Đầu nguồn rạch Nhiêu Lộc chảy ngang đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai, Tân Bình) vùng Ông Tạ.
Cuối thập niên 1950, một cây cầu bê tông bắc ngang đoạn rạch này, thay cho cầu gỗ làm từ thời Pháp trước đó. Lan can cầu cũng đúc bê tông, cùng kiểu như một số cây cầu bắc qua kinh rạch ở Gia Định thời đó. Xe cộ qua cầu cứ thẳng một lèo trên đường.
Đầu thập niên 2000, chỉnh trang rạch Nhiêu Lộc. Hai bên rạch làm đường Hoàng Sa, Trường Sa. Thay vì đúc lại cầu Ông Tạ, làm trụ đèn xanh đèn đỏ như cầu Lê Văn Sỹ để đi lại thông suốt như cũ thì nó bị phá bỏ. Người ta làm hai cây cầu mang số 2, 3 cách cầu Ông Tạ vài chục mét. Xe cộ qua lại đường Phạm Văn Hai phải đi vòng lên cầu số 2, 3.
Đi thêm vài chục mét cũng được. Nhưng một thời gian, xe cộ nhiều hơn. Nếu còn cây cầu cũ, cùng với hai đường Hoàng Sa, Trường Sa ven rạch, khu vực này có hai ngã tư hai bên cầu. Khi có cầu số 2, 3, hai bên có bốn ngã ba, cách nhau 50-70 m. Cái sự đi lại bắt đầu rối từ đây. Ban đầu không có đèn xanh đèn đỏ nên chỗ giao luồng xe qua cầu và đường Hoàng Sa, Trường Sa có lúc dính chùm. Tầm nhìn ở chỗ này.
Bù vô tầm nhìn “ất ơ” đó, cách đây vài năm, người ta gắn trụ đèn xanh đèn đỏ và điều chỉnh luồng xe. Theo đường Phạm Văn Hai, từ ngã ba Ông Tạ xuống, thay vì đi số 3 để đi tiếp đường Phạm Văn Hai thì coi như ngược chiều, cấm. Phải chạy tuốt xuống cầu số 4 cách đó khoảng 300 m, sang cầu và chạy ngược lại hơn 300 m nữa để đi tiếp đường Phạm Văn Hai. Chiều ngược lại cũng vậy với tổng số quãng đường đi thêm khoảng 600 m.
Trong khi đó, làn đi đúng chiều rất ít xe vì ít ai qua cầu để đi ngược lại phía bên kia.
Kết quả: Mỗi ngày, hàng chục ngàn lượt xe cộ vẫn đi như cũ. Thỉnh thoảng cảnh săt giao thông đứng bên kia mấy cây cầu để bắt xe qua cầu ngược chiều. Mấy năm nay, cả ngàn xe không may đã bị bắt. Tôi nói “không may” vì dân ở đây chỉ chạy ngược chiều trên cầu một chút là thấy mấy anh áo vàng “canh me” bên kia cầu rồi. Người “quay đầu lại là bờ” vừa quay xe vừa báo động cho xe sau. Rồi tất cả cùng quay xe, đành chạy thêm 600 m.
Mấy năm nay đều vậy, bắt hoài không hết. Tôi hoàn toàn không bênh vực chuyện chạy ngược chiều, nhưng quy định phân luồng này bất hợp lý với thực tế. Nó sai, nó kỳ. Nó vi phạm một nguyên tắc cơ bản trong giao thông trên toàn thế giới: từ điểm A đến điểm B cố gắng để số xe ít nhất trong cùng một thời điểm. Từ A đến B thêm 600 m, rõ ràng số xe nhiều hơn rồi.
Nó lạc lối như hồi 2004 làm hai cây cầu hai bên cầu cũ thay vì làm lại cầu mới rộng hơn, dài hơn và lắp đèn xanh đèn đỏ. Bao nhiêu xe ngược chiều mấy cây cầu này đã bị phạt trong bức xúc. Dân ở đây ai cũng thấy chuyện phân luồng “không ra làm sao” này. Cho tới 25-8-2023 vừa qua, tôi thấy nhiều anh em công nhân đã sơn, sửa, chỉnh lại luồng đi như cũ. Ngày 26-8-2023, Sở Giao thông - vận tải TP.HCM chính thức áp dụng. Haizzz…
Nó lạc lối ngay cả khi ban đầu làm lan can cầu bằng sắt tròn rỗng, chỉ vài năm sau, mưa nắng sét rỉ thủng nát. Năm năm sau, 2009, thay bằng sắt hộp rỗng ít năm cũng nát vụn. Hồi 2021 phải thay mới bằng loại thép hình như không rỉ. Mười bảy năm, ba lần thay lan can cầu.
Cầu Ông Tạ nhỏ, nếu xây lại ở vị trí cũ kinh phí cũng không lớn. Làm lại, tất nhiên rộng và dài hơn cây cầu cũ. Hai cầu cầu số 2, 3 vừa thấp, vừa vô duyên lại nổi tiếng "xấu đau xấu đớn" phá bỏ cũng được, hoặc để lại cũng được.
Nó lạc lối như mấy cây cầu Thủ Thiêm, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Lê Văn Sỹ… không rõ ông bà nào đề ra cái gọi là “thắp sáng nghệ thuật”, bỏ qua yêu cầu lớn nhất và cơ bản là ánh sáng trên cầu phải sáng đều và chiếu từ trên xuống để không lóa mắt tài xế. Cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông… có một loạt đèn bố trí “nghệ thuật” dưới hoặc ngang tầm mắt người chạy xe. Ai qua cũng lóa mắt. Cầu Thủ Thiêm bố trí trụ đèn “nghệ thuật” hoa sen nhưng ai qua cầu này đã rõ, ánh sáng “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, tranh tối tranh sáng… Đó là chưa kể chỉ ít lâu sau, những chiếc đèn Led trên cao cái sáng, cái tắt… Cầu đã tối lại càng tối hơn.
Chuyện lạc lối này có lẽ không chỉ ở mấy cây cầu mà ở nhiều nơi, nhiều lãnh vực, từ vĩ mô đến vĩ mô, từ quy hoạch đường sá “kẹt đâu mở đường đấy”, nhà cao tầng chen chúc cửa ngõ ra vô nội ô, bệnh nhân dồn hết về bệnh viện thành phố… đến giáo dục “không phải lạc hậu mà là lạc lối” như lời giáo sư Hoàng Tụy, vị thầy người khai sinh lý thuyết Tối ưu Toàn cục: “Giáo dục của ta không chỉ lạc hậu mà nguy hiểm hơn, nó đang đi lạc hướng, ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh”.
Ngay chuyện làm 200 km Metro nếu “đột phá” được là…đi vay thì mấy vị lãnh đạo kỳ vọng 12 năm xong. Cha mẹ ơi, nếu trời thương, may mắn “chỉ trong 12 năm” đã xong, dân số TP.HCM thêm hơn hai triệu người (hiện nay TP.HCM tăng trung bình trên dưới 180.000 người/năm)… Không rõ 200 km Metro ấy có giải quyết được gì không? Đó là chưa nói hệ thống kết nối đi lại của Metro với các con đường khác ra sao, bãi giữ xe quanh nó… nhất là thành phố dự tính làm những khu dân cư “nén” dọc Metro. Lại chen chúc?
Đó là nói nếu may mắn, trời thương vì thực tế nhiều công trình, dự án ở thành phố này có vẻ toàn xui rủi, trời hông thương. Như van ngăn triều 10.000 tỉ đó, hứa hẹn năm 2021 xong, tới giờ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Khu Thanh Đa treo 30 năm rồi đó, một nửa “60 năm cuộc đời”.
CÙ MAI CÔNG 27.08.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.