mercredi 4 mai 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 69 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (03/05/2022)

 

1. Tin được khẳng định hôm qua: Quân Ukraine chiếm 4 thị xã đông bắc Kharkiv, trong đó có thị xã Staryi Saltiv.

Bình loạn: Hiện nay kết quả này được đánh giá là chưa đáng lo ngại cho cánh quân Nga ở Izyum, vì đường tiếp vận của họ vẫn sử dụng tuyến đường xe lửa Valuyki tới Kupyansk. ISW thì nhận xét, mấy điểm trên đây không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tấn công của Nga với cụm quân Izyum.

Về nguyên tắc tui đồng ý với nhận xét này. Tuy nhiên nếu như tui không nhầm, ngày 19/04 tui viết nhận xét đã điểm một tin: ngày 18/04 quân đội Ukraine đã chiếm Chuhuiv (Чугуїв, cách tây nam Kharkiv đến 40 km). Trước đó, thành phố này đã được quân Ukraine chiếm lại một lần ngày 07/03, nhưng sau đó quân Nga mở rộng tấn công ở tây nam Kharkiv thì nó lại bị chiếm lại đến hơn một tháng sau mới được giải phóng.

Điều đáng chú ý là Chuhuiv rất gần Kupyansk, nếu quân Ukraine từ đó tấn công Kypyansk thì cụm quân Nga ở Izyum chính thức bị vây. Vậy tại sao giờ phút này họ chưa làm và vẫn đang chờ đợi cái gì, chắc chỉ có Tổng tư lệnh Phan Quang biết.

Mấy hôm liền trên mạng xuất hiện hàng loạt các video quân Ukraine bắt đầu sử dụng loại pháo có độ chính xác cao để tiêu diệt phương tiện cơ giới của Nga, trong đó có một đoàn công-voa hậu cần tiếp tế cho quân ở Izyum.  

• Các lực lượng Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động tấn công không xác định theo hướng Tây Nam từ Izyum đến Barvinkove vào ngày 3 tháng 5. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các thành phần của Lực lượng Dù (VDV), Tập đoàn quân xe tăng 1, các Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp 20, 29, 35 và 36, và 68 đang hoạt động trên hướng Barvinkove và bị tổn thất liên tục.

Bình loạn: Cái điểm Barvinkove này nếu tui nhớ không nhầm lần cuối nhắc đến nó là ngày 27/04: ngày 26/04 quân Nga vẫn cố gắng tấn công theo hai trục Izyum – Barvinkove và Izyum – Slovyansk. Đến nay vẫn lại thấy loanh quanh với Barvinkove sau cả tuần rồi. À mà sau hôm đó thì Valery Gerasimov đến Izyum, rồi cả ngày hôm sau khi ông ta gặp sự cố, quân Nga không hoạt động trong khu vực.

2. Trên hướng Donbas:

• ISW bảo ngày 3/5 không ghi nhận quân Nga ở đây tổ chức được đợt tấn công nào, mà tiến hành tập hợp. Còn các nguồn khác thì cho thấy họ vẫn cố gắng tiến về hướng Lyman.

Bình loạn: Xem trên bản đồ chiến sự thì thấy Lysychansk vẫn do quân Ukraine kiểm soát, mà tui nhớ là trước thời điểm The Battle of Donbas diễn ra, tui đã viết xem video phóng sự về quân Ukraine sinh hoạt trong các hầm hào của hệ thống phòng ngự ở đây. Ơ thế hóa ra là đã qua 15 ngày Nga vẫn chưa chiếm được điểm phòng thủ này của Ukraine à?

• Kho dầu ở Makiivka (Donbas) vừa bị pháo kích bốc cháy dữ dội. Người đứng đầu DPR, Pushilin, đã tuyên bố phía Ukraine là tác giả đợt tấn công này.

 

Bình loạn: Kết hợp với thông tin ở mục trên: Ukraine sử dụng pháo chính xác và xuất hiện nhiều clip trên mạng. Như vậy chiến tranh không chỉ dừng ở vũ khí công nghệ cao mà còn là chiến tranh thông tin.

Hôm trước chúng ta đã bàn nhau về việc lính xe tăng Nga trở nên quá sợ hãi trước Javelin, thì nay đến lượt những vũ khí mới được nhận về công khai và tung hô ầm ĩ, mục đích để làm lính Nga hoảng sợ. Người lính bước vào chiến trận trong điều kiện thiếu thốn trang bị hậu cần và thua thiệt về công nghệ vũ khí, lại đã xuống sẵn tinh thần thì dễ hoảng sợ lắm.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine đưa tin rằng các đơn vị lẻ tẻ của Tập đoàn quân số 1 và 2 (lực lượng của các nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk), của các Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp số 8, 58 và 5, lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương, các Tập đoàn quân vũ trang hỗn hợp số 2 và 41, Sư đoàn xe tăng 90 và các nhóm quân dù VDV không xác định đang tập hợp lại để tiến về phía tây theo hướng Lyman và Slovyansk.

Bình loạn: Căn cứ trên số lượng lớn phiên hiệu các đơn vị có trong khu vực tụ tập vào thành đơn vị lớn hơn làm cho phía Ukraine nhận xét, ở Donbas đã hình thành phổ biến các đơn vị “dồn ghép.” Tay Quang hôm còn làm Tham mưu trưởng cứ oang oác cái mồm là “Tôi tin Nga ở Donbas còn lực lượng,” – vậy mà đã phải hình thành các đơn vị “dồn ghép” (ad-hoc) và không cho thấy xuất hiện thêm đơn vị mới – à có hôm qua hướng Mykolaiv, lữ đoàn Mykolaiv tiêu diệt những nhóm quân Nga mới tới từ Ufa nhưng được nhận xét là khá lộ cộ.

Tui thì vẫn tin vào nhận xét của các chuyên gia quân sự liên quan đến điểm yếu chết người của các BTG: xét từ góc độ này Nga đã thực sự cạn kiệt lực lượng. Trước đây tui đã viết về việc nếu Nga muốn phục hồi xe chiến đấu thì chủ yếu phải “dồn đồ” chứ chắc gì đã dư dả phụ tùng mà chữa. Đến bây giờ không chỉ dồn đồ, mà còn dồn cả người.

3. Tin rất mới: Belarus tập trận để “kiểm tra khả năng ứng phó của quân đội” – theo bộ trưởng quốc phòng nước này thông báo.

Bình loạn: Liệu có khả năng nước này tham gia vào cuộc chiến chống Ukraine hay không? Chúng ta không hề nghi ngờ Lukashenko đã và đang phải chịu sức ép rất lớn từ Putin, và ông này đã từng “bò né” ít nhất một lần trước yêu cầu đưa quân tham chiến cùng với Nga. Việc nước này cho Nga mượn lãnh thổ để làm bàn đạp tấn công Ukraine cũng đã làm cho họ phải gánh chịu một số lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Dễ hiểu nhất là lý do: thực sự nước này không đừng được nữa trước sự thúc ép và khó khăn của Putin mà phải cố gắng cho quân đội “nhúc nhích” trước, và nếu đúng là có kế hoạch đánh lớn của Putin sau 09/05, thì sẽ tham gia. Trong trường hợp này có thể nước này sẽ tham gia theo các tình huống:

(1) Đánh từ lãnh thổ mình theo hướng Lviv để ngăn chặn tiếp viện vũ khí cho Ukraine. Phương án này ít ý nghĩa vì tuyến biên giới Ukraine về phía đông dài suốt và giáp bao nhiêu nước, ngăn chặn làm sao được.

(2) Đánh từ lãnh thổ mình theo hướng Kyiv như Nga đã từng làm trong “phase 1” của cuộc chiến. Phương án này ít khả thi vì đến Nga còn liểng xiểng nữa là Belarus.

(3) Đưa quân sang đất Nga đánh từ Bryansk vào Sumy, thậm chí có thể có mũi nữa từ Belgorod vào bắc Kharkiv.

(4) Kết hợp giữa (1) và (3).

Dù là phương án nào chăng nữa thậm chí cả 3 phương án cùng được tiến hành một lúc thì còn phụ thuộc vào việc Nga có tổng động viên hay không, nếu không tổng động viên thì họ chẳng dám tấn công đâu. 

Ấy, suýt nữa tui quên, xin lỗi các bác – vậy liệu có phương án Nga yêu cầu Belarus cấp quân để bổ sung thêm cho cả hai hướng Izyum và Donbas, tức là chúng ta có thể đánh một số nữa:

(5) Tham gia vào The Battle of Donbas, tức là việc tham gia hạn chế và về phía Nga cũng sẽ là một giải pháp nửa vời không triệt để. Nếu trường hợp này là hiện thực thì chỉ vài hôm nữa là có điều động lực lượng đưa sang Nga. Nếu Lukashenko đồng ý với phương án này, thì chắc là cũng đồng ý luôn với đề nghị là tạm cho Nga “vay đểu” đạn dược và chiến phí cho góc này của cuộc chiến và “sau khi nào thắng anh bán dầu anh bù lại cho chú.”

Tui thì thấy cho đến nay, Lukashenko vẫn là một lão khôn lỏi, ngay quãng giữa cuộc chiến tranh này lão ta đã đắn đo không muốn xua quân tham gia, thì bây giờ Nga thua rõ ràng, chẳng có lý do gì để thả tiền vào cửa lúc này cả. Phải chăng trong nước của ông ta đã có những dấu hiệu của bất ổn như hồi năm 2020 nên phải thử phản xạ của lực lượng vũ trang?

4. Lại nói chuyện Nga tổng động viên.

• Trong mấy hôm gần đây, chính xác là càng gần ngày 09/05, thông tin về việc “Tổng thống Nga V. Putin sẽ nhân Lễ chiến thắng để tuyên bố tổng động viên.” Nhiều báo thì dẫn thông tin từ Ukraine là “Đã biết kế hoạch chính thức của Nga về việc này, chắc chắn Putin sẽ tuyên bố chiến tranh.”

• Bình luận về tin này, nhiều báo phương Tây còn tuyên thêm nhiều cái bố rất rùng rợn: Nga sẽ tuyên chiến với phương Tây. Tất nhiên vẫn có bác tỏ vẻ rất… khách quan nói: nhưng mặt trái của việc tuyên bố chiến tranh và tổng động viên cũng có nghĩa là thừa nhận với nhân dân trong nước là quân đội Nga đang thua trên chiến trường.

• Trên một diễn biến khác, Nga liên tiếp thông tin về việc đánh phá thành công các đầu mối đường sắt ở tây Ukraine và có đến 4 tổng kho vũ khí của phương Tây chuyển cho Ukraine đã bị phá hủy. Đọc tin chiến sự của Nga thì họ còn thông báo một ngày tiêu diệt từ 30 đến 40 vị trí quân sự của Ukraine. Mọi thứ diễn biến tốt đẹp, đúng theo kế hoạch.

Bình loạn: Dạo này tin tức tung ra cứ như hỏa mù, như hôm qua nghe Romania đưa quân sát biên giới Moldova chẳng hạn, tất nhiên là tin thật và người ta làm thật, nhưng tin 09/05 này Nga tổng động viên thì đáng ngờ lắm.

Tui có người quen, như một ông thày ấy, bác Nga này ngoài 60 chuyên phân tích quân sự và chính trị, cũng từ đầu cuộc chiến gần như không liên lạc được. Mãi hôm qua bác mới trả lời email tui viết mấy hôm trước: “Cuộc chiến của Putin đã đi vào ngõ cụt và không có đường thoát. Thật ra là có, nhưng chỉ khi tổng động viên trong nước mà còn chưa chắc đã thắng. Mà nếu làm như vậy thì bạn biết là hậu quả nó sẽ như thế nào rồi đấy.”

Đầu cuộc chiến, thái độ của ông Biden chẳng hạn, làm cho rất nhiều bác nói ra ý kiến rất có lý: cứ như ông ấy khích cho Putin đánh Ukraine vậy. Đến sau sự kiện vụ thảm sát Bucha, dòng chảy như qua một bước ngoặt và số phận của Nga gần như sẽ an bài. Một dòng chảy khác được khởi động: dòng chảy vũ khí hạng nặng của phương Tây chảy vào Ukraine cùng các tuyên bố, đặc biệt là của lãnh đạo Anh và Hoa Kỳ rất mạnh mẽ.

Để đối đáp lại, thực chất là để đáp ứng yêu cầu đối nội tức là nói với nhân dân trong nước, Nga thường xuyên có các tuyên bố về “chiến tranh thế giới lần thứ ba” và “phương Tây đã tấn công nước Nga như đã làm trong suốt mấy chục năm qua.” Đến bây giờ thì chính những tuyên bố này được đưa vào trong các bài báo của phương Tây như tăng thêm sức nặng của thông tin gần như có tính dồn ép đối với Nga.

• Với bộ sậu Putin – phe diều hâu chủ chiến, sự dồn ép gây nên sự bối rối, tổng động viên cũng chết mà không tổng động viên cứ để chiến tranh trong tình trạng dở hơi như thế, cũng chết.

• Với phe bồ câu chủ hòa, gây nên sự hoang mang, phải chăng đất nước sẽ bước vào một giai đoạn mới mà ai cũng biết chỉ có tồi tệ hơn?

• Với Oligarch, là sự lo lắng, hậu quả của nó như thế nào chúng ta đã nói hôm trước.

• Với chính dư luận phương Tây, tất cả các thông tin được bơm đều đặn theo đợt có chủ ý, từ thảm sát Bucha đến địa ngục Mariupol và bây giờ là nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba, cũng có tính dồn ép, trong đó có sức ép lên chính giới nội bộ các nước. Không loại trừ khả năng chẳng cần phải Nga tổng động viên mà cứ ầm ĩ lên như thế, tuần sau có cường quốc họp hội nghị Diên Hồng rồi rủ nhau đưa quân vào thì vừa.

Có vẻ như, kế hoạch đánh quỵ hẳn nước Nga – Putin đã khởi động rồi. 

5. Về thái độ của Đức và Hungary với cuộc chiến của Putin.

Bình loạn: Con gái tui học tiếng Đức, vừa ở trường, vừa ở Viện Goethe Hà Nội và tui cũng hay la cà ở đó trong lúc chờ làm xe ôm cho nó. Vì la cà ở đó, thi thoảng tui gặp một vài người Đức uống cà phê, và trò chuyện. Từ đó, tui biết rất sơ sài về thái độ của Đức đối với Nga nói riêng, với Anh, Pháp và Hoa Kỳ tức là với những nước Đồng Minh chiến thắng sau Thế chiến nói chung: đó là sự hàm ơn của nước Đức sau chiến tranh với những người đã từng giúp họ thoát khỏi chủ nghĩa phát-xít.

Lúc đầu tui tưởng đây là suy nghĩ của người Đông Đức cũ, nhưng không phải, đó là suy nghĩ chung của người Đức. Điều này phải xin ý kiến của các bác Việt Kiều Đức góp ý thêm. Do vậy nước Nga đã được hưởng phước từ Liên Xô, nhận được sự trân trọng từ người Đức và nước Đức. Nói thêm: có thể có sự e dè nào đó của họ với những đồng minh cũ chăng (Nhật Bản và Ý.)

Do vậy đối với nước Đức, ngoài chuyện phụ thuộc năng lượng, tui nghĩ vấn đề tình cảm xã hội cũng là yếu tố nên xem xét.

Với Hungary, ở đây có một mâu thuẫn với câu chuyện của nước Đức: nước Hung nhẽ ra phải thù hằn với Nga hơn là Đức với Nga, chẳng hạn như biến cố Budapest năm 1956 chẳng hạn. Ấy thế mà bây giờ lại hành động như cừu đen trong lòng châu Âu và NATO. Mới đây thì Ukraine đưa tin là Hung biết trước kế hoạch tấn công của Putin và thậm chí còn “sẽ được hưởng lợi một phần đất từ Ukraine sau chiến dịch.”

Bình loạn: Chuyện này giống như một dạng hỏa mù không biết của ai, thậm chí của cả hai hoặc nhiều bên cùng tung ra. Hợp lý nhất là Nga, tung ra một cách có chủ đích theo kiểu nói một chiều, thậm chí họ còn nói cho ông Orban từ trước chiến tranh là như thế, như thế… và cố tình để lộ ra cho một số nguồn tin, bây giờ lại là lúc họ bơm ra cho Ukraine. Một EU chia rẽ, chỉ có Nga là có lợi. Nhưng lúc này thông tin bị tung ra cũng có thể là cú ép cho Hung phải có quyết định dứt khoát, nhất là trước khả năng bị trừng phạt từ các nước phương Tây. Còn việc Hung có can dự gì vào cuộc chiến để kiếm thêm miếng đất, thì chắc là không có, Hung “tuổi tôm.” Họ không đến nỗi quá phụ thuộc vào Nga như Belarus để bảo gì nghe nấy.

6. Bác Lê Hồng Anh viết theo đặt hàng của Sách của Phúc Lai.

VA LI HẠT NHÂN NGA CÓ ĐÁNG SỢ?

Suốt hai tháng vừa qua, phía Nga nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu NATO hoặc Mỹ tham chiến, hoặc thậm chí Ukraina “làm quá”… Cuối cùng thì tổng thống Zelensky đã nói rằng về điều này thì người Ukraina không sợ nữa, bởi nếu sợ thì họ đã buông súng ngay trong tuần đầu tiên. Không chiến mà hàng thì không phải tính cách của họ, còn ngay việc tấn công của Nga đã cho thấy họ lừa dối cả thỏa ước Budapest mà Nga đã ký, và do lời nói không đi đôi với việc làm nên tất nhiên cũng chẳng cần coi lời đe dọa lúc này là thật!

Gần đây nhất, phía Anh còn giải thích luôn nếu Nga bấm nút hạt nhân thì sẽ tương đương với tự sát, lập luận có cơ sở này thậm chí khiến ông Lavrov phải giải thích lại rằng thế giới đã hiểu nhầm những lời đe dọa của Nga trước đó!

Có vẻ những đe dọa này bị hiểu nhầm thật sự!

Vali hạt nhân thường quy ước có 3 cái giống nhau và cái luôn đi kèm Tổng thống (vali số 1) về bản chất chỉ là biểu tượng sức mạnh, chủ yếu hù dọa những nước không sở hữu thứ vũ khí “tự sát” này. Việc sử dụng vali số 1 đầu tiên cũng được quy về cho người đứng đầu cao nhất, với Mỹ và Nga là các Tổng thống. Tuy nhiên nếu Tổng thống Mỹ có quyền duy nhất bấm nút rồi hệ thống hạt nhân chiến lược sẽ tự động xác nhận mã với chủ nhân 2 chiếc vali còn lại thì 3 chiếc vali tương tự của Nga có cơ chế kích hoạt chậm hơn: cần sự hội ý rồi xác nhận trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội.

Phương Tây đã tính rằng để phản ứng lại một cuộc tấn công hạt nhân thì không được quá 1 phút – 1 phút rưỡi và tấm chắn “hỏa tiễn chống hỏa tiễn” phải đủ tin cậy để đòn phản công có hiệu quả. Sự kiện Na Uy năm 1995 cho thấy hệ thống phản ứng của Nga rất chậm, từ lúc tên lửa khí tượng của Nauy phóng đi cho đến lúc Nga nhận được thông báo trễ là cả 2 phút (thời gian này ông Enxin mới nhận được thông tin và chưa kịp tỉnh ra để quyết định), nhưng thật may là sự chậm trễ này lại tránh được một cuộc chiến tranh hạt nhân do nhầm lẫn!

Ngày nay, với hệ thống vệ tinh quan sát và tình báo điện tử thì các bên đều tương đối rõ vị trí từng tên lửa đang sẵn sàng, thậm chí mang những đầu đạn gì và chĩa vào đâu. Ngay khi chúng được phóng lên tại căn cứ thì đối phương sẽ phản ứng tức thời, hàng ngàn đầu đạn NATO sẽ tập trung ngay vào các trung tâm đầu não Nga khiến không một hệ thống đánh chặn nào ngăn hết được, còn phương Tây có thể ngăn được loạt vài trăm tên lửa đầu tiên.

Giả sử Nga bắn vào Ukraine thì cũng là hướng sang phía tây, điều này kích hoạt luôn hệ thống tên lửa của NATO bởi Nga chả bao giờ nói trước rằng “quả này tôi chỉ bắn đến Ukraina thôi nè các chế!”, mà dù có nói cũng chả ai tin, trừ khi nó hướng về… Matxcova!

Nhưng cơ hội cho Ukraine lấy lại những lãnh thổ bị mất là lúc này: Cả 3 anh giữ vali đều đang không bình thường. 1) Ông tổng thống Putin có thể lên bàn mổ (trách nhiệm xác minh điều này là của tình báo Ukraine), thời điểm này sẽ không ai khác được phép kích hoạt chiếc vali số 1 đó; 2) Ông Bộ trưởng quốc phòng Shoigu thì đang chơi trốn tìm mấy tháng nay, điều chắc chắn cho thấy thể trạng cũng không đáng tin; và 3) Ông Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov vừa rồi lại xớ rớ sang Ukraine để cho bị sức ép tiếng nổ làm giật mình bắn về, sức khỏe thế nào thì chắc tình báo Ukraine cũng biết. Hú hồn là Ukraine đã hủy bom hạt nhân, chứ nếu không, khi ông tổng thống lên bàn mổ thì…!

Như thế là ngược lại, tháng Năm này thế giới chúng ta tương đối an toàn nhất về hiểm họa hạt nhân từ Nga, còn tháng Sáu ? Trừng phạt kinh tế của thế giới sẽ khiến Nga đối phó đủ mệt rồi, Ukraine thì thành chuyện đã rồi khó truy cứu (trộm gà chẳng được còn mất thêm nắm thóc kèm đám gà con…!).

7. Đoán mò: Đến bây giờ mới thực sự khó đoán tình hình sắp tới, nếu Nga cứ ì ra không rút quân đồng nghĩa với giả thuyết Valery Gerasimov sang để tổ chức đánh để rút phá sản. Như câu thơ của Chiutchev: “Bằng lý trí không thể hiểu được người Nga” thì ở đây lại như thế: mọi logic đã không đúng: một thái độ phi lý với dân tộc khác, một cuộc chiến phi lý, các giải pháp phi lý và bây giờ là tình trạng phi lý. Mà nếu cứ ì ra để đánh với tốc độ rùa bò, tiếp tục tiêu hao mà cuối cùng cũng chẳng chiếm thêm được cái gì cho ra tấm ra món.


Có tin:

• (Cũ) Nga chuẩn bị tổ chức duyệt binh ngày 09/05 với tù binh người Ukraine. Bác Lê Hồng Anh băn khoăn: nếu là tù binh thật khéo đi qua lễ đài người ta hô “Viva Ukraine” thì dở hơi, còn nếu dùng bọn đóng giả thì vẫn ê mặt. Tui trả lời: Nếu làm thì là trò mọi rợ. Ukraine họ đưa tin chắc để ngăn Nga làm trò này thôi.

• (Mới hơn) Các đơn vị tham gia diễu binh ở Sankt Petersburg đã phải mặc đồng phục mới vì đồng phục dự định, đã bị mất ở đâu đó gần Kyiv. Người ta không hiểu sao lại dùng đồng phục giống… đoàn thanh niên Hitler thế.

• (Mới nhất) Nga có dự định tổ chức duyệt binh ở Mariupol ngày 09/05. Này, đang duyệt binh mà ăn vài quả pháo thì vui đấy nhớ.

• Ngày hôm nay một lần nữa Shoigu lại thông báo “đã làm chủ Mariupol và quân đội Ukraine vẫn tổ chức kháng cự tại nhà máy Azovstal nhưng đã bị phong tỏa theo chu vi của nhà máy.” Lần trước lão ta báo cáo Putin ngày 21/04 (và Putin bảo bao vây chặt Azovstal). Nếu tính số thành phố chiếm được thì đâu như Nga chính thức có được… 2 thành phố rưỡi. Lãnh đạo quân sự mà lảm nhà lảm nhảm không khác gì lãnh đạo ngoại giao, phát nản.

Không khéo bây giờ nhiệm vụ của quân Nga ở quanh Mariupol chỉ còn là đẩy lực lượng Ukraine ra đủ xa ngoài tầm trọng pháo để duyệt binh cho nó ngon, duyệt binh xong thì tính kế rút. Còn các phương án rút như thế nào, hôm qua chúng ta bàn nhau rồi nhỉ.

PHÚC LAI 04.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.