Đăng ngày:
Từ Davos, đặc phái viên Mounia Daoudi gởi về bài tường trình :
"Các nhà tài phiệt Nga vốn là những khách mời thường niên không thể thiếu vắng trong số những nhà tài trợ chính của Diễn đàn. Những dạ tiệc do họ khoản đãi thường linh đình nhất và được ưa chuộng nhất. Nhưng năm nay, tài phiệt Nga không còn được chào đón. Và trên con đường Promenade, "Ngôi nhà Nga" đã biến thành "Nhà triển lãm tội phạm chiến tranh Nga". Ở đây không có món trứng cá lẫn rượu vodka, mà là một màn hình lớn, trên đó lần lượt chiếu những cảnh tàn bạo đã diễn ra ở Ukraina.
Bjorn Geledhof, người tổ chức cuộc triển lãm này, cho biết : "Tại đây, các bạn có một tấm bản đồ mà chúng tôi đã thực hiện cùng với Ân Xá Quốc Tế và tổng chưởng lý, chỉ trưng bày những trường hợp đã rõ ràng là hãm hiếp và sát nhân. Những ca này đã được mở điều tra. Còn như Mariupol chẳng hạn, được để một dấu hỏi vì chúng tôi chẳng biết được gì, do không vào được nên chúng tôi không thể xác minh".
Đối với ông Bjorn Geledhof, không có mặt tại Davos không phải là một sự chọn lựa. Ông nói tiếp : "Ở đây chúng ta có thói quen hình dung ra thế giới trong thời gian tới, và một phần lớn tương lai này đang được đặt cược tại Ukraina. Bởi vì cuộc chiến tranh này không chỉ là một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, và Ukraina không chỉ chiến đấu cho quyền được hiện hữu của mình, mà còn nhằm bảo vệ các giá trị của chúng ta".
Được mời khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 51, tổng thống Zelensky sẽ không quên nhắc nhở điều ấy".
Macron đề nghị các thành viên WHO lên án Nga xâm lược Ukraina
Cũng về Ukraina, hôm qua 22/05 tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị các nước thành viên dự Hội nghị Y tế Thế giới tại Genève ủng hộ một nghị quyết lên án Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina. Đồng thời, Macron tái khẳng định tình liên đới của Pháp và Liên hiệp Châu Âu với Kiev. Tổng thống Pháp tố cáo hậu quả tàn khốc của cuộc chiến về mặt y tế, đối với dân chúng và các nhân viên, cơ sở y tế bị coi là mục tiêu; cũng như nguy cơ thiếu hụt thực phẩm trên thế giới.
Trong cuộc họp kéo dài một tuần lễ, chiến tranh Ukraina và đại dịch Covid là hai vấn đề chính được 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu tâm. AFP dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết nghị quyết do Ukraina đề xướng có thể được thông qua vào ngày mai 24/05, nhưng "sẽ không có nước nào bị trục xuất".
Do không có đối thủ, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hầu như chắc chắn sẽ tiếp tục làm tổng giám đốc 5 năm tới, dù nhiệm kỳ đầu bị một số chỉ trích như thái độ quá khoan hòa đối với Trung Quốc về Covid.
Hội nghị lần này bàn bạc về chế độ đóng góp tài chánh cho WHO : tỉ lệ đóng góp bắt buộc hiện là 16 % có thể được nâng dần lên 50 % trong vòng 12 năm để giúp Tổ chức Y tế Thế giới làm tốt hơn nhiệm vụ, đi kèm với việc cải cách phương thức hoạt động. Việc thành lập Ủy ban thường trực về các vấn đề khẩn cấp cũng được nêu ra, để có thể kích hoạt trong vòng 24 giờ nếu xảy ra đại dịch toàn cầu. Bên cạnh đó, còn có một nỗi lo mới là bệnh đậu mùa khỉ từ châu Phi đã lan sang Bắc Mỹ và châu Âu.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.