lundi 28 mars 2022

Nga xâm lược Ukraina : Lối thoát danh dự nào cho cả đôi bên ?


Đăng ngày:

 

Bên cạnh những vấn đề nội bộ như cuộc bầu cử tổng thống Pháp, vật giá gia tăng, khó khăn của các tập đoàn lớn hoặc việc cải cách giáo hội La Mã, tình hình Ukraina đặc biệt là thường dân bị vây hãm ở Mariupol là mối quan tâm chính của các báo Pháp hôm nay.

Mariupol bị tấn công dữ dội nhưng không đầu hàng, hỏa tiễn siêu thanh chỉ nhằm đe dọa


Phóng sự của đặc phái viên Le Monde mô tả Sau khi oanh kích dữ dội suốt hai tuần lễ, xe tăng Nga tấn công vào Mariupol. Theo những cư dân đã chạy thoát được, có ít nhất 2.500 người đã thiệt mạng. Mỗi ngày các khu dân cư phải chịu đựng 50 đến 100 quả bom, chưa kể đại bác và rốc-kết. Nước uống gần như cạn, ngoài trời âm 8 °C, những người cứu hộ là mục tiêu bị quân Nga nhắm bắn. Khi một căn nhà bị sập, không còn ai để giải cứu những người sống sót. Xác chết nhiều khi chỉ được quấn sơ sài rồi phải để mặc, nằm chất chồng trên tuyết. Công ty mai táng không còn hoạt động sau khi trụ sở bị thả bom, một hố chôn tập thể được đào trước tòa thị chính và ngoài ra còn nhiều hố khác ở khắp nơi.

Libération trong bài « Mariupol, thất bại chậm chạp của một thành phố biểu tượng » nhận xét tuy thất thủ là không thể tránh, nhưng chiến lược nã pháo, dội bom ổ ạt không buộc được thành phố phải đầu hàng. Quân xâm lược đành phải tham gia những trận đánh trên đường phố, rất tốn thời gian và thiệt mất nhiều lính tráng. Trả lời Libération, phó thủ tướng Iryna Verechtchouk khẳng định Putin muốn trả thù vì dân chúng Mariupol đã chống cự mãnh liệt hồi năm 2014 khiến giấc mơ nối liền với Crimée không thành.

Về loại hỏa tiễn siêu thanh Kinjal lần đầu tiên được Nga đưa vào sử dụng, Le Figaro cho rằng chủ yếu nhằm đe dọa phương Tây, vì có thể mang đầu đạn quy ước lẫn nguyên tử. Nhưng đây cũng là bằng chứng cho thấy giai đoạn đầu cùa cuộc tấn công đã thất bại, và Vladimir Putin còn phải tận dụng thêm những nguồn lực dự trữ khác. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dự báo cuộc chiến đang trong giai đoạn sa lầy, nên Nga oanh kích thường dân nhằm bẻ gãy ý chí chiến đấu của họ. Les Echos dẫn lời bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng hỏa tiễn siêu thanh cũng không thể thay đổi được tình hình.


Một mình Zelensky có sức mạnh bằng nhiều sư đoàn

Trong bài "Tìm kiếm một thỏa hiệp danh dự", nhà bình luận Dominique Moisi trên Les Echos cho rằng đây là cách duy nhất để tránh một cuộc chiến tranh kéo dài.

Trong suốt 105 ngày, từ 30/11/1939 đến 13/03/1940, Phần Lan đã đương đầu với Liên Xô, một quốc gia lớn hơn 66 lần và có dân số đông hơn gấp 47 lần. Ukraina ngày nay có sẽ giống như Phần Lan ngày xưa ? Tất nhiên khoảng cách không đến nỗi như thế, và Ukraina không cô đơn trước Putin như Phần Lan trước Stalin. Nhưng không như Matxcơva hy vọng, sau gần ba tuần lễ tấn công, Ukraina vẫn đứng vững. Khu vực chiếm đóng của quân Nga lan rộng như một khối ung thư, nhưng phải đối mặt với một kháng thể mạnh mẽ về quân sự và tình cảm.

Được Volodymyr Zelensky truyền cảm hứng, như dân Anh thời 1940 với Winston Churchill, người dân Ukraina tuy gánh chịu thương đau nhưng trụ vững. Trước khi Nga xâm lăng, tỉ lệ ủng hộ tổng thống Zelensky là 23 % nhưng nay lên đến 90 %. Putin đã trao cho ông vai trò tốt nhất, khiến ông trở thành biểu tượng cho kháng chiến và đoàn kết quốc gia của Ukraina. Một mình Volodymyr Zelensky có sức mạnh bằng nhiều sư đoàn hợp lại.

Thế mạnh của Ukraina là quyết tâm, ưu thế của Nga là hỏa lực, nhưng rõ ràng mọi chuyện không như Putin mong muốn. Cùng với thời gian, cụm từ chiến dịch đặc biệt ngày càng khó biện minh : rõ ràng đây là một cuộc chiến tranh. Số lính Nga tử trận được cho là 7.000, gần bằng phân nửa số quân nhân thiệt mạng trong 10 năm chiếm đóng Afghanistan (15.000), cũng không thể lý giải.


Một lối thoát danh dự cho cả đôi bên

Các vũ khí cung cấp cho Ukraina gây thiệt hại to lớn cho quân đội Nga, và trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga lao đao. Nếu tình trạng này kéo dài, Nga sẽ thụt lùi về công nghệ và chẳng bao giờ có thể bù đắp nổi. Kèm theo đó là sự ra đi của những người yêu tự do - các nhà phân tích ước tính khoảng 200.000 người. Tuy không đáng kể so với dân số Nga, nhưng đó là những tinh hoa mà nếu không có họ, tương lai đất nước trở nên bất định. Nước Nga không chỉ là cường quốc nghèo và bị cô lập, mà còn là cường quốc tụt hậu.

Trong khi chờ đợi, Ukraina khiến Nga sa lầy. Đối với Ukraina, không thất trận đã là chiến thắng, còn đối với Nga, không thắng được coi như đã bại trận. Thế nên có hai kịch bản : leo thang hoặc đàm phán. Theo tác giả, một thỏa hiệp danh dự là việc làm rõ ra nguyên trạng trước cuộc xâm lăng. Độc lập, chủ quyền của Ukraina được tái khẳng định, và là nước trung lập vũ trang theo mô hình Thụy Sĩ, nhưng trong khuôn khổ tiến trình gia nhập Liên hiệp Châu Âu (EU), và tránh làm mất mặt Putin. Một ngày nào đó, ông ta sẽ phải trả lời trước lịch sử, công lý quốc tế và chính dân Nga, tuy nhiên cần đề ra cho Putin những điều kiện có thể chấp nhận được.

Ukraina, đã giành thắng lợi tinh thần, chấp nhận mất Crimée và miền đông Donbass, đó là những vùng đất mà Kiev không còn kiểm soát được. Còn Nga, quay lại với lý trí, nhìn nhận không thể chiếm được miền nam Ukraina mà chỉ giới hạn ở Crimée, có nghĩa là Ukraina tiếp tục có được lối vào Hắc Hải, kiểm soát Odessa, Mariupol. Thỏa hiệp này có thể phi thực tế đối với một số người - Putin sẽ không bao giờ chấp nhận ; và bất công, phi đạo đức đối với số khác - tại sao lại đền bồi cho kẻ tấn công ? Nhưng kéo dài chiến tranh càng tệ hại hơn : oanh kích thường dân trở thành chuyện bình thường, chưa kể đến nguy cơ leo thang, thậm chí sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Giải pháp này cũng khiến Bắc Kinh khó thể hỗ trợ Matxcơva như hiện nay. Ủng hộ đồng minh độc tài chống thế giới dân chủ là một chuyện, tự cô lập bên cạnh một Nhà nước bị ruồng bỏ đã từ chối lối thoát danh dự, lại là chuyện khác. Về phía EU, Ukraina đã từ bỏ ý định tham gia NATO, và những người Ukraina anh hùng có quyền gia nhập liên minh các giá trị châu Âu. Nhưng còn bao nhiêu sinh mạng nữa sẽ phải hy sinh vô ích, trước khi Putin nhận ra thất bại ? Churchill nói : « Con người chỉ trở nên biết điều khi không còn giải pháp nào khác ».


Thế lưỡng nan của Tập Cận Bình

Cũng liên quan đến cuộc xâm lược Ukraina, chuyên gia Valérie Niquet phân tích trên Libération "Tập Cận Bình đứng trước nguyên tắc thực tế". Ủng hộ hay bỏ rơi Putin ? Trung Quốc khám phá rằng phương Tây không yếu ớt như vẫn tưởng.

Từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình vẫn đưa vũ lực ra dọa dẫm, khoe khoang sức mạnh của quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu. Ở trong nước, thành công của chiến lược zero Covid được đề cao. Cũng như Putin, ông Tập dường như tách rời khỏi thực tại, tin tưởng vào sự vượt trội của chế độ Trung Quốc và khúc khải hoàn ca của một trật tự thế giới mới, mà ông đã cùng phô trương với tổng thống Nga trong dịp khai mạc Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh.

Sự tàn bạo của cuộc chiến ở Ukraina và cái giá mà quân Nga phải trả - dù có kinh nghiệm hơn hẳn so với quân đội Trung Quốc, vốn chưa hề chiến đấu từ sau thất bại trước Việt Nam năm 1979 - khiến Bắc Kinh tỉnh dậy khỏi giấc mơ đẹp. Bên cạnh việc giương oai diễu võ với Đài Loan, vấn đề bây giờ là phải thực tế. Quân đội Nga có thể chiếm được Ukraina, nhưng sẽ sa lầy. Về phía các nước dân chủ, không dùng cách đe dọa, lăng nhục như các chiến binh sói Bắc Kinh, nhưng đã chứng tỏ khả năng đoàn kết và trả đũa.

Trung Quốc đứng trước một chọn lựa khó khăn. Bỏ rơi Vladimir Putin, áp dụng một số trừng phạt thì có thể lấy điểm với phương Tây, và mặc cả với Hoa Kỳ để thủ lợi. Nhưng sau chiến tranh Ukraina, Washington có chịu ngồi yên nếu Bắc Kinh gây hấn với Đài Loan hay không ? Nếu bỏ mặc Putin mà ông ta vẫn nắm quyền, thì một nước Nga dù bị cô lập, suy tàn vẫn có thể nguy hiểm cho Trung Quốc. Ngược lại, đứng cạnh kẻ xâm lăng hay hỗ trợ trực tiếp cho Nga, Bắc Kinh có nguy cơ bị trừng phạt.


Liên minh với Putin, quyền lực Tập Cận Bình có cơ sứt mẻ trong đảng

Trong khi đó Trung Quốc vô cùng cần đến thị trường và chuyển giao công nghệ của các nước lớn châu Âu, của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế đã xấu đi rẩt nhiều, liên minh « vững như bàn thạch » với Matxcơva không giúp cải thiện được chút nào, nhất là ngay cả các nước đang phát triển vẫn dồn phiếu cho Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc lại ồ ạt bỏ phiếu chống chiến tranh Ukraina hoặc vắng mặt.

Bản thân Tập Cận Bình trước hạn chế của zero Covid, tăng trưởng giảm, trước đại hội đảng sắp tới có thể phải trả giá cho chọn lựa chiến lược đứng bên Matxcơva. Phe ít hiếu chiến trong đảng có thể nhân đó hạn chế quyền lực của ông Tập. Cuối cùng, sự kháng cự dũng mãnh của người dân Ukraina đã tạo phấn khích nơi Đài Loan, để chuẩn bị tốt hơn về quân sự nhằm đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc. Nếu tại vùng đồng bằng Ukraina mà Nga đã gặp khó khăn, thì quân Trung Quốc phải vượt qua một eo biển trên 130 kilomet dưới hỏa lực của đối thủ, để đổ bộ vào một hòn đảo địa hình đồi dốc và đầy thù địch.

Qua vụ xâm lăng Ukraina, Tập Cận Bình phát hiện điều mà những người thân cận đã giấu, như với Putin : các nước dân chủ không yếu đuối và tê liệt như họ tưởng. Sức mạnh kinh tế của phương Tây khiến những trừng phạt gây đau đớn, và các dân tộc bị xâm lăng biết vùng dậy. Toàn bộ những huênh hoang về quyền lực của Tập Cận Bình có nguy cơ sụp đổ.


Dùng vũ khí kinh tế để đối đầu

Nhà kinh tế Jean Pisani-Ferry trên Le Monde cho rằng « Cần phải siết chặt trừng phạt Nga ». Theo ông, châu Âu có phương tiện để đẩy lùi kẻ xâm lăng, thông qua trả đũa kinh tế.

Tuy có vẻ khiêu khích, nhưng bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã nói đúng về một « cuộc chiến tổng lực về kinh tế và tài chính » chống lại Nga. Nếu buộc được Putin lùi bước, có nghĩa là giữa bành trướng lãnh thổ và thịnh vượng, phải chọn lựa. Cựu cố vấn kinh tế Jason Furman của Barack Obama đã ví von, đối với kinh tế thế giới, Nga chỉ là « một trạm xăng lớn », và lệ thuộc bên ngoài về công nghệ, tài chính, thiết bị, hàng tiêu dùng. Trừng phạt khiến Nga bị thiệt hại nhiều hơn phương Tây.

Hoa Kỳ và châu Âu vừa tận dụng thế hầu như độc quyền về ngoại tệ dự trữ, kiểm soát cơ sở hạ tầng tài chính quốc tế (mà SWIFT chỉ là một nhân tố) và sự ưu việt về công nghệ. Năm 2019, hai nhà chính trị học par Henry Farrell và Abraham Newman đã đưa ra lý thuyết « weaponized interdependence » (« coi sự lệ thuộc lẫn nhau là vũ khí »). Tuy nhiên đây mới chỉ là hiệp đầu, châu Âu vẫn cần dầu khí của Nga, mỗi ngày Matxcơva thu vào gần 1 tỉ đô la. Đồng rúp sau khi sụt giá mạnh đã ngoi lên được đôi chút. Thế nên cần phải siết chặt thêm sợi dây thòng lọng. Các nhà kinh tế Eric Charney, Christian Gollier và Thomas Philippon đề nghị giảm nhập khẩu khí đốt, đa dạng hóa nguồn cung, cải cách hệ thống, áp đặt thuế quan tăng dần lên khí đốt Nga để kích thích tìm các nhà cung cấp khác. Với những ưu thế sẵn có, phương Tây nên mạnh dạn đối đầu.


Chỉ giải ngân tiền bán dầu khí khi Nga rút quân ?

Trả lời phỏng vấn Les Echos và ba tờ báo châu Âu khác, ông Yuriy Vitrenko, tổng giám đốc công ty khí đốt Ukraina Naftogaz cũng nhấn mạnh, châu Âu nên cắt đứt nguồn lợi dầu khí của Putin. Ông Vitrenko cho biết nguồn thu từ trung chuyển khí đốt Nga trước đây là 3 tỉ đô la/năm, giờ chỉ còn 1,4 tỉ đô la nhưng nếu EU ngưng mua nhiên liệu của Nga, Ukraina sẵn sàng để mất nguồn thu này. Nếu không thể bỏ qua nguồn cung từ Matxcơva, ông đề nghị chi trả vào các tài khoản phong tỏa, Nga chỉ nhận được tiền một khi rút quân khỏi Ukraina. Dầu lửa có thể ngưng vận chuyển, nhưng khí đốt thì bán không được chỉ có cách đốt bỏ, nên hy vọng đây là một giải pháp.

Đặc biệt không thể không nhắc đến sự can đảm của đội ngũ Naftogaz trong thời chiến : nhiều nam nhân viên đã ra tiền tuyến, nữ nhân viên đi tị nạn, nhưng với số người còn lại, sản lượng khí đốt cung cấp cho dân chỉ giảm có 8%. Tại Kherson, một nhà máy nhiệt điện bị quân Nga tấn công ngày từ những ngày đầu, hạ sát hai nhân viên nhưng ê-kíp vẫn ở lại vận hành. Không có họ, nhiều người dân có thể đã chết rét vì lúc đó trời rất lạnh.


Sự mù quáng của châu Âu

Le Monde với bài viết công phu chiếm hai trang báo khổ lớn tỏ ý tiếc là châu Âu đã làm ngơ trước những cảnh báo liên tục của Washington về nguy cơ Ukraina bị Nga tiến đánh – nhất là Pháp và Đức luôn tin tưởng vào chính sách hòa hoãn với Putin.

Ngay trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Roma ngày 30 đến 31/10/2021, Joe Biden đã chia sẻ thông tin tình báo liên quan với Pháp, Anh, Đức, Ý. Ngày 02/11, đích thân giám đốc CIA William Burns bay sang Matxcơva để cảnh cáo điện Kremlin. Song song với hoạt động ngoại giao, 2.600 hỏa tiễn chống tăng Javelin và trên 600 hỏa tiễn phòng không đã được Mỹ chuyển cho Ukraina trong năm 2021. Và từ tháng Giêng 2022, chính quyền Mỹ lao vào chiến dịch truyền thông dồn dập nhằm lay chuyển các đối tác châu Âu, công bố những tin tình báo thu thập được. Ngày 02/02, Lầu Năm Góc gởi 3.000 quân sang Đông Âu và đặt 8.500 quân nhân khác trong tình trạng báo động. 

Các nước cộng sản cũ như Rumani, Ba Lan hoan nghênh, nhưng Paris và Berlin không hề tin chiến tranh sẽ xảy ra. Lo đối phó với quân thánh chiến Hồi giáo và hồ sơ Ấn Độ-Thái Bình Dương, châu Âu bỏ quên Crimée và Ukraina, Vladimir Putin được đón tiếp như thượng khách. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngỡ sắp xếp được một cuộc họp giữa Joe Biden và Vladimir Putin, nhưng ngày 21/02/2022 Matxcơva công nhận hai « nước cộng hòa » Donetsk, Louhansk, ông Macron chỉ được báo trước một tiếng đồg hồ. Ảo tưởng đối thoại với Putin được duy trì trong suốt hai thập niên, và chỉ sụp đổ vào những giờ phút cuối cùng, trước khi đoàn xe tăng Nga rầm rộ tiến vào lãnh thổ Ukraina.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.