mardi 28 juin 2022

Nga ồ ạt tấn công Ukraina để gây sức ép với G7 và NATO


Đăng ngày:

Sievierodonetsk thất thủ, sự kiện đã được dự báo

Trước hết về tình hình Ukraina, Le Monde có bài phóng sự về « Sự thất thủ được chờ đợi của Sievierodonetsk ». Những chiến sĩ Ukraina được lệnh rút khỏi vùng đất nay trở nên thành phố lớn thứ tư lọt vào tay quân Nga. Họ lần lượt ra đi từng đơn vị nhỏ, cả ngày lẫn đêm, người ở lại bảo vệ an toàn cho người đi ; qua sông từng toán năm người không áo giáp để phòng trường hợp rơi xuống nước.

Đặc phái viên tờ báo mô tả những người bảo vệ Sievierodonetsk rời vị trí bằng cách vượt sông Siversky Donets về hướng Lyssytchansk, trên những chiếc xuồng cao su và xà lan nối với bờ bên kia. Từ khi cả ba chiếc cầu nối hai thành phố song sinh của Luhansk thuộc vùng Donbass không còn sử dụng được do bị quân Nga chiếm hay do bị oanh tạc thường xuyên, đây cũng là con đường mà các chiến binh được tiếp đạn dược trong những tuần lễ gần đây.

Thống đốc tỉnh Luhansk, Serhi Haidai à người đầu tiên loan báo việc triệt thoái hôm 24/06. Ông cho biết chiến dịch kéo dài khoảng 24 giờ, và chỉ công bố một khi hoàn thành. Theo ông Haidai, « Chẳng có nghĩa lý gì khi trụ lại ở các vị trí bị bỏ bom thường xuyên từ nhiều tháng qua, trong một thành phố chỉ còn là gạch vụn ». Denis Verhun, một chiến binh của tiểu đoàn 205 tức « tiểu đoàn Pechersk », pháo và xe tăng Nga tấn công ồ ạt, nếu không rút đi sẽ mất rất nhiều sinh mạng.


Rút lui trong trật tự, tránh một Mariupol thứ hai

Sievierodonetsk thất thủ đúng bốn tháng sau khi quân Nga tràn sang Ukraina ngày 24/02, mở ra khả năng bao vây Lyssytchansk, ổ kháng cự cuối cùng của Luhansk. Le Monde không hề nhận thấy không khí thất trận : việc mất Sievierodonetsk đã được báo trước từ nhiều tuần qua, và cuộc rút lui diễn ra trong trật tự. Người lính Verhun khẳng định « Nga không thể ngủ yên trên vòng nguyệt quế, vì chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến khi nào giải phóng được Ukraina ».

Quân đội Ukraina muốn tránh trường hợp Mariupol, nơi hàng trăm chiến sĩ bị bắt làm tù binh khiến kẻ thù tha hồ tuyên truyền. Nhưng theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW), cái giá phải trả cho việc chiếm được Sievierodonetsk là năng lực quân sự của Nga bị hủy hoại khá nhiều.

Phóng viên Le Figaro thì theo chân một đơn vị trinh sát Ukraina ở gần Mykolaiv. Họ cho biết tiêu diệt một chiếc xe tăng không khó, với hỏa tiễn chống tăng chỉ mất một giây đồng hồ mà thôi. Ngược lại, tiếp cận với quân địch, đoán hướng di chuyển và quay về an toàn thì khó khăn hơn rất nhiều. Nhóm trinh sát năm người có được một chiếc drone trị giá 3.000 đô la, do một chiến hữu nay đã thành thương phế binh mua tặng. Trước đây mỗi lần bắn đi một quả đạn là phải di chuyển đi nơi khác ngay kẻo Nga trả đũa, nay đã có đại bác do phương Tây viện trợ, họ có thể an tâm đấu pháo với địch.


G7 và NATO họp, Nga đánh lớn ở Ukraina để tạo tiếng vang

Libération nhận định « Ukraina : Matxcơva đánh mạnh để gây tiếng vang ». Trước một tuần lễ với nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, quân Nga tấn công đủ mọi hướng - kể cả ở thủ đô Kiev vốn tương đối an toàn từ đầu tháng Sáu đến nay. Khói đen lại bốc lên ở khu vực dân cư Shevchenkiskiy gần trung tâm thành phố. Sáng Chủ nhật 26/06, các hỏa tiễn Nga lại rơi xuống Kiev làm 1 người chết và 6 người bị thương trong đó có một bé gái 7 tuổi, phòng không Ukraina bắn hạ được một tên lửa.

Đây là lần thứ ba kể từ đầu cuộc xâm lăng khu phố này bị tấn công, sau lần bị oanh tạc cuối tháng Tư khi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cuối tháng Tư. Phía Nga nói rằng nhắm vào « cơ sở quân sự » : nhà máy Artem, bị Matxcơva cáo buộc sản xuất hỏa tiễn. Các vụ tấn công của Nga nổ ra khắp nơi từ sáng thứ Bảy, vào thời điểm G7 họp tại Elmau gần Munich từ Chủ nhật đến thứ Hai, và tiếp đến là hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid từ thứ Ba đến thứ Năm. Đô trưởng Kiev tố cáo Nga muốn « đe dọa người Ukraina » nhân cuộc họp mà các thành viên Liên minh sẽ thảo luận về việc hỗ trợ Ukraina.

Điều hiếm hoi là các hỏa tiễn rơi xuống Kiev hôm Chủ nhật rất có thể là loại X101, được các oanh tạc cơ TU-95 và TU-160 phóng đi từ biển Caspi. Một hôm trước đó, quân Nga tiến công hầu như trên toàn quốc, ngay cả những nơi xa khu vực tiền tuyến ở miền nam và miền đông. Theo tình báo quân đội Ukraina, ít nhất 12 hỏa tiễn bắn đi từ Belarus. Nước này từng là hậu cứ cho quân Nga nhưng chưa bao giờ cho sử dụng không phận.  Ngoài yếu tố lịch trình ngoại giao, hoạt động quân sự của Nga mạnh mẽ trở lại vào lúc Ukraina bắt đầu sử dụng những loại vũ khí tiên tiến hơn do đồng minh cung cấp, như Himars của Mỹ. Libération nhận thấy việc Nga tập trung hỏa lực pháo binh đã mang lại kết quả trên chiến trường.


Súng ngắn, moọc-chê đương cự với Terminator và bom phốt-pho của Nga

Trả lời phỏng vấn La Croix, giáo sư Arancha Gonzales của Trường quốc tế thuộc Science Po Paris nhận định, Vladimir Putin có tư tưởng đế quốc, thực dân. Ông ta đã kéo lùi thế giới hơn một thế kỷ. Đa số các nước trên thế giới đã bị sốc khi một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một cường quốc nguyên tử lại ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước láng giềng.

Nhà văn kiêm triết gia Bernard-Henri Lévy trong một bài phỏng vấn dài trên Le Figaro khẳng định « Cuộc chiến của người Ukraina chống lại quân Nga xâm lược là cuộc chiến của chúng ta ». Đã từng đến Ukraina nhiều lần kể từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014 và sau khi Nga đổ quân sang hôm 24/02, đã đi thăm nhiều điểm xung đột nhất là Bucha và Borodyanka ở phía bắc Kiev, nhà trí thức nổi tiếng là tác giả bộ phim tài liệu « Tại sao là Ukraina » sẽ phát trên kênh Arte tối mai. Ông cổ vũ châu Âu nên quyết tâm giúp đỡ Ukraina, nhân danh các giá trị dân chủ mà quốc gia này đang bảo vệ trước chế độ toàn trị của Vladimir Putin.

Theo Bernard-Henri Lévy, phương Tây cần duy trì áp lực, tiếp tục vũ trang cho các chiến sĩ Ukraina đang phải chống chọi dưới mưa bom phốt-pho. Ông đã từng ở bên một tiểu đoàn mà trong một tháng đã mất đến phân nửa quân số. Trước những chiến xa « Terminator » của Nga, họ chỉ có những khẩu súng ngắn và moọc-chê nội địa. Những người lính thuộc loại dũng cảm nhất thế giới chẳng thể làm gì hơn để đối phó với những trận bão thép của quân Nga.


Phá thai : Hai nước Mỹ đối mặt

Nhìn sang nước Mỹ, Le Monde chạy tựa trang nhất « Phá thai : Bước lùi lớn của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ». Nhật báo thiên tả Libération nhấn mạnh « Tự do, bình đẳng, IVG (chủ động ngưng thai sản, tức phá thai) », tờ báo công giáo La Croix đưa tít « Phá thai : Hai nước Mỹ đối mặt ».

Les Echos cho biết trong suốt cuối tuần qua, những cuộc biểu tình liên tục diễn ra trên toàn quốc. Một số nhằm chống lại quyết định của Toosdi cao Pháp viện, số khác lại hoan nghênh việc kết thúc sắc lệnh Roe vs Wade bảo vệ quyền phá thai từ 20 năm qua tại Hoa Kỳ. An ninh được siết chặt xung quanh Tòa án, và cơ quan an ninh nội địa dự báo bạo động sẽ còn kéo dài nhiều tuần lễ nữa.

Le Figaro cảnh báo cần tránh đi quá lố. Theo tờ báo cánh hữu, nói rằng quyết định của Tòa Tối cao là « quay trở lại thời Trung Cổ » hay « Taliban hóa » nước Mỹ như vẫn nghe từ vài ngày qua là một sự bóp méo, mang màu sắc chính trị. Là quốc gia liên bang luôn chịu ảnh hưởng Công giáo, chủ đề phá thai luôn gây bất đồng ý kiến tại Hoa Kỳ. Thông tín viên Le Monde La Croix tại San Francisco đềughi nhận từ khi Texas hạn chế phá thai, các dưỡng đường ở California có thêm 500 yêu cầu mỗi ngày và nay chuẩn bị đón một làn sóng bệnh nhân mới, trở thành tiểu bang lý tưởng cho những phụ nữ muốn phá bỏ thai nhi. Thống đốc Gavin Newsom 54 tuổi vốn đang mơ đến Nhà Trắng, chuẩn bị một quỹ hỗ trợ và muốn đưa vấn đề phá thai vào Hiến Pháp của bang.


Hồi kết của quyền lực mềm ?

Cũng liên quan đến Hoa Kỳ, tác giả Dominique Moisi trên Les Echos đặt vấn đề, vào lúc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina, Biển Đông đang căng thẳng, khái niệm quyền lực mềm còn lại gì ? Làm thế nào nói về khả năng thuyết phục, khi cưỡng bức ngày càng trở thành tiêu chí ? Về quyền lực cứng, nước Mỹ là đại cường quân sự số một thế giới, vượt xa các nước khác. Ngân sách quốc phòng Mỹ bằng 9 nước chi quân sự nhiều nhất cộng lại, kinh tế Mỹ vẫn mạnh nhất thế giới.

Nếu « soft power » của Mỹ không còn như xưa, hai đối thủ chính là Trung Quốc và Nga cũng không hơn gì. Nga đã hy sinh hẳn chút quyền lực mềm có được cho một sức mạnh hung bạo nhất, và Trung Quốc chừng như cũng hành động tương tự. Thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế trước đây là « soft » thay vì « hard power » của Bắc Kinh, nhưng từ lúc Tập Cận Bình lên cầm quyền đã khác hẳn. Nhấn mạnh đến kiểm soát chính trị ở trong nước, và hung hăng khoe cơ bắp với bên ngoài, Trung Quốc đã đóng góp vào sự trở lại huy hoàng của địa-chính trị và sự mờ nhạt đi của địa-kinh tế.

Dường như khát vọng của Tập Cận Bình là trở thành Joseph Stalin : tập trung quyền lực tối đa vào trung ương bất kể cái giá về kinh tế, đặt trung tâm tài chánh Hồng Kông vào vòng nguy hiểm, luôn hiếu chiến với Đài Loan...Phải chăng thời cơ đã đến với Bắc Kinh ? Nước Mỹ đang đi xuống, châu Âu còn tệ hơn nữa - đang loạn lạc.


Putin mơ Pie Đại đế, Tập muốn làm Stalin

Matxcơva có thể là đồng minh làm lợi cho Bắc Kinh vì bị yếu đi ở Ukraina, bên cạnh đó cuộc xâm lăng của Nga đã thu hút mọi nỗ lực của phương Tây, làm giảm đi sự chú ý về sự bành trướng của Trung Quốc. Nếu trong chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô sử dụng quân Trung Quốc như những quân cờ, thì giờ đây Bắc Kinh đang lợi dụng quân đội Nga để khuếch trương tham vọng của mình, vào lúc các nhà chuyên môn khẳng định dân số Trung Quốc đã bị giảm gần 120 triệu trong những năm gần đây.

Một nước Mỹ ít gây mơ tưởng hơn và rao truyền những giá trị ít thực hiện hơn, một Trung Quốc gây sợ hãi, hy sinh « soft power » của tăng trưởng cho « hard power » của sức mạnh : hai đại cường theo cách của mình đang đi về hướng sai lạc. Có thể kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 hai ứng cử viên mới sẽ tranh giành - ông Trump không né được tư pháp còn Biden tuổi tác quá cao. Nhưng liệu đã đủ cho một khởi đầu mới ở Washington ?

Và những diễn biến này có ý nghĩa gì với châu Âu ? Vào lúc Putin lần theo dấu vết Pie đại đế, Tập Cận Bình bị thu hút bởi Stalin, nước Mỹ vẫn luôn chia sẻ các giá trị với cựu lục địa. Dù có những nghi ngại về sự bảo đảm của Washington, những chỉ trích về sự bất định của một đại cường thường xuyên thay đổi, nhưng giữa một nước Nga hiếu chiến, thù địch và một Trung Quốc thích khoe cơ bắp, Hoa Kỳ vẫn là đồng minh tốt nhất. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.