dimanche 6 mars 2022

Lê Học Lãnh Vân - Việt Nam được gì qua cuộc xung đột Nga-Ukraine ?


Bài viết này nhìn hiện trạng thế giới được phân chia thành phe Tự do và phe Độc tài với một sự đan xen da beo. Phe Tự do bao gồm chủ yếu là các quốc gia Bắc Mỹ và Tây Âu cùng một số các quốc gia như Nhật, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc… Phe Độc tài có ít hơn, với hai quốc gia hùng hậu nhất là Trung Quốc và Nga.

Trong vòng sáu bảy năm trở lại đây, Phe Tự do coi có vẻ thoái trào. Các quốc gia trong phe từ trước kia là một khối cố kết nhau đã dần nghiêng về cố thủ từng nước riêng, không còn liên kết chặt chẽ như trước. Phe Độc tài có vẻ lấn chân, hung hăng hơn trong các hoạt động bành trướng.

Khi Nga lấn lướt, sự chia rẽ của các quốc gia khiến Liên Âu yếu ớt và lúng túng. Sự chia rẽ giữa Mỹ và Liên Âu khiến phương Tây càng rời rạc… Cho tới nỗi những người quan sát có cảm giác Liên Âu chỉ còn là một tập hợp các quốc gia già cỗi nhường sự chủ động cho Nga. Chính Liên Âu cũng cho thấy không còn tự tin vào chính mình!

Từ khi Putin đưa quân vào Ukraine cách đây mươi ngày, mọi việc khác hẳn.

Châu Âu đoàn kết. Sự đoàn kết này là rất cao so với vài tuần trước.

Châu Âu chủ động. Sự chủ động này rất tích cực so với vài tuần trước.

Châu Âu lấy những sáng kiến bảo vệ các giá trị phương Tây và nhân loại. Những sáng kiến hợp thời, hữu hiệu khiến cho thế lực hùng hổ của Nga phải chững lại, bị đẩy vào thế bị động!

Châu Âu tự tin. Tuyên bố của Bộ trưởng Kinh tế Pháp rằng sẽ làm cho kinh tế Nga phá sản không chỉ là tuyên bố của Pháp mà của cả châu Âu, cả phương Tây. Đó là tuyên bố của một châu Âu đã tìm lại sức mạnh và lòng tự tin. Sức mạnh và lòng tự tin của những người bình dị bảo vệ chén cơm, căn nhà, gia đình mình, cũng đồng thời của người mang sứ mệnh bảo vệ những giá trị cao cả và phổ quát của nhân loại. Quả thực, đây là cuộc chiến của Thiện chống Ác, của nề nếp xã hội con người chống sự hung hăng bất chấp của sức mạnh rừng xanh!

Cho dù kết quả cuộc chiến trong ngắn hạn là gì đi nữa, ngay cả khi Nga-Putin có thể chiếm một phần hay trọn vẹn lãnh thổ Ukraine thì chắc chắn có một sự ly khai dứt khoát của dân chúng các quốc gia Ukraine, Georgia, Moldova… với phe Độc tài đại diện là Nga-Putin. Họ thấy không an toàn khi đứng trong hay cạnh phe đó.

Diễn biến thời cuộc không theo ý muốn đa số người dân mà bị dẫn dắt bởi một cá nhân, và thực đáng kinh khiếp nếu cá nhân đó mắc chứng vĩ cuồng, độc tôn dân tộc, dối trá, tàn ác… Trong hệ thống Độc tài xác suất điều này xảy ra là không nhỏ! Và khi xảy ra, do bản chất chế độ Độc tài mà không có chiếc lồng nào nhốt được quyền lực của bạo chúa trước khi ông ta gây thảm họa và sụp đổ!

Lòng dân các nước Ukraine, Georgia, Moldova… muốn gia nhập Liên Âu đã rõ rồi, còn người dân Belarus cũng đã thể hiện ý muốn giành lại quyền tự do của mình vài năm trước, nếu không có chế độ độc tài Belarus được chống lưng bởi Putin ắt họ đã hướng về Tây Âu! Có thể nói cho tới bây giờ người dân của đa số các nước trong khu vực đều muốn tham gia và góp phần xây dựng khối Liên Âu cùng NATO bảo vệ vững chắc nền Tự do. Người quan sát thời sự có thể thấy rõ ý muốn, khuynh hướng thời đại khi nhìn phản ứng chống lại nước Nga-Putin của các quốc gia có truyền thống trung lập như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan…

Một châu Âu đã tìm lại sức mạnh và lòng tự tin cộng hưởng với nguyện vọng các quốc gia muốn tham gia cộng đồng Dân chủ Tự do sẽ khiến châu Âu có bội phần sức mạnh, cả về kinh tế lẫn chính trị. Nước Nga-Putin bị đẩy lùi, không còn xứng là một cực của Tam Quốc, chỉ còn là một quốc gia bậc trung cả về kinh tế, về chính trị nội bộ, còn quyền lực mềm thì gần như mất trắng! Cho dù còn nắm khối vũ khí khổng lồ, chưa chắc Nga-Putin là một đại cường bởi vũ khí chỉ là một thành tố của sức mạnh quân sự. Điều này đã được ông Putin tự bộc lộ trong mười ngày qua! Điểm rất yếu của ông Putin là sự chậm tiến của chính ông: thời buổi thế giới phẳng mà ông còn lãnh đạo dựa trên sức mạnh vũ khí, tham vọng lãnh thổ, kích động hận thù dân tộc, đàn áp tự do thông tin… vốn là những điều đã bị thế giới văn minh vượt xa từ lâu!

Châu Âu hùng mạnh, chính nghĩa cùng với nước Nga-Putin yếu đi, phi nghĩa khiến Trung Quốc – từ là cánh hẩu chén chú chén anh với Nga-Putin nay phải lùi một bước, không thể ra mặt ủng hộ. Cho dù không bỏ phiếu chống Nga-Putin tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc chỉ bỏ phiếu trắng chứ không bỏ phiếu ủng hộ.

Có người nói vì thấy Nga xâm phạm các giá trị nhân loại và thấy phản ứng chống Nga mạnh mẽ của thế giới nên Trung Quốc, tay chơi lão luyện, tạm lùi một bước. Tạm lùi tránh nhuệ khí đang dâng cao chống phe Độc tài hung hăng hiếu chiến, tạm lùi để có thể tính toán một vị trí trung gian hòa giải về sau. Cho dù lý do gì đi nữa, sự lùi bước của Trung Quốc cho thấy Tập Cận Bình e ngại sức mạnh đoàn kết của phe Tự do. Các kế hoạch bành trướng ở Đài Loan và / hay Biển Đông chắc được tạm dừng thêm một thời gian!

Việt Nam, qua lời phát biểu của đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh các “nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”.

“Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường”.

Trong thực tế chiến tranh Nga–Ukraine đang xảy ra, tuyên bố đó bao hàm hai điều. Một là Ukraine đang bị xâm phạm các “nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ”, và hai là không ủng hộ nước Nga xâm lăng!

Có người không đồng ý với phiếu trắng của Việt Nam. Chú ý tới trường hợp tế nhị của Việt Nam, bài viết này thông cảm với lá phiếu trắng và nhìn về mặt tích cực của sự việc. Thử đặt câu hỏi, nếu sự việc xảy ra năm năm trước, lập trường của Việt Nam có rõ rệt như hiện nay không?

Lập trường của Việt Nam hiện nay cho thấy hai điều:

Thứ nhất, so với trước đây, Việt Nam đã thể hiện sự độc lập và chủ động hơn khi quyết định các mối bang giao của mình.

Thứ hai, Việt Nam cách biệt với Triều Tiên, Syria, Belarus và gần gũi hơn với các quốc gia phương Tây.

Trên các trang mạng của Việt Nam, mà bài viết này coi như hệ thống báo chí thực sự của người dân, tiếng nói ủng hộ Ukraine, lên án Nga-Putin cất lên đều khắp. Phát biểu của đại sứ Đặng Hoàng Giang cho thấy lập trường chính thống gần gũi với lập trường phổ quát trên các trang mạng. Điều này mới căn bản và quan trọng hơn nhiều so với màu của lá phiếu, góp phần tạo nền tảng cho một nước Việt Nam với các thành phần thông cảm và bao dung nhau hơn!

Với các nhận định trên, bài viết cảm nhận một nước Việt Nam đang cẩn thận tiến về hướng của thế giới văn minh, giàu mạnh. Nếu tiếp tục theo hướng đó, Việt Nam sẽ gia tốc cất cánh. Biết tận dụng thời cơ, Việt Nam cũng là một bên có lợi qua xung đột Nga–Ukraine, thậm chí có lợi nhiều!

LÊHỌC LÃNH VÂN 06.03.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.