vendredi 23 décembre 2022

Trung Quốc : ''Người cầm lái vĩ đại'' Tập Cận Bình từ nay độc tôn thiên hạ


Đăng ngày:

Tập Cận Bình tăng thêm sức mạnh sau Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc, căng thẳng giữa Pháp và Anh, chiến tranh Ukraina là thời sự quốc tế được các báo Pháp chú ý nhiều nhất hôm nay.

Toàn bộ ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là người của Tập Cận Bình

Les Echos nhận định « Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc, quyền lực hơn bao giờ hết ». Ông ta đã tống khứ được tất cả các đối thủ, và chung quanh ông Tập bây giờ chỉ toàn những người được tin tưởng từ lâu. 

Nhiều nhà quan sát tin rằng Tập Cận Bình sẽ mạnh hơn sau Đại hội Đảng lần thứ 20, nhưng rốt cuộc ông ta còn đi xa hơn, đạt được thắng lợi rực rỡ. Trưa Chủ nhật, ban lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba gồm ông Tập và sáu quan chức trung thành đã xuất hiện trước ống kính báo chí quốc tế. Năm nay 69 tuổi, Tập Cận Bình tiếp tục là tổng bí thư Đảng kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương trong 5 năm tới, trước khi tái khẳng định chức chủ tịch nước vào tháng Ba tới.

Bí thư Thượng Hải Lý Cường (Li Qiang), 63 tuổi trở thành nhân vật số 2, được cho là sẽ lên làm thủ tướng thay Lý Khắc Cường. Tuy việc xử lý tệ hại cuộc phong tỏa Thượng Hải hồi mùa xuân khiến người ta nghi ngờ về tương lai chính trị, lại chưa bao giờ là phó thủ tướng như thông lệ, nhưng nay ông ta lại được tưởng thưởng nhờ trung thành tuyệt đối với Tập Cận Bình. Năm ủy viên Thường Vụ còn lại là Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), Thái Kỳ (Cai Qi), Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), Lý Hy (Li Xi).

Với bốn khuôn mặt mới, Ban Thường vụ Bộ Chính trị nay hoàn toàn là người của ông Tập. Triệu Lạc Tế, 65 tuổi, chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cùng gốc Thiểm Tây, căn cứ địa của Tập Trọng Huân (cha Tập Cận Bình), có thể trở thành chủ tịch Thường vụ Quốc hội. Thái Kỳ, 66 tuổi, bí thư thành ủy Bắc Kinh, có mối liên hệ từ hơn hai thập niên khi ông Tập còn là quan chức Phúc Kiến. Đinh Tiết Tường, 60 tuổi, thư ký riêng của Tập Cận Bình cũng thuộc nhóm của ông hồi ở Thượng Hải và Lý Hy, 66 tuổi từng là thư ký của một đồng minh thân cận ông Tập Trọng Huân.


Quá tuổi vẫn được ở lại Trung ương nếu là người thân tín

Le Monde nhận thấy tuy Tập Cận Bình đã phá lệ từ năm 2018, cho sửa đổi Hiến pháp để có thể làm chủ tịch hơn hai nhiệm kỳ, nhưng về giới hạn tuổi thì chưa biết có tiếp tục áp dụng cho các quan chức khác hay không. Quy luật lâu nay là vẫn có thể thăng tiến ở tuổi 67, nhưng phải về hưu nhân Đại hội Đảng sau sinh nhật 68 tuổi.

Câu trả lời đã có được hôm thứ Bảy 22/10, với việc chỉ định 205 ủy viên trung ương. Cùng 67 tuổi, thủ tướng mãn nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang), thuộc phe Đoàn Thanh niên của ông Hồ Cẩm Đào, và Uông Dương (Wang Yang) chủ trương cải cách kinh tế đều phải ra đi, cả hai đều là nhân vật ôn hòa có uy tín. Ngược lại ngoại trưởng Vương Nghị vẫn là ủy viên trung ương dù đã 69 tuổi ; cũng như tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đã 72 tuổi. Ông Trương từ nhiều năm qua đã ra sức giúp ông Tập áp đặt những cải cách trong quân đội.

Theo Alex Payette, người sáng lập Cabinet Cercius, Trương Hựu Hiệp thuộc phe cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam. Có nhiều ủy viên trung ương mới là cán bộ quân đội thuộc phe « eo biển Đài Loan » vốn rất hiếu chiến. Một diều hâu khác cũng được vào Trung ương là Tần Cương (Qin Gang), đại sứ Trung Quốc tại Washington nổi tiếng « chiến lang », là người từng tổ chức những chuyến công du ngoại quốc của Tập Cận Bình.


Khống chế toàn Đảng để ngồi tiếp sau 3 nhiệm kỳ

Le Figaro nhấn mạnh, như vậy Tập Cận Bình đã loại được toàn bộ đối lập, cất nhắc bốn tay chân lên làm ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, 65 % ủy viên trung ương là người trung thành. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông nhận thấy Tập Cận Bình đã siết chặt hơn cả dự đoán, với một ban lãnh đạo « đơn sắc », « không còn quan tâm đến cân bằng giữa các phe phái ».

Nhà nghiên cứu Richard McGregor của Lowy Institute cho rằng « Bộ Chính trị mới chính là tuyên bố thẳng thừng về sự thống trị của Tập trong đảng ». Chuyên gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam) khẳng định « Đó là chiến thắng toàn diện của Tập Cận Bình, với việc kiểm soát toàn bộ Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ông ta chuẩn bị cai trị tiếp sau ba nhiệm kỳ ». Nhà phân tích Neil Thomas của Eurasia Group ghi nhận « Nhiệm kỳ thứ ba này đã kết thúc ba thập niên chuyển tiếp quyền lực » tại Trung Quốc, « vai trò trung tâm của đồng chí Tập Cận Bình » đã được ghi vào điều lệ Đảng.


Áp giải cựu tổng bí thư khỏi Đại hội : Răn đe các lão thành

Le Figaro trong bài « Tập Cận Bình độc quyền trị vì tại Trung Quốc » quan tâm đến sự kiện ông Hồ Cẩm Đào bị áp giải khỏi Đại hội ngay trước ống kính các nhà báo ngoại quốc. Cựu tổng bí thư già yếu kháng cự nhưng vẫn bị xốc nách đưa ra khỏi Đại sảnh đường Nhân Dân, ông nhìn kẻ độc tài kế nhiệm một lần cuối trước khi biến mất, sau đó cuộc biểu quyết mới diễn ra. Tân Hoa Xã nói rằng nhà cựu lãnh đạo « cảm thấy không khỏe ».

Le Monde nhận định, phản ứng của Hồ Cẩm Đào cho thấy khó có thể lấy lý do sức khỏe để giải thích. Bản tin truyền hình lúc 19 giờ dành hơn một tiếng đồng hồ cho Đại hội Đảng nhưng không hề nhắc đến sự kiện này. Một nhà ngoại giao dùng từ « thanh trừng ». « Đối với người Trung Quốc, Đại hội 20 của đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1956 đánh dấu khởi đầu của sự kết thúc với việc cáo buộc Stalin. Tập Cận Bình muốn chứng tỏ tại Hoa lục thì ngược lại, đó là một khởi đầu mới ».

Khi loại trừ Hồ Cẩm Đào, người đại diện cho thế hệ cựu lãnh đạo cởi mở hơn với phương Tây, Tập chỉ rõ cho giới lão thành là họ không còn chỗ đứng trong « kỷ nguyên mới ». Thông điệp này còn dành cho các cựu lãnh đạo trong tương lai như Lý Khắc Cường - vẫn còn là thủ tướng cho đến tháng 3/2023 - rằng tốt nhất nên giữ mồm giữ miệng trong thời gian tới. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, lãnh đạo tập thể và kế nhiệm có tổ chức, hai nguyên tắc đặc trưng cho « mô hình Trung Hoa » rõ ràng đã bị chôn vùi.


Hồ Cẩm Đào bất mãn trước danh sách đề cử ?

Theo Le Figaro, cảnh công khai sỉ nhục nhân vật từng điều hành đất nước mười năm trước, vẫn sẽ là một bí mật trong bóng tối của Đảng, nhưng phô ra sự khuynh loát của Tập Cận Bình. Chương sách « mở cửa và cải cách » của người tiền nhiệm đã bị đóng hẳn lại, thay vào đó là một Trung Quốc « màu đỏ máu », chuyên quyền trong nước và dân tộc chủ nghĩa với nước ngoài.

Nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập đoán rằng ông Hồ Cẩm Đào hết sức bất bình về danh sách đề cử vào Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban thường vụ Bộ Chính trị, nên đã có ý kiến với Tập Cận Bình, và ông Tập rất bực mình. Việc cho nhân viên an ninh áp giải ông Hồ ra khỏi Đại hội rõ ràng nhằm lăng nhục ông, đồng thời cho thấy phe Đoàn thanh niên đã bị loại khỏi vòng chiến. Đây là dấu hiệu rất xấu cho đảng Cộng Sản, vì chưa bao giờ một cựu tổng bí thư lại bị « đuổi » khỏi Đại hội Đảng như vậy.

Chuyên gia Trần Cương (Chen Gang) ở Singapore dự báo Tập Cận Bình có thể làm nhiều việc hơn nữa để thực hiện « giấc mộng Trung Hoa » của ông và lộ trình « China 2035 ». Trong khi đó bất bình đang dâng lên vì kinh tế chững lại, một số cán bộ đối phó bằng cách kháng cự thụ động. Ngay sau khi có tin Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, thị trường chứng khoán Hồng Kông, Thượng Hải, Thâm Quyến đều sụt giảm ; các nhà đầu tư lo sợ ông Tập dành chức vụ chủ chốt về kinh tế cho những đồng minh ủng hộ chính sách zero-Covid.


« Người cầm lái vĩ đại » họ Tập tấn công xã hội dân sự

Chuyên gia Jean-Philippe Béja của CNRS khẳng định trên Libération « Tập Cận Bình tiếp tục trị vì, Trung Quốc đối mặt với Người cầm lái vĩ đại mới ». Bài viết nhắc lại một số câu « Chúng tôi không muốn có lãnh đạo vĩ đại mà muốn bầu cử », « Chúng tôi không muốn làm nô lệ mà là những công dân », « Công nhân và sinh viên học sinh hãy đình công để đòi truất phế tên phản bội đất nước Tập Cận Bình »... Những biểu ngữ do nhà đấu tranh Bành Lập Pháp (Peng Lifa), tên trên mạng là Bành Tái Chu (Peng Zaizhou) giăng ở cầu Tứ Thông (Sitong) hôm 13/10 trước lễ khai mạc Đại Hội Đảng, dù là hành động đơn lẻ, cho thấy xã hội Trung Quốc không đến nỗi bất động.

Alex Payette cho rằng « Ông Tập càng dấn tới thì càng tự cô lập khỏi xã hội ». Từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình đã tấn công chưa từng thấy vào xã hội dân sự mới hình thành vào đầu những năm 2000. Con người leo lên đến đỉnh cao quyền lực nhờ bề ngoài tỏ ra vô hại, năm 2015 đã cho bắt giữ 300 luật sư nhân quyền trên toàn quốc ; giải thể các tổ chức bảo vệ công nhân và tống giam những người phụ trách, buộc các tổ chức phi chính phủ và công ty tư nhân phải lập tổ đảng.

Trên mạng, những lực lượng độc lập xuất hiện trong thời kỳ mở cửa phải rút vào bí mật. Các biện pháp chống dịch càng giúp chính quyền kiểm soát chặt hơn. Ông Lâm Hòa Lập đưa ví dụ, một nhà ly khai không thể đến Bắc Kinh vì mã y tế màu đỏ, nên bị cấm đi máy bay và xe lửa. Nay thì trong cũng như ngoài Đảng, không còn ai có thể hình thành nổi một lực lượng chính trị đe dọa được « Người cầm lái vĩ đại » họ Tập, dù không loại trừ khả năng trong nhiệm kỳ thứ ba có những đối thủ dựa vào bất mãn trong xã hội để thách thức ông ta.

Nếu Tập Cận Bình phạm những sai lầm lớn, chẳng hạn tấn công Đài Loan (theo chuyên gia Lâm Hòa Lập là vào khoảng 2027-2032), sẽ không ai dám cản lại ông. Điều này rất nguy hiểm, Trung Quốc là một quốc gia quá lớn, quyền sinh quyền sát không thể nằm gọn trong tay một người lãnh đạo duy nhất.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.