dimanche 6 mars 2022

Cù Mai Công - Ngày thứ 10 « đánh nhanh thắng nhanh », quân Nga cưỡng chiếm được một thành phố 300.000 dân của Ukraine

Hôm nay 5-3 là ngày thứ 10, Putin đưa “binh hùng tướng mạnh” Nga xâm lược Ukraine, một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Thông tin về cuộc chiến Nga – Ukraine cơ bản vẫn là một chiều: Nga hoặc Ukraine + Phương Tây. Cả hai nguồn này đều thiếu khách quan. Thông tin trong chiến tranh luôn là vậy, xưa giờ rồi.

Chỉ còn cách theo dõi thực tế chiến trường và cuộc tiến quân. Sang ngày thứ 10, tới giờ Nga chỉ chiếm được Kherson, thành phố gần 300.000 dân phía Nam Ukraine, sát Crimea – vốn bị Nga chiếm năm 2014.

Hàng vạn quân, hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, xe hậu cần (chở thực phẩm, xăng dầu, vũ khí…) cách thủ đô Kiev của Ukraine 30km từ mấy ngày nay vẫn chưa vô được là đủ hiểu sự kháng cự của quân dân Ukraine mạnh mẽ chừng nào. Thậm chí, đoàn xe dài 64km của Nga đang là mục tiêu “ngon ăn” cho quân dân Ukraine. “Vây Ngụy cứu Triệu”, một trong 36 kế sách quân sự trong binh pháp Tàu này ai cũng biết.


Sáng 5-3, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết sự phản kháng của người Ukraine đã làm chậm bước tiến của đoàn xe quân sự Nga ở phía bắc Kiev. Ông nói: "Chúng tôi có thông tin một cây cầu nằm trên đường chính đã bị cho nổ tung. Cũng có một số dấu hiệu cho thấy người Ukraine đang tấn công đoàn xe Nga ở một số địa điểm",

Rất khó để chiếm toàn bộ Ukraine, lập chính quyền thân Nga. Ngay cả khi chiếm được thủ đô Kiev, cuộc chiến sẽ vẫn dai dẳng. Chính phủ kháng chiến khả năng lớn sẽ rút về phía Tây, lập “thủ đô kháng chiến”, phòng ngự mạnh ở Lviv. Sau lưng và sát Lviv là Ba Lan – một quốc gia, dân tộc vốn có “oan khiên ngút trời” với Nga, ít nhất từ 1939 khi Liên Xô – Đức bắt tay xâm lược Ba Lan.

Ba Lan đang trong NATO, chắc chắn sẽ cầu nối hợp pháp cho các viện trợ, hỗ trợ Ukraine, kể cả quân “tình nguyện viên” quốc tế cho Ukraine.

 

Do cảnh giác cuộc chiến lan rộng, có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân của thế chiến thứ ba, Mỹ không dám đưa quân sang Ukraine, nhưng đã tuyên bố sẽ bảo vệ NATO, trong đó có Ba Lan. Nga dù đặt bom hạt nhân của mình ở mức cảnh báo cao nhất nhưng có lẽ cũng không muốn điều này xảy ra. Trình độ hiện nay, các cường quốc bom hạt nhân đều có năng lực giáng trả bên kia, kể cả sau khi bị đánh bom hạt nhân phủ đầu trước.

Các cuộc đàm phán không ai tin sẽ có kết quả khi cả hai bên đều có mục tiêu đối chọi nhau hoàn toàn: Nga không rút quân khi chưa đạt mục tiêu “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa”, nói rõ hơn là lật đổ chính quyền Zelensky của Ukraine; Ukraine công nhận Crimea thuộc Nga và hai nước CHND vùng Donbass độc lập. Còn Ukraine nêu mục tiêu tối thượng: muốn gì thì Nga phải rút quân trước ra các vùng đất thuộc Ukraine, kể cả hai nước CHND vùng Donbass vốn là khu tự trị của Ukraine.

Có lẽ ý nghĩa lớn nhất của hai cuộc đàm phán vừa qua chỉ là mở “hành lang nhân đạo” cho dân chúng thoát ra khỏi vùng chiến sự. Còn lại, đàm phán chỉ là chiến thuật “câu giờ” để hai bên cùng củng cố lực lượng, đánh lớn hơn thôi. Phái đoàn đàm phán của Ukraine lẫn Tổng thống Zelensky vẫn mặc quần áo xuề xòa thời chiến là hiểu họ đang thể hiện tư thế “quyết chiến”. Họ đang đại thắng trên trường quốc tế và súng đạn chưa thiếu, tạm đánh giằng co được với Nga, “ngu gì” chấp nhận yêu sách của Nga. Nước nào trong hoàn cảnh họ cũng vậy thôi.

 

Chiến sự mười ngày qua dù rất dữ dội nhưng có lẽ mới chỉ dạo đầu, bùng nổ còn ở phía trước. 9/10 lãnh thổ Ukraine còn thuộc Ukraine. Lực lượng hai bên ở Ukraine hiện nay tương đương nhau (trên dưới 150.000 quân) và cả hai đều đang phải dàn quân ở nhiều nơi. Hồi Thế chiến thứ 2, để bao vây Đức ở mặt trận Ukraine có diện tích rộng lớn hàng thứ hai châu Âu này, Liên Xô phải tung vào đây hai triệu tướng sĩ. Vậy nên không khó hiểu tại sao mục tiêu “dánh nhanh thắng nhanh” cuộc quân đội Nga hiện nay cơ bản đã phá sản và chiến sự vẫn đang giằng co sau mười ngày.

Nga đang bước đầu tìm cách không để sa lầy về quân sự và khủng hoảng về kinh tế sau khi “một núi” cấm vận “chưa từng thấy” của gần 40 nước đang phát huy hiệu lực. GDP của Nga hiện nay khoảng trên dưới 1.600 tỉ USD. Trong khi đó, hiện 1.000 tỉ USD tài sản Nga dang bị đóng băng ở nước ngoài, 630 tỉ USD dự trữ cũng nằm ở nước ngoài 2/3 (tức cũng bị “đóng băng”) và hàng ngàn tỉ USD thiệt hại do cấm vận ngân hàng, mua bán. Thị trường chứng khoán Nga đã rớt 30% (tức mất cả ngàn tỉ USD) và hiện đang tạm đóng cửa để khỏi rớt thêm. Nga đã hạ giá dầu 15-20 USD/thùng so với giá thế giới nhưng hình như chưa bán được cho ai, do ngại cấm vận. Xuất khẩu vũ khí của Nga cũng đang “ùn ứ” chuyện này. Đồng rúp Nga đến nay 5-3 tiếp tục rớt giá, kinh tế bị Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global xếp loại “có nguy cơ vỡ nợ”.

 

Theo báo “Times of Israel”, ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin - thừa nhận nền kinh tế Nga bị tổn hại nặng nề sau các biện pháp trừng phạt và cấm vận của phương Tây. Dù rất “sắt máu” với mục tiêu của mình, Tổng thống Nga Putin cũng đã phải lên tiếng kêu gọi Mỹ và các nước ngưng các động tác cấm vận.

Có ý kiến nói cấm vận cũng sẽ ảnh hưởng đến chính các nước cấm vận. Cái này thì rõ rồi, nói ra e thừa. Vì cấm vận cũng là cuộc chiến mà chiến tranh thì bao giờ không có tổn hại cho các bên. Nhưng chắc chắn bên cấm vận thiệt hại không nặng nề như nước bị cấm vận. Thà vậy vẫn tốt hơn hai bên lao vào nhau, hăm he xài cả bom nguyên tử.

Nếu sa lầy trong cuộc chiến và chắc chắn sẽ có khủng hoảng kinh tế, khó ai có thể nghĩ kết cuộc của ông Putin ra sao với ván cờ “tất tay” và bất chấp đến khó hiểu này. Bởi không chỉ bên ngoài, ngay trong lòng nước Nga đã có những phản ứng không thể nói là nhỏ. Và có lẽ đó mới là điều đáng lo của ông Putin.

CÙMAI CÔNG 05.03.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.