dimanche 15 mai 2022

Jimmy Nguyen Nguyen - Chiến tranh : Chuyện cây cầu

 

Mấy hôm nay dường như quân Ukraine bắt đầu phản công. Sau cái trận dùng dronestấn công đảo Rắn, nay đến trận phá hai chiếc cầu phao cùng bắn cháy hơn 70 xe quân sự các loại, mà Ukraine không thiệt hại nhân mạng vì họ chỉ bắn pháo từ xa. Rõ ràng vũ khí đã phát huy tác dụng.

Tui không hiểu lắm những trận đánh ở Donbass. Có xem bình luận của bạn Phúc Lai mỗi ngày mà cũng không mở mang trí tuệ gì hơn. Tui chỉ thắc mắc vì sao quân Ukraine không thể ứng cứu Mariupol? Rồi tại sao cái thành phố Izyum lại như là chiếc chìa khóa mở ra chiến thắng cho quân nào kiểm soát được nó. Đại khái ... "thợ hồ" mà bàn "chuyện lớn" đó mà, có những cái ngoài tầm hiểu biết của mình.

Buồn buồn mới lật bản đồ Ukraine xem kỹ lại thì mới thấy thành phố nào có nhiều con đường nhập vô là thành phố quan trọng. Thì thấy Kiev, Lviv và Odessa là những đầu mối giao thông, các con đường đều dẫn về đây. 

Tất cả nằm ở hướng tây và ít bị tấn công bằng bộ binh, vì có con sông Dnieper chia nước Ukraine thành hai phần. Thế nên suốt cuộc chiến, vùng đất này hòa bình và vẫn sản xuất. Ta nghe truyền thông tưởng rằng Ukraine tan hoang hết, thật ra không phải.

Tui mới nhìn qua hướng đông thì thấy thành phố Kharkiv thật là quan trọng. Nó ở sát biên giới Nga, chiếm được thành phố này thì có đường xuống vùng Donbass dễ dàng. Vì thế đây là thành phố bị thiệt hại nhất từ đầu cuộc chiến.

Nga chỉ đi ngang qua để đến Kiev cho lẹ chứ chưa hoàn toàn kiểm soát thành phố này. Đến lúc giật mình thấy mình " hở lưng " thì mới mở chiến dịch chiếm đóng nó nhưng trễ rồi. Mấy hôm nay quân Ukraine đã đánh bật họ về biên giới. Mộng hội quân với cánh quân ở Kherson tan thành mây khói. Quân Nga bị chia làm hai đứng nhìn nhau đỡ buồn. (Kherson bị quân Nga ở Crimea tràn lên, có hải quân yểm trợ, Kiev không cứu được vì xa quá, chuyển quân đường dài sẽ bị lộ và bị tiêu diệt).

Mất Kharkiv, Nga chỉ còn di chuyển quân bằng những con đường từ biên giới Nga qua vùng ly khai. Nhìn bản đồ thì thấy có vài đường nhỏ và hiểm trở, nó khiến việc chuyển quân phải theo hàng dọc, đây là điều tối kỵ trong binh pháp. Đường đèo nên dễ bị phục kích cũng như phá sập vài cây cầu là thúc thủ.

Nên không chiếm được Kharkiv thì chiến dịch Donbass tập 2 của Putin tiêu tan thành mây khói, chưa kể các tiểu đoàn "lỡ" tiến sâu vô vùng Izumy sẽ không được tiếp tế và sẽ chết dần mòn, muốn chạy về vùng ly khai thì ác thay lại còn con sông Donets cắt ngang. Con sông ẹo qua ẹo lại khiến việc chuyển quân rất khó cho việc tiếp tế hoặc cứu viện. Cầu thì bị đánh sập hết rồi nên Nga phải dùng cầu phao.

Cây cầu thời bình rất nên thơ vì nó tượng trưng cho việc nối liền con người với nhau. Năm Mậu Thân 68, cây cầu Trường Tiền ngoài Huế được nhớ hoài nhờ bản nhạc "Chuyện một chiếc cầu đã gẫy" của Trầm Tử Thiêng.

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em

Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau

Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu

Nước dưới cầu, nước vẫn trong veo

Như cuộc tình duyên nghèo

Chiến tranh luôn chứng kiến những cây cầu bị phá sập. Hồi tui ở vùng sông nước miền tây rầu nhất mấy vụ này. Ngày nào cũng có tin cầu bị sập. Nhưng dân ta hay lắm, xe đò đến đó rồi "tăng bo" người qua sông rồi quay về. Có khi  đi Saigon mà phải "tăng bo" hai lần, chưa kể qua bắc Mỹ Thuận. Sau này người Mỹ mang kỹ thuật đóng cọc làm chân cầu. Mỗi chân cầu có cả chục cọc nên đặc công phá không được.

Sau 75 cũng có bài hát về "cầu" khá hay

Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta,

Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo,

Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo,

Nhịp cầu nối những bờ vui...

Anh vào bộ đội làm cầu treo qua suối,

Anh bắc cầu phao của khúc sông sâu,

Anh nối nhớ thương bằng những nhịp cầu...

Thời đó yêu đương cũng phải chêm vô một chút... "bộ đội" mới xuất bản được. Giờ không cần nữa.

Hòa bình được mấy chục năm cũng là lúc những con đường Việt Nam được nối bằng cầu khắp nơi. Hình chụp với cầu luôn được anh em thể hiện. Tui đi về quê vợ Bến Tre, có thể chạy xe gắn máy vô luôn "hốc bà tó". Tên cầu nhiều lắm, nhớ không xuể. Chỉ nhớ tên Rạch Miễu. Giờ hai người "hai ngả" rồi, chắc không còn dịp "qua cầu Rạch Miễu" nữa. Hic!

Khi chiến tranh đến, những cây cầu bao giờ cũng... chết trước. Bây giờ hỏa tiễn hành trình chính xác, đánh sập cầu rất dễ dàng. Chớ hồi chiến tranh Việt Nam, có cây cầu mang tên Hàm Rồng, bao nhiêu máy bay rơi ở đây mà không đánh sập nó được.

Trở lại trận đánh hai chiếc cầu phao của quân Nga. Dĩ nhiên trước khi bắc cầu, quân Nga phải làm chủ hai đầu cầu cùng đặt súng phòng không để bảo vệ. Du kích hay quân đội Ukraine chưa chắc tấn công được. Nhưng thời thế đã khác, bây giờ Ukraine được trang bị pháo binh hạng nặng. Họ đặt pháo xa mấy chục cây số vẫn bắn tới. Đây là bước ngoặt chiến tranh.

Đánh bằng máy bay hay hỏa tiễn thì bên bảo vệ vẫn chống được, nhưng bị pháo thì thúc thủ, không thể chống lại đạn pháo vì nó bắn như mưa và mỗi quả đạn có sức công phá mạnh. Họ còn có drone để "đề lô" và chỉnh khẩu pháo tự động nên khi mục tiêu bị khóa vô chữ thập là đạn pháo bắn trúng.

Kỹ thuật này Nga không chống đỡ nổi. Tui e rằng Ukraine cứ "xích xích" mấy khẩu pháo này về phía biên giới Nga thì cái cảnh nội địa Nga bị bắn phá là có thể...Ukraine để cho đoàn xe qua cầu rồi mới bắn, vì qua cầu xe phải chạy chậm khiến xe dồn cục. Nên về mặt chiến thuật, người Ukraine rất tinh khôn.

Các khẩu pháo biến quân đội Nga từ thế tấn công giờ thành phòng thủ. Lính Nga giờ phải đào hầm... thấy mẹ luôn. Xưa cá ăn kiến, giờ kiến ăn cá...

JIMMY NGUYEN NGUYEN 13.05.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.