dimanche 25 décembre 2022

Nguyễn Gia Việt - Đêm nay Giáng Sinh, chúng ta nói về tinh thần an hòa của con người

 

Nhớ cách đây không lâu có những đề tài mà giờ vẫn còn trên Google của "Các thầy", đại loại : "Phật tử có nên mừng ngày Noel hay không?".

Có một "thầy" đăng đàn "giáo hóa" Phật tử với những lời lẽ rất "kỳ lạ".Có nhiều status Facebook viết kiểu "Trách nhiệm của phụ huynh Phật tử trước lễ Noel".

Chuyện cũ rồi,nhưng cho thấy "thầy" hơi nhỏ nhen, tự phân biệt, kỳ thị và làm mình rẻ rúng trong môi trường tri thức nhơn loại. "Thầy" hay bạn xưng là "Phật tử" sai hoàn toàn nếu chiếu theo tinh thần của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật tử dạy con đừng vô nhà thờ là nói sai, bạn quá cực đoan và cố bài xích. Đức Phật khi xưa không chỉ trích, lên án bất kỳ tôn giáo nào. Ngài luôn xiển dương sự khoan dung, chan hòa kính trọng niềm tin của riêng mình nhưng không để mất đi sự kính trọng đối với các tôn giáo khác.

Ngài đã  khuyên  đệ tử của mình bố thí đồ ăn cho người Bà La Môn cùng những người khất sĩ khác một cách bình đẳng, bất luận họ theo tôn giáo nào. Đức Phật khuyên các đệ tử không làm tổn thương đến các tu sĩ Bà La Môn, và Ngài đã hòa giải các tu sĩ cũng như người Bà La Môn hòa hợp lại với nhau.

Ngài đã cư xử chân thật đối với tất cả tôn giáo khác mà không có sự phân biệt nào hết. Ngài đã nói: "Nếu điều đó tốt cho bạn và người khác thì cần nên làm. Ngược lại, nếu điều đó có hại cho bạn và những người khác thì không nên làm".

Trong giáo lý Phật giáo, không có dòng nào "cấm" Phật tử không được vô nhà thờ hay các cơ sở tôn giáo khác. Cũng không có dòng nào "cấm" cúi lạy trước tôn tượng của các tôn giáo khác, cấm đi chơi Noel.

Đức Phật tỉnh táo và rất nhẹ nhàng.

Bia ký trên trụ đá tại Sàrnàth là trụ đá có từ năm 250 trước công nguyên do vua Asoka (A Dục) khắc còn ghi lại bài ký "răn" tăng đoàn. Sàrnàth là nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, nơi Tăng đoàn Phật giáo chánh thức hình thành, cũng là trung tâm chánh của Chánh Lượng Bộ

Bia đá của vua A Dục bằng chữ Phạn và ngày nay những tàn tích này vẫn còn ở Sàrnàth, Ấn Độ  ghi rõ : “Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của mình và bài xích tôn giáo của người vì lý do này hay lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những tự làm tổn thương tôn giáo của mình mà còn làm thương tổn tôn giáo của người khác".

Trong bia ký ghi rằng: “Quả nhân tôn kính mọi giáo phái, cúng dường tất cả hàng đạo sĩ. Quả nhân chú tâm đến tất cả các tôn giáo, muốn mọi tôn giáo cùng phát triển.”

Và "Thầy" mấp mé bài bác, Phật tử  nào đó cấm con đi chơi Noel cũng sai với con đường trung đạo mà Đức Phật đã dạy.

Trung đạo (madhyamā-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan, hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh. Nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Đức Phật sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh. Trung đạo là con  đường mà Đức Phật thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.

Con đường trung đạo của Phật Thích Ca không chỉ là quan điểm sống của Phật giáo, biểu thị tinh thần trung dung cởi mở không cố chấp. Trung đạo luyện tâm thức tĩnh lặng trong sáng, cân bằng lòng mình, tránh xa cực đoan, cố chấp, không hại mình và hại người, không làm khổ mình và người khác. Nó là luật của sự hài hòa,luật của sự thăng bằng hoàn hảo.

Dạy con không đội nón Noel vì “con là Phật tử” là sai. Con là Phật tử trong tâm, không phải bằng lời nói. Cái nón Noel trùm đầu là dạng nón ông già Noel, một dạng thương mại hóa của người Mỹ, Chúa Jesus và các Thánh Công giáo có ... đội nón Noel đâu, đó là nón phong trào cho vui.

Đúng là ngày sanh của Chúa Jesus là lấy từ ngày Thần Mặt Trời, nhưng ngày đản sanh của Phật cũng có chính xác đâu. Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật Đản vào ngày 08/04 âm lịch. Tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên ở Colombo, Tích Lan năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhứt ngày Phật Đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

Hãy nghĩ thoáng đi, đừng gò bó mình quá. Phật tử là suốt ngày áo xám tro, miệng ê a tụng kinh, ăn chay trường mới là Phật tử sao? Chay trường là cực đoan, ép con cháu phải làm theo sự sân si của mình là cực đoan.

Phật dạy sao?

Thích Ca Mầu Ni dạy chúng sanh đừng làm điều xấu, điều ác, nghĩa là phải từ bi bác ái với nhau thì đó là “tu”, Phật tại tâm. Ngày nay văn hóa Đông Tây đã giao hòa với nhau, tôn giáo đã nhường cho niềm vui an hòa đại chúng. Văn minh Tây Phương lên ngôi hàng trăm năm nay, cả thế giới tưng bừng, sao ta tại ru rú trong nhà? Tại sao lại xây tường cho con mình với một niềm tin hơi cực đoan như vậy?

Noel là lễ chung của cả dân Ki Tô và nhiều người khác mà nay đã là lễ hội màu sắc toàn thế giới. Con cháu của chị Phật tử đó có vô nhà thờ xem lễ, cúi đầu trước Đức Chúa cũng là điều tốt, hòa chung lễ cũng là an hòa, vui vẻ mà, có mất miếng nào đâu. Chúng ta nhớ hồi 2012 tại Vienna, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Hồng Y Christoph Schobborn, Tổng Giám mục Vienna gặp nhau  tại Nhà Thờ St Stephen, Đức Đạt Lai Lạt Ma chắp tay trước tượng Chúa, hình ảnh vô cùng đẹp trong lòng chúng ta.

Phước lành, phước báu khắp chốn muôn nơi. Bộ dân Ki Tô thì Chúa mới ban ân phước à? Sai đó, Chúa ban cho tất cả mọi người. Phật của Việt Nam là Phật Tam Giáo,có giáo lý Phật nào cấm con trẻ không được xá Chúa Jesus? Phật tại tâm mà.

Ngày nay tại Việt Nam có nhiều ông sư đã hướng những Phật tử của mình vào con đường sanh lòng thù hận, sân si khi công khai kêu gọi bài xích lễ Giáng Sinh và nhiều Phật tử nhẹ lòng u ám làm cho lòng dạ mình cực đoan, cố chấp, sân hận khi nghe những lời đó. Những kẻ này không phải là con nhà  Phật, họ làm trái tôn chỉ của Phật.

Người Việt Nam xưa nay không chấp nhận cực đoan tôn giáo. Lịch sử đã chứng minh, xã hội Việt Nam sẽ có cách điều chỉnh những vị cực đoan tôn giáo đó. Nói chung đừng căng thẳng nhau vì chúng ta cùng là người Việt.

NGUYỄN GIA VIỆT 24.12.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.