lundi 23 mai 2022

Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 87 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (21/05/2022)

 

1. Trên hướng Kharkiv

Theo hướng Slobozhansky, các đơn vị độc lập của Tập đoàn quân số 6 thuộc Quân khu miền Tây và Hạm đội Baltic đang chiến đấu để duy trì các giới tuyến đã chiếm được.

Bình loạn: Bộ chỉ huy Nga đã thực sự cảm thấy cần phải ngăn chặn quân đội Ukraine tiến vào biên giới quốc gia với Nga nên đã tăng cường thêm quân ở cánh này.

Việc quân đội Ukraine tiến đến biên giới quốc gia của đất nước mình như lần trước chúng ta đã bàn luận về cái “bọn Lê Thế Mẫu giả” đã đăng đàn lên tiếng về âm mưu của truyền thông Ukraine bê cột mốc ra chỗ rừng vớ vẩn khỉ ho còn gáy diễn trò. Điều đó cho thấy việc tống khứ được quân Nga về lãnh thổ của họ và phục hồi được đường biên giới thực sự có ý nghĩa về mặt tinh thần, đến mức còn phải có kế hoạch phản tuyên truyền ít nhất trong giới dư luận viên Việt Nam.

Quân xâm lược đã tiến hành pháo kích vào các khu vực định cư của Vernopil, Dibrivne và Dovhenke.

Từ cách đây mấy hôm chúng ta đã nói chuyện là tay blogger Nga viết họ đã chiếm được Dovhenke cách đường M03 Izyum – Slovyansk có 9 km, nhưng chẳng hiểu sao đến hôm qua vẫn… pháo kích. Tuy nhiên theo ISW thì quân Ukraine ở khu vực này đã phải rút sang bên kia sông Oskil. Nếu đúng như vậy thì vùng này đã trở thành “no man’s land” rồi.

2. Trên các hướng tấn công ở Donbas

Quân Nga tiếp tục các nỗ lực tấn công theo mục tiêu: phát triển từ Rubizhne là chỗ đã chiếm được, cố gắng chiếm Severodonetsk.

Hôm kia chúng ta cũng nghe tin là có 3 cây cầu nối giữa Severodonetsk và Lysychansk, thì đã bị phá mất 2. Điều này cũng dẫn đến một chuyện thú vị khác, là chuyện hôm qua chúng ta bàn về chuyện Lữ đoàn Cận vệ bộ binh cơ giới độc lập số 74 coi như bị xóa sổ khi vượt qua sông Severskyi Donets bằng cầu phao, thì phía Nga lại đưa tin y hệt: tiêu diệt một đơn vị Ukraine lớn đang vượt qua đoạn sông này bằng cầu phao.

Vấn đề là mọi thông tin đều trùng khớp, cả về vị trí (địa điểm) và thời gian. Cơ mà nếu quân Ukraine muốn qua sông để tới tăng cường cho Severodonetsk từ Lysychansk thì ở thời điểm đó còn ít nhất 2 cái cầu, vậy họ còn cần bắc cầu phao để làm gì?

Mấy ông Nga này đưa tin giả còn ngớ ngẩn.

Quân Nga vẫn tiếp tục những nỗ lực của mình để chiếm đường từ Bakhmut đi Lysychansk và tiến dần về phía Bakhmut. Quân Nga đã không tiến hành các cuộc chiến tích cực trên hướng Lyman mà đã bắn pháo vào các cơ sở hạ tầng trong khu vực định cư của Lyman, Ozerne, Zakitne, Dibrova và Serebryanka.

Đến đây thì tui cảm thấy hơi lạ. Cụm quân Nga thực hiện nhiệm vụ này là cụm đã chiếm Popasna. Vậy tại sao họ lại không điều cụm này ngược về phía Lysychansk để hỗ trợ, đánh tập hậu thành phố này từ phía sau? Nếu Lysychansk mà nguy thì Severodonetsk cũng không giữ được.

Còn về thông tin các làng xung quanh Lyman bị bắn phá, nhưng quân Nga hôm qua không tấn công ở khu vực này cho thấy là suốt mấy hôm cố chiếm Lyman nhưng không có kết quả rõ rệt, họ cũng đã đến phase phải nghỉ ngơi hồi phục.

Từ hôm qua tui đã bắt đầu viết dần các tổng kết nguyên nhân sa lầy của Nga trong cuộc chiến, hôm nay đến phần tiếp theo.

TẠI SAO NGA CHẮC CHẮN SẼ THUA VÀ ĐÃ THUA – PHẦN 2

Câu chuyện kỹ thuật và công nghệ

Người ta hay kể nhiều về một chiến công của quân đội Nga trước quân đội Ukraine từ trong quá khứ. Vào rạng sáng ngày 11 tháng 7 năm 2014, các Lữ đoàn cơ giới 24 và 72 cùng Lữ đoàn không vận số 79 của Ukraine đã tập hợp gần làng Zelenopillya chuẩn bị cho một cuộc tấn công theo kế hoạch nhằm vào lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Luhansk.

Máy bay không người lái của Nga đã phát hiện ra, mặc dù phòng không Ukraine cũng nhận ra là bị phát hiện nhưng chỉ bắn được một chiếc trong số đó, còn những chiếc khác vẫn kịp “ghim chặt” mục tiêu trên bản đồ. Người Nga dùng chủ yếu là giàn phóng Grad BM-21 trút lửa như bão vào điểm đóng quân của quân Ukraine mà các xe cộ đã nổ máy khởi động để chuẩn bị vào tuyến xuất phát. Có 19 người chết tại chỗ, rất nhiều người khác bị thương và phía Ukraine thiệt hại đến 50 xe cộ các loại, cuộc tấn công dự định phải hủy bỏ.

Đây là một trận đánh thắng kinh điển của đòn “phản chuẩn bị” mà người Nga đã từng làm trong trước trận Kursk mùa hè năm 1943, lần này họ lại thực hiện lần nữa.

Từ năm 2008, quân đội Nga bắt đầu quá trình cải tổ rất sâu, đặc biệt là sự hình thành các Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn hay BTG (Batallion Tactical Group) giao cho các cụm này cả bộ binh cơ giới, xe tăng và pháo binh. Trong biên chế của nó có 3 khẩu đội, mỗi khẩu đội 6 cỗ pháo tự hành 2S19 152 mm, ngoài ra khoảng 6 giàn Grad BM-21 có thể có trong biên chế. Đi theo tiểu đoàn trưởng bao giờ cũng có xe radar PRP-4A đi cùng tiểu đoàn, quét tìm mục tiêu đối phương.

Ngoài ra để bổ sung trinh sát điện tử tầm xa hơn và phối hợp cấp cao hơn, ở cấp lữ đoàn có các phương tiện radar SNAR-10 và Zoopark-1 của riêng mình. Đồng thời họ cũng có thể cử các máy bay không người lái Orlon-10 và Forpost đi trinh sát chiến trường.

Đánh giá về kết quả này, thiếu tướng Vadim Marusin, phó tham mưu trưởng lực lượng lục quân Liên bang Nga nói: “Ngày nay, chu kỳ [từ trinh sát đến khai hỏa] chỉ mất 10 giây theo đúng nghĩa đen.”

Đó là bối cảnh của quân đội và nhân dân Ukraine khi bước vào cuộc chiến tranh Nga – Ukraine năm 2022 trước mắt là về mặt kỹ thuật hỗ trợ tác chiến.

Cũng trong thời gian này là giai đoạn Nga đưa vào một chương trình tham vọng trong nâng cấp, phối hợp chỉ huy tác chiến với sự phát triển hệ thống Andromeda-D mà tui đã viết về nó trong status hôm 01/04. Mà kết quả của nó là hết GPV-2020 thì Andromeda-D mới được trang bị đến cấp tiểu đoàn BTG trên xe bọc thép hoặc KamaZ hai trục.

Trong khi đó, quân đội Ukraine xuất phát muộn hơn nhưng tốc độ cao hơn và đến đích sớm hơn với trình độ công nghệ cao hơn nhiều với các hệ thống Hermes-C2 và Kropyva “hệ thống Hermes-C2 được kết nối với hệ thống Kropyva (Cơ-rô-pư-va) là hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh rất tiên tiến và thông minh. Nhưng đến thời điểm cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra, còn có một ngạc nhiên nữa là chỉ sau hơn 1 năm, việc “phổ cập” Hermes-C2 đã đến mức các tổ tác chiến bộ binh. Cứ 3 người được trang bị một thiết bị cầm tay và một nhóm 10 người thì nhóm trưởng (cỡ như tiểu đội trưởng í nhở) được trang bị một máy tính bảng phần cứng theo tiêu chuẩn quân đội.”

“Để hình dung hệ thống này như thế nào thì nó nôm na thế này: việc nắm tình hình chiến trường, chỉ huy tác chiến cho đến những việc như yêu cầu hỗ trợ hỏa lực pháo binh, UAV, thậm chí cả không quân… tất cả đều dùng… application. Hệ thống sử dụng dựa trên GPS/Glonass, UAV, drones và bây giờ là hỗ trợ của Elon Musk. Việc giao tiếp với nhau giữa các thiết bị sử dụng 5G và cũng là… Starlink nữa. Chính vì vậy ngay cả người lính trên chiến trường cũng biết chính xác vị trí của đối phương theo thời gian thực và việc gọi hỗ trợ của pháo binh trên app cũng chỉ tính bằng giây đồng hồ. Sau đó là việc của Kropyva đưa dữ liệu vào tính toán phần tử bắn và điều khiển khai hỏa tự động với độ chính xác gần như… không trượt. Tất nhiên tui đoán việc trang bị này của quân đội Ukraine chưa đến mức giao máy cho dân quân tự vệ dùng.”

Ở thời điểm năm 2014, khi mọi thứ còn đang khá “hòa bình” các thiết bị vượt trội của Nga so với của Ukraine đang hoạt động hết sức “bình thường” nhưng điều thú vị là người ta nhận ra phần lớn việc định vị của các thiết bị này dựa trên hệ thống GPS dù vẫn có thể dựa trên nền tảng Glonass của Nga. Tất nhiên khi nói ra điều này chắc hẳn chúng ta cũng đoán được nhiều nguyên nhân như độ nhạy, độ chính xác, diện phủ sóng… nên việc sử dụng song song hai hệ thống là một lựa chọn thông minh của người Nga.

Nhưng ngay trước thời điểm cuộc chiến tranh Nga – Ukraine 2022, người Nga đã chủ động bỏ cả GPS lẫn Glonass mà chuyển sang dùng một hệ thống rất cũ là Loran.

Tuy nhiên những gì diễn ra trên thực tiễn chiến trường đã cho thấy, có vẻ như việc sử dụng Loran không thành công, và các thiết bị dẫn đường Garmin được dán bằng băng keo 2 mặt 3M công nghệ Trung Quốc lên buồng lái phi cơ chiến đấu cho thấy Nga có vấn đề thực sự với... đạo hàng hay hoa tiêu dẫn đường.

Không chỉ thế… ngay sau ngày 24/02 Mỹ đã cùng Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc hình thành “Liên minh Chip” tạo nên sự kết nối giữa các nước sản xuất chip bán dẫn để ngăn chặn quá trình tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn của các nước “nguy hiểm” như Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên, Iran… Ngay lập tức chỉ sau khi cuộc chiến tranh bùng nổ được khoảng từ 2 tuần đến 20 ngày, đã có thông tin Nga bị thiếu mạch điều khiển tên lửa, đặc biệt là trong vấn đề chip GPS.

Đến đây tui lại phải xin dẫn lời một chuyên gia: GPS cho free tín hiệu dùng khắp thế giới, nhưng riêng thông số độ cao không bao giờ chính xác, là bí mật của người ta… Vì thế nhà sản xuất chip GPS nào được cấp thông số, chính là ranh giới giữa chip dân dụng và quân sự.

Và đó cũng là lý do tại sao các drone của Đài Loan cấp cho Ukraine lại có thể cung cấp thông số chính xác mà làm nhiệm vụ trinh sát pháo binh tốt như vậy. Và đó cũng là lý do tại sao mà drone Nga phải bay nhiều để “ghim” tọa độ, thậm chí bay đi bay lại nhiều lần do việc chụp không ảnh chuyển về và đối chiếu với bản đồ để cho ra các kết quả chính xác về mục tiêu và tọa độ của nó… Dẫn đến việc drone Nga bị hạ nhiều trên chiến trường. Người ta còn phát hiện ra cả việc Nga cử đến vài drone khác loại nhau đi trinh sát cùng một chiến trường, hóa ra là nó có nguyên nhân từ tính tin cậy của drone, đành phải gửi vài cái khác loại đi để lấy số liệu còn so sánh và đối chiếu, loại trừ sai số.

Về khả năng nhiện diện địch ta – ví dụ như hệ thống trên xe tăng T-72BM3 hoặc T-90M loại mới nhất là được đâu như Pháp trang bị cho, nên còn khá. Tuy vậy, đến nay thì số lượng những vũ khí này đã suy giảm nhanh chóng trên chiến trường, vả lại Ukraine vẫn thi hành một cuộc chiến tranh phi đối xứng là chủ yếu nên yêu cầu nhận diện địch ta lại có nhiều thay đổi trong tình hình mới. Hiện nay quân đội Nga cho thấy không có khả năng đánh đêm do thiếu thiết bị. Trong link trên đây status cũ tui có viết sơ sơ về vấn đề này rồi.

Bước vào cuộc chiến tranh lần này, Nga tỏ ra thua xa chính những yêu cầu của mình từ thời… chiến tranh Vệ quốc. Trong cuộc Chiến tranh đó, Hồng quân trước mỗi chiến dịch lớn có thể huy động hàng trăm đến vài nghìn xe phát sóng radio lưu động tiến hành phát gây nhiễu, chèn ép sóng, phát tin giả trộn tin thật với chiến thuật chỗ mạnh, chỗ yếu… làm cho Bộ chỉ huy Đức tán loạn không biết đằng nào mà lần. Lần này, Nga triển khai những vũ khí tác chiến điện tử rất tốt hoàn toàn không thua kém phương Tây, thậm chí trên báo chí Việt Nam còn vượt xa rất nhiều.

Nhưng đối mặt với họ là một quân đội Ukraine đã biết rút kinh nghiệm, nên những thiết bị tác chiến điện tử, các radar phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh… đều là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của quân Ukraine. Sau đó là việc áp dụng những chiến thuật du kích, phân tán… và cả những ứng dụng công nghệ như drone, UAV kết hợp với vũ khí truyền thống… đã nhanh chóng giúp quân đội Ukraine lấy lại được thế cân bằng trước quân đội Nga vượt trội về số lượng hỏa lực.

Đến đây xin nói đôi lời về sự hỗ trợ của Elon Musk: ngoài cung cấp viễn thông từ hệ thống vệ tinh Starlink, Elon Musk còn cung cấp hình ảnh phân giải cao 24/24 trong thời gian thực, chẳng rõ 3D hay 4D gì đó. Và người ta đã tiến hành đếm cả… số lượng hố đạn pháo Nga hay nói cách khác, có số lượng đạn pháo Nga bắn ra sau mỗi trận đánh. Kết quả cụ thể như thế nào ta sẽ bàn trong một bài khác.

Đó là những câu chuyện của vũ khí công nghệ cao và nhu cầu thi hành một cuộc chiến tranh trong thời đại trí tuệ nhân tạo – Putox đã thua trong cuộc chiến này vì coi thường thời đại. Lão ta và bộ sậu của mình đã tưởng như những phát triển của mình là đủ “đập chết ăn thịt” người hàng xóm Ukraine còn yếu kém hơn mình nhiều lần. Chiến thắng năm 2014 đã ru ngủ giới quân sự Nga, và nó gián tiếp dẫn họ đến thất bại của ngày hôm nay.

Thực chất, sự phát triển của công nghệ quân sự phải dựa trên nền tảng sự phát triển của công nghệ nói chung, nôm na là công nghệ dân dụng phục vụ cuộc sống. Đến khi nhận ra yếu kém từ những thất bại này, Nga mới đưa ra chương trình sản xuất chip ở mức độ… 90nm, tương đương chip VGA Geforce của Nvidia năm 2007, trong khi hiện nay Intel đã ở mức đâu như dưới 10nm. Vì thế hồi tham gia diễn đàn chuyên ca ngợi sức mạnh quân sự Nga, tui có hỏi các cháu dư luận viên là học viên các trường kỹ thuật quân sự nhà mình: Nga sẽ ở đâu trong cuộc chiến hiện đại của điều khiển học, khi không sản xuất được chip và vẫn phải dựa trên nền tảng Intel? Các cháu cứng họng.


Đó là chúng ta nói chuyện xa vời về cái gọi là “trí tuệ nhân tạo” – Nga đã chính thức thua. Nhưng ngay trong lĩnh vực của kỹ thuật cơ bản, họ cũng tự thua chính mình. Hôm 12/03 tui đã kể chuyện ngó trong khoang động cơ cái xe tăng ở bên Nga mà choáng về công tác bảo dưỡng của họ.

Hiện nay trên chiến trường cho thấy lực lượng quân giới Nga không có khả năng phục hồi các khí tài hỏng nặng trên chiến trường. Ví dụ như xe tăng, họ buộc phải chữa chạy theo phương án “dồn đồ” tức là lấy phụ tùng còn tốt ở xe này sang phục hồi cho chiếc tàm tạm khác để đánh nhau tiếp.

Tui cũng không nhớ là đã có lần trong một status nào bàn về chất lượng xe tải Nga, mà kể cả xe theo tiêu chuẩn quân sự chất lượng cũng rất thấp. Số là tui có thâm niên tiếp xúc với phụ tùng ô tô rất nhiều năm, sau đó công tác cũng trong lĩnh vực nhập khẩu và lắp ráp ô tô, trong đó có lĩnh vực xe quân sự Nga. Tui đã từng sửng sốt về chất lượng phụ tùng xe Nga, có thể nói còn thua cả xe Hàn Quốc dân dụng chứ chưa nói tiêu chuẩn quân sự. Không những thế, những chi tiết bị hỏng của xe Nga nhiều khi cực “hiểm” nên đã hỏng là lăn quay đòi sửa chữa lớn.

Hồi đầu chiến tranh The Battle of Kyiv có những tấm ảnh chụp xe tải Nga phải bó rất nhiều củi thành tấm ván đằng trước, và nhiều bác cho rằng đó là biện pháp chống đạn – không sai, nó cũng có tác dụng bảo vệ ít nhất là cái két nước đằng trước mũi xe. Nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là giữ nhiệt cho động cơ diesel trong mùa lạnh, thời gian đó ở Ukraine nhiệt độ khoảng -10 độ C, có mấy hôm lạnh hơn mấy độ nữa. Với những động cơ có hệ thống phun nhiên liệu như xe Nga dùng đồ Bosch của Đức thì cũng dễ nổ, chứ hệ thống này mà của Nga thì nóng như Việt Nam còn khó nổ đừng có nói lạnh như bên đó.

Điều này làm tui nhớ đến thời đầu 1990 dân xe tải ở Việt Nam chết khổ vì chất lượng bơm cao áp, kim phun và piston plunger của xe KamaZ, chưa cần so sánh với Tây Đức mà đồ IFA W50 hay Tatra của Tiệp cũng đã hơn rất rất nhiều về độ bền và hiệu quả (độ chính xác). Đó là chưa nói tui có thể liệt kê ra ở đây cực kỳ nhiều bệnh của xe Nga mà chỗ nào độ hiểm hóc cũng kinh khủng: bạc paliê kém, vòng bi tồi, xéc-măng vừa cứng và chóng mòn, lòng xi-lanh hơi tí thì xước, chạy quá đà quên dầu quên mỡ một cái là lột biên, cháy tan cả piston như chơi, chỉ có nước tháo mà lên cốt… Đồ Nga mua về tưởng rẻ mà hóa đắt là như thế.

Hôm qua thì Phó tham mưu trưởng Phùng Ngọc Khoa phản ánh: trong cuộc chiến tranh Nga-Gruzia 2008 cứ 24 km thì Nga phải lập một trạm sửa chữa lưu động. Thông tin này đủ thấy xe ô tô Nga chất lượng tệ đến như thế nào.

Trước đây chúng ta đã có lần bàn tán về năng lực sản xuất của công nghiệp quốc phòng Nga, lấy số liệu của một cậu dư luận viên nào đó: Nga bình thường có thể sản xuất được 5.000 quả đạn pháo một ngày. Từ đó chúng ta tính ta là để phục vụ cuộc chiến tổng lực cứ cho là tăng gấp 3 sản lượng đó, lên 15.000 quả/ngày và phát hiện ra rằng, lâu nay Nga không làm ra được máy cái – tất nhiên mấy cái máy công cụ to xều xều với độ chính xác cực thấp thì không nói. Đó chính là lý do mà nếu tăng công suất nền công nghiệp quốc phòng Nga sẽ đối măt với nguy cơ… hỏng dây chuyền sản xuất.

Đó là chưa nói có rất nhiều chi tiết phụ thuộc vào nhập khẩu, ví dụ hiện nay có những thông tin cho rằng Nga thiếu vật liệu để sản xuất ngòi nổ cho đạn pháo truyền thống và cả vật liệu để làm kim hỏa súng trường tấn công. Phải tui tui sẽ mua lậu những thứ này từ Trung Quốc hoặc qua đường Kazakhstan chẳng hạn…

Hôm qua tui mới nói về số lượng xe tải thì hôm nay tui nói về chất lượng của chúng – thứ mà nếu Nga đẩy chúng vào chiến tranh chắc chắn chúng sẽ lăn quay ra hỏng và khả năng sửa chữa của Nga là rất thấp vì những bộ phận quan trọng không được hỏng thì nó suốt ngày hỏng. Tui cũng có nhận được câu hỏi về nếu việc Nga không làm chủ được công nghệ như vậy, có ảnh hưởng đến chất lượng máy móc kỹ thuật của xe tăng chẳng hạn, hay không?

Cái này tui chỉ suy đoán thôi: về nguyên tắc người Nga họ làm được tất đấy, trong chiến tranh Vệ quốc khó khăn như thế người ta còn làm được nữa là, nhất là với những thứ ở số lượng nhỏ như xe tăng chỉ cần sản xuất ra vài trăm đã là nhiều. Đó là lý do mà nếu có tự sản xuất được động cơ cho nó, thì người ta vẫn làm tốt. Hơn thế nữa yêu cầu của xe tăng nó khác: độ bền của động cơ thấp nhưng yêu cầu công suất lớn để đạt tiêu chí tỉ số công suất/khối lượng lớn nhất, các tiêu chí tiết kiệm, hiệu suất cao… không đặt ra. Các tiêu chí đó, khách hàng mua xe tăng cũng không bao giờ đặt ra mà hỏi vỏ thép, hỏi hỏa lực, hỏi khả năng bảo vệ…

Thực tiễn chiến trường thì cho thấy các vấn đề về kỹ thuật của xe tăng Nga đã bộc lộ hết, như 10 chiếc xuất phát có khi 6 chiếc không nổ được máy, đó là vấn đề của kỹ thuật động cơ đó.

Đến kỹ thuật công binh mới là ghê. Việc quân Nga cố gắng vượt qua sông Siverskyi Donets đến mấy lần cùng một chỗ bằng cầu phao, hạn chế về chiến thuật “cứ phải đưa người và xe cộ sang sông để tấn công” ta sẽ nói trong một bài khác, nhưng thú thật là tui cũng xem cái kỹ thuật bắc cầu phao này trên chương trình Quân đội nhân dân ở TV nhà mình phải từ cách đây đến 45 năm rồi chứ không có ít, và bây giờ thì có lẽ cả Nga và Ukraine… vẫn thế. Vẫn những chiếc Ural và Kraz đến thả cái phao và nó xòe ra, sau đó công binh đi lôi móc nó vào nhau.

Tất nhiên kỹ thuật truyền thống này thì nước nào cũng thế, như trong cuộc tập trận năm nay ở Balan, Mỹ đã trình diễn việc thả cầu phao dưới 5 phút… Nhưng vấn đề của Nga ở chỗ họ không có khả năng xử lý được đường sá ở hai bên sông, lập bến vượt mới mà phải cố vượt ở chỗ đã bị lộ và trong tầm pháo của đối phương.

Trong khi đó năng lực của một vài nước nào đó cho thấy họ có khả năng đổ bộ chiếm bờ sông bên kia, sau đó cẩu máy húc, cấu kiện bê tông để lập hai đầu cầu và thả cầu phao, đồng thời cho quân đánh sâu vào phía trong mở đường cho công binh thi công các đoạn đường mới. Tất nhiên cách làm này đi kèm với khả năng làm chủ bầu trời của không quân. Trong khi đó khi xem các không ảnh thời gian thực thì đến giờ phút này, sau khi The Battle of Donbas kéo dài được 1 tháng 3 ngày, Nga may ra mới chỉ dọn dẹp được các đường sá sẵn có của Donbas chứ chưa cho thấy đã mở được con đường nào mới.

Mà người ta thì nói: không có đường sá, thì đừng có nói thi hành chiến tranh.

Đến đây chúng ta có thể tạm kết luận: kỹ thuật của Nga rất tốt, tiên tiến và hiện đại ít nhất là trên kế hoạch và các tham vọng, nhưng khi họ bước vào cuộc chiến tranh với Ukraine năm 2022 thì những gì bộc lộ ra cho thấy về khía cạnh này, họ có một thái độ coi thường đến mức cẩu thả.

Mà người ta thì nói: trong chiến tranh bạn có thể thua trận chỉ vì chất lượng của những cái móng ngựa.

Đó là chúng ta còn chưa kể đến những câu chuyện tên lửa Nga trượt mục tiêu đến 60%, thiếu vũ khí chính xác nên máy bay Nga phải bổ nhào để cắt bom bắn rocket làm mồi cho vũ khí phòng không vác vai của Ukraine, máy bay Nga ở trên lắp rất nhiều thiết bị hàng không của phương Tây và radar thì to bằng cái tủ cấp đông Hòa Phát, độ bền động cơ thì kém thê thảm…

PHÚC LAI 22.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.