mardi 17 août 2021

Trần Quốc Quân - Cha ông ta ngày xưa đã phản bác chủ nghĩa Mác

 

Chủ nghĩa Mác là hệ thống học thuyết gồm Triết học, Kinh tế chính trị học và lịch sử. Đó là mớ lý luận chưa trải qua thực tiễn.

Chỉ đến khi Lênin làm cuộc gọi là Cách mạng Tháng Mười Nga, thì Chủ nghĩa Mác mới được trải nghiệm thực tế, để lại bao mất mát, tàn phá cho nhân loại suốt chiều dài thế kỷ 20, vắt sang cả thế kỷ 21.

Chủ nghĩa Mác đúng hay sai, đến nay vẫn có rất nhiều tranh cãi. Thực ra ở đời, chẳng có điều gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai.

Năm 1991, hai năm sau khi Ba Lan chuyển đổi thể chế, từ bỏ hoàn toàn con đường xã hội chủ nghĩa sau 44 năm thực nghiệm thất bại. Khi học thi nghiên cứu sinh tại trường đại học Tổng hợp Warszawwa, tôi vẫn được nghe giảng về luận thuyết triết học của Mác, đến bây giờ nhiều trường đại học phương Tây vẫn vậy. Nhiều quan điểm về chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác được giới chuyên môn đánh giá là khoa học.

Nhưng nền tảng của Chủ nghĩa Mác là Quy luật Giá trị thặng dư với khái niệm trung tâm là bóc lột, thì về lý luận có vẻ đúng, nhưng thực tiễn thì sai toét. Bằng chứng thuyết phục là hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã sụp đổ tại thành trì Liên Xô và Đông Âu, sau hơn nửa thế kỷ vận dụng.

Nhiều bạn cố cãi, thế trường hợp Trung Quốc và Việt Nam hiện nay thì sao? Tôi nói luôn là hai nước này bây giờ thuộc thể loại xanh lòng, đỏ vỏ. Thực chất nền kinh tế (hạ tầng cơ sở) là thị trường tư bản chủ nghĩa, còn hình thức chính trị (thượng tầng kiến trúc) là cố níu kéo các giá trị không có thật của chủ nghĩa xã hội.

Trong nhiều luận điểm, Mác tự mâu thuẫn với chính mình. Để chứng minh Quy luật Giá trị thặng dư, Mác đã chia lao động ra hai loại: Lao động giản đơn và lao động phức tạp. Trong đó Mác chỉ rõ, lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn.

Nghĩa là Mác thừa nhận, giai cấp tư sản (lao động phức tạp) sáng tạo ra của cải vật chất bằng bội số giai cấp vô sản (lao động giản đơn). Vậy giai cấp tư sản phải được hưởng thụ vật chất gấp bội số giai cấp vô sản mới là lẽ công bằng. Theo quan điểm "hưởng theo năng lực cống hiến" thì giai cấp tư sản bóc lột ai và bóc lột cái gì?

Từ ngàn đời xưa các cụ nhà ta chả cần lý luận cao siêu đã chỉ ra điểm sai cơ bản của Chủ nghĩa Mác bằng mỗi câu châm ngôn "Một người lo bằng một kho người làm".

Sao có thể coi việc cướp ruộng đất của địa chủ Bá Kiến để trao cho nát rượu Chí Phèo là sự nghiệp cách mạng được nhỉ!? Để rồi sau một vài năm, lũ nát rượu Chí Phèo phải bán lại ruộng đất cho địa chủ Bá Kiến, còn nền sản xuất bị phá tan hoang lại phải làm lại từ đầu.

Nghịch lý chưa? Cách mạng gì!

TRẦNQUỐC QUÂN 17.08.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.