Đăng ngày:
Vì sao Nga liên tiếp thất bại ? Trên thực tế, những cái tát đã nhận được rất sớm, những thành công ban đầu là nhờ tính bất ngờ của cuộc xâm lăng. Ukraina nay giữ thế công, và đang tiến gần đến chiến thắng. Phải rút quân khỏi Kherson, Matxcơva sẽ dựng lên câu chuyện yêu chuộng hòa bình - Nga luôn tìm ra một cái cớ đẹp đẽ cho các cuộc rút quân, thực chất là bại trận.
Le Figaro đặt câu hỏi « Tại sao Nga từ bỏ Kherson ? » với Cédric Mas - nhà sử học quân sự, Viện trưởng Action Résilience, vốn theo dõi chặt chẽ cuộc chiến Ukraina ngay từ đầu.
Bị sức ép lớn từ Ukraina, Nga đành rút khỏi Kherson
Ông Mas đồng ý rằng nên thận trọng, chờ đợi sự xác nhận của phía Kiev, đến khi lực lượng Ukraina được bố trí tại tất cả các vị trí ở tả ngạn sông Dniepr. Tuy vậy cuộc rút quân này đã được chuẩn bị từ lâu. Trước hết quân Nga chuyển đi các vũ khí hạng nặng, rồi phá hủy dần tất cả những gì không mang theo được như cầu, trạm tiếp vận...sau đó dân chúng bị buộc di tản. Một trong những dấu hiệu đáng mừng trong vụ này là việc Nga phá luôn cả những chiếc phà (cho thấy họ không quay lại). Mặt khác việc tiến quân của Ukraina sẽ phức tạp, vì chắc chắn Nga gài lại chất nổ hoặc mìn để làm chậm bước tiến và gây thương vong cho Ukraina.
Tại trọng điểm Kherson, có 20.000 đến 30.000 lính Nga đóng quân với những thiết bị nặng và những đội quân thiện chiến, trong đó có lính dù. Nhưng một số quân nhân này mới đây đã được thay thế bằng lính quân dịch. Nga cho rằng sẽ vô ích khi duy trì một trọng điểm mà không làm được gì. Cần phải chống chọi qua mùa đông, sơ tán quân ra khỏi những vùng có thể bị thiệt hại nặng. Đối với quân Nga, bảo vệ tả ngạn sông Dniepr dễ hơn là chiến đấu với dòng sông ở phía sau, trước một quân đội Ukraina không ngừng gây áp lực.
Nếu việc rút quân được xác nhận, có hai điều lưu ý. Trước hết là ưu thế quân sự của Ukraina trước quân Nga, bắt đầu từ trận phản công Kharkiv. Lực lượng Ukraina ngày càng đông hơn và nay có chất lượng tốt hơn. Tiếp đến là tinh thần quân Nga xuống thấp, họ biết rằng chỉ là vật hy sinh nên không muốn chiến đấu. Chính sách do Kremlin định ra là giữ những vùng đất chiếm được bằng mọi giá, đã vấp phải bức tường sự thật. Ngay cả nếu muốn giữ, chưa chắc lính tráng đã muốn, thế nên quân đội Nga thà rút lui còn hơn chịu bại trận.
Lại bại trận, Putin có thể biện minh ra sao ?
Làm thế nào Vladimir Putin có thể biện minh cho thất bại quân sự mới này ? Chuyên gia Cédric Mas trên Le Figaro cho rằng rất nên theo dõi xem Nga tuyên truyền như thế nào. Theo ông, Matxcơva sẽ dựng lên câu chuyện yêu chuộng hòa bình, mở cửa ngoại giao - một trò giả dối vì chính Nga đã chiếm đóng, lưu đày dân chúng, bạo lực, cướp bóc ở những vùng đất chiếm được. Những từ ngữ và diễn văn loại này sẽ được bộ máy tuyên truyền triển khai rộng rãi, kể cả với người dân và dư luận phương Tây. Họ muốn làm người ta tin rằng Nga vẫn luôn hùng mạnh, muốn gì cũng được ở Ukraina, trong khi những dấu hiệu thất bại ngày càng dồn dập.
Và tại sao Nga liên tiếp bại trận ? Trên thực tế, những cái tát đã nhận được rất sớm. Sau khi cố chiếm Kiev, quân Nga ở miền bắc và miền đông phải rút đi vào cuối tháng Ba, đầu tháng Tư để tập trung hoặc tái phối trí. Cuối tháng Sáu, phải rút khỏi đảo Rắn để « tỏ thiện chí ». Mỗi lần như vậy Matxcơva đều tìm ra một cái cớ đẹp đẽ cho các cuộc rút quân, thực chất là bại trận.
Ukraina ngày càng chiếm ưu thế trong thế công
Cũng theo Le Figaro, những thành công lớn đầu tiên của Nga là nhờ tính bất ngờ của cuộc xâm lăng. Việc chiếm Mariupol, Severodonetsk hay Lyssychansk rất vất vả và phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề. Quân đội Nga bộc lộ những hạn chế khó thể khắc phục. Tại Kherson, áp lực đã bắt đầu từ cuối tháng Sáu và cuộc phản công khởi sự từ 28/08. Bị đánh ráo riết, buộc lòng phải rút quân là một thất bại mới của Matxcơva trước Kiev, vốn từ lâu đã loan báo mục tiêu tái chiếm Kherson. Điều này có nghĩa là Ukraina duy trì thế công, và dần dà áp đặt được ý định của mình lên đối thủ.
Về tác động quân sự của việc triệt thoái khỏi Kherson, chuyên gia thấy rằng phía Nga bảo tồn được lực lượng, không đến nỗi chạy vắt giò lên cổ như ở Kharkiv. Những đội quân phải vất vả chống đỡ ở phía bắc sông Dniepr nay chuyển sang phía nam để tái triển khai tại các mặt trận khác, hoặc dọc theo dòng sông. Ukraina sẽ khó khăn hơn vì phải tấn công vượt sông hay một địa điểm khác của Nga. Tuy nhiên sự kiện này chứng tỏ Ukraina ngày càng chiếm ưu thế, họ nay ở thế công, có thể chủ động chọn lựa địa điểm cho những trận đánh sắp tới, và đang tiến gần đến chiến thắng.
Kherson, khói lửa chiến trường
Trên thực địa, đặc phái viên Le Figaro thấy rằng « Trên mặt trận Kherson, cuộc tấn công của Ukraina đã mang lại kết quả ». Mới hôm thứ Ba, làng Doudtchani còn chìm trong những ngọn lửa và ầm vang tiếng pháo. Những cột khói lớn bốc lên xung quanh, các drone bay ở tầm thấp, những hỏa tiễn Grad được bắn đi hàng loạt, không khí như có tích điện. Tại một trạm gác, một người lính Ukraina râu ria tiến gần xe của nhà báo Pháp, hét lớn : « Các anh có muốn sống không ? Hãy quay lại ngay ! ». Họ quay đầu nhưng đường lớn đã bị rào chắn, phải men theo đường đất. Một quân nhân vẻ bơ phờ hỏi xin bánh mì.
Hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, một sự im lặng tương đối bao trùm lên Doudtchani. Hôm qua, thứ Tư, lữ đoàn bộ binh cơ giới 60 Ukraina đã chiếm lại ngôi làng nằm cạnh bờ đông dòng Dniepr, có vài ngàn dân trước chiến tranh, tiến thêm một bước về Kherson. Họ đã giải phóng phần đất phía nam của làng, chia cắt bởi một nhánh sông, đẩy lùi quân Nga. Ở chiều ngược lại, vài đơn vị pháo binh tiếp tục tiến về phía bắc, các toán bộ binh và công binh phụ trách gỡ mìn, giữ an ninh cho vùng tái chiếm. Nhiều nguồn tin quân sự khẳng định cuộc tấn công Kherson - được chính thức thông báo vào đầu tháng Chín - chừng như đã đạt được thành quả. Hôm qua bộ trưởng quốc phòng Nga Serguei Shoigu ra lệnh rút lực lượng đóng ở bờ đông Dniepr, tức là có cả thất bại ở Doudtchani vài giờ trước đó.
Cuộc đột phá vào Kherson diễn ra theo nhiều hướng. Ngắn nhất là Mikolaiv, cảng Hắc Hải mà Ukraina kiên quyết bảo vệ dù Nga oanh tạc hàng ngày. Hướng thứ hai từ đông bắc Kherson, ở bờ tây sông Dniepr.
Việc tái chiếm Doutchani giúp mở đường sang Berislav cách đó 50 kilomet, ở một ngã tư chiến lược : bên trái là bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập, bên phải là Kherson. Chiếc cầu trên con đường cuối cùng này đã bị Nga đánh sập hôm qua. Trận đánh Doudtchari khá gay go, và một drone đã tấn công vào trạm gác chỉ vài phút sau khi chiếc xe của nhà báo Pháp quay đi, làm nhiều người chết. Người trung sĩ mà phóng viên Le Figaro đã tiếp xúc lo lắng gọi điện để biết còn sống hay không, anh đau buồn vì các đồng đội đã hy sinh.
Thua trận Kherson : Một trang sử đen tối cho quân đội Nga
La Croix dẫn lời phát ngôn viên quân khu miền nam của Ukraina tỏ ra thận trọng trước « hoạt động chiến tranh tâm lý » của Nga, nghi ngờ là một cái bẫy. Tuy nhiên tất cả các nhà quan sát đều không đồng ý. Chuyên gia về quân đội Nga Rob Lee viết trên Twitter « Đó là một chiến thắng ấn tượng của Ukraina. Vấn đề bây giờ là quân Nga làm thế nào có thể rút đi mà không chịu thiệt hại nặng về sinh mạng và thiết bị ». Bởi vì rút quân là một hoạt động nguy hiểm, và nếu thực sự có việc này thì Ukraina nên buộc Nga phải trả một cái giá đắt.
Mục trực tuyến của Le Monde nhận định « Việc rút khỏi Kherson chỉ là một trận đánh thất bại của Nga, nhưng đối với Ukraina là một bước tiến về hòa bình ». Tờ báo nhấn mạnh đó là một cái tát nẩy lửa cả về chính trị lẫn quân sự cho Matxcơva. Quân Nga đã cố gắng bảo vệ các vị trí ở phía bắc Kherson cho tới cùng nhưng lực bất tòng tâm.
Những nhân vật diều hâu trên truyền thông đành dịu giọng ủng hộ « một quyết định khó khăn ». Nay những chỉ trích chỉ có được trên mạng xã hội : « nhục nhã », « quân phản bội » … và lo ngại cho tương lai của Crimée. Trang web của Courrier International trích ý kiến của các phóng viên Nga chuyên bám theo đoàn quân cho rằng việc phải rút khỏi Kherson là « một trang sử đen tối cho quân đội Nga, một trang bi kịch », « thất bại quân sự trầm trọng nhất của nước Nga kể từ năm 1991 ».
« Midterms » : Dân Chủ tránh được thất bại nặng, Trump có đối thủ đáng ngại
Cùng với tin Nga rút quân khỏi Kherson, « làn sóng đỏ » Cộng Hòa không ào ạt như mong muốn trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ là sự kiện được chú ý nhiều nhất hôm nay. Les Echos chạy tựa « Midterms : Biden tránh được thất bại », tương tự Le Monde cho rằng « Đảng Dân Chủ hạn chế được thiệt hại ». Le Figaro nhận thấy « Nước Mỹ ngưng đọng trong chia rẽ ».
Tuy kết quả chưa thực sự ngã ngũ, nhưng Le Monde đã rút ra hai bài học. Trước hết, vị tổng thống sắp 80 tuổi tuy ít được ưa thích, nhưng đã hiện đại hóa đất nước, từ cơ sở hạ tầng cho đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, di sản quan trọng của một chính khách thường xuyên bị đánh giá thấp. Thứ hai, chiến thắng hạn chế của Cộng Hòa là do đảng này chịu ảnh hưởng quá lớn của cựu tổng thống Donald Trump, đưa ra những ứng cử viên thường xuất hiện trên truyền hình hoặc theo thuyết âm mưu, mà ví dụ cụ thể là ở bang Pennsylvania.
Đối với Le Figaro, trận sóng thần được báo trước rốt cuộc chỉ là những đợt sóng nhỏ. Kết quả không thay đổi gì đối với Joe Biden vì ông vẫn phải làm việc với đối lập, nhưng với tương lai của Donald Trump thì có khác. Theo Les Echos, có thể coi đây là thất bại của ông Trump, nhất là khi tại Florida, thống đốc Ron DeSantis người được cho rằng sẽ là đối thủ của cựu tổng thống, đã tái đắc cử. Libération nhắc nhở, DeSantis thắng bầu cử sơ bộ hồi 2018 nhờ sự ủng hộ của…Donald Trump, đồng thời lưu ý, với chiến thắng cách biệt gần 20 điểm trước đối thủ Dân Chủ, ứng cử viên này đã khiến Florida không còn là « swing-state ». La Croix nhận thấy chưa chi ông Trump đã tỏ ra thù địch : sau « Crazy Hillary » (Hillary khùng), « Sleepy Joe » (Joe ngủ gục), nay đến lượt ông DeSantis được đặt biệt danh là Ron « DeSanctimonious » - Ron đạo đức giả (tạm dịch).
Đông Nam Á từ chối chọn lựa giữa Washington và Bắc Kinh
Tại châu Á, các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu từ hôm nay họp lại ở Phnom Penh, trước khi chào đón ông Joe Biden vào cuối tuần. Tổng thống Mỹ cố gắng xây dựng lại ảnh hưởng Hoa Kỳ tại khu vực chiến lược này. Ông muốn gầy dựng lòng tin nơi các quốc gia đang chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, nước đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Les Echos dẫn lời giáo sư Renato Cruz de Castro của đại học La San ở Manila cho rằng việc đích thân đến dự mang ý nghĩa biểu tượng. Từ thời chiến tranh Việt Nam hay chiến tranh lạnh, các nước ASEAN đều muốn tránh những căng thẳng địa chính trị, và nay cố gắng giữ thăng bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nếu Việt Nam, Philippines hay Indonesia có quan hệ phức tạp với chế độ Bắc Kinh, chịu đựng thái độ hiếu chiến trên Biển Đông, ASEAN nhìn chung được hưởng lợi từ tăng trưởng của Trung Quốc và chờ đợi một sự cam kết về kinh tế từ phía Mỹ. Theo ông De Castro, « Washington nên trao cho khu vực này một cơ hội đa dạng hóa kinh tế » để không phải lệ thuộc mãi vào Bắc Kinh.
Tại Cam Bốt, Joe Biden sẽ nêu lại chủ đề « Khuôn khổ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương » (IPEF), nhưng sự mở cửa của thị trường Mỹ khá hạ chế. Chuyên gia Stephen Nagy ở Tokyo nhận định « Đó là một món khai vị ngon lành, nhưng sẽ không thỏa mãn được bao tử của ASEAN ». Ông đề nghị một hiệp định thương mại tham vọng hơn, kiểu như một TPP được sửa đổi. Nhưng Les Echos cho rằng vận động hành lang ở Mỹ vẫn rất mạnh, và căng thẳng chính trị - thấy rõ ở Midterms - sẽ không khuyến khích Nhà Trắng phiêu lưu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.