mercredi 1 septembre 2021

Nguyễn Đắc Kiên - « Rã băng » thành phố như thế nào ?

 

1. Sáng nay, Zingnews dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng lối ra duy nhất để "rã băng" cho TP.HCM lúc này là vaccinmũi 2.

Cụ thể, ông Thành giả định, nếu bắt đầu tăng tốc tiêm mũi 2 ngay từ bây giờ, đến 15/9 thành phố có thể tiêm được 2 triệu liều để đạt tỉ lệ 30% dân số từ 18 tuổi trở lên và đến giữa tháng 10 thì đạt tỉ lệ 80%. Khi đó đa số hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng hoạt động trở lại.

2. Giả định của ông Nguyễn Xuân Thành cũng đúng với kế hoạch tiêm phủ vaccin của thành phố, tức là đến 15/10 sẽ có 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccin.

Tuy nhiên, như ngay trong bài viết đề cập ở trên, ông Thành cũng nhìn nhận đây là thách thức không nhỏ với thành phố, chủ yếu là liệu thành phố có đủ nguồn cung vaccin, đúng loại vaccin cần và có thể đủ năng lực tổ chức tiêm mũi 2 suông sẻ như kế hoạch hay không?

3. Nếu câu trả lời là KHÔNG. Và thực tế, theo tôi nhiều khả năng sẽ là KHÔNG, thì có thể phải cân nhắc các kịch bản, phương án khác.  Vì ngay trong sáng nay, nhiều doanh nhân, thương gia trên Facebook tôi đã kêu trời khi đọc bài báo này. Họ than rằng, như kế hoạch của bài báo đưa ra (80% người dân tiêm đủ 2 mũi vaccin) thì lúc đó chắc doanh nghiệp "chết hết rồi", còn gì nữa mà "rã băng" với mở cửa.

4. Nhưng nôn nóng mở cửa khi chưa tiêm đủ liều vaccin thì cũng là một lựa chọn mạo hiểm, có thể làm tiêu tan luôn kết quả 4 tháng thành phố giãn cách vừa rồi.

Với biến chủng Delta này thì ông Thành hoàn toàn có lý khi đặt ra mục tiêu 80% được tiêm đủ 2 mũi vaccin.

Tuy nhiên, thay vì chờ cả thành phố đạt con số cứng này, có thể cân nhắc mở cửa theo từng khu vực hẹp. Tức là có thể khoanh vùng, ưu tiên mở cửa trước ở những nơi đạt được con số 80% người tiêm đủ 2 mũi.

Thực tế, việc kiểm soát dịch bệnh và tiến độ tiêm phủ vaccin ở các quận/huyện, khu vực tại TP.HCM hiện nay rất khác nhau. Vì thế, phương án mở cửa theo khu vực, dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh và tiêm phủ vaccin của từng quận/huyện, khu vực có lẽ là phương án khả dĩ hơn.

Việc phân vùng đỏ-vàng-cam-xanh để thực thi các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hay mở cửa từng phần không có gì là mới, nhiều nước khác trên thế giới đã làm. Nhưng, để thực hiện được việc này hiệu quả, thì trước hết chính quyền cần có bộ tiêu chí rõ ràng, sát thực tế và phù hợp với các mục tiêu mong muốn để đưa ra phân loại và để cung cấp thông tin rõ ràng đầy đủ cho cả người dân lẫn chính quyền địa phương.

5. Một điều đáng lưu ý khác khi thành phố tính đến chuyện mở cửa đó là "bảo vệ cho trẻ em". Với những gì đã ghi nhận ở Việt Nam và trên thế giới (nhất là Indonesia), thì trẻ em cũng có khả năng bị nhiễm và gặp nguy hiểm với Covid-19. Vì vậy, ở các địa phương có dịch trầm trọng như TP.HCM, phương án học trực tuyến lâu dài phải được ưu tiên hàng đầu.

6. Khi xác định sống chung với Covid-19, mà chắc chắn chúng ta sẽ phải sống chung với Covid-19 thì việc điều chỉnh tổ chức hệ thống y tế cho phù hợp là hết sức quan trọng.

Trong khi vẫn tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên trị Covid, thì các bệnh viện khác trong hệ thống cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid như là một "bệnh đặc hữu". Tức là, các bệnh viện sẽ phân khu riêng để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid như các bệnh thông thường khác. Nhưng như thế thì nhà nước cũng cần sớm có chính sách phù hợp đảm bảo quyền lợi để các bệnh viện tư tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid ổn định, lâu dài.

NGUYỄN ĐẮC KIÊN 01.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.