Hồi cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đang học cấp II, tình cờ thế nào mình lại vớ được một cuốn Tạp chí Văn nghệ. Mèng ơi, đây lại là số đặc biệt chuyên về đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm.
Sách vở hồi đó hiếm, nên vớ được thì đọc kỹ lắm. Trong đó hầu hết các bài đều phân tích, phê phán nội dung phản động của các tác phẩm mà “bè lũ Nhân văn Giai phẩm” đã sáng tác.
Nào là bài thơ Vịnh Con lợn của cụ Phan Khôi; mấy bài thơ của Trần Dần, Lê Đạt; các luận điểm của Trương Tửu. Có bài phân tích truyện ngắn Tiếng sáo lấy tựa đề là “Tiếng sáo lóc gân”. Đại loại nhờ có cuốn tạp chí này mình mới biết thế nào là Nhân văn Giai phẩm.
Có bài đọc rồi thì nhớ mãi, đó là bài phê bình truyện ngắn “Thi sĩ máy”, hình như tác giả truyện ngắn là Như Mai. Cho đến bây giờ mình cũng chưa được đọc truyện ngắn này, chỉ biết nó qua bài phê bình.
Nội dung truyện “Thi sĩ máy” tóm tắt là thế này: Đến những năm 2000, khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bậc, nên người ta đã phát minh ra một chiếc máy có thể sáng tác hàng nghìn câu thơ trong một phút. Chàng thi sĩ máy này mang trên ngực biển hiệu “111”, nên gọi là “Thi sĩ ba con nhất”.
Ba con nhất đó là ba đặc tính vượt trội của anh ta: Nhanh nhất; Đúng nhất và Kỷ luật nhất. Chỉ cần đặt lệnh về một đề tài nào đó, chưa đầy một giây sau anh ta đã đùn ra một bài thơ, đảm bảo đạt ba yêu cầu: Nhanh nhất, đúng nhất và kỷ luật nhất.
Nhờ có thi sĩ máy mà hàng loạt các nhà thơ khác được chuyển làm việc khác, người thì chăn vịt, người thì hoạn lợn…Bộ máy tuyên truyền được giảm biên chế tối đa, mà hiệu quả lại tăng lên rõ rệt.
Nông trường nọ cũng mua về một Thi sĩ Ba con nhất như vậy. Một nữ công nhân xinh đẹp, vốn yêu một nhà thơ chuyên làm thơ cổ động cho nông trường, nhưng từ khi có Ba con nhất thì đã mê anh chàng thi sĩ máy như điếu đổ. Cô ta vừa đặt hàng một bài thơ tình cho Ba con nhất, chưa đầy một phần mười giây, thi sĩ máy đã đùn ra một bài đạt cả ba yêu cầu Nhanh nhất, Đúng nhất và Kỷ luật nhất:
“Em ơi
Giữ vững lập trường
Đừng quên nhiệm vụ
Trọn đời anh sẽ yêu em!”
Đại loại là như vậy. Đội ngũ thi sĩ máy đã khẳng định tính ưu trội về công nghệ, mà không có bất kỳ một nhà thơ bằng xương bằng thịt nào có thể sánh nổi.
Điều thú vị là truyện này viết từ năm 1957 theo lối viễn tưởng, trong đó dự báo phát minh này là của thế kỷ 21!
Ái dà! Bây giờ không biết đã có “Ba con nhất” nào bằng điện tử chưa nhỉ?
Nhưng “Ba con nhất” bằng xương, bằng thịt, lại biết nhận lương thì…hơi bị nhiều!
Và, các nhà quản lý văn nghệ chắc là rất thích điều này...
PHẠM XUÂN CẦN 13.05.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.