jeudi 29 décembre 2022

Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, Putin tự chuốc lấy đại địch : Mỹ


Đăng ngày:

Các báo Pháp hôm nay 06/12/2022 có nhiều bài phóng sự về tình hình các vùng giải phóng và bị chiếm đóng ở Ukraina.  Le Monde « Theo chân "nhóm Kostenko" ở Ukraina », và cho biết « Tại Odessa, mafia thân Nga dưới sự kiểm soát ». Tờ báo cũng nhận thấy « Trong thời gian Nga chiếm đóng, tra tấn được hệ thống hóa ở Kherson ». Libération tố cáo « Tại Mariupol, Nga cho xây dựng để ‘che giấu những vết tích chiến tranh’ ».

Nga gấp rút xây dựng để xóa dấu vết tội ác ở Mariupol

Thành phố tử đạo Mariupol nay ra sao, sáu tháng sau khi bị rơi vào tay quân Nga ? Theo các hãng tin nhà nước, Matxcơva bắt đầu xây dựng lại thành phố cảng miền nam Ukraina đã bị bom Nga san bằng. Những hình ảnh do báo chí thân Kremlin đăng tải cho thấy những tòa nhà mới toanh hãnh diện đứng bên những khu thể thao hiện đại. Việc tái thiết Mariupol là điểm nhấn của bộ máy tuyên truyền Nga. Hàng trăm công nhân làm việc 24/24, và theo Matxcơva, 1.000 căn hộ mới trong 12 tòa nhà sẽ được xây dựng trước cuối năm, đón tiếp 2.500 cư dân.

Kế hoạch này do Vladimir Putin trực tiếp duyệt. Tài liệu dày 100 trang của Bộ Xây dựng, Gia cư và Dịch vụ công dự kiến tái thiết toàn bộ Mariupol đã bị phá hủy đến 90 %. Trong suốt ba tháng, Matxcơva đã oanh tạc không ngơi nghỉ thành phố chiến lược nằm cạnh biển Azov, không ngần ngại vây hãm theo kiểu thời Trung Cổ khiến cư dân không có điện, nước, lò sưởi, thực phẩm và thuốc men. Có bao nhiêu thường dân đã thiệt mạng ? Ít nhất là 22.000 người, nhưng thực tế chắc chắn cao hơn rất nhiều.


Thêm 1.500 ngôi mộ mới, tỉ lệ tử vong gấp 6,5 lần

Nhờ chiếm được Mariupol, Nga có thể nối kết vùng Donbass với Crimée. Giờ đây các sách giáo khoa đều đã bị thay, học sinh phải hát quốc ca của kẻ xâm lược, bị buộc nghe tuyên truyền của truyền hình Nga. Để đẩy nhanh « Nga hóa », tượng đài kỷ niệm Holodomor, nạn đói do Stalin gây ra từ 1932-1933 đã bị dỡ bỏ. Cư dân được tuyển dụng để quét dọn đường phố và mang đi những xác người còn kẹt lại trong đống đổ nát. Các hình ảnh vệ tinh mới đây của Maxar cho thấy ít nhất 1.500 ngôi mộ mới đã mọc lên, nâng số mộ được xây trong 8 tháng qua lên 4.600. Matxcơva dự kiến đưa dân số thành phố lên nửa triệu vào năm 2035.

Một chuyên gia được trang The Village phỏng vấn cho rằng mục đích thực sự của Kremlin không phải là cung cấp chỗ ở cho người dân trước khi mùa đông đến, mà nhằm « nhanh chóng che giấu vết tích chiến tranh ». Theo lời chứng của cư dân trên Telegram, kẻ chiếm đóng đã biến Mariupol thành một ghetto, ngày càng khó sống. Hầu hết trong số 50.000 các căn hộ bị hư hại vẫn chưa có cửa số lẫn lò sưởi trong khi nhiệt độ có thể xuống đến âm 7°C.

Mạng xã hội đưa hình ảnh những con người ốm yếu nằm dọc theo hành lang một bệnh viện tồi tàn. Những lời kêu gọi giúp đỡ được viết vội vã trên những bức tường và trạm xe buýt, được quân chiếm đóng phủ đầy hình ảnh các sĩ quan cao cấp Nga. Khoảng 30 % cư dân vẫn chưa có điện nước, và chỉ 20 % được sưởi ấm. Mỗi tuần có khoảng 150 người qua đời ở Mariupol, trung bình 25 người/ngày, tỉ lệ tử vong cao gấp 6,5 so với trước chiến tranh.


Cựu tổng thống Gruzia bị đầu độc trong tù

Cũng liên quan đến Nga, Le Figaro cho biết cựu tổng thống Gruzia, Mikhail Saakachvili (55 tuổi) đã bị đầu độc bằng thạch tín và thủy ngân trong trại giam ở Tbilissi. Các nhà khoa học tìm thấy hai chất độc này trong mẫu tóc và móng tay của ông, được hai phòng thí nghiệm độc lập Mỹ phân tích. Kết luận do năm chuyên gia được gia đình cựu tổng thống nhờ đến, trong đó có một giải Nobel y học, đều khẳng định : nếu không được chuyển sang một bệnh viện Mỹ hay châu Âu, Saakachvili sẽ chết trong tù.

Là tổng thống thân phương Tây của Gruzia từ 2004 đến 2013, bị Vladimir Putin thù ghét, trong nhiều năm ông đã tiến hành cải cách. Bị đảng « Giấc mơ Gruzia » của tỉ phú thân Nga Bidzina Ivanichvili đánh bại, ông bị chính quyền mới cáo buộc « lạm dụng quyền lực » và bị kết án khiếm diện 8 năm tù. Saakachvili đến Ukraina, nhập tịch và trở thành thống đốc Odessa, nhưng sau đó bất đồng với tổng thống Petro Porochenko. Ngày 01/10/2021 Saakachvili trở về Gruzia, nhưng vừa đặt chân lên quê hương liền bị bắt giam, bị chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Cựu tổng thống bị sụt mất 30 ký lô, mệt mỏi, trầm cảm, bị các bệnh liên quan đến thần kinh và đường ruột, không đi nổi.

Theo báo cáo của nhà tâm thần học Eric Goldsmith, Mikhail Saakachvili còn bị PTSD (căng thẳng sau chấn thương) do bị các tù nhân khác đe dọa, quấy nhiễu, cộng thêm bị đánh đập thường xuyên, để đèn sáng 24/24, bị tống cho hàng loạt thuốc gây tác dụng phụ…được coi là tra tấn. Thân nhân cho rằng có thể những chứng trên là do bị đầu độc từ tháng 11/2021 vì đang khỏe mạnh bỗng dưng ngất xỉu, ói mửa. Thủ phạm là ai ? Nhiều người cho đây là dấu ấn của Nga, như các vụ đầu độc nhà báo Anna Politkovskaia, cựu điệp viên Alexandre Litvinenko, Serguei Skripal, Alexei Navalny…


Mỹ thủ lợi nhờ chiến tranh ở Ukraina ?

Cũng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina, Le Monde đặt lại vấn đề « Phải chăng người Mỹ là kẻ thủ lợi trong chiến tranh ? ». Đó là cáo buộc của không ít trí thức và chính khách châu Âu, đôi khi ẩn danh, dẫn ra khí hóa lỏng (GNL) giá cao và nhiều nước Liên hiệp Châu Âu (EU) đổ xô mua vũ khí « made in America ».

Theo Le Monde, có thể hiểu được sự phẫn nộ của Washington trước những cáo buộc này. Kể từ đầu cuộc xâm lăng, viện trợ của Mỹ cả về quân sự, tài chánh và nhân đạo đã lên đến 66 tỉ đô la, và sẽ vượt quá 100 tỉ đô nếu Quốc hội thông qua trước cuối năm nay gói viện trợ mới do Nhà Trắng đề nghị. Trong những tháng gần đây, các nhà sản xuất khí hóa lỏng của Mỹ đã đóng góp vào việc lấp đầy kho dự trữ châu Âu để bù đắp một phần việc Nga ngưng giao khí đốt để bắt bí. Các tập đoàn vũ khí và cơ quan tình báo chuyển giao một lượng lớn thiết bị quân sự và thông tin, giúp Kiev tái chiếm một số lãnh thổ. Ở châu Âu, ai có thể làm tốt hơn ?

Kỹ nghệ vũ khí Mỹ không đợi đến khi cuộc chiến ở Ukraina nổ ra để xâm nhập thị trường châu Âu. Năm tập đoàn Mỹ Lockheed Martin, Raytheon Technologies, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics chiếm năm thứ hạng đầu thế giới, Hoa Kỳ chiếm 54 % doanh số bán và 39 % số vũ khí xuất khẩu. Sự cam kết không gì lay chuyển và chưa từng thấy đối với Ukraina đã nâng cao uy tín Washington với Bắc Âu và Đông Âu. Đối với các nước bị Nga đe dọa, phương trình rất đơn giản : NATO = Mỹ = Vũ khí Mỹ.


« Kế hoạch Marshall thế kỷ 21 »

Liệu châu Âu sẽ lại lệ thuộc Hoa Kỳ ? Về năng lượng, điều này khó thể diễn ra. Qua việc đa dạng hóa nguồn cung, từ Qatar, Na Uy đến Nigeria, Algérie, Ai Cập, EU ít liên quan đến ExxonMobil hơn là Gazprom. Về quốc phòng thì Mỹ có thể thống trị, châu Âu sẽ tăng ngân sách lên 70 tỉ đô la đến 2025, không ai cấm mua vũ khí của một đồng minh hùng mạnh. Sự tăng tiến của kỹ nghệ vũ khí Mỹ nằm trong bối cảnh rộng hơn : tính cạnh tranh cao nhờ năng lượng rẻ, lại được bảo hộ.

Một số theo thuyết âm mưu thậm chí còn nghi ngờ Mỹ muốn kéo dài chiến tranh để đứng ra đóng vai người tái thiết khi hòa bình trở lại. Theo họ thì Ukraina là sân chơi của một « cuộc chiến tranh Mỹ » chứ không phải là nạn nhân cuộc xâm lăng của Nga.

Tất nhiên Mỹ có thể bảo vệ nước dân chủ Ukraina non trẻ vì lý tưởng, nhưng cũng không quên lợi ích của các doanh nghiệp mình. Việc tái thiết Ukraina được Bruxelles ước tính tốn kém khoảng 600 tỉ euro, và còn hơn nữa nếu Vladimir Putin tiếp tục phá hoại. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói về một « kế hoạch Marshall thế kỷ 21 », và châu Âu sẽ tham gia. Liệu các công dân châu Âu có nhớ lại kỷ niệm « xấu xa » hàng tỉ đô la mà Chú Sam đã viện trợ sau Đệ nhị Thế chiến ?


Xâm lăng Ukraina, Nga tự hại mình

Theo Le Figaro, « Putin đã củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương ». Trước hết khi dùng đến vũ lực, Nga đã triệt tiêu vĩnh viễn ảnh hưởng vô cùng lớn vẫn duy trì lên nước láng giềng Ukraina về ngôn ngữ, tín ngưỡng và văn hóa. Tiếp đến, Matxcơva đã bị cắt đứt về kinh tế và chính trị với Tây Âu, vốn đã cung cấp công nghệ cho Nga từ thời Pie Đại đế, và từ một phần tư thế kỷ vẫn xây dựng quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ. Cuối cùng, đã củng cố quan hệ giữa Hoa Kỳ và châu Âu, cho dù chiến lược của Nga về mặt chính thức là lập nên một thế giới « đa cực », tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.

Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chưa bao giờ Mỹ ảnh hưởng lớn đến thế tại châu Âu. Và không ai còn nghĩ đến việc chống lại ảnh hưởng này, cho dù Pháp và Đức không muốn trở thành nạn nhân liên đới trong cuộc đối đầu về công nghệ và thương mại Mỹ-Trung. Pháp luôn là trung tâm kháng cự, nhưng rõ ràng ngày nay châu Âu bị ảnh hưởng khối tiếng Anh khuất phục - trước đây Anh quốc đứng đầu, nay là Washington - về chính trị, quân sự, văn hóa, pháp luật.

Rõ nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của tổng thống Pháp tại Hoa Kỳ (29/11-02/12/2022), không khí hết sức nồng nhiệt. Khi Macron phản đối biện pháp bảo hộ của Mỹ (nhất là Inflation Reduction Act), ông Biden trả lời vẫn có thể chỉnh đốn khi thực thi, và chủ đề chính trong cuộc hội đàm là an ninh châu Âu. Phía Mỹ hoan nghênh việc Pháp cung cấp vũ khí cho Ukraina, và ủng hộ Pháp như cường quốc quân sự khả tín. Kể từ thời chính quyền Eisenhower, Washington luôn mong muốn một châu Âu mạnh về quân sự. Chính châu Âu tự ý giải trừ quân bị trong những năm 1991-2014.


Hoang tưởng, Putin biến Mỹ thành kẻ thù

Về chiến tranh Ukraina, quan điểm Pháp và Mỹ nay hoàn toàn tương đồng. Thứ nhất, tiếp tục viện trợ cho Ukraina một khi nước này vẫn còn bị chiếm đóng. Thứ hai, không gây bất cứ áp lực nào buộc Kiev phải nhượng bộ về lãnh thố, chỉ có người Ukraina mới quyết định về thời điểm và nội dung đàm phán với Nga. Thứ ba, Biden từ bỏ ý định thay đổi chế độ ở Nga, một Putin sẵn sàng chấm dứt mộng xâm lăng có thể lại trở thành người đối thoại về an ninh châu Âu.

Putin coi Mỹ là kẻ thù của Matxcơva, nhưng chỉ là hoang tưởng thay vì thực tế. Washington tuy ủng hộ cách mạng Ukraina tháng 2/2014 nhưng chủ yếu vì lý tưởng dân chủ, chứ không có ý đồ làm Nga bị yếu đi, vì lúc đó đã bắt đầu xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ không còn coi Nga là kẻ thù từ 30 năm qua. Năm 1994, Washington gây áp lực để Ukraina từ bỏ vũ khí nguyên tử, đến tháng 3/1999 Mỹ cứu Nga khỏi phá sản. Năm 2009, Mỹ đưa ra chủ trương « reset », để thúc đẩy « một nước Nga mạnh mẽ, hòa bình, thịnh vượng ». Tháng 9/2013, Obama từ chối không kích Syria để tránh bất hòa với Nga. Tháng 6/2021 tại Genève, Biden không cản trở việc mở đường ống dẫn khí Nord Stream 2 trực tiếp đưa khí đốt Nga sang Đức. Đó không phải là thái độ của kẻ thù.

Le Figaro kết luận, khi gây chiến, Putin đã tự làm mất khả năng tốt nhất cho Nga : thu vào thật nhiều đồng euro, phát triển Xibêri, đóng vai trò trung gian giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhập cư : Tựa chính báo Pháp

Vấn đề cải cách nhập cư được báo Pháp quan tâm hàng đầu : Thủ tướng Élisabeth Borne hôm nay trình bày những đường hướng chính của dự luật sẽ được đưa ra vào đầu năm 2023. Le Figaro nhận định bà sẽ phải thuyết phục phe Những người Cộng Hòa, La Croix đặt ra năm vấn đề chính của cuộc tranh luận hôm nay tại Quốc hội. Libération tiết lộ có những người nhập cư không giấy tờ làm việc trong khu vực nhà nước, thường là thông qua một cơ quan thứ ba được giao thầu. Les Echos đăng ý kiến của các doanh nghiệp muốn đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng lao động nhập cư. Riêng Le Monde chú ý đến việc châu Âu bắt đầu cấm vận dầu lửa Nga.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.