samedi 12 août 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 12/08/2023

 

1. Quân Ukraine đã thử vượt sông

Bọn blogger quân sự Nga cách đây hai ngày viết rằng “có 7 chiếc thuyền, mỗi chiếc chở từ 6 đến 7 binh sĩ đã đổ bộ vào một ngôi làng phía đông thành phố Kherson, khiến lực lượng Nga bất ngờ” – tờ Daily Telegraph của Anh đọc hộ rồi cho chúng ta biết.

Cũng biết thêm rằng, Lực lượng đặc biệt Ukraine trong một cuộc đột kích táo bạo vào ban đêm qua sông Dnipro đã bắt hoặc tiêu diệt hàng chục lính Nga. Theo như bọn blogger quân sự Nga thì “quân Ukraine đã chọc thủng được hàng phòng thủ của Nga, giết hoặc bắt sống hàng chục người Nga.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW cho biết họ đã thấy bằng chứng cho thấy Ukraine thực sự đã gây thiệt hại cho lực lượng Nga.

“Phần lớn các blogger quân sự nổi tiếng của Nga tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đã sử dụng chiến thuật bất ngờ và đổ bộ lên bờ phía đông trước khi giao tranh với các lực lượng Nga bằng vũ khí nhẹ”- báo cáo viết. Cũng theo ISW, các lực lượng Ukraine dường như đã lợi dụng việc Nga luân chuyển quân chuyển bọn lính có kinh nghiệm được chuyển khỏi Kherson để tăng cường cho các phòng tuyến của Nga ở những nơi khác.

Bình loạn : Từ trước tôi vẫn có ý tưởng cho rằng khi duy trì áp lực tấn công tiêu hao ở Zaporizhia thì trước sau bộ chỉ huy Nga cũng phải rút bớt quân từ Kherson sang, tạo điều kiện thuận lợi cho đổ bộ. Trận đánh “nháp” này cho thấy việc vượt qua sông để tấn công là hoàn toàn khả thi, và vì có sông nên hệ thống phòng thủ của Nga ở đây mỏng và thưa hơn, đó là logic. Tuy nhiên vượt sông vẫn cần phải chờ Zaporizhia hút thêm quân Nga về thêm nữa.

2. Một vài câu hỏi về tình hình ở Kupyansk

Sau khi viết bài nhận xét hôm trước về Kupyansk, tôi nhận được một vài câu hỏi để làm rõ thêm. Và mặc dù tôi cũng chỉ ngồi từ xa như các bác nhưng cũng vẫn sẽ cố gắng để cùng tìm hiểu về tình hình – chắc hẳn không phải cái gì cũng đúng, xin các bác thông cảm.

- Thứ nhất, trên các bản tin về tình hình khu vực, chúng ta thường thấy có cụm khái niệm “trên hướng Kupyansk”. Nhưng thực chất thì mũi tấn công của Nga theo hướng Svatove – Borova cũng được tính vào đây, mặc dù về đường chim bay thì từ Borova cách Kupyansk 36 ki-lô-mét về phía nam.

- Thứ hai, huyện Kupyansk hay “Kupyanskiy raion” với huyện lỵ là thị trấn Kupyansk có diện tích 4.213 ki-lô-mét vuông và dân số 130.000 người trước chiến tranh. Riêng thị trấn có dân số 26.000 người và diện tích 33,3 ki-lô-mét vuông – nghĩa là còn nhỏ hơn Bakhmut. Trên bản đồ số 1 và theo những thông tin chúng ta đã biết, làng Lyman Pershyi đã bị quân Nga chiếm từ trước và hiện nay đang có những thông tin cho biết quân Nga đang nỗ lực chiếm làng Synkivka, nhưng các thông tin tiếp theo còn không rõ ràng là đã chiếm được hay chưa. Xin các bác xem tiếp bản đồ số 2a (Google Map) và 2b của một thằng blogger quân sự nào đó của Nga, nó viết là quân Nga mở hai mũi tấn công gọng kìm nhằm chiếm làng.

Cách đây 2 ngày, hôm thứ Năm một thằng blogger khác viết, tôi xin lấy nguyên về đây: “Cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên Mặt trận Kupyansk vẫn tiếp tục. Theo một số báo cáo, hiện đang có những trận chiến giành ngôi làng Sinkovka (Synkivka, PL). Các kênh Telegram của quân đội Ukraine theo dõi những thay đổi ở mặt trận không xác nhận việc các đơn vị quân đội Nga tiến vào khu định cư, nhưng họ báo cáo về một cuộc tấn công rất mạnh mẽ của Lực lượng vũ trang Nga từ Pervy Liman (Lyman Pershyi – PL) và Olshana (Vilshana), cũng như hoạt động mạnh mẽ của pháo binh và không quân Nga.

Người Ukraina cũng xác nhận tình hình khó khăn trong khu vực, gọi hướng Kupyansk là một trong những hướng khó khăn nhất và nóng nhất. Gần đây, Alexander Syrsky, chỉ huy Lực lượng Mặt đất của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã đến Kupyansk, (mà) ông này đã từng đến Bakhmut ngay trước khi đầu hàng. Các động thái như vậy cho thấy rõ ràng rằng khu vực này của mặt trận là mối quan tâm lớn đối với bộ chỉ huy quân sự Ukraine.

Nhân tiện, tại huyện Kupyansky, chính quyền Ukraina đã tuyên bố sơ tán bắt buộc để chuẩn bị cho cả thành phố và các vùng lân cận cho các trận chiến.”

Xin các bác quá bộ xem vị trí Vilshana, và theo báo cáo của Bộ tổng tham mưu Ukraine cách đây 2 ngày thì quân Nga còn tấn công vào làng Ivanivka :

• “Trục Kupyansk: lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân đội Nga ở phía bắc Synkivka và phía đông bắc Ivanivka, tỉnh Kharkiv. Hơn 10 khu định cư, bao gồm Figolivka, Zapadne, Petropavlivka, Podoli và Berestov ở Vùng Kharkiv, đã bị pháo và súng cối của đối phương bắn phá.”

Vì vậy, nếu nói là “tiến vào Kupyansk” như một số người hỏi tôi hôm qua, thì cần làm rõ, tiến vào ranh giới huyện Kupyansk hay là thị trấn – tức là vùng đô thị. Một điều nữa, là vẫn chưa có những thông tin thêm về những trận đánh vào lực lượng Nga vượt sông, nên mũi tấn công từ Vilshana vẫn còn mơ hồ và chưa xác minh được, vẽ trên bản đồ thì vẽ gì mà chẳng được.

Nhưng chúng ta cũng không nên “lạc quan tếu,” vì hôm kia tôi đã nhận xét rằng với tầm cỡ chuẩn bị cho chiến dịch như vậy của phía Nga là yếu – hôm nay tôi sẽ xin lưu ý một điểm khó khăn của quân Ukraine. Như trên đây tôi đã trình bày, chiến dịch này của Nga trên một tuyến khá dài, từ bắc xuống nam tới hơn 40 ki-lô-mét và từ mũi tấn công phía bắc (thị trấn Kupyansk) đến mũi tấn công phía nam – Borova cũng cách nhau đến 35 ki-lô-mét.

Đây là một điểm khá “hay” của Gerasimov: ở mặt trận phía Nam (tỉnh Zaporizhia) quân Ukraine tấn công những mũi cách xa nhau như thế nào thì ở đây quân Nga cũng tiến hành chiến dịch với cách tương tự. Điều này làm cho quân Ukraine trên dải đất mà trong bài hôm trước tôi viết là “dải đất dài và hẹp suốt từ trục Kupyansk-Vuzlovyi – Pershotravneve từ phía bắc xuống trục Lyman – Torske ở phía nam” bị kéo giãn. Và thực sự nếu quân Nga đủ khả năng về pháo binh và trinh sát hậu phương chiến trường, có các hình ảnh vệ tinh quân sự tốt… thì hoàn toàn có thể tập kích vào lực lượng Ukraine cơ động phía sau chiến tuyến được.

Theo tôi, phải chăng đó cũng là một lý do để Bộ chỉ huy Ukraine hạn chế việc đưa thêm quân vào khu vực và thậm chí, hạn chế cơ động các đơn vị lớn trên các quãng đường dài sau mặt trận để tránh tổn thất?

Ngày hôm nay thì vẫn xuất hiện trên một số kênh Telegram phía Ukraine cho thấy họ vẫn chủ yếu dùng pháo binh để ngăn chặn quân Nga trên “hướng Kupyansk.” Còn bản tin ngày 11/08 của Đại bản doanh lực lượng Vũ trang Ukraine thì viết:

• “Trục Kupyansk, kẻ thù đã tiến hành các cuộc tấn công không thành công ở vùng lân cận Nadiya và phía nam Novoselivske (tỉnh Luhansk).”

Nếu quân Nga có tấn công ở hướng bắc thì Bộ Tổng tham mưu và Đại bản doanh của họ đã báo cáo, như vậy cũng có căn cứ cho rằng bản đồ của Chuck Pfarrer mà tôi đánh số 3, không quá phóng đại. Theo bản đồ này trong ngày 10/08, quân Nga tấn công mạnh ở 2 làng trên đây tôi đã đề cập, và trên bản đồ tôi gạch đánh dấu ở dưới chúng bằng vạch hồng nhạt. Trên bản đồ này “đồng chí” Chuck Pfarrer thể hiện quân Nga “tấn công”, bị quân Ukraine phản kích rồi “rút chạy”. Đặc biệt là địa danh Lyman Pershyi thì vẽ như bị quân Ukraine chiếm lại rồi, khá thiếu tin cậy. Đây chính là điểm mà cái anh Chuck Pfarrer dễ bị cho là bốc đồng và hay phóng đại, nhưng công bằng mà nói là không nhiều.

Hôm qua tôi bình luận dưới bài của một bác nào đó: “Quân Nga tấn công đặc biệt mạnh trên truyền thông.”

3. Khi nghiên cứu lịch sử quân sự Nga, chúng ta hay gặp một lý lẽ nói rằng “quân đội Nga luôn bắt đầu các cuộc chiến của mình một cách tồi tệ nhưng sau đó, họ có khả năng cải thiện tình hình theo thời gian.” Thật vậy không?

Điều này hay được nói đến và dùng cả một chương lớn trong lịch sử nước Nga mà chính xác là giai đoạn Xô-viết của nó: Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thậm chí cả trước đó nữa, cuộc Chiến tranh Vệ quốc chống lại chiến dịch xâm lược của Napoleon. Cả hai cuộc chiến tranh này người Nga ban đầu đều thất bại và thể hiện cực kỳ kém cỏi, nhưng sau đó đều phục hồi lại được và chiến thắng. Thực tế đã không hẳn như vậy.

Câu trả lời đầu tiên là yếu tố địa lý. Nga là một quốc gia rộng lớn, và ngay cả khi hầu hết dân cư của họ tập trung sống ở các khu vực phía tây thì nước này vẫn có những lợi thế cực kỳ to lớn. Đường tấn công quá dài có thể làm kiệt sức bất cứ quân đội nào, đó là chưa nói đến quân đội Hitler phải trải dài trên một chiến tuyến từ vịnh Phần Lan đến Hắc Hải.

Ở thời hiện đại, ngay từ khi chưa có xung đột quân sự thì yếu tố địa lý cũng đã giúp họ rất nhiều. Nga có thể che giấu gần như tất cả mọi thứ, ngay cả với khả năng thu thập thông tin tình báo thời công nghệ hiện đại. Nước nào đó có thể chụp ảnh vệ tinh của toàn bộ nước Nga, nhưng đến thời điểm phân tích chúng mọi thứ có thể đã thay đổi. Do đó phần lớn các căn cứ tên lửa chiến lược xuyên lục địa (ICBM) của Nga gần như bất khả xâm phạm. Chỉ cần di chuyển chúng chạy vòng quanh Xibêri khiến cho các đối thủ gần như không thể có được bản đồ chính xác về vị trí thực sự của chúng.

Cũng từ yếu tố không gian đó, nó dẫn đến thuận lợi cho Nga về thời gian. Cả hai kẻ thù trong lịch sử đều chỉ chiến đấu với một phần của nước Nga. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội của Hitler tiến được nếu đo theo một đường thẳng từ biên giới phía tây của Liên Xô đến gần Mátxcơva, khoảng 850 đến dưới 900 ki-lô-mét và kiệt sức. Một khoảng cách tương tự sẽ nuốt chửng bất cứ nước nào, chẳng hạn nước Pháp đo từ đông sang tây chỗ rộng nhất cũng chỉ hơn 900 ki-lô-mét mà thôi.

Yếu tố địa lý xã hội cũng là một yếu tố giúp người Nga thắng được quân đội Đức: Hạ tầng giao thông kém phát triển cộng với các mùa bùn lầy và tuyết phủ dày, đều làm chậm bước tiến của quân xâm lược. Thời gian tranh thủ được của người Nga giúp họ chuyển nhiều nhà máy về phía đông, phục hồi sản xuất và xây dựng lại lực lượng.

Những điều này có đúng trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine của thế kỷ XXI không?

- Trong hai cuộc Chiến tranh Vệ quốc trước đây, nước Nga bị xâm lược và cả hai lực lượng quân xâm lược đều lao vào các điều kiện bất lợi về địa lý và lịch sử. Lần này người lao vào điều kiện bất lợi là Nga. Không ai bước vào con đường từ tây sang đông xuyên đất nước của họ cả, ngược lại chính họ lại phải vận chuyển nguồn lực từ cách hàng nghìn đến cả vạn ki-lô-mét, từ Viễn Đông đến biên giới phía Tây.

- Thời Chiến tranh Vệ quốc 1941 – 1945, người Nga nhận được sự giúp đỡ của nước ngoài, nhất là chương trình Lend-Lease của người Mỹ. Năm nay Lend-Lease được dành cho người Ukraine chống quân xâm lược Nga.

- Lịch sử đã chứng minh, Nga chỉ có thể thắng khi đè bẹp các đối thủ bé hơn rất nhiều, như người Chechnya và Georgia. Ngay khi chiến đấu với một số “bộ lạc” Afghanistan trong cuộc chiến 10 năm 1979 – 1989 họ cũng không thể phục hồi, mà chỉ có kiệt quệ đi mà thậm chí, kiệt quệ trên tầm cỡ… toàn quốc và dẫn đến sụp đổ cả “đế quốc đỏ.”

Cuộc chiến tranh lần này, người Nga châm ngòi cho nó trên cơ sở một kho vũ khí khổng lồ từ thời Xô-viết để lại và một nền công nghiệp quốc phòng bị tàn phá. Nên dù có cố gắng đến mấy, họ chỉ có thể phục hồi được một phần rất nhỏ mà so với thời Liên Xô thì chắc chắn chỉ là “cái tem dán trên mông con voi.”

Vì vậy những lý thuyết cho rằng Nga luôn luôn phục hồi được, thường là ngụy biện.

4. Một số nhận xét

• Hôm qua một số bác đã vội vàng đưa tin quân Ukraine chiếm được Robotyne, thì vừa mới đây – khoảng 11:30 giờ Hà Nội kênh Telegram “Pravda Gerashchenko” dẫn lại ISW: Quân đội Ukraine tiến vào Urozhayne, cũng như tới vùng ngoại ô Robotyne ở tỉnh Zaporozhie. Điều này được xác nhận bởi cảnh quay định vị địa lý. Theo các chuyên gia, các hoạt động phản công của Ukraine đang buộc quân chiếm đóng phải triển khai lại lực lượng của họ. Và có vẻ như Liên bang Nga hiện không có nguồn dự trữ đáng kể để có thể thu hút quân tiếp viện mà không gây nguy hiểm cho các khu vực khác của mặt trận.” (Bản đồ cuối cùng tôi không đánh số kèm theo).

Khi đó tôi cũng nói riêng với một số bạn Facebook rằng, thông tin là phải thận trọng. Đến hôm nay những tin tức “chiếm Robotyne” đã hơn 24 giờ, thậm chí gần 36 giờ và vẫn chưa có thêm tin tức về việc quân Ukraine chiếm làng này. Tuy nhiên với tương quan hai bên cũng như tình trạng của quân Nga hiện nay, tôi cũng cho rằng việc quân Ukraine chiếm được nó có khả năng rất lớn và chỉ trong một thời gian ngắn nữa – trong hôm nay hoặc ngày mai chẳng hạn.

Việc chiếm Robotyne đồng nghĩa với việc phòng tuyến phòng thủ thứ nhất của Nga đã bị chọc thủng, và quân Ukraine sẽ tiếp cận Tokmak. Nhưng từ đó trở đi, khi tiếp cận tuyến phòng thủ thứ hai sẽ khó khăn hơn nhiều vì hệ thống công sự của tuyến này được Nga bê-tông hóa được phần lớn. Các bãi mìn cũng sẽ dày đặc hơn và kéo dài hơn. Nhưng, những điều đó không có nghĩa là quân Nga không phải ăn.

Một trong những biến cố tôi dự đoán trong tháng Tám sẽ xảy ra ở chiến trường miền Nam, là tình trạng đói ăn của quân Nga. Bây giờ tôi sẽ xin giải thích. Nếu như tôi nhớ không nhầm thì ngày 27/08/2022 lần đầu tiên cầu Antonovsky bắc qua sông Dnipro bị bắn bằng HIMARS. Và từ đó đến thời điểm khoảng 11 – 12/11/2022 là lúc quân Nga phải rút khỏi vùng hữu ngạn Kherson, là khoảng 10 tuần, bỏ lại một hệ thống công sự, bãi mìn và “răng rồng” cự mã chống tăng khá cầu kỳ. Lực lượng quân Nga khi đó ở thành phố Kherson và bên hữu ngạn nói chung được đánh giá là có đến 50 nghìn quân. Khi đó lực lượng này được nuôi sống bằng hai cây cầu: Antonovsky và qua đập Nova Kakhovka.

Trong khi đó hiện tại quân Nga ở mặt trận phía nam đông hơn nhiều lần, người ta dự đoán là họ có khoảng 120.000 đến 150.000 ở cả ba tỉnh: Kherson, Zaporizhia và Donetsk; trong khi đó tất cả trông cậy chỉ dựa trên một cây cầu Chongar và một con đường qua Armiansk. Còn đường M-14 từ Rostov trên sông Đông qua Taganrog, qua Mariupol – Berdyansk thì điểm gần nhất chỗ thành phố Mariupol cách Vuhledar do quân Ukraine chiếm giữ, chỉ hơn 70 ki-lô-mét, nghĩa là trục đường đó trong tầm pháo của Ukraine. Đó là chưa nói đến việc, đây là khu vực quân du kích Ukraine hoạt động, năm ngoái đường sắt theo trục này đã bị phá sập mấy cây cầu.

Lần bắn cầu Chongar lần thứ nhất là ngày 22/06 – đúng ngày bùng nổ cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1941 của Liên Xô. Từ đó đến nay đã là ngoài một tháng rưỡi, đến cuối tháng này được hai tháng và về nguyên tắc, một khi đã là đông quân hơn, đường tiếp tế dài hơn và ít đường đi hơn, thì thời gian dẫn đến cái ĐÓI, phải ngắn hơn. Tất nhiên chúng ta cần phải tính đến sai số, tức là thời gian qua quân Nga dự trữ được nhiều kho tàng hậu cần trên khu vực sau mặt trận và quân Ukraine chưa tìm được hết để bắn phá. Tuy vậy tôi vẫn tin rằng thời gian trong tháng Tám này là hợp lý.

Những diễn biến ở Robotyne đã cho thấy những suy đoán trên đây có khả năng đúng rất cao: quân Nga càng ngày càng suy giảm sức chiến đấu. Do vậy, tiếp tục đến mục tiêu Tokmak nếu tôi là các tướng lĩnh Ukraine, tôi sẽ đẩy rất mạnh quá trình bắn phá hệ thống hậu cần của quân Nga sau chiến tuyến, để công sự bê-tông cũng không giúp gì được cho họ. Nếu trong tháng Tám này mà Tokmak nguy ngập (chỉ cần nguy ngập thôi, không cần thất thủ) thì tuyến phòng thủ của Nga sẽ lung lay rất mạnh. Tôi nghĩ rằng sự kiện Tokmak đi kèm với đổ bộ tấn công ở Kherson sẽ rất hợp lý.

Nhưng không được quên rằng thời điểm mùa bùn lầy (ratsputitsa) đang đến gần. Nếu tiến trình trên có sai số về thời gian (tức là tôi không đúng!) thì cũng là bình thường, nhưng đó lại không phải là thảm họa, thậm chí là thuận lợi. Mùa bùn lầy làm cho đường vận tải của quân Nga trở nên khó khăn kinh khủng, mà nếu đó là thời gian phía Ukraine họ có các vũ khí như ATACMS thì đúng là sự sụp đổ của quân Nga ở đây là cực kỳ nghiêm trọng và “vĩ đại.” Mùa bùn lầy ở miền nam Ukraine vào khoảng tháng Mười – tháng Mười một gì đó tôi không rõ lắm.

Trong trường hợp đó, để đẩy mạnh tiến trình người Ukraine sẽ có thể “xử lý” bán đảo Crimea trước bằng một cách nào đó.

PHÚC LAI 12.08.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.