Đăng ngày:
Cuộc chiến tranh cường độ cao chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến ngốn mất một lượng lớn vũ khí của cả hai bên. Mỹ đã viện trợ cho Ukraina 2/3 số hỏa tiễn Javelin, Stinger trong kho ; và vừa đặt hàng hơn nửa tỉ đô la tên lửa dùng cho Himars. Sản xuất khó thể theo kịp tiến độ cuộc chiến – có lúc Nga bắn tới 60.000 đạn pháo/ngày. Vũ khí thông minh của phương Tây rất hiệu quả, nhưng công cuộc chống xâm lăng của Kiev lại cần số lượng lớn khí tài thông thường.
Nga dội bão lửa, Mỹ mở kho giúp Ukraina đạn pháo, hỏa tiễn
Chín tháng sau khi Nga tấn công vào Ukraina, lo ngại đang tăng lên về khả năng đồng minh duy trì nhịp độ cung cấp vũ khí cho Kiev. Le Monde chạy tựa trang nhất « Kho vũ khí phương Tây dưới áp lực ». Theo các chuyên gia quân sự, trong giai đoạn cao điểm vào mùa hè, Nga đã bắn đi 60.000 quả đạn pháo mỗi ngày, Ukraina 20.000 quả. Sau đó con số này giảm xuống « chỉ » còn 20.000 một ngày phía Nga và 7.000 phía Ukraina. Trang web Oryx chuyên đếm số vũ khí bị phá hủy của mỗi bên dựa theo bằng chứng video, ước lượng quân đội Nga đã mất trên 1.500 xe tăng kể từ ngày 24/02, tức phân nửa số xe đang hoạt động.
Để giúp Kiev đối phó với những trận bão lửa của Nga, phương Tây đã mở kho vũ khí, đứng đầu là Hoa Kỳ, chiếm 2/3 quân viện. Lầu Năm Góc đã chuyển giao trên 1 triệu quả đạn pháo : 924.000 quả loại 155 ly, 125.000 quả 120 ly, 180.000 quả 105 ly...Về vũ khí cơ động, rất hiệu quả trong những trận cận chiến, Ukraina đã nhận gần 50.000 hỏa tiễn chống tăng trong đó có 8.500 Javelin đã giúp chận đứng đoàn xe tăng Nga hướng về Kiev. Bên cạnh đó còn có khoảng 1.600 hỏa tiễn phòng không Stinger, 3.000 drone Switchblade (Dao găm), Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng).
Nhà nghiên cứu Mark Cancian của CSIS ước lượng một số dự trữ vũ khí của Mỹ đã xuống đến mức tối thiểu cần thiết cho chiến tranh và huấn luyện. Hoa Kỳ đã chuyển cho Kiev 2/3 số hỏa tiễn Javelin và Stinger. Dự trữ hỏa tiễn GMLRS dùng cho Himars vốn rất hữu ích cho Ukraina cũng xuống thấp. Báo cáo của Center for a New American Security (CNAS) ngày 17/11 cho biết : « Để giúp Ukraina, Hoa Kỳ đã tận dụng lượng vũ khí thiết yếu của mình ».
« Cạn vốn », Matxcơva đưa cả xe tăng nửa thế kỷ trước ra trận
Về phía Matxcơva cũng không hơn gì. Theo La Croix, kỹ nghệ quốc phòng Nga đang hụt hơi, khó thể theo kịp nhịp độ cuộc chiến, nhất là đang bị phương Tây trừng phạt. Áo giáp chống đạn không thể tìm ra, vũ khí rỉ sét, lính tráng buộc phải tự mua trang bị...Quân đội Nga đứng trước vô vàn khó khăn về hậu cần, không thể trong ngày một ngày hai trang bị được cho cả trăm ngàn tân binh. Ngoài số lính bị động viên, còn phải duy trì cường độ của chiến dịch - tưởng rằng chỉ vài ngày nhưng nay đã bước vào tháng thứ mười. Chuyên gia Samuel Bendett nhận xét, Matxcơva không chuẩn bị cho một cuộc chiến cần đến nhiều nguồn lực như vậy, và cũng không chắc rằng có thể tiếp tục cùng một nhịp độ trong những tháng tới.
Số lượng xe tăng Nga bị tiêu diệt lớn gấp 6 lần tổng số xe tăng mà quân đội Pháp hiện có. Kho vũ khí khổng lồ thời Liên Xô vơi quá nhanh, Matxcơva phải huy động cả những chiếc T-62 cổ lỗ sĩ từ thập niên 60. Về đạn pháo, chuyên gia Pavel Louzine hồi tháng Tám ước tính chỉ trong 6 tháng pháo binh Nga đã bắn đi 7 triệu quả. Theo tình báo Mỹ, Nga phải quay sang mua hàng triệu quả đạn của Bắc Triều Tiên, nhưng cả Matxcơva lẫn Bình Nhưỡng đều chối cãi.
Các loại vũ khí thông minh còn cạn nhanh hơn nên phải dùng các hỏa tiễn kém chính xác, và nay mua drone Shahed-136 của Iran để tấn công cơ sở hạ tầng Ukraina. Matxcơva thúc giục các công ty quốc phòng phải sản xuất nhiều hơn. Những tháng gần đây các quan chức cao cấp liên tục đi thăm các nhà máy, hăm dọa ban giám đốc. Nhưng theo các nhà quan sát, vẫn không thể đủ cho cuộc chiến dữ dội này, nhất là không còn mua được phụ tùng thay thế cho nhiều loại máy công cụ của phương Tây.
Đã viện trợ 2/3 số hỏa tiễn cơ động cho Kiev, Mỹ tăng tốc sản xuất
Quay lại với dự trữ vũ khí phương Tây. Le Monde lý giải, sau khi Liên Xô sụp đổ, chỉ phải đối mặt với những địch thủ yếu hơn như Irak, Afghanistan, Somali, Libya, Syria, các nhà lãnh đạo cắt giảm dần chi tiêu quân sự để dùng vào những việc khác.
Trong những thập niên gần đây, phương Tây chú tâm chế tạo những loại vũ khí tân tiến, như hỏa tiễn thông minh hay đạn pháo chính xác. Hiệu quả hơn nhưng đắt tiền hơn, nên các bộ tham mưu hạn chế lượng đặt hàng. Chuyên gia Thibault Fouillet của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) giải thích: « Các quân đội phương Tây ngỡ rằng có thể dùng công nghệ thay cho số lượng. Nhưng tuy vũ khí thông minh rất hữu ích ở Ukraina, cuộc chiến này cho thấy các loại pháo cổ điển vẫn là chính ».
Quân đội Mỹ hôm 14/11 đã giao cho Lockheed Martin hợp đồng 521 triệu đô la để tăng số hỏa tiễn GMLRS dùng cho Himars. Trước đó, Washington còn muốn mua 100.000 quả đạn 155 ly của Hàn Quốc. Các dây chuyền phương Tây đã giảm quy mô vì số hợp đồng của quân đội ít dần, không theo kịp tốc độ. Hai tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon không thể sản xuất hơn 2.100 hỏa tiễn Javelin/tháng.
Ông Cancain hôm 16/11 nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã xuất kho số vũ khí trị giá 10 tỉ đô la cho Ukraina, nhưng chỉ đặt hàng thêm 1,2 tỉ đô. Phải mất nhiều năm nữa số vũ khí này mới tới tay các đơn vị. Tuy nhiên không phải loại vũ khí nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Đối với đạn cỡ nhỏ, Mỹ đã cấp cho Kiev 81 triệu và có thể sản xuất 8 tỉ băng đạn/năm.
Phía Pháp còn vội vã hơn, đã đặt hàng 18 khẩu đại pháo Caesar theo « thủ tục đơn giản hóa », nhà sản xuất Nexter phải rút ngắn thời gian sản xuất từ 18 tháng còn 12 tháng. Paris cũng cho kiểm toán kỹ nghệ quốc phòng để nhận ra những doanh nghiệp nào còn thiếu máy móc, nhân lực nhằm hỗ trợ. Bộ Quân Lực cam kết bảo đảm đặt hàng lâu dài, dấu hiệu cho thấy Pháp cũng như các nước phương Tây khác đã bước vào kinh tế thời chiến.
Ukraina, cuộc chiến tranh hao mòn
Đó là một « Cuộc chiến tranh tiêu hao », La Croix nhấn mạnh trên trang nhất, với khuôn mặt một chiến binh Ukraina đầy ưu tư, đang trên chiến xa cùng với đồng đội. Đặc phái viên của tờ báo tại Donbass và Kherson cho biết binh sĩ Ukraina trên tiền tuyến đều vui mừng trước chiến thắng mới đây, nhưng họ không ảo tưởng. Một người lính thuộc lữ đoàn cơ giới 53 đóng gần Bakhmut thổ lộ mặt trận này rất ác liệt, họ cầm chân quân Nga từ hơn bốn tháng qua trước áp lực dữ dội của lính đánh thuê Wagner hung ác, nhưng luôn cố gắng « đánh nhanh, rút gọn ».
Tại Mykolaiv, Roman Kostenko, một cựu quân nhân trở thành dân biểu rồi lại cầm súng khi đất nước bị xâm lăng, tính toán quân Nga đã năm lần phải rút chạy : Kiev, Sumy, Tchernihiv, Kharkiv, Kherson. Nhưng anh không nghĩ rằng chiến thắng Kherson sẽ lặp lại ở các nơi khác, vì đặc điểm địa hình, bên cạnh đó Nga vẫn còn nhiều đạn pháo và chiến xa, lại ở thế thủ nên ít vất vả hơn. Điều nghịch lý là những vũ khí tân tiến của phương Tây chỉ đến được tiền tuyến nhờ đội ngũ đông đảo những tình nguyện viên, từ quần áo cho đến kính hồng ngoại, áo giáp, đôi khi cả xe bọc thép. Các chiến sĩ Ukraina sau 9 tháng chiến đấu đã quá mệt mỏi, họ chỉ được nghỉ phép ngắn ngày.
Phải chăng đây là lúc để đàm phán ? Trả lời Le Monde, ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström cho rằng chỉ một quốc gia duy nhất có thể kêu gọi hòa đàm, đó là Ukraina. Phương Tây cần phải nhắm đến mục tiêu Nga thất bại trên chiến trường, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina được tái lập kể cả Crimée. Đành rằng nhờ có viện trợ của Mỹ và châu Âu, nhưng Ukraina đã giành được những thắng lợi vẻ vang nhờ chiến đấu anh dũng, với nhiều đau thương và nỗ lực ; thế nên không ai có quyền ra lệnh cho Kiev nên bắt đầu thương lượng khi nào và ở đâu.
Nạn nhân liên đới Moldova được châu Âu tiếp sức
Nỗi lo chiến tranh cũng đè nặng lên nước láng giềng Moldova, có đường biên giới chung với Ukraina, lệ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga, hơn nữa còn có 2.000 quân Nga đang đóng ở Transnistrie. Le Figaro ghi nhận « Trước mối đe dọa từ Nga, châu Âu hỗ trợ Moldova », Le Monde cũng nói về « Trợ giúp mới cho an ninh của Moldova ». Hiếm khi đất nước nhỏ bé, là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, nằm giữa Rumani và Ukraina, lại được chú ý nhiều như thế. Lần thứ ba kể từ 8 tháng qua, quốc gia 2,6 triệu dân là trung tâm cuộc hội nghị viện trợ hôm 21/11 ở Paris, tập hợp 34 nước trong đó có Hoa Kỳ, và 15 tổ chức quốc tế. Mục tiêu là khẩn cấp giúp người dân vượt qua mùa đông, trong cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng nhất kể từ 30 năm qua. Đồng thời hỗ trợ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trên con đường gia nhập Liên hiệp Châu Âu (EU).
Moldova là nạn nhân liên đới của cuộc xâm lăng Ukraina. Trước chiến tranh, 100 % khí đốt tiêu thụ nhập từ Nga, nhưng từ khi nữ tổng thống thân châu Âu Maia Sandu được bầu lên, Gazprom vừa giảm cung cấp lại vừa tăng giá, nhằm bóp nghẹp nước này. Bộ trưởng Nội vụ Ana Revenko cho biết đến phân nửa ngân sách quốc gia được dành để mua năng lượng : giá khí đốt tăng gấp 7 lần, điện tăng gấp 4, Moldova có nguy cơ sụp đổ trong mùa đông. Điện cúp triền miên - Kiev không còn xuất khẩu điện sang vì bị Matxcơva oanh tác cơ sở hạ tầng. Lạm phát lên đến 35 %, bên cạnh đó Chisinau còn phải tiếp nhận 90.000 người Ukraina tị nạn.
Trước nguy cơ bị Nga tấn công, Moldova quyết định tăng cường phòng vệ. Quân đội Moldova chỉ có 5.000 người, Pháp sẽ giúp huấn luyện, và EU viện trợ 30 triệu euro làm tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng. Ít nhất đã ba lần bị các mảnh hỏa tiễn Nga rơi xuống lãnh thổ, Moldova cũng mong được viện trợ hệ thống chống tên lửa. Ukraina phản công thắng lợi, đẩy lùi quân Nga làm giảm bớt mối đe dọa lên Moldova, nhưng nữ bộ trưởng Revenko nhấn mạnh vẫn phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Ngay cả nếu Ukraina chiến thắng, Nga vẫn không sớm trở thành nước dân chủ, và Moldova luôn phải đối phó với chế độ độc tài sát cạnh.
Moldova : Tỉ phú thân Nga mướn người biểu tình phá rối hàng tuần
Phóng sự của Le Figaro cho biết thêm « Matxcơva dùng một tài phiệt nhiều ảnh hưởng để phá rối chính phủ Moldova ». Tỉ phú Ilan Shor và đảng mang tên ông ta chi tiền để tổ chức các cuộc biểu tình hàng tuần kể từ tháng Chín ở Chisinau. Từ sáng sớm, những chiếc minibus đã tỏa đi khắp nơi, thu gom những nông dân lớn tuổi về khu trung tâm để biểu tình. Hướng về phía Quốc hội, họ diễn trò tiễn biệt người « quá cố » : Maia Sandu, đương kim tổng thống thân châu Âu. Những câu khẩu hiệu tố cáo bà Sandu không giữ lời hứa, giá khí đốt tăng do quay lưng lại với Nga, ông Shor bị chèn ép...
Đến cuối buổi chiều người biểu tình trở về nhà, như xong một ngày làm việc. Phóng viên Le Figaro tiếp cận Anton, một thanh niên vừa tham gia, anh xác nhận được đảng Shor trả cho 20 euro mỗi lần biểu tình, và đây là lần thứ tư. Khoảng mấy ngàn « biểu tình viên » hàng tuần có được « việc làm » nhờ ông Shor. Sống lưu vong ở Israel từ 2019, Ilan Shor giàu to từ năm 2014 trong vụ được người dân Moldova gọi là « vụ cướp thế kỷ » : biển thủ gần 1 tỉ euro của ba ngân hàng, số tiền này tương đương 8 % GDP cả nước.
« Có tiền mua tiên cũng được », năm 2015 chỉ sau vài tháng quản thúc tại gia, ông ta trở thành thị trưởng Orhei, một thành phố nhỏ nhanh chóng trở nên thành lũy để mở rộng ảnh hưởng trên khắp Moldova. Đường sá được sửa sang lại, thị trưởng bỏ tiền túi trả chi phí đèn đường, gởi sâm banh và kẹo tặng cho dân ngày sinh nhật...Viên ngọc của vương quốc Shor nằm ở ngoại ô, đó là một khu giải trí nhìn sang một hồ nhân tạo, nước được các xe xi-tẹc đưa về từ Hắc Hải.
Công khai ủng hộ Matxcơva, nhà tài phiệt 35 tuổi cưới Jasmin, một nữ ca sĩ Nga từng được Vladimir Putin đích thân gắn huy chương. Hôm 26/10, Bộ Tài chính Hoa Kỳ trừng phạt hai vợ chồng vì « phá rối chính trị tại Moldova, được sự hỗ trợ của Nga » và mưu toan « phá hoại việc Moldova gia nhập Liên hiệp Châu Âu ». Trên mạng xã hội và hai kênh thân Nga do người thân của Shor nắm, tháng nào cũng có tin « NATO và Rumani sắp xâm lăng Moldova ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.