jeudi 1 décembre 2022

Đặng Sơn Duân - Nhận diện chiến thuật ứng phó biểu tình của Tập Cận Bình


Mặc dù vẫn còn những sự vụ lẻ tẻ ở một số địa phương, những cuộc biểu tình đồng loạt ở Trung Quốc đã tạm lắng sau khi những ngày cuối tuần trôi qua.

Vẫn còn quá sớm để trả lời liệu những cuộc biểu tình có giữ được xung lực và tiếp diễn vào dịp cuối tuần kế tiếp hay không, đặc biệt trước những biện pháp được triển khai của nhà chức trách Trung Quốc.

Dưới đây chỉ là những quan sát về cách thức Trung Quốc đối phó với làn sóng giận dữ của người dân.

Về y tế, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc hôm qua tổ chức họp báo hứa hẹn sẽ có những điều chỉnh và nới lỏng về phòng dịch, mặc dù vẫn khẳng định chủ trương của giới lãnh đạo trung ương là đúng đắn và phù hợp với tình hình. Những vấn đề khiến người dân bức xúc và bất mãn có nguyên nhân chủ yếu từ cách áp dụng máy móc và thái quá chủ trương chống dịch của giới chức địa phương.

Về an ninh, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở những khu vực xảy ra biểu tình cuối tuần qua, kể cả cảnh sát vũ trang để thị uy. Người đi đường bị kiểm tra điện thoại ngẫu nhiên để tìm kiếm các ứng dụng phương Tây trái phép, như Telegram, Twitter… vốn được sử dụng để đưa tin tức ra bên ngoài cũng như liên lạc giữa người biểu tình với nhau.

Ở cấp trung ương, Trần Văn Thanh, cựu Bộ trưởng An ninh quốc gia nay là Bí thư Ủy ban Chính pháp, đã đưa ra thông điệp đầu tiên tại cuộc họp của ủy ban ngày 29.11. Thông điệp của Trần gồm hai vế. Một là “kiên quyết trấn áp hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch theo luật, kiên quyết trấn áp hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật làm nhiễu loạn trật tự xã hội theo luật, hai là “kiên trì lấy nhân dân làm trung tâm”. “cần kịp thời hóa giải các mâu thuẫn và tranh chấp và hỗ trợ giải quyết các khó khăn thực tế của người dân”.

Thông điệp này một mặt xoa dịu, một mặt răn đe. Có thể thấy giới an ninh Trung Quốc, như một bài học căn bản, đã không đàn áp ngay lập tức để kích động leo thang mà theo dõi và chờ đợi tình hình lắng dịu mới ra tay.

Có thể chia những người phản kháng thành 3 nhóm: một là những người bất bình bức xúc vì chính sách Covid khiến cuộc sống họ lâm vào bế tắc, chủ yếu là giới lao động đang bí bách ở các đô thị; hai là những giới trí thức, bao gồm cả sinh viên, nhìn nhận được mấu chốt vấn đề sai lầm chống dịch là không có tự do ngôn luận và không gian cho những ý kiến khác biệt nên công khai đòi hỏi những quyền này; và cuối cùng là nhóm công khai kêu gọi lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình.

Mỗi nhóm như thế, giới cầm quyền Trung Quốc sẽ có những cách đối phó khác nhau. Nhóm đầu tiên sẽ được xoa dịu bằng cách đổ lỗi cho giới chức quản lý địa phương. Nhóm thứ hai sẽ bị răn đe, cảnh báo xen lẫn khuyên nhủ bằng mọi thủ đoạn trong chế độ chuyên chế, và tất nhiên sẽ vào sổ đen. Còn nhóm thứ ba, vốn ít nhất, sẽ bị đàn áp thẳng tay, chẳng hạn như đột nhiên mất tích vào một ngày nào đó.

Nhóm thứ ba tập trung ở Thượng Hải, vì thế đây sẽ là một điểm bùng phát tiềm tàng.

Tuy gây chú ý vì diễn ra đồng loạt ở nhiều thành phố và có thành phần tham gia đa dạng, với những khẩu hiệu táo bạo, số lượng người biểu tình vẫn còn rất ít ỏi nếu so với dân số 1,4 tỉ người của Trung Quốc. Trước mắt nó chỉ mới là đốm lửa nhỏ khó có thể tạo ra được điều gì lớn lao và đe dọa làm lung lay chế độ Trung Quốc. Nó khiến Trung Nam Hải lo ngại nhưng chưa đến mức lo sợ.

Về mặt dư luận, hiện có một vài diễn biến gợi ý Bắc Kinh sẽ đánh lạc hướng và quy trách nhiệm cho giới chức địa phương thông qua việc tấn công vào tổ hợp công nghiệp chống dịch của nước này.

Đầu tiên, công ty Shenzhen Nucleus Gene Technology Co, có thị phần lớn về kit test, hứa hẹn sẽ trở thành một Việt Á của Trung Quốc khi những sai phạm trong quy trình và đấu thầu của họ bị moi ra. Những bài báo của phóng viên đột nhập vào các cơ sở của công ty có 46 chi nhánh và 31 phòng thí nghiệm trên cả nước bắt đầu được tung ra. Thân thế bí ẩn của cha con Trương Hạch Tử và Trương San San, những chủ nhân công ty, cũng là đề tài nóng trên mạng xã hội những ngày qua. Thậm chí còn có tin đồn (đã bị bác bỏ) rằng họ là con cháu của Trương Uẩn Ngọc, một viên tướng Bát lộ quân từng đảm nhiệm chức tư lệnh bãi thử hạt nhân của Trung Quốc.

Thứ hai, những đoạn clip rò rỉ về cuộc họp nội bộ một công ty kit test xuất hiện trên mạng một cách có ý đồ. Trong đó lộ ra thông tin những nhân viên nào đưa được một người vào khu bệnh viện cách ly sẽ được hưởng hoa hồng 3.500 nhân dân tệ.

Tất cả đều là những dấu chỉ và công thức cho một vụ khởi tố đình đám tiềm tàng, để đánh lạc hướng trách nhiệm của giới lãnh đạo chóp bu mà Tập Cận Bình là hạt nhân.

Làm lãnh tụ trong một chế độ chuyên chế cũng khá dễ, lãnh tụ không thể sai, có sai chỉ là do cấp dưới làm không đúng chủ trương!

ĐẶNG SƠN DUÂN 30.11.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.