dimanche 25 décembre 2022

''Sách đen về Vladimir Putin'' : Nước Nga hậu cộng sản thành thế lực phá rối


Đăng ngày:

« Cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài Putin »

 Ảnh bìa L'Express tuần này đưa chân dung tổng thống Nga trên nền đen và dòng tựa « Putin, cuốn sách đen : Mafia, KGB, ý tưởng, tàn bạo... » với bài viết độc quyền là trích đoạn điều tra của hai nhà sử học Galia Ackerman và Stéphane Courtois về Vladimir Putin.

« Tôi mong cuốn sách này là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài Putin, và là viên đá đầu tiên cho tòa án quốc tế sẽ kết án giới tinh hoa Nga đã tạo ra mọi việc » - Stéphane Courtois thẳng thừng nói. Năm 1997, nhà sử học từng gây tiếng vang lớn với cuốn « Sách đen về chủ nghĩa cộng sản » tiết lộ tầm cỡ tội ác của chế độ xô-viết. Để soạn thảo « Sách đen về Vladimir Putin », ông Courtois kết hợp với đồng nghiệp Galia Ackerman, chuyên nghiên cứu về thế giới hậu Liên Xô, tập hợp các chuyên gia giỏi nhất về Nga để tìm hiểu vì sao một trung tá bình thường, hầu như vô danh cách đây 25 năm, lại có thể trở thành một Sa hoàng mới ?

Điều hành một cường quốc theo kiểu băng nhóm

Putin xuất thân từ một gia đình bình dân, sống trong một căn hộ ở khu tập thể. Trẻ em thường chơi trò chiến tranh, mạnh được yếu thua. Vốn có thân hình nhỏ bé, Putin đi học judo để tự vệ và gia nhập KGB ở tuổi 17. Dù đã leo lên ngôi vị cao nhất, Putin vẫn không suy nghĩ theo logic điều hành một nước lớn, mà chỉ theo kiểu băng nhóm như thời niên thiếu ở Saint Pétersbourg. Khái niệm danh dự của mafia và KGB không khác gì nhau, lòng trung thành được đặt lên trên hết.

Năm 1991 đảng cộng sản bị cấm hoạt động, sau đó quay lại chính trường với một hình thức khác. Nhưng KGB có đến 700.000 nhân viên thì không hề suy suyển, chỉ được chia thành FSB (nội vụ) và SVR (phản gián). Năm 1998, khi Vladimir Putin được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan tình báo FSB (KGB cũ), không ai biết ông ta là ai. Đến 1999, khi Eltsine chỉ định Putin làm người kế vị, lại là một bất ngờ lớn khác vì có những nhân vật nổi bật khác như Boris Nemtsov chẳng hạn. Nhưng Kremlin lúc đó cần một người giữ được an ninh và cam kết không đụng đến phe Eltsine.

Từ khi Vladimir Putin lên làm tổng thống, các « siloviki », thành viên lực lượng an ninh và quân đội được giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Vì sao nhiều nhà lãnh đạo phương Tây (Bush, Merkel, Sarkozy…) có cảm tình với Putin ? Theo bà Galia Ackerman, khai thác điểm yếu của người khác hay dẫn dụ họ vốn là thủ thuật học được từ KGB, và Putin có một số tài lẻ. Chẳng hạn hồi năm 2010, tổng thống Nga đã hát bài Blueberry Hill trong một dạ hội từ thiện cùng với các ngôi sao Pháp Alain Delon, Monica Bellucci, Gérard Depardieu, gây thích thú cho cử tọa.


Nước Nga hậu cộng sản thích phá hoại, dọa nạt

Nga chỉ đứng thứ 11 thế giới về tổng sản phẩm nội địa, có ít bạn bè trên thế giới, không còn lý tưởng cộng sản để rao giảng như trước mà chỉ chủ trương chống phương Tây, chủ yếu là chống Mỹ. Nhưng tại sao Matxcơva lại gây chú ý trên trường quốc tế trong hơn hai thập niên qua ? Theo hai nhà sử học, chỉ trong 22 năm dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga hậu cộng sản đã biến thành một cường quốc chuyên phá hoại, sản phẩm xuất khẩu chính là nỗi sợ.

Chính nhờ đe dọa tấn công nguyên tử mà Matxcơva ngăn cản phương Tây viện trợ ồ ạt cho Kiev, để hòng đạt được tham vọng đế quốc. Bằng cách dùng nguy cơ thiếu lương thực và năng lượng để dọa nạt, Nga muốn khuất phục phương Tây để rốt cuộc dỡ bỏ các trừng phạt. Chính nhờ mở rộng mạng lưới tuyên truyền, bóp méo thông tin trên toàn thế giới, Matxcơva cố phá hoại sự đoàn kết của các nước dân chủ. Chính sách phá hoại luôn là đường hướng của KGB, trường đại học thực thụ của Vladimir Putin. Ngược với tổng thống Pháp, Galia Ackerman cho rằng Nga xứng đáng bị « sỉ nhục » vì đã đem lại cái chết, sự hủy hoại, đau khổ và khủng hoảng cho hàng triệu con người.

Về hậu trường quyền lực, nhà cựu ngoại giao Boris Bondarev, từng là cố vấn phái đoàn Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Genève nhận xét, cuộc xâm lăng Ukraina cho thấy nước Nga đã trở nên tàn bạo như thế nào. Trong nhiều năm trời, các nhà ngoại giao Nga bị buộc phải đối đầu với Washington và bênh vực việc can thiệp vào các nước khác với những lời lẽ dối trá, họ trở thành những con két lặp lại luận điệu của Matxcơva.

Các đồng nghiệp ở Kremlin nhiều lần nói rằng Putin thích làm việc với ngoại trưởng Serguei Lavrov vì ông này luôn đồng tình với những ý kiến của tổng thống và nói những gì Putin muốn nghe. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Putin tin rằng sẽ nhanh chóng đánh bại Kiev. Ông cho biết ngày 24/02 khi nhìn vào điện thoại thấy thông tin đáng kinh ngạc là Putin cho tấn công Ukraina, ông đã có quyết định bỏ rơi sự nghiệp sau 20 năm làm việc ở bộ Ngoại giao Nga vì đây là « khởi đầu của hồi kết ».


Ukraina đang thắng thế, đàm phán chỉ có lợi cho Matxcơva

Trong bài xã luận mang tựa đề « Ukraina : Hãy còn quá sớm để đàm phán », L’Express nhấn mạnh những lời kêu gọi thương lượng từ phương Tây chỉ làm lợi cho Putin mà thôi. Lo sợ suy thoái kéo dài, khủng hoảng năng lượng, xung đột mở rộng sang các nước NATO…những lý lẽ dù chính đáng nhưng nhuốm màu ích kỷ được đưa ra, nhưng không che khuất được câu hỏi chính : nói về ngưng chiến giờ đây liệu còn ý nghĩa ? Chúng ta vẫn đang trong thời chiến, và không phải lãnh đạo các nước quyết định được hòa bình mà chính là chiến trường. Bởi vì để kết thúc một cuộc chiến tranh cần phải có hai điều kiện : kẻ chiến bại chấp nhận số phận và người chiến thắng đồng ý mở hòa đàm. Khả năng này hãy còn xa.

Cho dù quân Nga liên tiếp bị đánh bại ở Kiev rồi Kharkiv, không giành nổi một mẩu đất nào từ mùa hè, Vladimir Putin vẫn điều động quân để đánh tiếp. Trong khi đó quân đội của Volodymyr Zelensky đang tiến sát thành phố chiến lược Kherson. Ở giai đoạn này, không thể nói đến chuyện thương thảo. Tổng thống Ukraina sẽ không đối thoại với kẻ thù một khi chưa thu hồi được những lãnh thổ đã bị Nga chiếm. Nhà cựu ngoại giao Pierre Vimont nói : « Chẳng có lợi ích gì, Zelensky đang thắng thế trên thực địa. Ngưng chiến có nghĩa là ở yên tại chỗ, và coi như bị mất đất. Không bao giờ nhân dân Ukraina chấp nhận điều này ».

Tương lai Putin sẽ như thế nào ? Theo phân tích của Stéphane Courtois, giới tinh hoa Nga vô cùng bất mãn về cuộc chiến. Các nhà tài phiệt mất tất cả, không thể hưởng thụ cuộc sống giàu sang vì không được ra khỏi nước Nga, lại còn bị lăng nhục. Một số nhân vật FSB bất mãn vì bị thanh trừng sau các thất bại của cuộc xâm lăng. Quân đội vốn không thích thú gì khi tiến hành « chiến dịch quân sự đặc biệt », cũng không hoan nghênh việc một tên « côn đồ » từng ra lệnh bắn vào đám đông biểu tình như Serguei Sourovikine được đôn lên hàng đầu. Tuy nhiên nếu phe dân tộc chủ nghĩa thuộc loại cực đoan nhất lên cầm quyền, hoặc quân đội quyết định lập chế độ độc tài quân sự, trong mọi trường hợp, đều tệ hại cho nước Nga.

Quân Nga đang rút khỏi Kherson ?

Trên thực địa, những lá cờ Nga đã biến mất khỏi nhiều công sở ở Kherson, thành phố miền nam bị chiếm đóng, những trạm kiểm soát không còn ai canh giữ. Quân Nga đã rút khỏi thành phố hay đây chỉ là chiếc bẫy giăng ra cho quân đội Ukraina ? Courrier International nhận thấy báo chí Ukraina tỏ ra hoang mang, còn chính quyền Kiev kêu gọi thận trọng. Trả lời Le Figaro số cuối tuần, chuyên gia Cédric Mas lưu ý là vũ khí hạng nặng đã được chuyển đi, các phương tiện tàu bè bị phá hủy, việc buộc dân chúng di tản có thể nhằm cắt nguồn thông tin cho lực lượng Ukraina. Rất có khả năng do bị Kiev siết dần vòng vây, Kremlin đành cho rút quân – một lời thú nhận thất bại.


Nga lập những đội bắn hạ lính đào ngũ như thời Stalin

Nhìn chung về phía quân Nga trên chiến trường, dù không muốn chiến đấu cũng « Không thể nào chạy trốn : Tại Ukraina, những lính Nga phụ trách bắn hạ người đào ngũ ». L'Express dẫn nguồn từ tình báo Anh cho biết bộ tham mưu Nga đã sử dụng phương pháp tàn nhẫn có từ thời Stalin.

Theo bản báo cáo hôm 04/11, « do tinh thần sa sút và xu hướng do dự không muốn chiến đấu », Nga bắt đầu triển khai các « đội ngăn chận ». Đó là các đơn vị chuyên bắn vào những đồng đội hoảng sợ muốn thối lui, mà L'Express cho là « một cuộc chiến tranh tiến hành bằng cách dí súng vào thái dương ». Tuần trước, tình báo Ukraina cũng đã khẳng định tương tự. Kiev công bố « một cuộc gọi nghe lén được », trong đó một lính Nga kể với vợ là chỉ huy ra lệnh cho anh « tiêu diệt » tất cả những ai chạy trốn« Bọn anh ở tuyến thứ hai, và phía sau còn một tuyến khác nữa. Thế nên vô phương bỏ chạy ».

Tuần báo nhắc lại ngày 28/07/1942, Stalin đã ra sắc lệnh số 227 với khẩu hiệu nổi tiếng « Không lùi dù chỉ một bước ! ». Mỗi binh chủng phải lập ra nhiều đơn vị ngăn chận trang bị tận răng, chuyên bắn hạ lính đào ngũ. Giáo sư Jason Lyall của trường đại học Mỹ Dartmouth cho biết « Trên 158.000 người lính Hồng quân đã chết vì tay đồng chí mình từ 1941 đến 1944 ».


Chiến tranh « lạnh » của Putin để làm dân Ukraina chết rét

Đối với thường dân, The Economist chơi chữ « Cuộc chiến tranh "lạnh" của Putin » : ông chủ điện Kremlin muốn làm cho người dân Ukraina phải sống trong lạnh giá khi mùa đông đang đến gần. Đất nước này đang phải chạy đua với thời gian, chống chọi với thời tiết và hỏa tiễn Nga.

Trời bắt đầu lạnh tại nhiều vùng đất của Ukraina, nhiệt độ ban đêm ở Kiev xuống gần bằng 0°C. Trên 5 triệu gia đình ở các thành phố lớn lệ thuộc vào hệ thống sưởi ấm của đô thị từ thời Liên Xô, từ ngày 07/10 hệ thống này bắt đầu hoạt động. Trường học, vườn trẻ, bệnh viện được sưởi đầu tiên. Nhưng Nga tập trung đánh vào các trung tâm điều phối, điện nước thường xuyên bị cúp. Nhiều người dân tích trữ củi, những lò sưởi « burzhuyka » thô sơ thời Liên Xô xuất hiện trở lại ở ngoại ô Kiev. Ukraina đã hỏi xin phương Tây 1.500 trạm nhiệt điện cơ động và 25.000 máy phát điện trước mùa đông, nhưng hàng vẫn chưa đến và dù sao đi nữa cũng không đủ.

Tương tự, phóng sự của L'Express mô tả « Cả một dân tộc phải chuẩn bị cho một mùa đông băng giá ». Phó thủ tướng Ukraina đã phải kêu gọi 7,5 triệu người Ukraina đã di tản ra nước ngoài không hồi hương trước mùa xuân. Tình hình rất đáng lo ở những vùng tái chiếm gần tiền tuyến, các tổ chức phi chính phủ đang phân phối các máy phát điện và mền đắp. Tại Kiev, đô trưởng Vitali Klitschko cổ vũ người dân giảm tiêu thụ điện trong giờ cao điểm, giúp duy trì #Frontenergetique (mặt trận năng lượng). Nhiều cư dân mạng lấy lại hashtag này, chia sẻ những bức ảnh ăn tối dưới ánh sáng đèn cầy, hay các thủ thuật nấu nướng tiết kiệm. Họ khẳng định những vụ tấn công vào thường dân của Nga chỉ gây phản tác dụng.


Trung Quốc :Cựu binh trong chiến tranh Việt Nam tiếp tục nắm Quân ủy

Nhìn sang châu Á, The Economist nhận thấy Quân ủy Trung ương mới của Trung Quốc giống như một Hội đồng Chiến tranh, gồm những người lãnh đạo trung thành với Tập Cận Bình.

Sáng tinh mơ ngày 28/04/1984, một sĩ quan trẻ Trung Quốc cầm đầu một trung đoàn bộ binh tấn công vào bộ đội Việt Nam. Trận đánh Lão Sơn là một trong những trận đẫm máu nhất trong số những cuộc giao tranh kéo dài một thập niên sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung bốn tuần năm 1979. Tuy không rõ thắng bại, nhưng trung đoàn trưởng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia) bốn thập niên sau trở thành cố vấn quân sự tín cẩn nhất của Tập Cận Bình, tiếp tục là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương sau đại hội đảng 20, trong khi nhiều người ngỡ rằng ông Trương sẽ về hưu.

Năm nay 72 tuổi, Trương Hựu Hiệp là người lớn tuổi nhất giữ chức này kể từ 30 năm qua, nhưng việc tái nhiệm cho thấy tiêu chí chọn người trong quân đội của ông Tập : biết chuẩn bị chiến đấu và tuyệt đối trung thành. Thượng tướng Trương là một trong những chỉ huy hiếm hoi từng có kinh nghiệm chiến đấu, dù chiến thuật biển người kiểu Mao sử dụng trong cuộc xâm lược Việt Nam không hề hiệu quả trong chiến tranh hiện đại. Trong năm năm qua, Trương Hựu Hiệp giám sát công việc thiết yếu là mua và phát triển vũ khí, quan trọng hơn nữa : ông là bạn cũ của gia đình ông Tập. Hai người cha là bạn chiến đấu với nhau, ông Tập và Trương cùng tầng lớp con ông cháu cha.


Dùng toàn người tín cẩn để chuẩn bị gây chiến với Đài Loan ?

Thượng tướng Hà Vệ Đông (He Weidong), 65 tuổi cũng là một bất ngờ. Ông được bổ nhiệm chức phó chủ tịch Quân ủy và vào Bộ Chính trị, tuy chưa bao giờ là ủy viên trung ương và thành viên Quân ủy. Hà Vệ Đông có mối liên hệ cá nhân, từng làm việc ở Phúc Kiến trong hầu hết thời gian Tập Cận Bình là quan chức lãnh đạo tại đây. Tuy nhiên người ta cho rằng sự thăng tiến của ông là nhờ hai năm chỉ huy Chiến khu Đông bộ - chịu trách nhiệm về Đài Loan, và trước đó nắm lục quân của Chiến khu Tây bộ trong một loạt xung đột biên giới với Ấn Độ.

Một khuôn mặt khác trong Quân ủy là thượng tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), cũng lại là con một lão thành cách mạng. Ông Lý từng có 31 năm công tác tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, có thể trở thành tân bộ trưởng quốc phòng.

Chuyên gia Joel Wuthnow của đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng Quân ủy Trung ương mới trông giống như « Hội đồng chiến tranh Đài Loan ». Tập Cận Bình có được hai nhân vật rành rẽ về trang thiết bị quân sự, rất cần thiết trong xu hướng tự cung tự cấp và bối cảnh bị Mỹ siết chặt về công nghệ.


Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và COP27 : Hai thời điểm đáng chú ý

Le Point tuần này đăng ảnh thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon cùng với chủ tịch đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen, chạy tựa lớn « Đồng bọn » và đặt câu hỏi « Cặp Le Pen-Mélenchon sẽ đi đến đâu ? ». Courrier International nhìn sang bên kia bờ đại dương, đăng hình vẽ chú Sam thân trên và dưới bị cắt làm đôi, đi về hai ngả, chơi chữ « Ngày xửa ngày xưa có một nước Mỹ ... », chữ « une » (một) trong « Il était une fois » (Ngày xửa ngày xưa) bị đổi thành « deux » (hai). Trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ ngày 08/11, người Mỹ bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Phá thai, kiểm soát súng, nhập cư, kinh tế, sinh thái, viện trợ cho Ukraina…tất cả đều đối nghịch giữa Dân Chủ và Cộng Hòa. Đến nỗi có những công dân (và doanh nghiệp) chọn cách dọn nhà sang tiểu bang gần gũi với quan điểm của mình hơn.

Nhân hội nghị khí hậu COP27 tập hợp gần 200 nước ở Ai Cập từ 06 đến 18/11, L'Obs đăng ảnh và thông điệp của đồng chủ tịch GIEC với dòng tựa « Khí hậu : Vẫn còn chưa muộn ». Nhắc lại câu của Albert Camus « quen thuộc với tuyệt vọng còn tệ hơn cả bản thân sự tuyệt vọng », tờ báo khuyến cáo không nên khoanh tay đứng nhìn. Chưa quá trễ để vừa làm giảm thải CO2 từ nay đến 2030, vừa thích ứng cách sống trong bối cảnh khí hậu mới, với điều kiện có những quyết định chính trị, kinh tế và xã hội ở tầm quốc tế và trong nước, với sự công bằng cần thiết.

The Economist chạy tít « Nói lời tạm biệt với 1,5°C ». Tuần báo Anh cho rằng không thể đạt đến mục tiêu giới hạn hiện tượng hâm nóng khí hậu ở mức này từ nay cho tới năm 2100, tốt nhất là nên thực tế hơn. Nhưng « Làm vấy bẩn một tác phẩm Van Gogh, có phải là điều tốt cho khí hậu ? ». Theo L’Obs, vụ hai nhà đấu tranh của Just Stop Oil ném sốt cà chua vào khung kính bảo vệ bức tranh nổi tiếng hôm 14/10, thay vì lôi kéo sự chú ý của công chúng về vấn đề khí hậu, có thể gây phản tác dụng.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.