1. Trên hướng Kharkiv
• ISW đưa tin quân Nga đã có những nỗ lực chiếm lại điểm dân cư Rubizhne của vùng Kharkiv. Trước đó họ đưa ra dự đoán là quân Nga sẽ rút sang bên kia để trụ vững nửa phía đông của sông Siverskyi Donets và bảo vệ đường tiếp tế cho Izyum.
Bình loạn: theo bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine từ hôm kia (21/05) thì lực lượng của các đơn vị độc lập của Tập đoàn quân số 6 thuộc Quân khu miền Tây và Hạm đội Baltic đã được tăng cường trên hướng Kharkiv. Nhiệm vụ chính của những hành động này là nhằm ngăn chặn việc quân Ukraine tiến đến biên giới quốc gia ở chính khu vực này.
Điểm dân cư Rubizhne chỉ cách thị trấn vùng biên giới Vovchansk có 19 km, nghĩa là nó cũng chỉ có khoảng 25 km gì đó đường chim bay là đến điểm gần nhất của đường biên giới Ukraine – Nga.
Cá nhân tui thấy việc Bộ chỉ huy Nga thực hiện việc này là đúng đắn vì một số lý do:
+ Thị tứ Rubizhne ở ngay bên này sông, bên kia sông là đường T2104, cách 5 km đồng nghĩa với việc tất cả các loại xe cộ và lực lượng Nga ở bên này sông, nằm trong lòng bàn tay của pháo binh Ukraine.
+ Rubizhne về đường chim bay đến ngoại vi thành phố Belgorod của Nga chỉ có 40 km. Nếu để Ukraine giữ vị trí này làm bàn đạp thì việc họ tiếp tục tiến đến biên giới sẽ uy hiếp nghiêm trọng hoạt động hậu cần của Nga cho cánh quân ở đây.
+ Rubizhne cũng sẽ là bàn đạp quan trọng để Nga tổ chức một mũi tấn công Kharkiv nếu họ muốn (cá nhân tui không cho rằng họ có khả năng làm việc này).
2. Trên hướng Izyum
Hôm qua đọc bản tin, và hôm nay lại đọc bản tin nữa cùng nội dung: quân địch cố gắng tấn công trên hướng Dovhenke, nhưng hôm nay thì có thêm thông tin: chúng phải hứng chịu thiệt hại nặng và rút chạy.
Bình loạn: Xin các bác xem lại bản đồ ở đây:
… và nhớ lại giúp, ngay hôm qua hay hôm kia gì đó ISW có đưa tin là quân Ukraine đã rút về phía bên kia (bờ tây) sông Oskil và tui thì bình loạn là chỗ này đã trở thành “No man’s land” rồi. Ấy thế mà hôm qua quân Nga lại cố gắng tấn công cái thị tứ chỉ còn là gạch vụn này rồi để bị thiệt hại nặng và rút lui.
Những nỗ lực của họ để làm chủ đường M03 (Izyum đi Slovyansk) vẫn tiếp tục, sự kiên trì với chúng ta quả là đáng ngạc nhiên. Như vậy là họ chưa bỏ nhiệm vụ của cụm quân ở tây nam Izyum, vẫn mong muốn tiến được đến phía nam của Slovyansk để tập hậu thành phố.
3. The Battle of Donbas
• Quân Nga tiếp tục sa lầy trên hướng Lyman.
Bình loạn: Vì thế chúng ta vẫn đọc thấy tin trên hướng này quân Nga tổ chức pháo kích, nhưng không tổ chức nổi đợt tấn công nào.
• Theo cả bản tin của Bộ Tổng tham mưu lẫn ISW thì họ đang cố gắng dứt điểm Severodonetsk…
Bình loạn: Còn ngày hôm qua thì có thông tin cho biết quân Nga đã tổ chức vượt sông Siverskyi Donets đến lần thứ en-nờ để tìm cách tấn công Lysychansk và cũng đồng thời cô lập Severodonetsk. Thực chất hai nhiệm vụ này là một vì nếu chiếm Severodonetsk mà không chiếm Lysychansk, thì coi như là chưa chiếm được và việc giữ nó sẽ rất khó khăn. Con sông nằm giữa hai thành phố nằm trong tầm pháo của cả hai bên, nhưng do khả năng quan sát hạn chế nên cho phía Nga không dễ tấn công các mục tiêu di động qua lại trên sông, nên giữa hai thành phố vẫn có liên lạc và tiếp tế được. Nếu Nga chiếm được Lysychansk, coi như Severodonetsk cũng sẽ mất.
Vì thế cho nên chúng ta lại đọc một tin khác:
• Cánh quân Nga đã chiếm Popasna vừa tiến về phía Bakhmut, vừa tiến về phía Lysychansk là hai hướng ngược nhau.
Bình loạn: Hôm qua tui đã viết là sao họ không tiến về phía Lysychansk để xử lý dứt điểm thành phố này từ phía sau và cánh quân đã chiếm Rubizhne (vùng Luhansk) đỡ phải vượt sông cho nó khổ ra – thì bây giờ lại nghe là họ chia hai hướng để tiến đánh. Đến một hướng còn chẳng ăn ai nữa là chia hai hướng. Chẳng hiểu chỉ huy của họ nghĩ gì.
Hôm qua đọc tin thì thấy nếu họ dồn hết sức sẽ hoàn toàn có thể đẩy được quân Ukraine ở khoảng giữa Lysychansk và Bakhmut về phía Bakhmut…Tất nhiên tui không cho rằng chỉ với lực lượng hiện có, cụm quân này sẽ chiếm được Bakhmut. Nhưng nếu họ làm ngược lại thì sẽ gây khó khăn cho quân Ukraine ở Lysychansk.
Còn bây giờ khi họ chia làm hai đi tấn công hai mục tiêu thì quả là không biết nói gì. Nếu mai chúng ta đọc tin là họ có thêm lực lượng tăng cường cho cả hai hướng thì tính logic mới được đảm bảo.
4. Về vụ Tổng thống Ba Lan đến Quốc hội Ukraine hôm qua
Từ hôm 10 hay 11/05 gì đó tui đã kể về tin đồn bên Nga chuyện Ba Lan hoặc thậm chí Romania đưa quân vào tham gia bảo vệ miền Tây Ukraine. Theo tui đây là tin đồn “ác ý” thôi, không đáng tin. Nhưng thực tế là có một kế hoạch cụ thể và khả thi hơn rất nhiều.
Đáng kể nhất trong chuyến thăm, là việc Ba Lan mở cửa biên giới cho người Ukraine, mặc dù hình như bây giờ chiều về đang nhiều hơn chiều đi, tức là người Ukraine đang tị nạn bắt đầu trở về nhà. Tui có hỏi bác PCT ở Ba Lan là việc mở cửa biên giới như thế, thì có phải nhận được sự cho phép của Quốc hội hay không? – “Đương nhiên là có!” Đây có lẽ là câu trả lời tuyệt vời nhất.
Một quyết định mở cửa biên giới như thế, bao giờ cũng đi kèm với một kế hoạch về quốc phòng và an ninh, nôm na là tăng cường an ninh trên toàn tuyến biên giới được mở đó. Về mặt quốc phòng sẽ bao gồm các kế hoạch chuyển quân lên các tuyến phòng thủ cả trên bộ lẫn trên không trên toàn tuyến biên giới, đồng thời thì cũng sẽ ra được “rule of engagement” tức là quy tắc cho phép lực lượng vũ trang được nổ súng đánh trả khi bị tấn công.
Tui thì không cho rằng quân đội Ba Lan cần phải và sẽ tham chiến trực tiếp với quân Nga, Ukraine không cần điều đó. Nhưng, nếu xem trên bản đồ thì tất cả những phát tên lửa bắn từ lãnh thổ Nga hoặc từ Hắc Hải vào Tây Ukraine, đều là hướng vào lãnh thổ Ba Lan. Việc giải thích một cú bắn vào Tây Ukraine cũng là vào Ba Lan hoàn toàn có thể.
Vì thế việc Ba Lan bảo vệ vùng trời Tây Ukraine cũng đã là quá đủ. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà Ukraine đã huy động được đến 700.000 quân, để bảo vệ trên bộ phần phía Tây đất nước may ra cần 100 – 200.000 quân, thì 500.000 quân còn lại thừa để cù nách 200.000 quân Putox ở đông và nam là cái chắc.
Vậy một thành viên của Schengen và NATO có được tham chiến với một nước thứ ba hay không?
Schengen là hiệp ước xóa nhòa biên giới về kiểm soát hộ chiếu, nôm na là visa, không liên quan. Còn việc một thành viên NATO có được chủ động đi đánh nhau với anh khác hay không, chúng ta đã nói một lần ở đây.
Để làm rõ thêm, chúng ta hãy lấy ví dụ nước Mỹ năm 2001 khi tấn công vào Afghanistan sau vụ 11/09, chỉ có một mình với sự hỗ trợ của nước Anh, và hứa hẹn của Pháp và Đức. Đến mãi 8/2003 thì mới có sự tham gia của NATO. Như vậy Minh ước không cấm một nước thành viên có hành động chiến tranh với một nước khác nhưng trong trường hợp đó họ không có nghĩa vụ phải tham gia hoặc bảo vệ nước đó.
5. Đoán mò đê.
Hôm nay tui xin gác chuyện “Tại sao Nga đã thua và chắc chắn là sẽ thua?” lại đến mai, mà bàn chuyện khác vì để ý rất nhiều bác thấy… sốt ruột, thậm chí bác hiểu biết nhất cũng than lên được rằng “chiến tranh sẽ kéo dài lâu lắm.”
Nếu kéo dài lâu lắm đến bao giờ nhỉ, cứ cho là một năm nữa đi, thì người chết đầu tiên là đất nước Ukraine kể cả có Lend – Lease. Vì thế trước sau họ cũng sẽ phải dứt điểm, vấn đề là lúc nào thôi.
Vậy cái “lúc nào” đó là bao giờ, thì chẳng ai biết, chúng ta chỉ có thể đưa ra một số con số, sự kiện, vấn đề… để cùng nhau suy nghĩ.
Nếu Putox tiến hành cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” đều tính đến “thiên thời” (dịch Covid, Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, quan hệ Nga Trung đặc biệt nồng ấm, Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh…) “địa lợi” (Nga có thể tổ chức được đến 4, 5 mũi tấn công vào Ukraine từ Belarus, Bryansk (bắc), Belgorod (đông bắc), Donbas (đông) và từ Crimea lên (nam) và “nhân hòa” (người Ukraine gốc Nga, các lực lượng đối lập thân Nga trong chính trường Ukraine…). Thì bây giờ nếu phản công, Chính phủ Ukraine cũng phải tính toán tương tự như vậy.
• Về địa lợi, quy mô chiến trường đang thu hẹp dần, trong đó có các vùng không đánh cũng sẽ tự tan, ví dụ như mặt trận miền nam chỉ được nối với bán đảo Crimea một đoạn đất liền, và đoạn đó thì có thể bị chặt đứt bất cứ lúc nào, bản thân số lượng BTG của Nga ở đây cũng ít, lại có xương sống là lực lượng của Hạm đội Biển Đen vốn đã mất tinh thần sau sự kiện tuần dương hạm Moskva bị bắn cháy rồi… biến mất. Cái khu vực tỉnh Zaporizhzhia (Zaporizhzhia Oblast) thực tế loang lổ da báo nên hành lang nối Donbas với Crimea hóa ra là… không thông, gây khó khăn cho cả hai bên trong tiếp vận hậu cần và tập trung lực lượng.
• Về nhân hòa, chúng ta đã nói chán chê ra về tinh thần binh sĩ cả hai bên rồi, thiết nghĩ cũng không cần nói thêm nhiều nữa.
• Về thiên thời, hiện nay Ukraine đang tranh thủ được sự giúp đỡ của đến gần 40 nước ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên để mà nói là thời cơ đã đến thì chưa hẳn: hiện nay mặc dù ở Nga vẫn có những vụ đốt phá, nhưng rõ ràng là đã thưa dần. Về việc này, chúng ta có thể có những nhận xét như sau:
+ Bọn tài phiệt đối lập Nga, đang xoay sở nhưng theo hướng khác. Hôm trước tui có đọc bài viết của ai đó cho rằng bọn này đang tìm cách chuyển gia đình và tiền bạc đi ra nước ngoài. Nếu đây là một quá trình trở nên phổ biến ào ạt thì sẽ dẫn tới quá trình làm rỗng nền kinh tế Nga.
+ Như cụ KVC nhận xét, Nga có một khủng hoảng là khủng hoảng hiến pháp, ví dụ như hiện nay họ còn không có cả chức vụ phó tổng thống. Vì thế khi mà người lãnh đạo tối cao sa vào tình thế dần dần mất kiểm soát hoặc ở hoàn cảnh bắt buộc phải được thay thế nếu không muốn gây ra sụp đổ lớn, thì lại bế tắc.
Điều này không cần phải ở nước Nga, mà chỉ cần có kiến thức về Luật Nhà nước và nghiên cứu một chút về cấu trúc nhà nước của họ là hiểu được: Putox chắc chắn phải được thay thế, nhưng làm thế nào để thay thế lão ta một cách an toàn cho tất cả: cá nhân lão ta, bộ sậu, bộ máy nhà nước và các thiết chế xã hội mà không gây đổ vỡ dây chuyền, lại là cả một vấn đề.
Thế bao giờ mới là “thiên thời” cho phía Ukraine phản công? – Để nhận ra nó, cần phải chờ cho lượng hàng hóa dự trữ trong xã hội giảm đi nữa, để người ta đủ nhận thấy sự thiếu thốn, nó sẽ thể hiện ra ngay khi sức mua của đồng rúp giảm. Hiện nay trong cái đà số lượng người thất nghiệp tăng do các doanh nghiệp nước ngoài rút ra khỏi nước Nga, người ta thậm chí có thể vin vào lý thuyết “doanh nghiệp trong nước sẽ thay thế doanh nghiệp nước ngoài” với những khẩu hiệu của thời chiến, nhưng việc thay thế nhập khẩu sẽ không đơn giản, cùng với việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp trong nước là không thể… Các lệnh trừng phạt phát tác đủ để từng người Nga thấy thấm đòn, lúc đó mới là thuận lợi để họ rút quân nhanh trên chiến trường.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi là đến bao giờ người ta mới cảm thấy – đúng, sẽ là như vậy, thậm chí người ta còn dám sống với điều kiện thời Chiến tranh Vệ quốc. Cũng đúng và không đúng: vụ thiếu đường đã đủ thấy lâu nay đến củ cải đường còn ngại trồng, bây giờ đã là lúc dùng iPhone quen rồi, “sướng quen rồi khổ không chịu được” đâu.
Các mốc thời gian có thể không trùng nhau, nhưng “đẹp” nhất là họ cảm thấy sau một đến hai tháng nữa, khi xe ô tô hỏng không có phụ tùng thay thế, điện thoại ngoại không có mà dùng, máy tính hỏng Main Chip Ram HDD mà không có thay… toàn những cái phải mua bằng đô-la Mỹ cả.
Tại sao lại không nên kéo dài quá lâu? – Vì họ vừa sửa luật để cho người trên 40 có thể bị lôi vào quân ngũ, và đội này dài nhất thì 1 – 2 tháng là có thể sẵn sàng bước chân vào chiến tranh được rồi. Kể cả là lính già yếu thì cũng vẫn là chuyện đáng ngại. Các cụm quân của Nga trên chiến trường hiện nay đang trên đà xuống sức, chắc chắn họ phải tính ra được điểm đáy của cái đường đồ thị đó, ví dụ căn cứ trên các thông tin:
+ Mật độ dùng hỏa lực bắn phá của Nga giảm dần, cho thấy càng ngày càng cạn kiệt dự trữ.
+ Các BTG, các đơn vị tham chiến cứ thiệt hại nặng được lôi ra ngoài phục hồi, rồi lại bị tống trở lại với nhân lực và kỹ thuật ngày một kém đi, chất lượng và khả năng tác chiến không bao giờ đạt như lúc đầu tiên.
+ Tinh thần binh lính xuống đến đáy.
Vì thế nếu kéo dài quá giai đoạn đệm này, cũng sẽ xuất hiện những bất lợi cho Ukraine, đó là điều chắc chắn.
Gần đây trên mạng cũng xuất hiện cả tin chính thức lẫn không chính thức chuyện Nga phá hủy những cỗ pháo của “Tây họ cho.” Nếu đặt câu chuyện này vào trong một câu chuyện lớn hơn là “sao Ukraine nhận được pháo sao mãi không đem ra dùng?” hay những đồn thổi về vụ diệt cái nọ cái kia bằng M777.
Cá nhân tui thì thấy bản thân một mẫu vũ khí nào đó, không làm thay đổi cục diện chiến tranh nên chẳng bao giờ thấy khấp khởi trước những tin tức dạng như vậy. Nó giống như thời Hitler trở nên hoang tưởng khi trông chờ vào những mẫu xe tăng “Cọp,” “Báo” bom bay V2 hay bom nguyên tử vậy. Hôm nọ chúng ta còn thấy chuyện bộ sậu quân sự Putox khoe cái vũ khí laser gì đó chuyên dùng để đốt drone, rồi đủ thứ ba lăng nhăng khác, nào có khác thì Hitler đâu.
Cái mà dẫn đến thất bại của Putox là những yếu kém của quân đội của họ, và những sai lầm về “thiên thời địa lợi nhân hòa,” chứ không phải Javelin hay M777. Hôm qua tui đã nhắc lại bài từ hồi đầu chiến tranh về Hermes-C2 và Kropyva, thì có thể nói rằng vai trò của Starlink trong chiến thắng của Ukraine có khi còn nhỉnh hơn của Javelin và M777…
Nói vậy thôi, chìa khóa của chiến thắng là 2 yếu tố: con người và vũ khí, không có vũ khí thì cũng khó nói thắng thua được. Tuy nhiên cho đến trước The Battle of Donbas, Ukraine không có các loại pháo hiện đại đó mà dùng pháo của họ mà vẫn có thể kiếm được những chiến thắng, kể cả bắn xe tăng, cho thấy họ thông minh và giỏi đến cỡ nào.
Vì thế với tròm trèm cỡ 100 cỗ pháo mới này mà chưa bước vào phản công, tui cho rằng việc đem nó ra dùng cũng hạn chế ở mức độ dùng thử rút kinh nghiệm thôi, chứ không có phải là đại trà. Bản thân non 200.000 quả đạn là con số quá khiêm tốn, nên việc dùng nó chắc chắn là phải chắt chiu từng cơ hội chứ có phải là Nga đâu mà bắn xả láng.
• Tin liên quan: Nga đưa các xe tăng kiểu T-62 tồn kho ra để chuẩn bị tung vào trận chiến.
Bình loạn: Xe tăng T-62 với pháo của mình là U-5TS nòng trơn 115mm: Giả sử Nga còn trữ được đủ đạn pháo cho loại xe tăng này thì cũng chết luôn hệ thống hậu cần vì phải cung cấp thêm một loại đạn nữa cho chiến trường ngoài đạn 125mm của các loại T-64, T-72, T-80 và T-90 hiện nay. Đấy, rõ ràng là dự trữ đã đến ngày cạn kiệt rồi nhé, T-62 còn phải xung trận thì rồi sẽ đến lượt T-55 vừa đi vừa ủn đít cũng bị lôi ra nốt.
• Tin liên quan nữa: Bộ trưởng quốc phòng Liên bang Nga S. Shoigu thông báo: để đáp trả việc Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn xin vào NATO, quân đội nước này sẽ thành lập thêm 12 đơn vị mới, chủ yếu ở cấp Sư đoàn và tập trung cho Quân khu miền Tây. Các đơn vị sẽ được trang bị bằng những vũ khí loại tối tân nhất hiện nay.
Bình loạn: Đã phải sửa luật để gọi quân già yếu nhập ngũ, nay lại đến việc bắt buộc phải thành lập thêm các đơn vị mới, cho thấy thực sự Nga đã rút rỗng lực lượng ở các hướng phòng thủ chiến lược. Tất nhiên việc thành lập thêm là đúng lý thuyết cân bằng lực lượng khi khối NATO thêm 2 thành viên là quân đội đông thêm một ít, nhưng rất có căn cứ để cho rằng Nga hiện đang rất yếu trên rất nhiều hướng phòng thủ chiến lược cả về quân số và dự trữ vũ khí, đạn dược.
Đến đây chúng ta có thể kết luận quân Ukraine đang ở trong giai đoạn “chờ đợi lớn” và những trận đánh cầm cự trên các mặt trận chính như Kharkiv, Izyum, Donbas và miền nam, có thể làm chúng ta sốt ruột, nhưng chắc chắn là “thiên thời” cũng sẽ đến sớm thôi.
PHÚC LAI 23.05.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.