Tôi không hứng thú xem phim vì nhiều lý do. Tôi cũng không quá mê nhạc Trịnh như đa số bạn bè cùng lứa. Nhưng có ba thời khắc trong đời mà không hiểu sao đến giờ tôi vẫn không thể nào quên, gắn liền với nhạc Trịnh.
Lần đầu là hồi khoảng cuối năm 2 đại học. Một đứa ở nhà nhiều hơn tới lớp như tôi bỗng dưng nổi hứng đi chơi với các bạn cùng lớp nhân một buổi học được nghỉ đột xuất. Nhớ là đi về quê một bạn trai gầy gầy rất lanh miệng. Nhà không xa Sài Gòn, đi trong ngày là về nhưng vẫn phải qua một con đò.
Giờ không nhớ rõ đó là đâu nhưng nhớ cả đám mấy chục đứa lên tới bờ bên kia đi vô một khu vườn măng cụt thì trời đổ mưa. Tất cả vội tìm chỗ trú. Mưa buổi trưa nặng, ẩm thấp. Cười giỡn lát cũng mệt, mạnh đứa nào đứa nấy ướt sũng lạnh run đứng dưới mấy tàng cây.
Giữa lúc đó, tự dưng tôi nghe văng vẳng tiếng hát từ máy cát-sét nhà ai vọng lại: Một cuộc tình nhỏ bé bên đôi môi hồng đào, đường đời xa lắm nhé, em không nhớ tôi sao? Hãy về mau, hãy về mau...
Từ nhỏ, ba tôi ổng nghiện "Ca khúc Da vàng", ngày nào nhà tôi cũng mở rỉ rả cuốn băng đó. Tôi lớn lên trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng buổi xế trưa đó, là lần đầu tiên tôi thấy rung động với một bài nhạc Trịnh.
Lần thứ hai là cái đêm Trịnh Công Sơn mất. Tôi đang trọ học ở gần chợ Bình Triệu. Con bạn thân khóc lóc: Trịnh Công Sơn mất rồi, tao muốn đi viếng tang.
Tôi nghĩ: Người ta là người nổi tiếng, quen biết gì mình tự dưng mình đi viếng tang?
Nhưng mà nó cứ khăng khăng vừa khóc vừa đòi đi. Trễ rồi không có xe cộ, Phạm Ngọc Thạch lại xa! Sáu, bảy đứa đi bộ ra ngã tư Ga nhét lên hai chiếc xích lô máy, bỏ tiền chơi sang. Tới nơi thấy người ta xếp hàng rồng rắn, yên lặng, thành kính vào thắp nhang, tôi ngỡ ngàng!
Tôi lớn lên dưới quê, đám ma buổi tối pê-đê tụ tập hát inh ỏi, kèn trống điếc tai, ăn nhậu cũng không thiếu. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một đám ma của người "văn minh", tinh hoa văn nghệ. Không khí lặng lẽ u buồn sang trọng. Trong sự u buồn đó, tiếng nhạc không phải là kèn trống gì hết! Lúc xếp hàng tôi nghe chính giọng Trịnh Công Sơn - người đã khuất, hát:
Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai
Hai mươi năm xin trả nợ dài
Trả nợ một đời em đã phụ tôi...
Tôi thẫn cmn thờ luôn!
Rồi đến mùa mưa năm 2003 - 2004 gì đó... Tôi theo chơi với chị bạn mở quán cafe sân vườn kiểu Serenata, Vườn xưa... thời đó rất thịnh hành. Quán có cái tên thơ mộng - Sâm Cầm. Trời tối nào cũng mưa, quán vắng, không biết ai mang đến cái VCD Lê Uyên và Khánh Ly hát tưởng niệm nhạc sĩ Phương và Trịnh Công Sơn, Chí Tài đệm guitar. Lúc Khánh Ly hát: Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã rong chơi trong cuộc đời này... Tôi khóc như cha trù mẹ chết!
Tóm lại thì có bạn gì nói đúng đó, trong chúng ta ai cũng có một Trịnh Công Sơn. Như tôi thích nhạc Phạm Duy, nhạc Vũ Thành An hơn, nhưng tôi vẫn có những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng với nhạc Trịnh. Vậy là đủ rồi!
Nghệ sĩ họ cho ta được những khoảnh khắc đó là ta nên biết ơn tài năng của họ. Còn ở Việt Nam này, nói đến chính trị, cụ thể nói đến sự dính líu của văn nghệ sĩ đến chính trị thì tôi không biết văn nghệ sĩ chúng ta, nhất là những người thành danh, bao nhiêu người dám nói mình không tơ hào nương náu dưới bóng của bất kỳ chế độ nào? Cái quan trọng là khí tiết, cái đó thì lại càng xa xỉ, thôi đừng bàn.
Còn phim, nhìn tên đạo diễn với nhà sản xuất là tôi cũng biết khỏi bàn luôn, bởi style của họ, không thể làm cho "ra" Trịnh Công Sơn được!
PHAN HÂN 27.06.2022 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.