lundi 4 janvier 2021

Nguyễn Thông - Thành ngữ mới: Thành công tốt đẹp (phần 2)


Sự thành bại ở trên đời là một thứ quy luật, sản phẩm của tạo hóa. Nói theo kiểu triết học, là một cặp phạm trù, có thành thì có bại, cũng như tốt - xấu, hay - dở, khôn - dại, tròn - méo… vậy thôi.

Chẳng có ai cả đời chỉ thành mà không bại, hoặc chỉ bại mà không thành. Thể chế, bộ máy, chế độ, tổ chức, cơ quan, chính quyền, nhóm lãnh đạo… đều như thế. Dù là chủ tịch nước hay đứa làm thuê cũng đều có lúc thành khi bại. Chỉ kẻ hoang tưởng, tự sướng, sống trên mây mới dám tự nhận mình “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thành công, thành công, đại thành công, đời đời, muôn năm, sống mãi.

Các cụ xưa dạy chớ lấy thành bại mà luận anh hùng. Thành không hẳn đã anh hùng. Bại chưa chắc đã tiểu nhân hèn hạ tầm thường.

Cụ Phan Bội Châu tự nhận “đời tôi một trăm lần thất bại nhưng chưa một lần thành công” nhưng chẳng ai dám coi thường xem thường cụ. Các cụ Phan Sào Nam (Phan Bội Châu), Phan Chu Trinh trong mắt nhìn và suy nghĩ của dân ta là những đấng anh hùng. Cụ Nguyễn Thái Học làm cách mạng và bị lên đoạn đầu đài (máy chém) vẫn an ủi các đồng chí cùng số phận rằng chúng ta “không thành công thì cũng thành nhân”.

Những đương sự Nhân văn giai phẩm như Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Hữu Loan, Trần Dần, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Hoàng Cầm… bị đày ải, người vào tù, kẻ long đong lận đận. Những Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Kiến Giang, Đặng Kim Giang, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Vũ Thư Hiên, Bùi Ngọc Tấn… vào tù ra tội, bị vật lên bờ xuống ruộng, mất hết tất cả, gia đình tan tác.

Những Trần Độ, Trần Xuân Bách… từ đỉnh cao chói lọi bị ném tọt xuống bùn đen, “khi sao phong gấm rủ là/giờ sao tan tác như hoa giữa đường”, bị lên án, nguyền rủa, chết cũng chả được yên. Cụ Lê Đình Kình ở làng Hoành xã Đồng Tâm miệt mài đấu tranh đòi quyền lợi cho dân chúng bị giết tàn bạo vô pháp lúc nửa đêm, chịu sự miệt thị của bộ máy tuyên truyền…

Họ đều thất bại, nhưng trong suy nghĩ của những người tử tế, thì họ đều là những đấng bậc trượng phu, tấm gương nghĩa khí xả thân, những dũng sĩ oanh liệt, những anh hùng. Họ đã thành công trường cửu trong sự thất bại nhất thời. Lịch sử và lòng dân sẽ đời đời ghi nhớ công ơn họ, dù có lúc phải ghi theo kiểu lặng thầm.

Khi đã hiểu và nắm được quy luật tạo hóa, hiểu về thành bại thì không có gì phải tớn lên lúc thành, ủ ê lúc bại. Nay thành mai bại, nay bại mai thành là lẽ thường tình. “Thành công tốt đẹp”, nhẽ ra cụm từ này không thuộc bản quyền của ai bởi nó mang tính quy luật của tạo hóa. Thành (thành công) thì phấn khởi, tung hô, ca ngợi, khen “thành công tốt đẹp”. Bại (thất bại) thì buồn rầu, lo nghĩ, tiếc nuối, tìm cách vượt qua, tìm cách sửa chữa, chuyển bại thành thắng. Đời là vậy. Nếu chỉ thế thôi thì chẳng nói làm gì.

Ở xứ này, không ai sính “thành công tốt đẹp” bằng đảng. Như đã biên ở bài kỳ 1, từ điển của họ dứt khoát vứt bỏ từ “bại, thất bại, thua”. Họ chủ trương phải thắng lợi toàn diện, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, vần thắng phải vút lên cao. Gần một thế kỷ quá nhiều thất bại nhưng lịch sử mậu dịch của họ, sách giáo khoa, báo chí, bộ máy tuyên truyền của họ gần như chỉ ghi chép, nói về thành công.

Chủ trương được quán triệt ngầm với nhau “đẹp tốt phô ra, xấu xa đậy lại”, ngay cả khi không đậy được, bị lộ ra dưới ánh sáng sự thật, họ vẫn cứ cố đậy. Chính sách ngu dân cũng đã phần nào giúp đỡ đắc lực cho mưu đồ tầm thường ấy. Và họ đã ít nhiều “thành công tốt đẹp” trong suy nghĩ của đám đông, kể cả những người có học, có trình độ.

Trước kia, người ta thường nói trong xã hội có bốn loại quyền lực, còn gọi là tứ quyền, gồm lập pháp (cơ quan dạng quốc hội, hội đồng nhân dân ở ta; thượng hoặc hạ viện ở nước ngoài), hành pháp (chính phủ), tư pháp (các cơ quan thực thi pháp luật như viện kiểm sát, tòa án), và báo chí truyền thông (báo in, báo điện tử, đài, tivi, loa phường). Đám báo chí ấy có lúc hãnh diện tự nhận là “đệ tứ quyền”, quyền lực thứ 4, nghe rất oai, ghê gớm.

Thực ra báo chí ở xứ An Nam, xét cho cùng cũng chỉ chim hót trong lồng, muốn véo von líu lo phải phụ thuộc vào chút kê mạch sâu bọ được bề trên ban phát. Lão hàng xóm nhà tôi có lần bảo, ảo tưởng, ảo tưởng cả lũ, quyền kiếc đ*o gì. Điều mà hầu như ai cũng biết nhưng ngại nói ra, rằng tất cả tứ quyền, bốn thứ quyền lực ấy, đều bị nhà cai trị nắm hết, không hở ra một li ông cụ nào. Nên 4 cũng chỉ là 1, cho thì sống, không cho thì chết, bóp một cái có mà lè lưỡi ra, thế thôi. Cũng lão hàng xóm kia cười bảo “tử bất cập ngáp”, chết không kịp ngáp.

May sao, có một thứ quyền lực mới, người ta đặt tên đệ ngũ quyền, quyền lực thứ 5, nhà cai trị không bóp được hoàn toàn. Đó là mạng xã hội. Nó là sản phẩm của khoa học kỹ thuật, của văn minh, dân chủ, tiến bộ. Nó nằm ngoài vòng cương tỏa, nó không đội kim cô. Nhờ nó mà dân chúng tỏ tường được bao điều nhà cai trị muốn giấu kín, biết rõ những thất bại của họ.

Khi đã hết cái thời độc quyền giấu diếm, đóng cửa trong nhà bảo nhau thì họ buộc phải công khai một số điều. Công cuộc đổi mới, thừa nhận sai lầm duy ý chí là một ví dụ. Cuộc chống tham nhũng, đốt lò là một ví dụ.

Những người khen họ đổi mới, khen họ chống tham nhũng bởi chưa hiểu cái thế họ bắt buộc phải làm, chứ thực tâm họ không muốn vậy. Người cộng sản muôn đời bảo thủ, không bao giờ muốn vạch áo cho người xem lưng, mà họ chỉ muốn thành công tốt đẹp, tròn trịa mỹ mãn thôi. Cứ nhìn lại các đại hội đảng thì sẽ hiểu ngay điều đó. Chả có đại hội nào không thành công tốt đẹp. Chả có nhiệm kỳ đại hội nào mà xã hội không đầy rẫy những chuyện đau đớn xót xa.

NGUYỄNTHÔNG 04.01.2021

Mời đọc lại: Nguyễn Thông - Thành ngữ mới : Thành công tốt đẹp

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.