Bắc và miền Trung thì mưa dầm ngày nay sang ngày khác. Có người ví von thời tiết với tính cách phụ nữ của ba miền thật thú vị. Phụ nữ miền Nam dễ giận nhưng dễ làm lành. Như vậy sẽ thấy dễ thương hơn phụ nữ hai miền kia, tôi cũng thấy vậy. Tuy nhiên đối với công việc đoán mưa nắng ở xí nghiệp Cầu Tre thì ngược lại.

Ở Cầu Tre người ta dựng tháp thật cao cho một người giỏi đoán mưa, đoán nắng lên đó ngồi. Anh này có hai cái cờ: đỏ và trắng. Khi phất cờ đỏ là cả đám công nhân bên dưới phải lo dọn dẹp hải sản vào ngay trước khi mưa đổ ập xuống. Cờ trắng là đính chính báo động trước đó. Nếu đoán đúng không ai khen, nếu đoán sai thì bị cả đám nó chửi.

Mấy anh này than thở rằng nhiều khi mắc tiểu cũng không dám rời tháp canh vì sợ trong lúc hành sự thì trời đổ mưa, không thể đổ lỗi cho ông Trời được. May mắn là mấy anh này đoán đúng nhiều hơn đoán sai. Nhờ vậy mới được dân cá độ ở cầu Chà Và mời ra hợp tác. Mấy anh Cầu Tre không phải bỏ tiền chỉ làm cố vấn cho một nhóm nào đó. Nếu thắng được thưởng, nếu thua thì không mất gì, chờ làm keo khác. Nhờ vậy mà chơi cá độ "ngon" hơn làm cho Cầu Tre.

Hồi đó đi ngang cầu Chà Và tôi hay hiếu kỳ ghé coi và thán phục họ. Tôi không có nghề đoán mưa-nắng, nhưng tôi có nghề đoán mức độ xâm nhập mặn từ Biển Đông vào Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tôi thường xuyên đoán đúng và dự đoán từ rất sớm.

Năm ngoái đầu tháng 12/2023, là cuối mùa mưa, anh Long Pham và tôi đã lo ngại cho dân miền Tây phải chịu một cơn hạn mặn khốc liệt trong mùa khô 2024. Trên Facebook của Tuyen NV trong bài Tuyển share về Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 22/12/2023, lúc đó vẫn còn mưa dày ở Lào-Thái-Miên trên sông Mêkông, tôi có comment như sau:

"... Tôi càng stress hơn khi hai tháng nay tôi theo dõi mực nước sông Mêkông ở hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (trên sông Hậu). Tháng 11 và tháng 12, cuối mùa mưa, mực nước xuống liên tục, xuống dưới mức zero (mực nước biển). Một dự báo tệ hại cho Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô 2024".

Để dự báo về hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tôi thường dựa vào số liệu của Ủy Ban Sông Mekong (MRC) tại các trạm Tân Châu và Châu Đốc. Tôi cũng dựa vào số liệu tích nước của Biển Hồ (Tonle Sap) ở Tây Bắc Nam Vang vào mùa mưa.

Không có hay ít nước vào mùa mưa ở Biển Hồ (do Tàu giữ nước ở đầu nguồn) thì sẽ không có hay rất ít nước đưa về Việt Nam vào mùa khô và như thế xâm nhập mặn từ Biển Đông tất sẽ xảy ra, như hiện nay. Năm 2016, 2020 và 2024 số liệu này đều gây sốc cho tôi từ rất sớm, thậm chí khi mưa chưa dứt tôi đã cảm thấy hạn và mặn rồi.

Chuyện mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long còn liên quan đến các yếu tố khác như lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mêkông, mà mấy năm vừa rồi khá thất thường. Một yếu tố khác cũng quan trọng là lưu lượng của dòng chính sông Mêkông. Yếu tố này hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình vận hành các đập lớn trên dòng chính, mà chủ yếu là 9 đập lớn ở Vân Nam mà họ không bao giờ chia sẻ cho các quốc gia ở hạ lưu. Do đó cả hai yếu tố này khó mà đoán được.

Từ bây giờ vấn đề hạn và mặn càng ngày càng tệ đi. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thật sự suy tàn kể từ khi kênh Phù Nam ở Campuchia đi vào hoạt động. Mấy tháng nay dân vùng biển Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu... hàng ngày sắp hàng để nhận những can nước ngọt nghĩa tình chở từ Sài Gòn xuống. Thấy họ khóc tức tưởi khi nhận nước, tôi thấy những dự báo sớm của tôi chẳng có ích gì.

NGUYỄN TUẤN KHOA 05.05.2024

Ảnh:  "Paysage bord de mer", sơn dầu của Nicolas de Stael

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.