dimanche 25 décembre 2022

Đến lượt thủy quân lục chiến Nga tố cáo cấp trên nướng quân


Đăng ngày:

Tuy tựa chính có khác nhau, từ bạo lực của phe sinh thái quá « tả », vấn đề trợ tử cho đến việc hãng xe Renault tổ chức lại hoạt động, nhưng bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và chiến tranh ở Ukraina vẫn là thời sự quốc tế được chú ý nhất. 

Ukraina trước chiến lược « chiến tranh địa ngục » của Nga

Le Monde chạy tựa trang nhất « Ukraina : Chiến tranh của Nga nhắm vào tâm lý thường dân » : Nếu không thắng được cuộc chiến thì biến chiến tranh thành không thể chịu đựng nổi đối với đối thủ. Hơn 250 ngày sau khi tung ra « chiến dịch quân sự đặc biệt », Nga đứng trước thực tế là dù hỏa lực áp đảo và bắt thêm hàng trăm ngàn lính quân dịch, quân đội Nga không thể thắng nổi, ít nhất là trong những tháng tới.

Từ khi chiếm được Severodonetsk rồi Lyssychansk vào đầu mùa hè ở Donbass, quân Nga không còn tiến lên được chút nào, ngược lại phải vất vả trước lực lượng Ukraina đang dần dà tái chiếm lãnh thổ. Trong tháng Mười, Kiev đã thu hồi được gần 3.000 kilomet vuông ở đông bắc và miền nam.

Vladimir Putin bèn chuyển sang tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu để biến cuộc sống người dân thành địa ngục - không điện nước, không lò sưởi. Ông ta cho ồ ạt đánh vào các nhà máy điện, mạng lưới sưởi ấm, thiết bị viễn thông…Chỉ riêng trong ngày 31/10, có đến 60 hỏa tiễn và drone tự sát ập xuống các thành phố Ukraina, làm hai phần ba dân Kiev không có nước dùng. Putin hy vọng dân chúng không còn ủng hộ ông Volodymyr Zelensky, và áp lực lên các đồng minh của Kiev cũng nặng thêm.


Thua trên chiến địa, Matxcơva muốn gây thảm họa nhân đạo 

Mục tiêu các cuộc oanh kích rõ ràng không phải là quân sự : lực lượng Ukraina tập trung ở miền đông và miền nam, cách xa các thành phố bị oanh tạc. Một chiến lược có thể coi là tội ác chiến tranh, nhưng tổng thống Nga muốn thường dân Ukraina phải sống khốn khổ, nhất là trong mùa đông, khi nhiệt độ xuống rất thấp dưới 0°C và đêm dài hơn. Le Monde dẫn lời bộ trưởng Năng lượng Ukraina, Herman Halushchenko : « Mục đích của Nga là tạo ra thảm họa nhân đạo và làm cho người dân chúng tôi chết rét ».

Vladimir Putin trông đợi dân chúng đòi hỏi tổng thống Volodymyr Zelensky phải ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời các đồng minh cũng phải chịu thêm sức ép. Châu Âu buộc phải xuất khẩu điện sang Ukraina và đối mặt với làn sóng tị nạn thứ hai, trong khi 7 triệu dân Ukraina đã di tản. Nhiều gia đình thà ra đi một thời gian ngắn còn hơn chịu đựng một mùa đông không điện nước, lò sưởi, dưới sự đe dọa của hỏa tiễn. Chính quyền Ukraina đã sửa chữa mọi thứ có thể sau các cuộc oanh kích của Nga để tái lập mạng lưới điện nước, nhưng có nguy cơ thiếu phụ tùng vì hệ thống điện có từ thời Liên Xô không tương thích với phương Tây.

Pháp có sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc tế ngày 13/12 để « giúp Ukraina đối phó với mùa đông », nhưng có thể đã trễ. Kiev không có cách nào khác là trông cậy vào hệ thống phòng không. Đức đã đưa sang giàn hỏa tiễn IRIS-T đầu tiên rất hiệu quả, Hoa Kỳ sắp viện trợ hai giàn Nasams, Pháp cam kết chuyển giao hỏa tiễn Crotale, nhưng vẫn chưa thể đủ. Không có sự hỗ trợ nhiều hơn của phương Tây, mùa đông sẽ dài dằng dặc và khó khăn cho người Ukraina.


Nga đánh phá, dân Ukraina giúp nhau trong cảnh thiếu điện

Đặc phái viên Le Monde cho hay trong bối cảnh đó, thường dân Ukraina không chịu bó tay mà xúc tiến những hoạt động tương trợ. Chẳng hạn khu phố Podil ở Kiev từ đầu cuộc xâm lăng đã lập ra nhóm Podolianochka (người Podil), nhằm hướng dẫn cách chế bom xăng ném vào xe tăng Nga, cách mua và bắn súng, mua bộ đàm và pin dự phòng…Sau khi quân Nga rút đi, tinh thần tập thể vẫn tồn tại. Mạng Podolianochka giúp tìm ra thuốc men, vac-xin ngừa cúm, chuẩn bị các căn hộ có lò sưởi kiểu xưa và tích trữ củi, để cư dân có thể tập hợp lại nếu một ngày nào đó hoàn toàn không còn hệ thống sưởi. Do ở gần nhà ga Pasazhyrskyi, họ còn tiếp nhận những khách đi tàu bị kẹt lại vì giới nghiêm.

Một mạng lưới khác trên Telegram, Susitska Slobidka (láng giềng khu phố), từ 300 thành viên đã tăng lên 1.400. Họ thông tin cho nhau về các hầm trú ẩn, chỉ dẫn nơi còn bán đèn cầy hay những sợi cáp dài để câu sang các nhà hàng xóm không có máy phát điện. Việc chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng suông sẻ. Các tình nguyện viên điều hành mạng phải luôn cảnh giác để phát hiện và xóa những tin vịt của hacker Nga tung ra nhằm gieo rắc sợ hãi.

Về phía đô trưởng Vitali Klitschko loan báo chuẩn bị « 1.000 địa điểm sưởi ấm » phân bổ trong thành phố, với các máy phát điện và dự trữ nước uống, trong trường hợp thủ đô hoàn toàn không còn điện, nước, hệ thống sưởi.


Tác động của mùa đông lên tương quan lực lượng

Đối với quân đội, đứng trước mùa đông, các chuyên gia đặt vấn đề tác động của thời tiết đối với tính cơ động của xe quân sự và những khó khăn về tiếp liệu. Băng giá xuất hiện ở miền bắc và những cơn mưa bắt đầu rơi xuống miền nam Ukraina. Trên lý thuyết, mùa đông mang lại lợi thế cho quân phòng thủ.

Mưa và bùn lầy làm xe bọc thép khó tiến được, cũng như những khẩu đại bác đặt trên xe, loại Caesar của Pháp ; chưa kể dấu vết để lại trên nền đất xốp khiến kẻ thù dễ phát hiện. Xe tăng dù có bánh xích cũng khó di chuyển, quân Nga đã phải bỏ lại nhiều chiếc T-72, T-80 trong trận đánh Kiev. Gió và sương mù làm hạn chế việc sử dụng các drone. Thêm vào đó là hiện tượng « rapoutitsa » biến đường sá thành một biển bùn lầy, quân Nga cố thủ trong các công sự có lợi hơn là Ukraina phải tiến công ở Kherson và Kharkiv.

Nhưng khi thời tiết giá lạnh làm mặt đất đông cứng, xe bọc thép di chuyển được, tương quan lực lượng có thể đảo ngược. Theo nhà nghiên cứu Joseph Henrotin trên Le Monde, quân đội Ukraina được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với lạnh giá. Từ mùa hè, phương Tây đã loan báo viện trợ các trang phục đặc biệt như áo khoác, găng, nón len, giày bốt...Canada hứa tặng 500.000 món, Anh 195.000, Đức vài trăm ngàn...Ngược lại, những hình ảnh trên mạng cho thấy tân binh Nga phải tự túc trang bị.

Chuyên gia Yohann Michel của IISS nhắc nhở, ở -15°C người lính có nguy cơ tử vong nếu không mặc đủ ấm và ăn uống đầy đủ, trong khi nhiệt độ có thể xuống đến -20°C thậm chí -30°C tại một số vùng của Ukraina như ở Luhansk. Bên cạnh đó chuỗi tiếp tế của Nga thường xuyên bị Himars tấn công, mà nhu cầu năng lượng của người lính tăng gấp đôi trong mùa đông, quân Nga cũng biết rằng không thể trông cậy vào dân địa phương để được nuôi ăn như đối thủ. Tuy nhiên giới quân sự cho rằng phải thận trong vì người Nga quen chịu đựng cái lạnh.


Nga : 500 tân binh bỏ mạng, 300 lính thủy thương vong vô nghĩa

Ngoài mặt trận, lính Nga tố cáo bị dùng làm bia đỡ đạn, hàng trăm lính quân dịch bị thiệt mạng một cách phi lý. Sau khi Le Figaro hôm qua đưa tin về vụ hơn 500 lính Nga bị đem con bỏ chợ khiến hàng trăm tân binh tử thương, Le Monde số đề ngày hôm nay cho biết tiểu đoàn này có 570 người ở vùng Voronej sát biên giới Ukraina vừa bị động viên, họ bị quăng ra tiền tuyến mà không hề được chuẩn bị.

Bài viết được minh họa bằng hình ảnh thảm thương ít thấy trên báo Pháp : những xác lính Nga bị đồng đội bỏ rơi khi rút lui, nằm đầy trên một con đường ở Lyman (Donbass). Một người lính sống sót kể lại với báo mạng Nga Verstka, sau ba ngày liên tục bị oanh kích bằng pháo, rốc-kết, moọc-chê, trực thăng, cả tiểu đoàn chỉ có 40 người may mắn thoát chết, chỉ huy thì đã chạy mất trước đó. Kênh truyền hình cáp độc lập Dojd đưa ra con số 31 tân binh còn sống. Chủ nhật 06/11, kênh Telegram Vesti Voronej do thống đốc vùng Alexander Goussev kiểm soát đưa tin ông này đã gặp gỡ và đối thoại với thân nhân lính quân dịch, nhưng không đề cập đến con số thiệt hại.

Cùng ngày, một lá thư phổ biến trên mạng xã hội, xuất phát từ các quân nhân chuyên nghiệp của lữ đoàn thủy quân lục chiến 155 thuộc hạm đội Thái Bình Dương. Lá thư gởi cho thống đốc vùng Primorié (cực đông Nga), ông Oleg Kojemiako, cũng được các blogger thân Kremlin chia sẻ rộng rãi, cho biết « 300 lính đã bị tử thương, bị thương hay mất tích » tại một mặt trận khác ở tây nam Donetsk.


Thủy quân lục chiến tố cáo cấp trên nướng quân để kiếm huy chương

Các quân nhân này tố cáo « những cuộc tấn công vô nghĩa » vào làng Pavlivka theo lệnh của chỉ huy trưởng quân khu miền đông, Roustam Mouradov và chỉ huy lữ đoàn 155, Zourad Akhmedov. Cả hai sĩ quan cao cấp trên bị cáo buộc « muốn kiếm huy chương với cái giá nhiều mạng sống, coi chúng tôi là những súc thịt ». Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga vẫn tiếp tục ca khúc khải hoàn, ra thông cáo cho rằng « thiệt hại không quá 1 % lính tác chiến và 7 % bị thương, trong đó một số đáng kể đã bình phục và quay lại chiến đấu ».

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraina, số lính Nga tử trận hàng ngày đã tăng gấp ba, trung bình từ 200 nay lên đến 600, tổng cộng từ đầu cuộc xâm lăng đã có 75.440 lính Nga thiệt mạng. Nguyên nhân có thể là do áp lực chính trị quá lớn lên các chỉ huy quân sự nhằm chiếm toàn bộ vùng Donetsk. Không tạo được mũi đột phá nào, Nga phải tung ra những đợt tấn công trực diện vô cùng tốn kém người và phương tiện. Chiến thuật biển người từ thời Hồng quân tuy đã quá lỗi thời nhưng các sĩ quan cao cấp vẫn quen sử dụng.

Một cách giải thích khác là lính động viên không được huấn luyện, phối hợp tồi, cộng thêm khoảng cách quá lớn giữa mặt trận và bộ chỉ huy. Ban tham mưu phải dời về cách tiền tuyến hơn 70 cây số để tránh những vụ tấn công chính xác của pháo Himars do Hoa Kỳ cung cấp. Le Monde cho rằng nếu không giải quyết được các vấn đề trên, số tử trận quá cao sẽ dẫn đến hậu quả chính trị lớn cho Matxcơva.


Chiến tranh Ukraina khiến Pháp lộ ra là « quân đội bonsai »

Về phía Pháp, « trông người lại nghĩ đến ta ». La Croix nhận định « Cuộc chiến tranh ở Ukraina bộc lộ những điểm yếu của quân đội Pháp ». Hôm nay tại Toulon, tổng thống Emmanuel Macron trình bày những hướng chính trong chính sách quốc phòng, và mọi cái nhìn đều hướng về Ukraina. Một cuộc chiến tranh « cường độ cao » đã quay lại với châu Âu, trên 300.000 quân Nga và Ukraina chiến đấu trên hàng trăm kilomet, huy động toàn bộ nguồn lực của mỗi bên, quy mô chưa từng thấy kể từ 1945. Quân đội Pháp liệu có chịu đựng được một cuộc xung đột như thế, không có sự hỗ trợ của đồng minh ? Đó là mục tiêu đầy tham vọng được tổng thống Macron đặt ra.

Hiện nay Pháp có thể huy động đến 25.000 quân, trong đó có 15.000 bộ binh. Lực lượng này giữ được lãnh thổ tương đương một tỉnh, quá ít so với cuộc xung đột Ukraina, và không thể kéo dài quá sáu tháng. Dự trữ đạn pháo chỉ đủ dùng trong vài tuần, và hỏa tiễn không-không cũng không đủ. Cuộc chiến Ukraina còn cho thấy vai trò quan trọng của các drone, hỏa tiễn địa-không, hệ thống liên lạc...Tướng Vincent Desportes cho rằng quân đội Pháp tổ chức theo một mô hình không thay đổi từ một phần tư thế kỷ, trên cơ sở không chiến đấu trên lãnh thổ nước mình.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Pháp gạt hẳn sang một bên mối đe dọa bị xâm lăng. Chỉ dựa vào vũ khí nguyên tử, quân đội Pháp bị coi là « quân đội bonsai », gì cũng có nhưng mỗi thứ chỉ một ít. Từ 1991 đến 2021, số xe tăng từ 1.329 chỉ còn 222 chiếc, chiến đấu cơ 686 còn 254, chiến hạm 41 còn 19. Theo dân biểu Thomas Gassilloud, quân đội Pháp ngày nay có công nghệ cao, chuyên nghiệp hơn, sẵn sàng viễn chinh nhưng cần có phương tiện hùng hậu hơn. Chi phí quốc phòng có thể được tăng lên đến 30 thậm chí 60 tỉ euro cho đến 2030.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.