Vì sao loạn? Thử lấy vài ví dụ:
Trường hợp thứ nhất, Bình Phước: Tổng số học sinh trung học phổ thông (THPT) của Bình Phước là khoảng 35 nghìn em, nhưng có tới 2 trường THPT chuyên với số lượng khoảng 2 nghìn. Như vậy, nghĩa là cứ khoảng trên dưới 20 học sinh (cấp 3) thì có 1 em học trường chuyên!
Trường hợp thứ hai, Hà Nội: Có chưa tới 400 nghìn học sinh THPT và có tới 6 trường chuyên, hai trường có lớp chuyên, và một trường “chất lượng cao” – tổng là 9 trường. Nếu mỗi trường có số lượng 1 nghìn học sinh thì tỉ lệ sẽ là cứ khoảng 40 học sinh đại trà thì có 1 em là học trường chuyên.
Lấy hai ví dụ này, một tỉnh thưa dân bậc nhất, và một thành phố đông dân bậc nhất, để thấy sự bất cập là phổ biến, chứ không phải cục bộ. “Học sinh chuyên” gì mà cứ 20 đến 40 em đại trà thì có 1 em vậy? Đây cũng là tỉ lệ trung bình trên cả nước.
Đã chuyên thì phải đặc biệt, phải cực giỏi, phải có tố chất “hơn người”, phải là tài năng hiếm thấy, chứ ai đời cứ vài chục em đại trà thì bốc lấy 1 mà gọi là “tài năng”, là “nhân tài”, thế thì Việt Nam là cường quốc nhân tài rồi!
Hiện nay tất cả các tỉnh trên cả nước đều có trường chuyên, trong đó nhiều tỉnh/thành có hơn 1 trường chuyên. Đây có thể gọi là loạn trường chuyên. Khi trường chuyên mở ra quá nhiều, tất nhiên vẫn phải tuyển đủ, thế là hết nạc thì vạc đến xương.
Rất nhiều em có tố chất và năng lực chỉ ở mức trung bình, thậm chí học rất tệ nhưng cũng đỗ vào trường chuyên cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Tôi trực tiếp dạy chuyên nên thấm thía điều này, không hiểu sao có thể gọi những em ấy là “chuyên” được. Mỗi lớp cùng lắm được vài em nổi trội hơn một chút, còn lại là vào để kiếm một nơi luyện thi đại học thuận lợi hơn trường thường (vì được dung túng cho học lệch).
Đã gắn mác “trường chuyên” thì phải cố. Thế là cắt xén, là dạy lệch, học lệch, nhồi nhét…, để đảm bảo thành tích. Và tất nhiên là thành tích sẽ cao hơn trường thường. Nếu không rõ nội tình mà chỉ nhìn vào những con số kiểu này, người ta rất dễ tấm tắc và lấy làm an tâm. Tình trạng này là không thể chấp nhận được.
Trường chuyên nên được định nghĩa và tổ chức lại. Cả nước chỉ nên có 1 trường chuyên, cùng lắm là khoảng 5 trường cho 5 khu vực địa lý: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ.
Cần hướng đến đào tạo chất lượng cao thật sự, dành cho những học sinh đặc biệt, “phi phàm” để làm nòng cốt nhân tài cho xây dựng đất nước. Còn lại, hoặc chuyển về phổ thông bình thường, hoặc trở thành các trường năng khiếu, tạo điều kiện cho những học sinh có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, thể thao v.v… phát triển những sở trường trời phú của các em.
Không nên tiếp tục cái gọi là “trường chuyên” một cách đại trà và cào bằng như thế nữa. Vì nó không giúp đạt được mục tiêu đã đành mà còn gây lãng phí quá lớn, đồng thời tạo bất bình đẳng trong giáo dục, khiến kéo lùi sự phát triển của giáo dục và xã hội nói chung.
THÁI HẠO 03.06.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.