Đăng ngày:
Trang nhất của L'Obs tuần này dành cho « Hồ sơ đen của Total về siêu lợi nhuận, khí hậu, địa chính trị... ». L'Express tiết lộ mặt trái của những dịch vụ được cho là để nâng cao sức khỏe nhưng thực ra thiếu tính khoa học và không được kiểm soát chặt chẽ. Le Point đăng ảnh một đoàn chiến hạm trên biển, chạy tựa lớn « Một mối đe dọa khác : Cảnh báo ở Đài Loan ». Trang bìa Courrier International là biếm họa vẽ một phụ nữ giận dữ cầm kéo định cắt bộ râu của giáo sĩ, chạy tựa « Iran, chế độ đang ở chân tường ».
Lính đánh thuê được giao quyền bắn hạ quân nhân Nga đào ngũ
Courrier International đưa ra ba kịch bản cho quân Nga ở Kherson, nơi đang bị Ukraina vây hãm, theo đánh giá của tờ Meduza : « rút lui, xây thành đắp lũy, dùng vũ khí nguyên tử ». Tuần báo Pháp cũng tiết lộ Nga có những « đơn vị đặc biệt phụ trách bắn hạ lính đào ngũ ».
Tướng Nga Sergueï Sourovikine cáo buộc Kiev sử dụng các « zagradotriady » chuyên bắn vào những người lính chuyên nghiệp bỏ chạy hay ra đầu hàng. Nhưng trên thực tế chính lực lượng của ông ta có hành động này, thông qua lính Chechnya hay lính đánh thuê Wagner. Từ ngữ này có từ thời Stalin trong Đệ nhị Thế chiến. Theo nhà báo gốc Nga Tatiana Vaksberg làm việc cho ban tiếng Bulgari của Radio Free Europe/Radio Liberty, trong những cuộc điện đàm mà SBU, cơ quan phản gián Ukraina nghe được, các thành viên của Rosgvardia (Vệ binh Nga) kể lại rất chi tiết cho người thân.
Chẳng hạn tại Bakhmut thuộc vùng Donetsk, một trong những trục hiếm hoi mà quân Nga vẫn luôn cố tiến một cách không thể hiểu được dù bị thiệt hại nặng nề (khoảng 50 lính tử trận một ngày, theo Kiev). Oleksiy Arestovitch, cố vấn của tổng thống Zelensky giải thích, đó là do có đến hai hàng rào « zagradotriady », nếu không bắn vào lính đào ngũ thì chính mình sẽ bị lực lượng « zagradotriady » phía sau tiêu diệt. Ngay cả Stalin cũng không làm như vậy ! Tại Bakhmut, chủ yếu lính đánh thuê Wagner phụ trách việc bắn hạ các binh sĩ bỏ chạy, lực lượng này gần đây tuyển mộ rất nhiều tù hình sự.
Càng thắng thế, Ukraina càng có nguy cơ bị tấn công nguyên tử
Courrier International dịch bài viết của UnHerd nêu ra nghịch lý trên. Lâu nay nói về « chiến tranh nguyên tử » vẫn là điều cấm kỵ, ngay cả thời kỳ khủng hoảng tên lửa Cuba, Khrouchtchev và Kennedy đều tránh đề cập. Nhưng giờ đây, bất kỳ ai sở hữu bom nguyên tử đều có thể đe dọa người khác. Vì đâu nên nỗi ? Đó là do Vladimir Putin. Ông ta đã « bình thường hóa » khả năng gây thảm họa cho nhân loại. Truyền hình Nga thường xuyên nêu ra, người dẫn chương trình nối tiếng Dimitri Kisselev phấn khích nói rằng một hỏa tiễn nguyên tử Nga có thể « tiêu hủy hoàn toàn » hoặc biến nước Anh thành « sa mạc phóng xạ ». Tất nhiên anh ta phải được Kremlin bật đèn xanh mới có thể tuyên bố nẩy lửa như vậy.
Quân đội Ukraina càng đẩy lùi quân Nga trên chiến trường thì giả thiết Putin dùng đến vũ khí nguyên tử chiến thuật càng được nêu ra, chiến thắng khiến Kiev càng trở nên dễ tổn thương. Càng cay đắng hơn khi Ukraina từng chấp nhận trao trả toàn bộ đầu đạn nguyên tử Liên Xô theo bản ghi nhớ Budapest để đổi lấy sự bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của Hoa Kỳ, Anh quốc và...Nga.
Mike Pompeo : Răn đe là cách đối phó tốt nhất
Cựu ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời tuần báo L'Express nhấn mạnh « Để chận đứng Putin, cần phải cung ứng nhiều vũ khí hơn cho Zelensky ». Ông Pompeo cho rằng chính quyền Biden quá chậm chạp nên đã uổng phí khá nhiều thời gian, và cho đến nay, châu Âu vẫn còn quá dè dặt. Theo ông, cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sẽ không ảnh hưởng đến chủ trương hỗ trợ tổng thống Volodymyr Zelensky. Cựu ngoại trưởng nhắc lại, việc Putin sáp nhập Crimée diễn ra vào thời Barack Obama, còn trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump Ukraina không bị mất dù chỉ một milimet lãnh thổ. Nếu chính quyền Biden lớn tiếng răn đe thì đã không xảy ra tình trạng hiện nay.
Từng nhiều lần nói chuyện tay đôi với Putin, Mike Pompeo nhận xét tổng thống Nga là người ác tâm nhưng sâu sắc, coi trọng chỉ ba điều : quyền hành, sức mạnh và bạo lực. Cựu ngoại trưởng hy vọng chính quyền Joe Biden đã thông tin cho ông chủ điện Kremlin theo cách riêng tư và bí mật, về danh sách những hậu quả sẽ phải chịu nếu vượt qua lằn ranh đỏ. Đó là cách mà chính quyền Donald Trump hoạt động trong suốt nhiệm kỳ bốn năm. Châu Âu cũng nên theo cách tương tự thay vì cứ lo lắng không biết Putin nghĩ gì và tìm cách đối thoại - dù sao đi nữa, khả năng này hoàn toàn bế tắc.
Tướng Pháp : Putin chưa chịu hiểu rằng đã bại trận
Tuần báo L'Express có bài phỏng vấn tướng Pháp Michel Yakovleff. Theo vị tướng này, quân Nga có thể sụp đổ trong những tháng tới, lực lượng Nga ở Kherson bị bao vây từ nhiều tháng qua. Họ giống một con cá voi đang bị xẻo từng mảng thịt, không còn có thể xoay chuyển tình thế khi đã huy động hết đơn vị tác chiến của các quân khu. Lính Nga phụ thuộc rất nhiều vào pháo, và đang thiếu đạn do các cầu nối với vùng đất chiếm đóng ở bờ đông sông Dniepr đều đã bị phá hủy, như vậy khả năng tan rã là rất rõ. Nếu điều này diễn ra, có thể tâm lý tuyệt vọng có thể lây lan sang các đạo quân khác.
Lệnh động viên không thể giúp được gì, và một trong những vấn đề lớn của việc huy động trễ tràng này là Nga rất thiếu người huấn luyện cho 300.000 tân binh. Ở Pháp chẳng hạn, khi quân đội gởi 1.000 lính mới sang một trung tâm huấn luyện thì phải điều 300 binh sĩ đến hướng dẫn cho họ từ cách ngắm bắn, tiếp đạn, cứu thương cho đến lái xe, thủ tục hành chánh...Nói chung là, tỉ lệ người huấn luyện phải chiếm 1/4 đến 1/3 quân số. Chiến tranh thì không có chuyện tự học. Như vậy Nga tìm đâu ra 70.000 đến 100.000 binh sĩ đó ? Hầu như tất cả đều đang trên tuyến đầu ở Ukraina.
Vấn đề khác là những người Nga bị động viên không hề muốn tham gia cuộc chiến này, hết sức tương phản với các chiến binh Ukraina quyết tâm bảo vệ tổ quốc, đã có kinh nghiệm sau 8 tháng chiến tranh và đang phấn khởi trước thắng lợi. Matxcơva đã cạn kiệt phương tiện, và nếu bắt lính được 1 triệu người đi nữa, thì lấy gì trang bị cho họ ? « Putin đã bại trận, nhưng ông ta vẫn chưa chịu hiểu ra ».
Lính Nga bị chế độ Kremlin đối xử tồi tệ
Tướng Yakovleff nhận thấy chế độ Nga coi người lính như loài vật. Ngoài vũ khí cổ lỗ sĩ, điều kiện sống tồi tệ, họ chẳng được thông tin gì cả. Trước cuộc xâm lăng, người ta bắt họ đi tập trận ở gần Ukraina mà không cho biết lý do, rồi khi vượt qua biên giới, một số đơn vị còn không biết mình đang trên đất Ukraina.
Bộ tham mưu điều quân từ nơi này sang nơi khác để lấp chỗ, làm bia đỡ đạn. Và quân đội này còn bị Putin và những người thân tín với ông ta sỉ nhục : một loạt tướng lãnh bị thay thế, truyền hình phê phán quân đội Nga không có trình độ so với lính đánh thuê Wagner hay lính Chechnya của Kadyrov.
Về khả năng can thiệp của Belarus, tướng Yakovleff nhận định là không đáng kể vì quân đội nước này ít người và lại huấn luyện theo các tiêu chuẩn còn thấp hơn Nga, không phải là đối thủ của Ukraina. Hơn nữa, Loukachenko rất cần đến quân đội để giữ vững chính quyền ông ta, và dân chúng không muốn Belarus tham chiến. Nếu tấn công, quân đội Belarus sẽ bị Ukraina tiêu diệt và chế độ Loukachenko sụp đổ, không loại trừ khả năng một chính quyền mới thân thiện với Ukraina lên thay thế. Kết quả sẽ là thảm họa cho Putin.
Putin khó tránh khỏi số phận dành cho các nhà lãnh đạo bị đại bại
Quân đội Ukraina đang trở thành lực lượng mạnh nhất châu Âu, nhưng vẫn cần tăng cường về quân số và vũ khí. Nhờ tổng động viên ngay từ đầu, Kiev đã có thêm 600.000 quân bổ sung vào lực lượng 100.000 quân nhân chuyên nghiệp, và lại dành thời gian đào tạo để thành lập các lữ đoàn đúng nghĩa. Một trong những hạn chế là trang thiết bị của Ukraina gồm đủ loại, rất phức tạp cho việc bảo trì và sử dụng. Pháo thủ phải học cách bắn những loại pháo của Mỹ, Pháp, Đức và nhiều nước khác.
Vấn đề nữa là Ukraina thiếu đạn nên không thể oanh tạc quy mô. Vì vậy họ để dành đạn cho việc phá hủy các kho đạn dược cho Nga và yểm trợ trực tiếp cho các đợt tấn công của quân mình. Ngược lại Putin đã sử dụng vô tội vạ các hỏa tiễn rất đắt tiền để tấn công vào thường dân Ukraina, đó là quyết định ngu xuẩn về mặt quân sự.
Bế tắc, Putin sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử ? Tướng Michel Yakovleff không tin. Trước hết là Ukraina đã tấn công sâu vào những vùng đất mà Vladimir Putin tuyên bố chủ quyền nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì. Kế tiếp, việc thi hành còn liên quan đến vài chục người khác, không loại trừ khả năng ai đó từ chối thực hiện. Cuối cùng, phương Tây và nhất là Mỹ sẽ trả đũa bằng vũ khí quy ước, tiêu diệt toàn bộ lính Nga có mặt trên đất Ukraina, có thể cả những mục tiêu khác như Kaliningrad.
Liệu Vladimir Putin có thể tồn tại sau khi bại trận ? Nếu vậy ông ta sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất trong lịch sử Nga còn sống sót sau một sự kiện tầm cỡ như thế. Theo tướng Yakovleff, số phận Putin đã được định đoạt.
Bao giờ Trung Quốc tiến đánh Đài Loan ?
Nhìn sang châu Á, Le Point có các bài phóng sự, điều tra về một nguy cơ địa chính trị lớn khác : Tập Cận Bình muốn chiếm Đài Loan bằng vũ lực và quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị.
Cuộc chiến tranh Đài Loan bao giờ sẽ diễn ra, trong thời gian này hay trong một thập niên nữa ? Đó là một cuộc xâm lăng hay chỉ là phong tỏa ? Một cuộc chiến chớp nhoáng, hay đại chiến thế giới ? Hiếm khi một sự kiện địa chính trị lại gây ra nhiều ý kiến khác biệt như thế. Mùa hè vừa qua, khi Bắc Kinh tổ chức cuộc tập trận mang tính răn đe nhất trong lịch sử, bao vây đảo quốc và bắn hỏa tiễn ồ ạt vào vùng biển xung quanh, cả thế giới nín thở theo dõi. Còn người Đài Loan chỉ nghi ngại, sau 70 năm liên tục bị hăm dọa và ba cuộc khủng hoảng quân sự năm 1955, 1958 và 1995-1996, khi Trung Quốc oanh tạc vùng duyên hải trong nhiều tháng.
Giới tinh hoa bất đồng về thực chất mối đe dọa. Các nhà ngoại giao Đài Loan cho rằng nhìn thấy thất bại của Vladimir Putin ở Ukraina, Tập Cận Bình trước mắt sẽ không dám ra tay, đành chịu mất mặt sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi. Chuyên gia Bonnie Glaser nói rằng không có dấu hiệu khẩn cấp nào, còn cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd tin là Bắc Kinh không tấn công Đài Loan trong những năm 2020.
Nhưng số khác cảnh giác hơn, khi Tập Cận Bình ngày càng giương móng vuốt. Hải quân Trung Quốc nay đã vượt qua Hoa Kỳ về số lượng tàu chiến, đã cho hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba, và mới đây phó đô đốc Karl Thomas, chỉ huy trưởng Đệ thất Hạm đội nhìn nhận Bắc Kinh có khả năng phong tỏa Đài Loan nếu muốn. Riêng cảng Cao Hùng, trung tâm xuất khẩu chip được cho là mục tiêu số 1 mà Trung Quốc muốn đánh chiếm. Tỉ phú Tào Hưng Thành (Robert Tsao), người sáng lập tập đoàn bán dẫn UMC hứa chi ra 100 triệu đô la cho việc cảnh báo dân chúng và hình thành lực lượng phòng vệ dân sự - nếu chỉ luôn dựa vào chính phủ có khi quá trễ.
Đài Bắc học hỏi kinh nghiệm Ukraina, tăng chi quốc phòng
Năm 2024, khi tổng thống ôn hòa Thái Anh Văn phải nhường chỗ cho một người kế nhiệm rất có thể là cứng rắn hơn, như đương kim phó tổng thống Lại Đức (William Lai) chẳng hạn, có thể Bắc Kinh sẽ nhảy nhổm trước mọi hành động bị coi là « tuyên bố độc lập ». Cựu viên chức Lầu Năm Góc Elbridge Colby nhấn mạnh, phải mất năm năm để chuẩn bị chống xâm lăng. Nếu Trung Quốc tấn công năm 2027 thì phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, nên không thể hiểu tại sao Đài Bắc chỉ dành 10 % GDP chi quốc phòng.
Le Point nhận thấy Đài Loan đang dần dà tỉnh giấc, gia tăng đặt mua vũ khí, đưa ra chương trình tự chế tạo tàu ngầm, tàu chở trực thăng, drone thám thính. Thời gian đi quân dịch kể từ 2024 sẽ kéo dài thành một năm thay vì bốn tháng. Theo mô hình của Ukraina, Đài Bắc tổ chức những đơn vị nhỏ gọn trang bị vũ khí tân tiến có thể gây thiệt hại tối đa cho địch, nhưng hiện nay chỉ ở bước đầu.
Phe lạc quan cho rằng Tập Cận Bình hành động lý trí hơn Vladimir Putin, và để chuẩn bị chiến tranh cần phải sản xuất hàng loạt đạn dược, đóng các tàu đổ bộ, dự trữ nhiều hàng hóa để phòng cú sốc thương mại, tuyên truyền, cấm quân nhân rời khỏi quân đội…Phe cảnh giác phản bác, Bắc Kinh biết rằng phương Tây theo dõi các chỉ dấu, và về tàu đổ bộ chẳng hạn, có thể dùng phà dân sự để chở lính qua eo biển, nhảy dù để chiếm các cảng…
Thế thì chừng nào ? 2024, 2027 hay không bao giờ ? Sự nhập nhằng cũng là vũ khí bí mật của Bắc Kinh. Để giải thích về vật lý lượng tử, bác học Đức Erwin Schrödinger từng lấy ví dụ một con mèo bị nhốt trong hộp, sống dở chết dở, và Le Point cho rằng Đài Loan cũng bị Bắc Kinh nhốt trong một chiếc hộp như vậy. Một Nhà nước không được quốc tế công nhận, và phải đối mặt với mối nguy diệt vong, điều bất công cho một quốc gia năng động có 23 triệu dân.
Trung Quốc tuyển mộ phi công Pháp dạy kỹ thuật tàu sân bay
Le Figaro số cuối tuần có thông tin độc quyền về việc « quân đội Trung Quốc tuyển mộ phi công Pháp ». Một cựu phi công giàu kinh nghiệm của Không quân Pháp, tạm gọi là François cho biết mới đây đã được một công ty bí ẩn đặt ở Nam Phi tiếp cận. Test Flying Academy of South Africa (TFASA) tìm kiếm những huấn luyện viên giỏi để dạy cách đáp xuống hàng không mẫu hạm, hợp đồng 20.000 euro một tháng đã trừ thuế. Anh suýt gật đầu vì hiếm khi có dịp nắm trong tay một phi cơ tiêm kích hiện đại như họ đề nghị : J-11, phiên bản của Sukhoi 27. François từng huấn luyện cho nhiều nước, chủ yếu ở châu Phi.
Nhưng công ty Nam Phi do người Anh điều khiển thật ra chỉ làm bình phong cho tham vọng của Trung Quốc. Những năm gần đây nhiều phi công tiêm kích làm việc cho Bắc Kinh. Khoảng 30 cựu phi công máy bay tiêm kích hay trực thăng của Không quân Hoàng gia Anh trở thành « lính đánh thuê » trên bầu trời, huấn luyện cho người Trung Quốc – theo tiết lộ của Sky News hôm 18/10. Bộ trưởng Quốc Phòng Anh cho rằng đây là « mối đe dọa nghiêm trọng », ra lệnh cho các cựu sĩ quan ngưng các hoạt động này, và dự định siết lại các điều khoản của lực lượng. Bộ Quân Lực Pháp hiện không trả lời Le Figaro.
Tờ báo nhận thấy người Pháp đang là mục tiêu quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc, nhằm thách thức Hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Pháp có vốn quý là nhiều cựu sĩ quan nắm chắc kỹ thuật cất cánh và hạ cánh trên boong hàng không mẫu hạm. Chiếc Phúc Kiến mới trình làng sẽ được trang bị hệ thống đáp điện từ, công nghệ chỉ có Hoa Kỳ sử dụng và sắp tới là Pháp. Nhưng Mỹ nằm ngoài tầm tay với của Bắc Kinh vì tình báo Mỹ vô cùng cảnh giác. Quân đội Trung Quốc cần đào tạo 100 đến 150 phi công trong thập niên tới cho các tàu sân bay. Một đoạn đường dài đôi khi kèm theo những bi kịch, như Mỹ và Pháp đã trải qua trong thập niên 60. Báo chí Hoa lục cho biết hai tiêm kích J-15 đã bị rơi năm 2016, một phi công tử nạn.
Tuyển dụng phi công phương Tây giúp Bắc Kinh đốt giai đoạn, vào lúc Tập Cận Bình khẳng định việc đưa Đài Loan về với « mẫu quốc ». Mệnh lệnh chính trị này làm tăng áp lực lên quân đội Trung Quốc, vốn chưa thử lửa từ sau chiến tranh với Việt Nam. Bắc Kinh chỉ mới tập tành, mua lại hàng không mẫu hạm cũ Ukraina và cải tiến thành chiếc Liêu Ninh. Trong cuộc tập trận gần đây ở Bột Hải, tàu sân bay này đã triển khai 24 tiêm kích J-15. Về phía François rốt cuộc đã từ chối bản hợp đồng béo bở, vì sợ phiền phức, và vì lương tâm. Anh nói : « Đó là một sự chọn lựa về đạo đức. Trung Quốc là cường quốc đối địch thường xuyên bị tình báo điểm mặt, chúng ta không ở cùng bên ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.