dimanche 5 mai 2024

Nguyễn Văn Tuấn - AZ vaccine, đông máu, và xét nghiệm D-dimer


Anh bạn hỏi tôi: "Ông đã chích 2 mũi AZ vaccine (chống Covid), sao không đi làm xét nghiệm D-dimer?"

Tôi giật mình hỏi tại sao, thì mới biết rằng có tin đồn trên mạng về mối liên quan giữa AZ vaccine với chứng đông máu (thrombosis), và xét nghiệm D-dimer sẽ cho biết tôi bị thrombosis hay không. Nhưng tôi chọn không đi làm xét nghiệm D-dimer.

Thật ra, cái thông tin về mối liên quan giữa AZ vaccine (Vaxzevria) và chứng đông máu không phải là mới. Năm ngoái, y văn đã đề cập đến mối liên quan này. Theo thông tin từ Cục quản lý dược phẩm của Úc, cứ 100.000 người chích Vaxzevria thì có 2-3 người bị chứng đông máu [1]. Thường, chứng đông máu phát sanh trong 4-42 ngày sau khi chích. Đó là sự thật.

Có một thực tế khác mà ít người chú ý. Xác suất mà một người nhiễm SARS-Cov-2 (chưa tiêm vaccine) mắc chứng đông máu cao gấp 10 lần so với xác suất đông máu ở những người tiêm AZ vaccine [2].

Nói cách khác, nguy cơ đông máu rất hiếm và nó xảy ra trong vòng 1,5 tháng sau khi chích, và nó liên quan đến Covid-19 hơn là liên quan đến vaccine. Từ hai năm qua, tôi không có chích Vaxzevria nữa, nên tôi không nghĩ mình nằm trong nhóm có nguy cơ. Mà, cho dù nằm trong nhóm đó, thì xác suất rất thấp.

Xét nghiệm D-dimer là một xét nghiệm từ máu với mục tiêu là phát hiện chứng đông máu. Cơ chế của xét nghiệm D-dimer là đo lường nồng độ protein có tên là D-dimer trong cơ thể. D-dimer là protein có chức năng làm tan cục đông máu. Một kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là nồng độ D-dimer cao hơn bình thường.

Một kết quả dương tính không có nghĩa là cá nhân đó bị chứng đông máu, bởi vì không có một xét nghiệm y khoa nào là chính xác tuyệt đối cả.

Theo nhiều nghiên cứu trước đây, xét nghiệm D-dimer có độ nhạy khá cao (~95 %), nhưng độ đặc hiệu thì thấp (có khi chỉ ~40 %) [3], tùy vào quần thể nghiên cứu. Nếu độ đặc hiệu là 40 %, thì điều này có nghĩa là cứ 100 người có kết quả dương tính thì 60 người không bị đông máu (tức dương tính giả).

Chúng ta hãy đặt câu hỏi thực tế: Nếu tôi (đã chích AZ vaccine) đi làm xét nghiệm D-dimer, và nếu kết quả là dương tính, thì xác suất tôi bị đông máu là bao nhiêu?

Với độ nhạy, độ đặc hiệu, và xác suất bị đông máu như trên (2 trên 100 ngàn người), câu trả lời cho câu hỏi trên, qua phương pháp của Linh mục Thomas Bayes, là 0,0032 % (32 trên 1 triệu người). Với xác suất thấp như vậy, tôi thấy không có lý do thuyết phục để đi làm xét nghiệm D-dimer.

NGUYỄN VĂN TUẤN 05.05.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.