1. Điểm tin chiến sự
• Hôm qua quân Nga từ Belgorod tấn công vào làng Ternova của tỉnh Kharkiv, nhưng bị đẩy lùi.
• Ngoài ra, quân Nga còn tổ chức tấn công trên diện rộng: Stelmakhivka, Ploschanka, Chervonpopivka và Bilogorivka ở vùng Luhansk và Belogorivka, Berestov, Yakovlivka, Bakhmutske, Bakhmut, Opytne, Kurdyumivka, Mayorsk, Maryinka và Novomykhailivka ở vùng Donetsk.
Bình loạn : Làng này cách biên giới Nga-Ukraine khoảng già 2 ki-lô-mét. Với mức độ của cuộc tấn công này, chúng ta có thể coi đây hoặc là một đòn trinh sát chiến đấu - một hành động hơi kỳ lạ với một cuộc chiến tranh của thế kỷ 21 khi mà các phương tiện trinh sát hiện đại đã rất phát triển. Hoặc là, phát hiện ở đây có những hoạt động bất thường của quân Ukraine, chẳng hạn bố trí pháo binh để tấn công các mục tiêu bên tỉnh Belgorod của Nga...
Thậm chí, một tay chỉ huy nào đó của quân đội Nga muốn chứng minh rằng đơn vị của mình vẫn còn khả năng tấn công và muốn kiếm chác công trạng... Nó cũng giống như ở Bakhmut mà chúng ta sẽ nói nhiều trong đoạn dưới đây.
Cũng hôm qua, lâu lắm tui không đọc thấy tin Nga bắn phá các khu dân cư ở Chernihiv và Sumy, cũng phải đến 3 – 4 tháng rồi ấy.
Trên ISW họ nhận định cho rằng Nga tổ chức tấn công trên suốt toàn tuyến mặt trận vùng Kharkiv và Luhansk là để ngăn chặn khả năng quân Ukraine tấn công, lợi dụng thời tiết ở đây đã bắt đầu thuận lợi: đã bắt đầu có tuyết và đất đóng băng.
Nếu nhận định này là đúng thì có lẽ việc họ (người Nga) phải tấn công mặt đất vào lực lượng Ukraine bên đối diện, là một chuyện rất đáng bàn. Thông thường theo truyền thống quân đội Liên Xô và cả Nga sau này (như họ đã từng làm trong nội chiến miền đông Ukraine năm 2015) họ sẽ sử dụng đòn “phản chuẩn bị”, nghĩa là dùng hỏa lực pháo binh và máy bay cường kích, ném bom... đánh vào tất cả các vị trí của đối phương mà họ trinh sát được.
Một khi Nga đã không dùng pháo binh nữa, nghĩa là không đủ đạn để bắn theo phương pháp của họ gọi là “màn đạn di chuyển” và đồng thời bị phản pháo từ phía Ukraine cũng là một mối đe dọa. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine thì hôm qua người Nga chỉ thiệt hại có 340 nhân mạng, do vậy cũng có thể cho rằng họ tấn công với độ mãnh liệt cũng vừa phải thôi. Ngày hôm kia thì họ tổn thất nhiều hơn, 540 người.
Phía Ukraine cũng khẳng định quân Nga phải phòng thủ ở các hướng Kupyansk, Kherson, Zaporizhzhia. Như vậy có thể hình dung ra được hiện nay giới tuyến hai bên ở khu vực Donbas là dọc theo đường P-07, và quân Ukraine vẫn áp sát tuyến đường này, nó còn bị đứt đoạn ở đâu đó quãng Kyslivka do bị quân Ukraine chiếm được. Quân Nga vẫn phải nỗ lực đẩy mạnh tấn công ở khu vực Svatove để giảm mức độ bị uy hiếp. Cũng có thể trong một vài ngày tới theo lệnh của Putox quân Nga tổ chức chiến dịch chiếm lại Lyman, như một món quà cuối năm cho lão ta.
2. Hôm trước có bác đề nghị viết về vụ Ukraine dùng máy bay không người lái tấn công vào 3 sân bay của Nga. Tuy nhiên đã có rất nhiều bác phân tích hay lắm rồi, nên tui cũng không còn gì để viết nữa, chỉ xin bàn thêm mấy cái vớ vẩn.
Ba sân bay, chính xác là 3 căn cứ không quân của Nga ở Ryazan, Kursk và Rostov, mà chỗ gần Mátxcơva nhất chỉ cách có 200 ki-lô-mét. Điều đáng nói là theo phía Nga (tin cậy phải biết nhé) Ukraine sử dụng loại máy bay không người lái cổ lỗ sĩ từ thời Liên Xô khoảng 50 năm tuổi được mô-đi-phai (mụ váy sồi Tấn Gánh Tây lại hậm hực cách phiên âm này) thế nào đó để tấn công mục tiêu mặt đất.
Được biết, đó là những chiếc máy bay không người lái Tupolev Tu-141 Strizh (Swift, tiếng Nga: Стриж) là loại máy bay không người lái trinh sát của Liên Xô, trang bị cho quân đội Liên Xô trong thập niên 1970 và 1980.
• Các đặc điểm kỹ thuật:
Chiều dài: 14,33 m
Sải cánh: 3,88 m
Chiều cao: 2,44 m
Diện tích cánh: 10 m2
Trọng lượng có tải: 6,215 kg
Động cơ: 1 × Tumansky KR-17A, lực đẩy 19,6 kN mỗi chiếc
• Hiệu suất bay:
Vận tốc cực đại: 1.100 km/h
Vận tốc hành trình: 1.000 km/h
Tầm bay: 1.000 km
Trần bay: 6.000 m
Vào ngày 28 tháng Năm năm 1987, phi công a-ma-tơ người Tây Đức khi đó chưa tròn 19 tuổi Mathias Rust đã gây ra sự chú ý trên toàn thế giới khi bay chiếc Reims Cessna 172P của mình từ Helsinki Phần Lan để sau đó hạ cánh một cách ngoạn mục tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva. Chuyến bay của anh ta vừa là một thành tích đáng kinh ngạc, vừa là một sự sỉ nhục to lớn đối với cỗ máy chiến tranh của Liên Xô.
Việc một phi công thể thao người phương Tây có thể “lẻn” vào Liên Xô và hạ cánh ngay trước bậc thềm Điện Kremlin, giữa trung tâm của Đế chế Xô Viết đã gây tiếng vang vượt xa biên giới Liên Xô. Đã có tất cả hàng tỉ rúp được chi cho xây dựng hệ thống phòng không Liên Xô và cả nuôi cho chính sự tồn tại của Lực lượng Phòng không Liên Xô (PVO) dường như là một sự lãng phí tiền bạc khổng lồ.
Người Nga hỏi nhau, làm thế nào Quân đội Liên Xô có thể bảo vệ Tổ quốc khỏi bất cứ một cuộc không kích nào đó của phương Tây nếu họ, thậm chí là không thể ngăn chặn một phi công a-ma-tơ, có thể nói là còn trẻ ranh mới có 50 giờ bay, trên chiếc máy bay hạng nhẹ phổ biến nhất thế giới? Đó là cách đặt câu hỏi thông thường của những người làm truyền thông có tiếng tăm, nhưng với giới phân tích quân sự phương Tây thì họ nghĩ khác.
Sự kiện này cho thấy bắt đầu có xu hướng tự do hóa đến mức buông thả trong toàn cái gọi là “hệ thống Xô-viết”, lẫn sự thiếu sót trong phối hợp giữa chỉ huy và kiểm soát phòng không, dẫn đến việc chiếc Cessna của Rust được phép tiếp tục bay đến tận trung tâm của Đế chế Xô-viết.
Mathias Rust quyết định bay vào Liên Xô nhân danh Hòa bình Thế giới. Cất cánh từ Helsinki, anh ta tiếp tục đi về phía đông, băng qua Biên giới Liên Xô qua ngả Estonia, gần với tỉnh Pskov của Nga.
Đầu tiên, máy bay của Rust bị phát hiện trên màn hình radar vào lúc 14 giờ 29 phút theo giờ địa phương và được theo dõi bởi 3 (ba) tổ hợp tên lửa đất đối không khác nhau, nhưng chúng không bao giờ nhận được lệnh khai hỏa. Một bài báo trên Newsweek vào thời điểm đó đã trích dẫn về một cuộc tranh luận của các vị tướng lĩnh Phòng không Liên Xô cho rằng “liệu đây có phải là một đàn ngỗng trời di cư hay không”, mà không đặt câu hỏi tại sao đàn ngỗng lại bay về hướng đông.
Một máy bay đánh chặn MiG-23 của Liên Xô đã phát hiện ra chiếc Cessna trắng của Rust trên thành phố Gdov lúc 14 giờ 48. Phi công tiêm kích Liên Xô cũng bị từ chối cho phép tham chiến. Cần để ý rằng Phòng không Liên Xô (PVO) thời gian gần đó đã được tổ chức lại thành các khu vực khác nhau và sự phối hợp sai lầm trong việc chuyển giao nhiệm vụ giữa các khu vực đã cản trở phản ứng của họ.
Cũng phải nói rằng Rust đã may mắn rằng Lực lượng phòng không của Liên Xô không ở thời điểm Chiến tranh Lạnh đạt “đỉnh” nếu không, anh ta đã có thể nhận kết cục tương tự như những lần xâm nhập không phận của Liên Xô trước đây. Trong những ngày đen tối nhất của Chiến tranh Lạnh, Hàn Quốc đã bị bắn máy bay dân sự đến hai lần. Lần đầu, chuyến bay 902 của Hàng không quốc gia Hàn Quốc (KAL) chiếc máy bay Boeing 707-321B từ Paris bay vể Seoul vào ngày 20 tháng Tư năm 1978 đã bị bắn đến mức phải hạ cánh khẩn cấp ở Kareli, gần Murmansk, miền bắc nước Nga.
Và lần thứ hai vào năm 1983, một vụ bắn máy bay hành khách đã xảy ra – có lẽ là vụ việc đình đám nhất và được người dân Việt Nam biết khá nhiều, ngay từ thời đó, vì báo, đài của Việt Nam cũng đều có đưa tin. Đây là một sự kiện nghiêm trọng, kể cả về số nạn nhân lẫn hậu quả sau này về pháp lý và nhất là về quan hệ quốc tế cho Liên Xô. Chiếc Boeing 747 số hiệu chuyến bay 007 của Korean Airlines bay vào không phận Liên Xô đã bị bắn hạ bởi một chiếc Su-15TM đóng tại Sakhalin, giết chết 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn trong đó có ông Lawrence McDonald, nghị sĩ Nghị viện Hoa Kỳ.
Quay lại với Rust. Anh ta tiếp tục bay về hướng đông, biến mất khỏi màn hình radar mà sau đó trong một ấn phẩm suy đoán là anh ta đã hạ cánh tạm thời để thay quần áo trước khi cất cánh trở lại và tiếp tục bay về phía Đông. Bi kịch về những sai sót trong hệ thống phòng không của Liên Xô tiếp tục, với việc chiếc Cessna của Rust bị nhầm là phương tiện bay huấn luyện: một chiếc máy bay hạng nhẹ của Liên Xô và sau đó là nhầm với những chiếc trực thăng đang thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn.
Vào lúc 19 giờ (giờ địa phương), Rust đến Mátxcơva. Anh ta quyết định không hạ cánh bên trong Điện Kremlin, vì sợ rằng sau đó sẽ “biến mất” bởi bàn tay của KGB. Thay vào đó anh ta đã cố gắng hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ, xoay sở để tránh nhiều người đi bộ ở đó và đáp xuống một cây cầu gần Nhà thờ St. Basil nổi tiếng ở đầu kia quảng trường, đối diện Bảo tàng lịch sử. May mắn thay, khu vực hạ cánh của anh ta không có dây điện xe buýt thường căng trên đầu!
Người ta nói rằng số lãnh đạo Quân đội Liên Xô do vụ việc bị kỷ luật, mất chức, mất đủ thứ... là lớn nhất kể từ Cuộc đại thanh trừng của Stalin vào cuối những năm 1930.
Ngày 7 tháng Tư năm 2017, ông Donald Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở phía tây Syria, phá hủy một số máy bay chiến đấu ở đó. Trước thời điểm đó đã có những lời đe dọa qua lại giữa Washington và Mátxcơva được cho rằng chúng xuất hiện sau khi có tới 40 người thiệt mạng trong một vụ tấn công hóa học được cho là nhằm vào Douma, một thị trấn do phiến quân chiếm giữ ở khu vực Đông Ghouta phía bắc Damascus.
Alexander Zasypkin, đại sứ Nga tại Lebanon đã nói với một đài truyền hình do Hezbollah điều hành rằng nếu có lần tiếp theo thì Nga sẽ đánh trả. “Nếu có một cuộc tấn công của người Mỹ, thì... tên lửa sẽ bị bắn hạ và thậm chí cả nguồn mà tên lửa phóng đi”. Zasypkin nói vậy bằng tiếng Ả-rập, theo The New York Times.
Tổng thống Donald Trump đáp trả trên Twitter: “Nga thề sẽ bắn hạ bất kỳ và tất cả các tên lửa bắn vào Syria. Hãy chuẩn bị sẵn sàng nhé nước Nga, bởi vì chúng sẽ đến, đẹp, mới và “thông minh!” Các người không nên hợp tác với những “con thú” giết người bằng khí (hóa học), những kẻ giết đồng bào của mình và tận hưởng điều đó!”
Ông Trump đã đúng khi ám chỉ rằng các hệ thống phòng không S-400 của Nga có thể không thể ngăn chặn các tên lửa của Mỹ. Mátxcơva đã triển khai hai khẩu đội S-400 ở Syria: một ở căn cứ không quân Hmeimim nơi các máy bay chiến đấu của Nga đóng quân và một ở gần thành phố cảng Lattakia nơi tàu Nga thường xuyên ra vào.
Căn cứ Hmeimim khá gần Lattakia, coi như là một và nó các căn cứ không quân Shayrat 130 ki-lô-mét đường chim bay. Tui xin trích một đoạn của Wikipedia tiếng Việt về hệ thống phòng không S-400:
“S-400 có nhiều khả năng hơn S-300. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600 km và cao 40–50 km, có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km. S-400 có thể tiêu diệt khí cụ bay của đối phương trong khoảng cách tới 400 km và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 60 km. So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số: Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự lý phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).”
Với những thông số trên, rõ ràng là Shayrat nằm trong tầm bảo vệ của S-400 ở Hmeimim và Lattakia đặc biệt là từ phía biển Địa Trung Hải. Vậy mà 59 quả Tomahawk bắn vào nát cả cái sân bay của Syria, S-400 không hề lên tiếng, vậy thì chúng ở đó để làm gì?
Nào, các bác đã thấy nếu đọc trên mạng thì Nga nổ “banh-ta-lông” đến cỡ nào chưa? Sau vụ này, nhiều chuyên gia đã đưa ra những phỏng đoán: có thể Nga không bố trí S-400 ở Syria mà là S-300, và chúng đã tỏ ra bất lực trong nhiệm vụ phát hiện và đánh chặn tên lửa Mỹ. Lại có những ý kiến cho rằng Nga có bố trí S-400 thật nhưng chúng không có những năng lực thực sự như quảng cáo, thực chất chúng chỉ là S-300 sơn phết lại mà thôi.
Còn phía Nga, như thường lệ là bao giờ cũng đe dọa sau khi phim đã hết, kịch đã hạ màn và hy vọng rằng... nó không bắn tiếp.
Ở đầu đề mục này, hẳn các bác nhìn thấy tui viết “máy bay không người lái” chứ không viết là UAV, vì cái TU-141 này nó cùng thời với cửa hàng ăn uống mậu dịch của ta bán mì không có thịt gọi là... mì không người lái. Một cái “thổ tả” trông phát gớm như vậy mà bay vào tự sát ở cả 3 căn cứ không quân của Nga, thì phải nói rằng hệ thống phòng không Nga là giẻ rách, hay lại là “ngỗng trời bay về phía Đông.” Sau vụ Rust, người Mátxcơva đã gọi quảng trường Đỏ là “Seremetievo – 3” thì bây giờ sau vụ này, có lẽ cả ba căn cứ không quân Nga sẽ được đánh số, số 0 ở Syria, ở Nga là “Shayrat – 1”, “Shayrat – 2” và “Shayrat – 3.”
Sở dĩ tui nhắc đến vụ hạ cánh giữa quảng trường Đỏ của Rust là vì, đã có cái đó rồi hoàn toàn có thể có cái khác. Rust là một tay a-ma-tơ không có mục đích tấn công hay quân sự gì, thậm chí do thám cũng không luôn... mà còn để lọt anh ta như thế. Bây giờ nếu với mục đích tấn công, thì người ta phải tìm mọi cách để tránh khỏi hệ thống phòng không chứ. Chiến tranh đã đang và sẽ vào đến tận cửa nhà người Nga, chứ không còn ở tận đẩu tận đâu nữa. Tác động của những đòn này có thể không hẳn là to lớn và mạnh mẽ, nhưng nó làm cho tâm lý của người Nga trở nên bất an và không yên, đó là điều chắc chắn. Họ đã nhận ra rằng cuộc chiến không hề như một cuộc dạo chơi, mà nó là đổ máu và đau khổ cho cả hai bên.
3. Trung Quốc viện trợ cho Nga
Hôm trước sau khi post bài xong có bạn Facebook hỏi tui: anh biết gì về vụ Trung Quốc viện trợ cho Nga không? Việc này cũng không thấy phương Tây nói gì.
Tui có trả lời là tui chưa nghe thấy tin đó, nhưng nếu có thì nó cũng đã diễn ra vào sau cuộc họp thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình thì chắc chắn không có chuyện viện trợ quân sự đâu, hoặc nếu có thì chắc là phải che đậy giấu giếm ác lắm. Nhưng thời điểm này là thời điểm mà trong nước Nga có những khó khăn ghê gớm cần sự hỗ trợ của bên ngoài từ góc độ nhân đạo.
Đơn cử: thuốc, biệt dược, thiết bị y tế… Theo nguồn tin giấu tên cho biết, cho đến nay ghi nhận tất cả các trường hợp người Nga xuất cảnh khỏi Tây Phi đều mang theo các loại thuốc, thậm chí các tổ chức và cả cơ quan, nhân viên ngoại giao cũng tham gia chiến dịch này. Việc thiếu thuốc đặc biệt là biệt dược đẩy những người Nga mắc bệnh hiểm nghèo nhưng không có khả năng về tài chính vào tình thế rất nguy hiểm.
Trưa hôm kia sau khi nói chuyện này với một bạn Facebook, bạn ấy cũng bổ sung là ngày xưa ở bên Nga thấy sữa tổng hợp cho trẻ em cũng toàn sản phẩm nhập khẩu, như ở Úc sang rất nhiều… Điều đó cũng đúng luôn. Trẻ em Nga đi học ở trường công uống sữa miễn phí, Nga không thiếu sữa nhưng là sữa tươi, còn sữa bột thì phần lớn là nhập khẩu. Tuy nhiên vấn đề này không sợ vì đã có cả vùng công nghiệp sữa ở ngay bên cạnh là Tân Cương của Trung Quốc.
Gác qua một bên câu chuyện về vấn đề nhân đạo – những tác động kiểu này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng lên tâm lý của xã hội nhưng nó còn nói lên một điều với anh em Pro-Putox xứ Tây Phi rằng: nước Nga của anh em nó vĩ đại thật đấy, nhưng nó cũng không ba đầu sáu tay như trước nay chúng ta hằng tưởng tượng ra đâu. Trái lại có rất nhiều thứ nó không làm được, mà như anh em vẫn hằng nói: làm được nhưng không thèm làm.
Vâng, không thèm làm thì bây giờ chết cụ nó cả dân. Đời có phải cứ có tiền là có tất cả đâu. Cậy ta đây có tiền rồi có ngày chết không có đất chôn.
4. Thử hình dung
Cái anh bạn Facebook mà tui nói chuyện hôm kia (trong câu chuyện sữa bột trẻ em trên đây) có hỏi về kết cục chiến tranh theo kiểu gì. Tui thì cho rằng chiến tranh sẽ kết thúc bằng đàm phán, nhưng là đàm phán về phân định các vùng giới tuyến và ảnh hưởng cũng như thời hạn mỗi bên duy trì ảnh hưởng với các vùng đất đó và quy chế pháp lý kèm theo các vùng chiếm đóng.
Giai đoạn chưa đánh mạnh này là giai đoạn hai bên đang xây dựng lực lượng rất nhiệt tình, đặc biệt là Nga cũng đẩy rất mạnh mọi mặt của công nghiệp quốc phòng. Như chúng ta đã từng nói với nhau, để chuẩn bị cho một đợt tấn công lớn họ phải sản xuất ra được cỡ cả triệu quả đạn pháo các loại, mà như thế thì cần khoảng 3 tháng. Tất nhiên là họ không chờ xong cả triệu mới bắn, mà khi nào được vài chục nghìn đã mang ra bắn rồi.
Đến nay thì tình báo Ukraine phát hiện ra rằng để bắn một đợt ra trò ngoài mặt trận, họ phải cần một tuần, còn với tên lửa thì cần 2 tuần. Tất nhiên người Nga chắc chắn sẽ hy vọng rằng một khi sản xuất đi vào ổn định, thời gian đó sẽ giảm đi. Tuy nhiên để tấn công lớn thì vẫn cứ phải “gom hàng” thành một cái kho to để sau đó bắn một chặp kiểu kiếm củi ba năm đốt một giờ. Cơ mà, nếu vẫn tiếp tục như vậy thì rõ ràng là họ... vẫn đánh nhau theo kiểu từ trước đến nay, chứ không có phương pháp nào mới. Mà nếu đã đánh nhau như thế thì người ta chỉ sợ quy mô của Nga, chứ người ta đã bắt đầu rõ chất lượng của ông ấy như thế nào rồi.
Sau vụ 3 căn cứ không quân bị tấn công, Nga đã tổ chức một đợt tập kích đường không bằng tên lửa, nhưng rõ ràng là nó không tương xứng, không xứng đáng để được gọi là “đòn trả thù” vì trước đó họ đã từng có những trận lớn hơn. Ngay sau đó đã bắt đầu có thông tin rằng Nga bắt đầu sử dụng trở lại Shahed-136 của Syria. Về vấn đề này có thông tin cho rằng ngoài lý do thời tiết lạnh không phù hợp với Shahed-136 và nó cần phải được thay đổi về kỹ thuật, thì còn có lý do là Iran cũng không cung cấp thêm cho Nga nữa, làm cho họ phải tiết kiệm.
Nhưng dù thế nào chăng nữa, thì việc dùng tên lửa đắt tiền mà lại vẫn bị đánh chặn với tỉ lệ cao như đợt mới nhất vừa qua, cũng sẽ bắt họ phải cân nhắc quay trở lại với drone. Và có một điều chắc chắn rằng vũ khí phòng không của phương Tây sẽ không cạn kiệt, hoặc nếu có cạn cũng không phải là vài tháng tới, và càng ngày việc Nga dùng không kích: tên lửa, drone... phá hạ tầng của Ukraine sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Những diễn biến ở Bakhmut cho thấy Nga – Putox vẫn tiếp tục tham vọng chiếm đất của mình, và chiến thuật – (chiến lược luôn) của họ là gặm thêm được miếng nào thì gặm, chỗ nào giữ được thì giữ, tăng cường leo thang chiến tranh phá hoại để cho đối phương mệt mỏi ngồi vào bàn đàm phán, như thế là họ (Nga – Putox) thắng.
Để đáp trả, Ukraine không có cách nào khác ngoài (1) Chống trả hiệu quả chiến tranh phá hoại đường không (2) Cù cưa đánh tiêu hao quân Nga, củng cố những mục tiêu chiến lược (bây giờ là Slovyansk và Kramatorsk) không để Nga có khả năng chiếm nốt. Đến đây có một câu hỏi: Tại sao là Bakhmut? Vì nó là trung tâm hậu cần – tiếp vận cho cặp thành phố Lysychansk và Serevodonetsk, trước đây người Ukraine tập trung rất nhiều lực lượng ở đó. Do vậy về logic chiến tranh thì sau khi chiếm Serevodonetsk và Lysychansk, Nga – Putox sẽ phải phát triển chiến quả tiếp tục chiếm Bakhmut, bất chấp lúc này nó không còn quá quan trọng nữa, vì Nga đã chiếm Serevodonetsk và Lysychansk rồi.
Việc quân Nga bị cầm chân ở Bakhmut cho chúng ta thấy một số điều.
• Thứ nhất, xung đột hiện nay ở mức độ hạn chế, chẳng hạn quân Wagner thường xuyên sử dụng hàng ngày ở con số “nghìn” – nghĩa là cả hai bên chỉ luôn luôn có vài nghìn ở hai phía chiến tuyến. Dường như Putox muốn nhìn thấy chiến trường vẫn diễn biến, quân của lão ta vẫn tấn công, và đó là Bakhmut. Bakhmut như là một liều morphin cho con bệnh giai đoạn cuối Putox, không có thì không chịu được. Lão muốn nhìn thấy để xua đi cảm giác vô vọng. Người ta bảo rằng Putox đã nhận ra là bị rất nhiều đệ tử lừa, trong đó có Shoigu và Gerasimov và hàng trăm tướng lĩnh dưới nữa. Bọn họ đã rút ruột quân đội, bằng trò “cải tổ” đã làm giàu trở thành cự phú còn Putox nhận được một quân đội như một lũ hề.
• Thứ hai, Nga không còn khả năng để đánh to hơn nữa. Ngoài Bakhmut thì còn một vài khu vực ví dụ ở tây nam thành phố Donetsk là còn có chạm súng, nhưng lại là do quân đội Ukraine tấn công để chiếm lại những vị trí họ đã mất trước đó, từ giai đoạn 2015 – 2018.
• Thứ ba, người Ukraine dùng Bakhmut như một chỗ để trói chân trói tay quân đội Nga và thu hút nguồn lực chiến tranh của Nga chuẩn bị được vào đó, giảm gánh nặng cho các khu vực khác.
Dự báo thời tiết của miền nam Ukraine, chính xác là ở tỉnh Kherson và Zaporizhzhia trong 7 ngày tới có mưa nhỏ liên miên, nhiệt độ vào khoảng từ -3 độ đến +7 độ C, như vậy tuần sau chúng ta lại tiếp tục nói chuyện... dông dài, chứ chưa có điều kiện thuận lợi cho một cuộc phản công. Hôm trước tui đã báo cáo các bác là Nga hy vọng sẽ kéo được đến mùa xuân, tức là tháng Ba khi mà họ có đủ pháo binh và phục hồi được nhiều nhiều xe tăng, sẽ tổ chức đánh một trận lúc trời còn lạnh.
Mục tiêu của Putox khi đó có thể là chiếm lại Kupyansk đầu tiên để đảm bảo hậu cần cho Donbas, tập trung vào hai mục tiêu chính là Slovyansk và Kramatorsk. Có hai cách tiếp cận.
(1) Nếu để Putox thành công – chỉ cần là tổ chức được đợt tấn công thôi chứ chưa nói là có kết quả gì không, thì cũng đã là một thất bại cho người Ukraine. Theo cách tiếp cận này, họ cần phải tránh bằng cách đề ra những mục tiêu chiến lược của mình và thực hiện trước thời điểm đầu tháng Ba đó.
(2) Kéo dài như bây giờ, chống trả chiến tranh phá hoại đường không và tiếp tục “bào mòn” đồng thời phá việc chuẩn bị cho chiến dịch tấn công của Putox bằng mọi cách. Đồng thời, tích cực chuẩn bị một thế trận phòng thủ chủ động như Hồng quân Liên Xô đã từng làm trong trận Kursk. Khi Putox xua quân vào trận, họ sẽ kiên cường chống trả cho đến khi bẻ gãy những mũi tấn công mạnh nhất của Putox, thì sẽ phản công. Khi đó thì Putox sẽ không bao giờ gượng lại được. Đến đây, chúng ta có cách tiếp cận thứ ba.
(3) Áp dụng cả hai cách trên, người Ukraine cần một mặt tích cực chuẩn bị cho thế trận phòng ngự trên hướng Donbas, không để Nga chiếm lại “tiền đồn” Kupyansk là cái đinh của trận chiến, tích cực phá phách việc chuẩn bị cho chiến dịch của Nga, đặc biệt là cứ rình rình kho đạn kho dầu ở đâu là “phơ” cho một phát. Mặt khác, tấn công các hướng chiến lược khác chẳng hạn ở phía Nam, chiếm lại toàn bộ tỉnh Zaporizhzhia và Kherson, đến tận cửa ngõ của bán đảo Crimea.
Kết hợp với những thông tin hóng được từ đủ mọi nguồn, tui tạm hình dung có một phương án khả thi hơn cho họ: áp dụng cách tiếp cận thứ ba, tiến đến bờ biển Azov ở Berdyansk, tiến vào bán đảo Crimea. Trong trường hợp như vậy, thì khả năng rất cao là ngay lập tức họ bắn cầu Kerch một lần nữa, gây ra tình trạng hoảng loạn trên bán đảo. Việc chiếm lại Crimea như vậy sẽ dễ dàng hơn và khi Nga – Putox tổ chức tấn công, người Ukraine sẽ cố gắng phá bằng được cho đến khi quân Nga mỏi, không có được những kết quả đáng kể, thì sẽ vào đàm phán.
Khi đó thì Crimea sẽ được đem ra để đổi lấy Donbas, Ukraine sẽ giữ trọn vẹn Donbas để cho Nga giữ Crimea trong một thời hạn xác định không quá dài để “không làm mất mặt Putox.” Ukraine sẽ cấp nước và điện cho Crimea và Nga sẽ phải thanh toán cho những khoản đó.
Để hình dung như vậy, có căn cứ nào không? Căn cứ vào việc quân đội Nga đã không còn là của năm 2021 nữa, mà còn yếu hơn nhiều. Do đó họ có tấn công nữa cũng chỉ dẫn tới kết cục thua đau hơn nữa mà thôi. Nhìn ảnh Putox trong cuộc họp với Hội đồng tổng thống Nga hôm qua, sắc diện của lão ta nói lên: vận của lão đã qua, bản mệnh đã lung lay lắm rồi.
Ở Zaporizhzhia nhưng người ta ghi nhận là quân Nga đã trở nên thiếu thốn đạn dược thể hiện qua khả năng pháo kích của họ vào các khu dân cư phía Ukraine, ngày càng giảm cả về số mục tiêu, cường độ và mật độ, cũng như về thời gian kéo dài của các đợt pháo kích. Ngoài đạn dược, khả năng phục hồi và bổ sung vũ khí đặc biệt là về pháo binh của quân Nga ở khu vực này cũng ngày một hạn chế hơn.
Trong một diễn biến khác, căn cứ Belbek ở Sevastopol (Crimea) bị Ukraine dùng UAV tấn công. Phía Nga tuyên bố họ đã bắn hạ được thiết bị bay này. Câu chuyện thế nào mai chúng ta lên mạng sẽ biết.
PHÚC LAI 08.12.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.