dimanche 29 mai 2022

Ngô Nhân Dụng - Thanh niên Trung Quốc bàn ‘Nhuận Thuyết’

 

Không chỉ riêng Trung Quốc mà hầu hết các nước khác cũng bị xuất não qua Mỹ. Sinh viên Mỹ tốt nghiệp rồi thường không qua nước khác làm việc. Nhưng nhân tài khắp thế giới tìm đến học ở Mỹ, rồi ở lại.

Hai chữ “Nhuận Thuyết” không có trong từ điển triết học. Nhuận Thuyết phiên âm là “run xue.” Đó là một từ giới trẻ ở Trung Quốc đặt ra và phổ biến. Họ cố tình chơi chữ, để tránh bị kiểm duyệt. Nhuận () tiếng phổ thông đọc là “run,” hiểu theo tiếng Anh nghĩa là “chạy.” “Lý Thuyết Run” bàn chuyện bỏ chạy: Chạy ra khỏi Trung Quốc!

Giới trẻ có học thảo luận “Nhuận Thuyết” (run philosophy) khi nhiều người hỏi làm cách nào di cư đi nước khác. Trong tháng Tư 2022, chữ “di cư” được tìm trên mạng tăng hơn bốn lần (440 phần trăm) so với trước, theo nhật báo New York Times ngày 20 tháng Năm, 2022. Số người tìm hỏi các văn phòng tư vấn về thủ tục di cư ra ngoại quốc tăng gấp đôi. Trên mạng vấn đáp Zhihu (Tri Hồ) có 7.5 triệu tìm đọc các câu trả lời về “Nhuận Thuyết.”

Hiện tượng “tìm đường chạy” này có thể vì các lệnh cấm, đóng cửa, kiểm soát không cho ai qua lại, khi bệnh dịch Covid-19 lan tràn. Dân Thượng Hải đã biểu tình phản đối, vì họ biết rằng loài vi khuẩn Omicron không nguy hiểm như các biến thái trước đó. Giới thanh niên bất mãn nhất, nhưng biết mình bất lực không thể cưỡng lại chủ trương cực đoan của ông Tập Cận Bình. Họ chỉ còn cách bày tỏ thái độ với Cộng sản Trung Quốc bằng cách “chơi chữ.”

Bên cạnh “Nhuận Thuyết” một từ khác đang được phổ biến trên mạng, là khẩu hiệu “thế hệ cuối cùng.” Theo mạng “China Digital Times – Trung Quốc Số Tự Hiện Đại” một bức hình được chuyển đi hàng triệu lần, là hình sau lưng một cô gái mặc áo chữ T, có hàng chữ Hán và chữ Anh viết tay: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng.” (Ngã đẳng thị tối hậu nhất đại – Last Generation).

Khẩu hiệu “tối hậu nhất đại” bắt đầu lan rộng từ một video truyền trên Weibo, giống như Twitter ở Mỹ. Đoạn phim ngắn chiếu cảnh một đám dân Thượng Hải đang bị công an mặc đồ xung trận đe dọa: Nếu không tuân hành lệnh cấm ra đường, cả gia đình mấy người sẽ “lãnh hậu quả,” tới ba thế hệ chưa hết! Một người dân trả lời: “Cảm ơn thầy! Xin lỗi, chúng tôi đây là thế hệ cuối cùng!”

Một thanh niên ở Thượng Hải, Dylann Wang nói với mạng Insider, “Trong đám bạn bè tôi, không một người nào muốn có con. Chính tôi, tôi không muốn đem một đứa trẻ vào một thế giới như thế này, để nó lớn lên cô đơn, vô hy vọng,…” Báo New York Times kể rằng một cuộc nghiên cứu hỏi 20.000 người, có hai phần ba nói họ không muốn có con, đa số là phụ nữ. Những thông điệp trong “hashtag” với tựa đề “Chúng ta là thế hệ cuối cùng” đã bị kiểm duyệt, cấm tuyệt trên mạng Weibo nhưng mọi người vẫn tiếp tục trao đổi với nhau bằng cách khác.

Trước khi có bệnh dịch, dân vẫn phải sống dưới chế độ kiểm duyệt tư tưởng và guồng máy kiểm soát chặt chẽ của đảng Cộng sản. Bị cấm đoán di chuyển vì bệnh Covid khiến dân ý thức hơn về chính trị.

Nhiều sinh viên ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm than thở trên mạng là đã 40 ngày không tắm, vì không được ra khỏi nhà đến phòng tắm công cộng. Ở Đông Tế Đại học (Tongji University, 济大学), Thượng Hải, sinh viên phải sử dụng điện thoại di động ghi danh và chờ đến lượt mình được vào nhà vệ sinh. Theo báo New York Times, để tránh không cho hai người gặp nhau trong hành lang cư xá, khi ra khỏi phòng mỗi sinh viên phải bấm “bắt đầu” (start); rồi khi xong việc phải bấm “hết” (stop). Mỗi lần hành sự không được kéo dài quá 10 phút.

Người ta lo ngại các biện pháp kiểm soát dân chúng sẽ được duy trì sau khi hết bệnh dịch!

Trên diễn đàn GitHub, một người đăng bài “Tại sao tôi phải chạy?” Tác giả viết về chính sách cứng rắn của nhà nước trước vi khuẩn Omicron, “Trong chế độ tàn bạo vị lãnh tụ vĩ đại bao giờ cũng đúng. (Họ coi) người dân giống như những con khỉ bị nhốt trong chuồng.” Một cô sống ở tỉnh Giang Tô nói với báo New York Times: “Tôi không thể thay đổi, cũng không thể phê bình cuộc sống hiện tại ở Trung Quốc. Nếu không thay đổi được thì chỉ có cách là bỏ chạy!”

Số người có khả năng bỏ chạy không nhiều, vì chỉ có 10% dân Trung Quốc có hộ chiếu (năm 2019). Nửa đầu năm 2021, số hộ chiếu cấp ra chỉ bằng 2 phần trăm con số năm 2019, New York Times tường thuật theo tài liệu chính thức.

Năm ngoái, họ ngưng không gia hạn các giấy hộ chiếu, trừ trường hợp khẩn cấp, vì thương mại hay vì du học. Giữa tháng Năm vừa rồi, Sở Di Trú lấy cớ phòng ngừa bệnh Covid đã thông báo cấm không cho dân xuất ngoại “nếu không có lý do tối cần thiết.” Thành phố Lỗi Dương (Leiyang, 耒阳), tỉnh Hồ Nam đã ra lệnh các người dân có hộ chiếu phải đem nộp, để họ không thể ra khỏi nước – ít nhất trong một thời gian gần đây.

Giới trẻ có cách qua mặt lưỡi kéo kiểm duyệt. Họ truyền cho nhau một đoạn phim tiểu thuyết hóa cuộc đời một nhân vật lịch sử, Đàm Tự Đồng (谭嗣同), bị tử hình năm 1988 khi mới 33 tuổi, là một trong số “lục quân tử” vận động cuộc “cải cách 100 ngày” dưới chế độ nhà Thanh. Trong phim, bà vợ ông Đàm Tự Đồng hỏi chồng: “Phục Sinh (biệt hiệu của ông), chúng ta chưa có con trai nối dõi!” Ông trả lời: “Ở Trung Quốc bây giờ, mình đẻ thêm một đứa con, hay là đẻ thêm một đứa làm nô lệ?”

Đẻ thêm một tên nô lệ cho guồng máy nhà nước, đó là nỗi cay đắng của thanh niên có học ở Trung Quốc tự coi họ thuộc “thế hệ cuối cùng.” Vì vậy phong trào Nhuận Thuyết, run philosophy, còn lan rộng. Trong khi nước Trung Hoa đã phải chịu một nạn “xuất não” (Brain Drain) nghiêm trọng.

Từ lâu, các du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp rồi thường không muốn về nước. Từ năm 1978, có 1.060.000 sinh viên Trung Quốc du học, chỉ có 275.000 người trở về. Họ không quay về có thể vì mức sống trong nước thấp quá, hoặc vì khó kiếm được việc làm, nhất là vì đời sống thiếu tự do. Một lý do quan trọng khác là lo lắng con cái họ sẽ không được giáo dục đúng mức và khó kiếm được việc làm tử tế như sống ở nước ngoài.

Khi các nhân tài không trở về nước, họ đi đâu? Phần lớn qua Mỹ. Tạp chí trên mạng Berkeley Political Review, dựa trên tài liệu của “MarcoPolo AI Talent Tracker,” Đại học Chicago, cho biết, 88% các sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp Ph.D. về AI (trí khôn nhân tạo) cuối cùng làm việc ở Mỹ; nước Trung Quốc chỉ dùng được 10%. Trong số những nhà nghiên cứu giỏi nhất trên thế giới về trí khôn nhân tạo có 29% xuất thân từ một đại học ở Trung Quốc; nhưng 60% đang làm việc trong một đại học Mỹ hay một công ty ở Mỹ.

Không chỉ riêng Trung Quốc mà hầu hết các nước khác cũng bị xuất não qua Mỹ. Sinh viên Mỹ tốt nghiệp rồi thường không qua nước khác làm việc. Nhưng nhân tài khắp thế giới tìm đến học ở Mỹ, rồi ở lại. Ngoài Trung Quốc ra, 85% các Ph.D. về AI từ các nước khác cũng đang làm việc ở Mỹ. Sinh viên nước ngoài đã góp phần vào các sáng tạo, canh tân trong nền kinh tế Mỹ. Trong khi các nước bị xuất não đã bị mất hết số tiền đầu tư để huấn luyện và đào tạo họ.

Ông Tập Cận Bình chắc chắn biết hiện tượng này, đã tìm cách ngăn chặn làn sóng xuất não. Tập Cận Bình đã công bố chương trình “Ngàn Nhân Tài” khuyến khích các du sinh trở về, mỗi người sẽ được thưởng một triệu nhân dân tệ, ngoài lương bổng. Ông hy vọng trong 5 đến 10 năm sẽ lôi kéo hàng ngàn sinh viên trở về sau khi tốt nghiệp.

Nhưng ai muốn quay trở lại sống dưới một chính thể độc tài chuyên chế? Ai muốn mình bị kiểm duyệt tư tưởng, kiểm soát hành động, rồi con cháu tiếp tục sống như một đám nô lệ? Một thế hệ thanh niên có học đang bàn nhau cách chạy: Nhuận Thuyết!

NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 28.05.2022)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.