Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Nga bị cô lập tại hội nghị được Zelensky gọi là « G19 »
Chiến tranh Ukraina, hội nghị G20, Trái Đất có 8 tỉ cư dân, vấn đề di dân tại châu Âu, đó là các chủ đề chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Les Echos cho biết Nga bị lên án « mạnh mẽ » tại G20, bị cô lập hơn bao giờ hết. Theo dự thảo thông cáo chung, « đa số các nước thành viên » họp tại Bali tố cáo những hậu quả tai hại của cuộc chiến đối với thế giới. Chữ « chiến tranh » đã được sử dụng, trước thất vọng của phía Matxcơva - vẫn tiếp tục nói về « chiến dịch quân sự đặc biệt ».
Trước khi công bố dự thảo, tổng thống Ukraina đã cổ vũ G20 vượt qua những bất đồng để chấm dứt cuộc chiến tranh « hủy diệt » này. Trở về từ Kherson, ông Volodymyr Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên phát biển qua video trước hội nghị mà ông gọi là « G19 », dù Nga vẫn được đại diện bằng ngoại trưởng Sergueï Lavrov. Tổng thống Ukraina trình bày kế hoạch nhằm mang lại hòa bình và « cứu hàng ngàn sinh mạng » : không nên tin Nga, không dung thứ « săng-ta nguyên tử » của Matxcơva, và trao đổi toàn bộ tù binh.
Tổng thống nước chủ nhà, Joko Widodo trong diễn văn khai mạc cũng kêu gọi « không để thế giới bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới ». Mọi cái nhìn đều hướng về chủ tịch Trung Quốc, vốn luôn từ chối lên án cuộc xâm lăng và không tham gia trừng phạt Nga. Theo Paris, bắt đầu đã có những chuyển biến : Tập Cận Bình ủng hộ xuống thang, kêu gọi không biến vấn đề thực phẩm và năng lượng thành « công cụ ».
Mỹ-Trung : Một sự tan băng tạm thời
Đặc phái viên Le Figaro nhận định « Bóng dáng Ukraina bao trùm lên hội nghị G20 ». Nếu sự vắng mặt của Vladimir Putin làm giảm nguy cơ xảy ra những sự cố dưới ánh đèn flash của các phóng viên, thì đấu tranh vẫn dữ dội phía sau hậu trường. Các nước phương Tây muốn cứng rắn hơn trong vấn đề Ukraina, số khác muốn tránh chủ đề nóng bỏng này, theo sự thúc giục của Bắc Kinh và Matxcơva, để tập trung vào vấn đề kinh tế. Nhưng theo Élysée, « không thể hợp tác kinh tế nếu không có chủ quyền về chính trị ».
Tờ báo nhận thấy « Đài Loan, Ukraina, Bắc Triều Tiên...Tập Cận Bình và Joe Biden cùng ấn định những lằn ranh đỏ », trong ba tiếng rưỡi đồng hồ trực tiếp trao đổi trong một khách sạn năm sao tại Bali. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ thăm Trung Quốc vào đầu năm 2023 - một bước tiến sau hai năm thiếu vắng đối thoại. Cuộc gặp đầu tiên với Tập Cận Bình kể từ khi ông Biden nhậm chức, cho đến trước hôm khai mạc vẫn chưa xác nhận, nay các nhà quan sát thở phào nhẹ nhõm. Ông Biden đã năm lần điện đàm, đề nghị gặp trực tiếp, nhưng ông Tập đều « lẩn tránh » sau bức tường cách ly, chuẩn bị cho đại hội đảng.
Chiến thắng của Tập Cận Bình, tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba, và thành công tương đối của Joe Biden trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ đã giúp hai nhà lãnh đạo đến Bali trong tư thế kẻ mạnh. Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, bóng ma xung đột Đài Loan cộng thêm chiến tranh Ukraina lâu nay làm các nước Đông Nam Á lo ngại. Một sự tan băng nhẹ nhàng tuy về lâu về dài vẫn là đối đầu, từ Biển Đông đến nhân quyền, công nghệ, nhưng cũng giúp làm giảm căng thẳng tại G20, đang đứng trước mối đe dọa suy thoái.
Cục diện mới giữa Nga-Ukraina sau chiến thắng Kherson
Về tình hình Ukraina, Le Monde nói về « Những mục tiêu mới của Kiev sau khi tái chiếm Kherson » : Ukraina tiếp tục tấn công nhưng không bác bỏ việc đàm phán trong tương lai. Dòng sông Dniepr nay chia đôi hai phe đối địch, vẫn quan sát lẫn nhau bằng kính viễn vọng phía trên làn nước đang cuộn chảy. Không có những bẫy rập như lo ngại, Kiev kiểm soát toàn bộ 4.500 kilomet vuông trước đây bị Nga chiếm đóng ở hữu ngạn. Ukraina giành được chiến thắng mà không thiệt hại sinh mạng thường dân. Từ tháng Tám, sử dụng giàn phóng rốc-kết Himars nổi tiếng, đại pháo Caesar của Pháp, M777 của Mỹ, PzH 2000 của Đức...Ukraina đã cắt đứt hậu cần, buộc quân xâm lược phải lùi bước.
Cuộc phản công vốn không dễ dàng tại một khu vực bằng phẳng, ít cây cối nên khó thể xâm nhập, lại thêm trở ngại thiên nhiên là sông Inhoulets. Lực lượng Ukraina không áp đảo về quân số và không đủ xe bọc thép để bảo vệ. Chiến thắng Kherson là kết quả của tin tình báo và vũ khí phương Tây, đã giúp Kiev tấn công chính xác quân Nga ở khoảng cách xa đến 70 kilomet, nhưng nhất là tinh thần quyết chiến bảo vệ lãnh thổ của những chiến sĩ Ukraina.
Phía Nga lần này ít nhất cũng rút quân thành công, nhờ bắt đầu sớm từ giữa tháng Mười - theo hình ảnh vệ tinh của trang Skhemi. Không mang theo được vũ khí hạng nặng, Nga đã phá hủy một ít, số còn lại thành chiến lợi phẩm của Ukraina. Nay mặt trận đối với Nga đã rút bớt đến 300 kilomet, và nếu Ukraina vượt sông để tấn công qua tả ngạn sẽ chịu nhiều rủi ro. Matxcơva sẽ đưa tân binh đến tăng viện cho Bakhmut ở miền đông, và củng cố 500 kilomet tiền tuyến còn lại, gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraina ở Luhansk và Zaporijia.
Crimée, nơi xuất phát tấn công nay phải đào hào phòng thủ
Trong khi đó Kiev không hề muốn dừng tay vào mùa đông để giúp Nga có thời gian hồi sức và tung ra đợt tấn công mới sang năm. Pháo binh Ukraina đã bắt đầu « làm việc » ở tả ngạn : đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật, một loạt vụ nổ được nghe thấy ở Tchaplynka cách phía nam dòng sông 45 kilomet. « Vùng đệm » ở hữu ngạn biến mất khiến một loạt cơ sở hạ tầng ở Crimée nay nằm trong tầm bắn của Ukraina. Đoạn đầu của kênh dẫn nước ngọt sang Crimée có thể bị moọc-chê nhắm đến, đường xe lửa Donetsk-Melitopol-Djankoi, tuyến tiếp liệu chính của quân Nga có thể là mồi ngon cho Himars.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy từ một tuần qua nhiều chiến hào đã được đào ở phía bắc Crimée. Vốn là đầu cầu đe dọa toàn miền nam Ukraina, bán đảo này giờ đây phải lo phòng thủ. Tình hình trên biển không làm Matxcơva an tâm : Kiev hôm Chủ nhật loan báo thành lập đội drone hải chiến, loại drone tự sát từng tấn công các chiến hạm Nga hôm 29/10. Các thành phố lớn Mykolaiv, Kryvy Rih tạm thời không còn bị pháo binh Nga đe dọa như tuần trước, tuy cũng như mọi nơi khác, nỗi lo về drone Iran và hỏa tiễn hành trình vẫn còn đó. Thống đốc Mykolaiv đã bắt đầu công việc tái thiết, theo ông việc mở lại các cảng không còn xa.
Trước chiến thắng của quân đội, tổng thống Zelensky bắt đầu đề cập đến điều cấm kỵ lâu nay. Ông nói : « Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với Nga, nhưng chỉ với một nước Nga thực sự muốn hòa bình ». Kiev không vội vã. Dân biểu David Arakhamia, từng là trưởng phái đoàn đàm phán với Nga nói rằng việc thương lượng « có thể mở lại vào nửa cuối năm 2023 ». Điều kiện tiên quyết : « Tái lập toàn vẹn lãnh thổ, bồi thường tất cả những thiệt hại, đưa ra tòa các tội phạm chiến tranh, và bảo đảm sẽ không tái diễn ». Mùa đông này vũ khí tiếp tục lên tiếng và máu vẫn sẽ đổ. Theo Le Monde, nếu coi số phận Vladimir Putin gắn liền với chiến tranh Ukraina, sau khi ông ta đã đóng mọi cánh cửa ngoại giao, chiến thắng Kherson có thể là « bước ngoặt » chính trị ở Nga. Quyết định của Evgueni Prigojine, chủ công ty Wagner công bố vụ xử tử tàn bạo một người lính đánh thuê bị cáo buộc đào ngũ, cho thấy mối nguy cuộc chiến sẽ càng trở nên man rợ.
Những tù nhân sống sót ở Kherson
Tại thành phố Kherson vừa được giải phóng, đã xuất hiện những bằng chứng quân Nga tra tấn người dân trước khi rút chạy. Tại nhà tù số 3 đường Teploenergetikiv, không thể biết được có bao nhiêu tù nhân đã bị sát hại, bị mất tích hoặc lưu đày. Hai tuần trước khi quân Nga rút đi, ba chiếc xe buýt và một xe tải đã đến vào ban đêm, chở đi tất cả. Những người sống gần đó cho Le Monde biết những người tù được thả ra đều kiệt lực, tàn tạ, bước đi thất thểu, họ thường phải mang cho một ít thức ăn. Theo một tù nhân, « nếu địa ngục tồn tại trên Trái Đất, thì chính là ở đây ».
Vitaliy Serdyuk, 65 tuổi, là cư dân duy nhất trong khu phố bị nhốt tại đây. Vào cuối tháng Tám, như thường lệ, ông đến căn nhà bỏ trống của người con trai đang chiến đấu trong quân đội Ukraina để cho chó mèo ăn. Khoảng mười mấy lính Nga bỗng ập vào nhà đánh đập, lục soát, tịch thu điện thoại, chụp một chiếc túi lên đầu và còng tay, bắt ông đi, nhốt chung với bảy người khác. Quân Nga có danh sách cụ thể, nhờ họ ông mới biết là người con trai binh nhì nay đã lên trung sĩ !
Mỗi lần lính Nga bước vào xà lim, những người tù phải hô « Vinh quang cho nước Nga ! Vinh quang cho Putin ! Vinh quang cho Shoigu ! ». Quân Nga tra khảo, Vitaliy bị chích điện đến chết đi sống lại. May mà những đối thoại với con trai trong điện thoại đều chỉ là chuyện mèo chó. Ông được thả, bị gãy xương bàn tay phải, nhưng cho biết tất cả bạn tù đều bị đánh gãy xương sườn hoặc ngón tay.
Một người sống sót khác ở Kherson là Ihor Bondarenko, nhà báo 45 tuổi. Ông bị bắt hôm 10/08 trên đường di tản, quân Nga có sẵn danh sách. Những trao đổi qua Telegram cách đó mấy tháng dù đã bị xóa nhưng vẫn được phục hồi. Biết sẽ nguy hiểm đến tính mạng, Ihor phải tỏ ra ủng hộ Nga. Nhờ trước đó có những bài viết phê phán chính quyền địa phương, hai tuần sau ông được thả. « Đối với quân Nga, nếu chỉ trích Ukraina có nghĩa là đứng về phía Nga ». Lặng lẽ chứng kiến đồng bào mình tưng bừng mừng Kherson giải phóng, Ihor vẫn chờ đợi cảnh sát Ukraina tìm kiếm những người mất tích, truy lùng những kẻ chỉ điểm. Kherson vẫn chưa bộc lộ hết những bí mật trong thời kỳ chiếm đóng.
Cuộc xâm lăng Ukraina làm tái sinh khái niệm phương Tây
Trên bình diện địa chính trị, Le Figaro nói về sự tỉnh thức của phương Tây trước những thách thức toàn cầu. Cuộc xâm lăng Ukraina đã làm tái sinh khái niệm phương Tây. Trong thời chiến tranh lạnh, châu Âu và Hoa Kỳ hợp thành khối phương Tây vững chải, đặt dân chủ, tự do và thịnh vượng là trung tâm các giá trị. Khái niệm này sau đó đã phai nhạt tại Tây Âu vì những đảo lộn ý thức hệ trong thập niên 60. Theo nhà sử học Françoise Thom, đó là do xu hướng mác-xít trong các trường đại học, sự phát triển của thế giới thứ ba, phong trào phản kháng năm 1968. Chính những trí thức Đông Âu lưu vong đã nhắc nhở phương Tây sức mạnh của mô hình. Năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, Tây Âu đã ngủ quên trên chiến thắng.
Được đánh thức bởi Al Qaida rồi Daech - hai tổ chức thánh chiến - khái niệm phương Tây tái sinh nhờ cuộc chiến tranh của Vladimir Putin tại Ukraina. Chỉ trong vài tháng, ba làn sóng ập đến. Đầu tiên từ Matxcơva, nơi chế độ Putin coi phương Tây là nguồn gốc của mọi cái xấu. Thứ hai là từ Kiev, nơi người Ukraina chiến đấu nhân danh châu Âu với những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền. Tại Kherson vừa tái chiếm, những ngôi sao châu Âu phấp phới bên cạnh lá cờ Ukraina. Lòng can đảm và quyết tâm của người Ukraina dù bị thảm sát, dù khốn đốn vì chiến tranh, là bài học cho các nước Tây Âu, vẫn ngỡ rằng hòa bình là vĩnh viễn.
Đợt sóng thứ ba là từ Washington, đã tái cam kết với châu Âu, ủng hộ Kiev ngay từ đầu cuộc xâm lăng. Cũng như thời chiến tranh lạnh, khối Âu-Mỹ lại tái hợp, NATO được thổi luồng sinh khí mới, mở cửa cho Thụy Điển và Phần Lan. Một lần nữa Trung Âu và Đông Âu vốn đã quá hiểu cộng sản và đế quốc, lại lên tuyến đầu, thêm vào đó mối đe dọa từ Trung Quốc là chất xi-măng gắn kết. Vấn đề là sự đoàn kết này kéo dài đến bao giờ. Các nước phương Tây liệu có hỗ trợ đến cùng một nền dân chủ mới khai sinh, mong manh nhưng kiên quyết, trước mưu toan tiêu diệt của Putin hay không ?
Nhà cải cách Bào Đồng qua đời mà không thấy được Trung Quốc dân chủ
Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde có bài viết tưởng niệm ông Bào Đồng (Bao Tong), một trong những quan chức hiếm hoi ủng hộ các sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, vừa qua đời tại Bắc Kinh ở tuổi 90. Tác giả bài báo, chuyên gia Jean-Philippe Béja nhắc lại cách đây bốn năm khi gặp gỡ, Bào Đồng nói rằng ông tự hỏi liệu có thấy được một Trung Quốc dân chủ lúc còn sống hay không. Nay ông đã ra đi mà chỉ thấy « Bước thụt lùi vĩ đại » của Tập Cận Bình.
Bào Đồng là thư ký riêng kiêm cố vấn của thủ tướng cải cách Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) năm 1980, là phó chủ tịch ủy ban cải tổ kinh tế. Năm 1987, ông tổ chức rất nhiều cuộc họp với các tầng lớp xã hội : công nhân, trí thức, sinh viên…Ông là người soạn thảo báo cáo của ông Triệu Tử Dương trong đại hội đảng thứ 13, đề nghị tách rời cơ quan đảng khỏi các tổ chức chính phủ, nhưng bị Đặng Tiểu Bình phản đối. Khi Đặng áp đặt thiết quân luật, ông Triệu đã yêu cầu ông Bào viết giúp thư từ chức. Triệu Tử Dương bị quản thúc, Bào Đồng bị bắt và kết án 7 năm tù vì tiết lộ bí mật Nhà nước, trong khi ông chỉ biết về quyết định thiết quân luật nhờ coi ti vi !
Sau khi được « trả tự do », ông không ngừng yêu cầu phục hồi danh dự cho phong trào 1989, tiếp cận Các bà mẹ Thiên An Môn, ký Hiến chương 08 đòi dân chủ hóa Trung Quốc, ủng hộ phong trào biểu tình Hồng Kông tuy vẫn luôn bị quản thúc và bị cắt internet. Để gặp chuyên gia Pháp, ông bị ba an ninh bám theo – một đi bộ, một trên xe gắn máy và một bằng xe hơi. Bào Đồng than phiền sự lãng phí tiền dân khi bố trí ít nhất ba nhân viên theo dõi ông 24/24 trong suốt hai mươi mấy năm qua. Cho đến cuối đời, ông vẫn khẳng định niềm hạnh phúc được nói lên sự thật.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.