(Nathalie Guibert, LeMonde 18/11/2021) Một điều tra của đơn vị tư vấn Mỹ CSIS mô tả việc quân sự hóa ngày càng tăng các đoàn tàu đánh cá chuyên phục vụ cho việc bảo vệ lợi ích Trung Quốc trên Biển Đông.
Trợ cấp của nhà nước, các nhánh tuyển mộ có tổ chức, những sở hữu chủ có liên quan đến chính quyền Bắc Kinh : một cuộc điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington công bố hôm 18/11 đã vén lên chiếc màn bí mật về tổ chức mới của dân quân biển Trung Quốc (hải thượng dân binh, hay « haishang minbing »), nhánh vũ trang của chính sách bành trướng hung hăng do Bắc Kinh tiến hành ở vùng biển sát cạnh.
Trên Biển Đông, những tàu có vẻ ngoài dân sự này nổi tiếng là thường sách nhiễu ngư dân Philippines, cắt đường các chiến hạm Mỹ, hay tập trung hàng mấy chục chiếc trước một số bãi đá ngầm tranh chấp để gây áp lực lên các nước ven biển. Xuất hiện từ năm 1974, dân quân biển đã giúp Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Lực lượng này được tăng cường trong những năm 2000, để hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ sở quân sự bất hợp pháp của quân đội Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cho đến thời Tập Cận Bình từ 2012, thì trở thành mũi nhọn với 300 tàu, một đội tàu chuyên nghiệp hóa và được triển khai trên toàn vùng để tăng cường cho quân đội và tuần duyên.CSIS đã phân tích cụ thể 169 tàu. Trong trường hợp xảy ra sự cố như vào mùa xuân 2021 với việc tập trung 200 chiếc tàu ở Đá Ba Đầu, Trung Quốc nói rằng đó là các tàu đánh cá hành nghề độc lập. Nhưng các phương tiện truy vết hiện nay – hình ảnh vệ tinh và hệ thống nhận diện tàu AIS – giúp khẳng định ngược lại, như CSIS nhắc nhở : « Khi những chiếc tàu cứ lang thang nhiều ngày hay nhiều tuần lễ mà không thả lưới cũng không có thiết bị nào được triển khai, chắc chắn rằng chúng không đánh cá để kinh doanh ». Tương tự, khi chúng kết chặt với nhau thành mảng lớn để răn đe, và bất động trong suốt nhiều tuần lễ.
Tăng cường và cải tạo các tàu đánh cá
Hai loại tàu tạo thành lực lượng theo chủ trương « vùng xám » trong xung đột, giữa chiến tranh mở và hòa bình vũ trang : lực lượng chuyên nghiệp hay còn gọi là « tàu cá của dân quân biển », và các ngư dân tham gia vì tính cơ hội hay dân tộc chủ nghĩa, tức « tàu cá ủng hộ Trường Sa ». Loại tàu thứ hai phải có kích thước tối thiểu (dài 35 mét, nặng 200 tấn), và theo các tài liệu chính phủ được CSIS tìm thấy, phải ra khơi ít nhất 290 ngày một năm, trong « những khu vực hàng hải đặc biệt, được xác định theo các mục tiêu quốc phòng, để có thể nhận được lương toàn phần ».
Cuộc điều tra nêu ra một số ví dụ như chiếc Quế Bắc Ngư (Gui Bei Yu) 88603 và Quế Bắc Ngư 39198, hiện diện trong số đoàn tàu tập trung vào tháng Ba, tháng Tư 2021 trước Đá Ba Đầu. Hai tàu này đã nhận trợ cấp của nhà nước để đóng.
Điều tra cũng tiết lộ « một loạt các chương trình của chính quyền trung ương và các địa phương trong những năm gần đây để tài trợ dân quân biển ». Ngân sách này chi cho việc đóng những tàu đặc biệt dành cho Trường Sa, lắp đặt các thiết bị thông tin và an toàn, lương cho nhân viên các công ty ngư nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ, huấn luyện dân quân. Năm 2020, « chính quyền tung ra chương trình đào tạo các cựu quân nhân để làm thuyền trưởng và thủy thủ các công ty đánh cá, thay vì tài trợ trực tiếp cho các công ty này » - CSIS giải thích.
Ngoài ra còn có cả một hệ thống tài trợ công dựa trên những tiêu chí cụ thể, hỗ trợ cho việc triển khai các tàu dân sự, ưu tiên cho những chiếc dài trên 55 mét và có động cơ trên 2.000 mã lực. Những tàu này có thể nhận được số tiền lên đến 3.700 đô la một ngày để mua nhiên liệu, cộng thêm tiền thưởng hàng năm để di chuyển trong những khu vực cụ thể (chẳng hạn 5.400 đô la vào năm 2011 để đi đến bãi cạn Scarborough), hay hoàn trả giúp một phần lãi vay. Các biện pháp kích thích của Nhà nước được chính quyền các tỉnh bổ sung thêm, với nguồn tiền do Bắc Kinh phân bổ cho tỉnh.
Một phương diện chính trị, được các chỉ huy quân sự thúc đẩy, theo các tài liệu của CSIS, nhằm củng cố các tàu đánh cá trọng tải lớn hiện có và cải tạo những tàu khác để thích ứng với những chuyến hải hành xa. Trợ cấp để trang bị vỏ thép có thể lên đến hàng mấy trăm ngàn đô la cho một chiếc tàu. Một chương trình đặc biệt từ 2015 đến 2019 đã giúp các tỉnh tài trợ radio sóng ngắn, điện thoại vệ tinh, thiết bị định vị Bắc Đẩu (Beidou)…Điều tra nhấn mạnh « Năm 2012, năm mà (cái gọi là) thành phố Tam Sa được thiết lập trên đảo Phú Lâm, Bộ Nông nghiệp đã bắt đầu đóng hoặc cải tạo 500 tàu cá ủng hộ Trường Sa ».
Các tàu dân sự cũng có thể được hưởng đặc quyền đi xa hơn khu vực đánh cá được quy định hàng năm (ở phía bắc Biển Đông), mà theo CSIS, « giúp có được sự linh hoạt cần thiết để tiếp tục các nhiệm vụ dân quân biển trong thời kỳ này ».
Tổ chức phi tập trung
Những tàu chuyên nghiệp của dân quân biển cũng được hưởng trợ cấp, dù « các nguồn này hiếm khi được nêu ra công khai ». Chẳng hạn CSIS nêu ra một báo cáo chính phủ nói rằng năm 2015 đã chi 6,2 triệu đô la cho tỉnh Hải Nam để đóng bốn tàu lớn cho dân quân Đàm Môn (Tanmen).
Ở cấp cao hơn, 272 triệu đô la được cấp cho SFDC, một công ty quốc doanh thành lập năm 2015 ở Tam Sa để đóng 84 chiếc tàu trên 1.000 tấn. Số tiền này cao hơn nhiều so với ngân sách tỉnh dành cho chi tiêu dân quân, khiến các chuyên gia Mỹ đánh giá rằng « việc tài trợ cho 84 tàu do ngân sách quốc phòng trực tiếp chi ra ».
Trong số 28 công ty và hợp tác xã ngư nghiệp được nhận ra là có sở hữu các tàu dân quân, đa số (22) nằm tại Quảng Đông, 5 ở Hải Nam và chỉ có 1 tại miền bắc, ở tỉnh Hà Bắc. Đoàn tàu này có tổ chức phi tập trung : hoặc các tàu là của ngư dân, hoặc thuộc các định chế như hợp tác xã có sở hữu chủ cụ thể. Tất cả có cổ phần của các công ty nhà nước, và bản thân các công ty này có liên quan ít nhiều đến chính quyền trung ương.
Trong nhiều trường hợp được CSIS xem xét, sở hữu chủ cuối cùng là ủy ban quản lý và giám sát tích sản Nhà nước (SASAC). « Nhưng tất cả các cá nhân sở hữu tàu dân quân không hẳn liên quan đến chính quyền » - điều tra nhấn mạnh. Trong số các công ty nhà nước liên quan, có một số thuộc về những tập đoàn đa năng có liên hệ thương mại với doanh nghiệp ngoại quốc như Mỹ chẳng hạn. Bắc Kinh đã xóa dấu vết, và chối phăng việc quân sự hóa các đội tàu cá.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.