Đầu năm 2020, ông Phạm Ngọc Minh, khi đó đang là Chủ tịch Vietnam Airlines nói với tôi: "Phải đến 2023, ngành hàng không thế giới may ra mới nói chuyện phục hồi như cũ". Và, hàng không không thể phục hồi một mình.
Kế hoạch khôi phục nền kinh tế sau khi kiểm soát được dịch, tôi nghĩ, phải là một chương trình lớn của Chính phủ, có nhạc trưởng và có cái nhìn tổng thể. Chứ không phải để cho từng bộ đánh du kích như cái "sáng kiến" này của ông Bộ trưởng Bộ Giao thông.
Với cách chống dịch vừa qua, Việt Nam đã phải trả giá rất nhiều. Không chỉ vì sự đình trệ về kinh tế mà là ở những biện pháp cho thấy, nguy cơ Việt Nam tái sử dụng quyền lực nhà nước can thiệp vào thị trường lớn như thế nào.
Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và EU đang cân nhắc để đưa ra quyết định. Bất cứ một giải pháp nào đi ngược lại với kinh tế thị trường cũng đều có thể dẫn đến khả năng các nhà đầu tư quay lưng với Việt Nam.
HUY ĐỨC 18.09.2021
Áp giá sàn vé máy bay sẽ là 'cú trời giáng' vào nền kinh tế
(TTO 13/09/2021) - Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa vốn đã rất khốc liệt, nên cần bỏ giá trần, để giá vé máy bay cho thị trường quyết định.
Lập giá sàn vé máy bay sẽ giáng đòn chí mạng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Thậm chí, đây sẽ là đòn knock-out với ngành du lịch, vốn có doanh thu 35 tỉ USD/năm trước đại dịch COVID-19, trực tiếp tạo việc làm cho 2,5 triệu người và việc làm gián tiếp cho khoảng 2 - 2,5 triệu người.
Trước đại dịch COVID-19, hơn 2/3 người đi máy bay ở Việt Nam chọn hàng không giá rẻ. Cần từ bỏ ngay ý định áp dụng giá sàn vé máy bay, đồng thời xem xét bỏ giá trần.
Phi thị trường
Tôi bất ngờ, ngạc nhiên với ý tưởng áp giá sàn vé máy bay nội địa, đặc biệt ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Giá sàn, và cả giá trần, là biểu hiện của kiểu quản lý thời bao cấp, chỉ tồn tại trong hệ thống kinh tế tập trung quan liêu, phi thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường, giá là kết quả của cạnh tranh, phụ thuộc cung - cầu, không phụ thuộc ý chí của cơ quan quản lý. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận hoàn toàn không phù hợp, nhất là khi các hoạt động du lịch nội địa sắp được mở lại, khi công nhân ở nhiều địa phương về quê tránh dịch sắp trở lại nơi làm việc.
Theo tôi, không bao giờ nên nghĩ đến giá sàn vé máy bay. Thay vào đó, nên xem xét bỏ giá trần vé máy bay càng sớm càng tốt. Bây giờ không còn hãng bay nào độc quyền, trên mỗi đường bay đã có 2 - 3 hãng, thậm chí giữa Hà Nội và TP.HCM có tới 5 hãng bay. Mức độ cạnh tranh hàng không nội địa đã rất khốc liệt, nên bỏ giá trần, để giá vé máy bay cho thị trường quyết định.
Vietnam Airlines có thể có những tính toán, nhưng cũng nên nhớ rằng Vietnam Airlines đang sở hữu chi phối Hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines với mô hình kinh doanh không thể phát huy hiệu quả khi có giá sàn, giá trần.
Các hãng hàng không khác không ủng hộ giá sàn và họ có lý. Họ cần được tự do linh hoạt giá vé, giảm giá để kích cầu phát triển các thị trường, lấp đầy chuyến bay, tối ưu hóa doanh thu. Họ thừa hiểu rằng đại dịch Covid-19 đã làm cho rất nhiều người Việt Nam nghèo đi, nếu không có giá vé máy bay rẻ thì sẽ rất ít người đi được máy bay. Họ đang có nhiều máy bay, nhân lực và rất khó giảm được đáng kể máy bay, nhân lực, kể cả nếu họ có muốn. Thị trường hàng không mà không tăng trưởng nhanh nhờ giá vé rẻ thì họ sẽ gay go.
Nếu tôi là doanh nghiệp cảng hàng không, sân bay, doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ dưới đất hay cơ quan quản lý bay, tôi cũng sẽ không ủng hộ ý tưởng giá sàn, vì nó sẽ làm số lượng chuyến bay và hành khách giảm mạnh, họ sẽ bị mất nhiều doanh thu, thậm chí kinh doanh thua lỗ.
Mất thị trường du lịch giá rẻ
Hiện tại thị trường du lịch cả nội địa, quốc tế đều đã về số không. Khi được mở lại, các doanh nghiệp du lịch cần phải kích cầu mạnh để lên nhanh từ số không. Cần nhiều gói du lịch giá rẻ, vì đại dịch đã làm cho rất nhiều người nghèo đi. Các khách sạn, công ty tour sẽ bán rẻ giá buồng, giá tour nhưng họ cần vé máy bay giá rẻ, vì vé máy bay chiếm một phần lớn trong giá tour.
Trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch đóng góp vào trên dưới 10% GDP của đất nước. Giá sàn vé máy bay sẽ làm cơ hội phục hồi của ngành du lịch rất khó khăn, thậm chí bế tắc.
Giá sàn vé máy bay cũng sẽ tác động tiêu cực vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác, kể cả thương mại, đầu tư, vì nó sẽ làm giảm số lượng chuyến bay, lựa chọn chuyến bay trở nên khó khăn hơn.
Tôi cho rằng đây là thời điểm mà Chính phủ cần kiên quyết không áp dụng các biện pháp can thiệp phi thị trường vào các hoạt động vận tải hàng không, đồng thời tránh phân biệt đối xử giữa các hãng hàng không thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
TS LƯƠNG HOÀI NAM
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.