(Patrick Saint-Paul, Le Figaro 30/12/2022) Nhà Trung Hoa học, chuyên gia về phe ly khai Trung Quốc phân tích, chế độ Tập Cận Bình là một « chế độ đang hấp hối, như Liên Xô trong thập niên 80 ».
Le Figaro : Tập Cận Bình nói rằng cách xử lý Covid của Trung Quốc là bằng chứng về sự vượt trội của nước này so với hệ thống phương Tây. Tình hình hiện nay có thể đe dọa ông ta như thế nào về mặt chính trị?
Marie Holzman : Rõ ràng là không phải vậy. Ông ta khiến người dân Trung Quốc bị tra tấn trong suốt ba năm, gần như bị bỏ tù. Hậu quả của việc phong tỏa thật bi thảm. Hơn nữa, không có « zéro Covid », mặc cho cái tên gây nhập nhằng. Bằng chứng là con virus vẫn thường xuyên quay lại. Có bao nhiêu người đã chết trong thời kỳ « zéro Covid »? Không thể nào biết được, vì Bắc Kinh không thông báo số liệu hoặc đưa ra số liệu sai lạc.
Họ nói rằng có 4.000 người chết, thật là buồn cười ! Chúng ta có thể thấy rõ rằng các lò hỏa táng đang quá tải, dân chúng đang hoảng loạn. Tập Cận Bình được một nhóm cận thần ngoan ngoãn vây quanh, tất cả những người có năng lực đều bị loại. Thậm chí rốt cuộc ông Tập cũng loại nốt thủ tướng Lý Khắc Cường, một nhân vật kỹ trị.
Từ mười năm qua, Tập vẫn độc diễn trên sân khấu. Và không thể nêu ra được một chọn lựa đúng đắn nào của ông ta. Đại dịch hoàn toàn không phải đang trong vòng kiểm soát, như chúng ta thấy. Và chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Chính sách « zéro Covid » là hết sức vô nghĩa. Tập Cận Bình đã nhốt kín dân chúng trong suốt ba năm trời để ngăn chận một dịch bệnh, nhưng rốt cuộc dịch cũng bùng phát như một chai nước có gaz bị nổ tung.
Liệu những tác động tiêu cực của việc mở cửa có làm mất uy tín của ông Tập không?
Cần nhìn vào bản chất toàn trị tuyệt đối của chế độ của ông ta. Tập Cận Bình đã nắm trong tay mọi đòn bẩy quyền lực, lộng hành với mọi chức danh lãnh đạo mà không có đủ bản lĩnh để đảm nhận những trọng trách này. Ông ta đã giữ cho hệ thống vận hành được trong mười năm qua bằng cách khóa chặt toàn bộ đất nước. Nếu ở một nơi nào đó trên thế giới có một nhân vật tài ba có thể một mình lãnh đạo một quốc gia, thì người ta đã biết được. Tình trạng này không thể kéo dài, và Tập Cận Bình đã đến điểm không thể quay lại : khả năng của ông ấy chỉ có thế, và chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự sụp đổ từ từ của hệ thống.
Những người ủng hộ việc cải cách nhằm nới lỏng phần nào sự kìm kẹp của chế độ độc tài đối với người dân Trung Quốc sẽ giành lại ưu thế trong Đảng. Chúng ta không còn nghe nói về Tập Cận Bình trong giai đoạn này, khi người dân đang hết sức khủng hoảng. Người Trung Quốc rất sợ chết. Tuổi thọ và sức khỏe tốt luôn là nỗi ám ảnh trong văn hóa Trung Hoa. Tất cả đều muốn sống đến 110 tuổi ! Hiện giờ họ vô cùng sợ hãi vì không biết điều gì sẽ xảy ra với mình và người thân. Các nhà xác tràn ngập tử thi. Và sự bất tài của Tập Cận Bình phơi ra trước mắt.
Con số 250 triệu người nhiễm bệnh có đáng tin cậy hay không?
Không có số liệu nào do chính phủ đưa ra là đáng tin cậy ở Trung Quốc. Một số thành phố tỏ ra độc lập hơn, cung cấp các số liệu giúp hình dung về mức độ lây nhiễm. Thanh Đảo: 500.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, Đông Hoản 400.000 ca/ngày. Sơn Đông, Thượng Hải quá tải, Bắc Kinh và Trùng Khánh cũng vậy. Tôi không biết có những khu vực nào tránh khỏi. Không bao lâu nữa tất cả những thành phố, vùng miền trên cả nước đều sẽ « yang », tức dương tính. Khi bạn gọi điện cho một người bạn ở Trung Quốc, người ấy nói : « Cả nhà đều dương tính ». Cả nước Trung Quốc đang hoảng loạn.
Tập Cận Bình hoàn toàn không chuẩn bị gì cả. Ông ta đột ngột buông. Mạnh ai nấy tự lo lấy thân. Người dân Hoa lục đổ xô đi mua thuốc paracetamol, và bây giờ không còn thuốc. Chế độ Trung Quốc là một chế độ đang hấp hối, giống như Liên Xô trong những năm 80. Covid sẽ là Chernobyl của Trung Quốc. Kể từ thảm họa Chernobyl, niềm tin vào hệ thống xô-viết biến mất, và sự sụp đổ của nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Phải mất vài năm...
Đến một ngày nào đó liệu chúng ta sẽ biết được số người chết vì Covid ở Trung Quốc?
Đã mất bao nhiêu thời gian để tìm ra số người chết vì nạn đói khủng khiếp những năm 50 ? Chúng tôi bắt đầu có thông tin từ năm 1978, sau cái chết của Mao - nghĩa là đến hai mươi năm sau - theo đó đã có 30 đến 40 triệu người chết. Thông tin thực sự từ các nhà sử học Trung Quốc đã không được tiết lộ cho đến thập niên 90. Nhà cầm quyền Trung Quốc rất giỏi giấu diếm… Chúng ta sẽ không bao giờ biết được có bao nhiêu người đã bị sát hại trong vụ thảm sát Thiên An Môn.
Phải chăng với Covid và những hệ lụy kinh tế của nó, khế ước ngầm ràng buộc Đảng với dân - không có nổi dậy chừng nào mức sống được cải thiện - sẽ bị phá vỡ?
Khế ước này chỉ liên quan đến giới tinh hoa. Người dân luôn nói : « Chúng tôi không có chọn lựa nào khác, phải làm việc ngày đêm trong suốt cả tuần ». Một khi mức sống được cải thiện đôi chút, người Trung Quốc nói chung vẫn lạc quan, nhưng cái giá phải trả thì quá đắt. Đại đa số dân chúng chỉ dễ thở thêm một chút, phần lớn sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Đúng là có một Trung Quốc lung linh, nhưng đối lại, là một Trung Quốc nghèo đói khác. Nếu tình hình là tuyệt vời như chính quyền tuyên truyền, thì tại sao có quá nhiều người Trung Quốc muốn ra đi ?
Với việc mở cửa biên giới, có cảm tưởng như người dân Hoa lục đang tìm kiếm oxygen ở nước ngoài. Họ đi du lịch để giải tỏa tâm trí ?
Những ai có tiền tiết kiệm hoặc thân nhân ở nước ngoài chỉ đơn giản là chạy trốn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì luôn cất giấu tài sản của họ ở ngoại quốc. Hiện đang có cả một làng toàn người Hoa trung lưu ở Malta và Chypre. Họ tìm cách đưa gia đình sang để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đó không phải là dấu hiệu của sự tin tưởng vào chính quyền.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.