Bắc Kinh thò vòi bạch tuộc bao trùm Biển Đông và gọi đó là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc. |
Chiến lược về “không gian sinh tồn” của
Trung Quốc đã có từ rất sớm so với các quốc gia Châu Á, do Tưởng Giới Thạch khởi
xướng. Dĩ nhiên chiến lược này “lấy hứng” từ các học thuyết “địa chính trị” của
các học giả Tây phương, cũng như các mô hình “đế quốc” trong lịch sử.
Tập sách “Không gian sinh tồn” (L’Espace
Vital, Lebensraum), tác phẩm nghiên cứu về “địa lý chính trị”
(géopolitique) nổi tiếng của Friedrich Ratzel xuất bản năm 1902 là một thí dụ
điển hình. Cốt lõi tập sách này đề cập đến sự thành hình của một đại cường quốc,
đặt nền tảng trên 7 định luật:
1. Không gian (sinh tồn) của một dân tộc
được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền văn minh
tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.
2. Lãnh thổ quốc gia sẽ mở rộng theo tỉ lệ
thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia. Việc mở rộng đế
quốc vì thế chỉ tùy thuộc vào ý chí và phương tiện.
3. Việc bành trướng của đế quốc được thực
hiện qua phương cách “chiếm đóng” một nước nhỏ hơn, sau đó “đồng hóa” về ngôn
ngữ, văn hóa… đối với dân chúng.
4. Đường biên giới quốc gia không xác định
(frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu
giữa hai giai đoạn bành trướng.
5. Trong quá trình bành trướng, lãnh thổ,
tài nguyên... là mục tiêu chính.
6. Đối tượng đầu tiên của chủ nghĩa bành
trướng là các quốc gia yếu kém ở kế cận. Một cường quốc không thể phát triển để
trở thành “đế quốc” nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.
7. Hiện tượng bành trướng có khuynh hướng
lan rộng do việc tranh giành lãnh thổ giữa các quốc gia.
Hitler lấy hứng từ lý thuyết này để viết
cuốn “Mein Kampf” chủ trương về một “chủng tộc siêu việt”, từ đó thành lập
IIIe Reich (Đức Quốc Xã), mở ra Thế chiến II.
Những nhà chiến lược hiện đại cho rằng lý
thuyết “địa lý chiến lược” của Ratzel là sơ khai, lỗi thời.
Điều này đúng nếu ta xét trường hợp của
các đế quốc (thuộc địa) cũ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan…
Lãnh thổ không còn là đối tượng chinh phục của các “đế quốc”. Nhưng trong chừng
mực, ở một số điểm, lý thuyết này vẫn đúng, ngay cả cho Mỹ, vào ở thời điểm hiện
tại.
Thực tế cho thấy rằng Mỹ không chấp nhận
bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới này thách thức vị thế của Mỹ, ngay cả về
ý thức hệ chính trị. Nói chi đến các quốc gia kế cận. Ngoại trừ Canada, tất cả
các quốc gia Nam Mỹ khác đều “nghèo”. Mặc dầu các quốc gia này có dư tiềm năng
để trở thành một đại cường, như Bresil, Venezuela, Argentine…
Cuba vì đối kháng ý thức hệ, đã bị Mỹ “trừng
phạt” từ nhiều thập niên.
Canada là một “ngoại lệ” vì “tương đồng”
với Mỹ nhiều thứ, từ nguồn gốc xuất phát của dân chúng và lịch sử thành hình quốc
gia, cho tới ý thức hệ chính trị. Hai quốc gia chia sẻ chung một di sản văn hóa
và văn minh, nói cùng một thứ tiếng. Canada và Mỹ có quan hệ “cộng sinh”. (Điều
này chỉ thay đổi khi Canada có một đường lối ngoại giao thù nghịch với Mỹ, đồng
thời có quan hệ quốc phòng thân thiết với Nga và Trung Quốc).
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, lý thuyết này
là một vấn đề thời sự cho trường hợp Trung Quốc, một cường quốc đang khẳng định
tư thế của mình trong khu vực.
Tư tưởng “không gian sinh tồn” của Tưởng
Giới Thạch rất đơn giản, có thể tóm lược trong một câu: không gian sinh tồn của
Trung Quốc là vùng không gian cần thiết để chủng tộc Hán sinh tồn, và biên giới
của không gian này được đánh dấu bằng các cột mốc của nền văn minh Trung Hoa.
Xét trên từng chữ thì không gian sinh tồn
của Trung Quốc có thể mở ra vô tận. Vùng đất nào, vùng biển nào… cần thiết cho
Trung Quốc thì vùng đó thuộc “không gian sinh tồn” của Trung Quốc. Dân số Trung
Quốc lên đến 1 tỉ 400 triệu người. Khối dân chúng này “túa” ra tới đâu thì
“ranh giới” của không gian sinh tồn của Trung Quốc được đánh dấu tới đó.
Tư tưởng của Tưởng Giới Thạch được Đặng
Tiểu Bình thừa kế. Di sản này sau đó chuyển giao cho các thế hệ lãnh đạo sau
này là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và hiện nay Tập Cận Bình.
Từ đầu năm 2010 ta nghe từ viên chức ngoại
giao Trung Quốc : Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ý kiến này chưa
bao giờ trong lịch sử Trung Quốc nhắc đến.
Bảy định luật của Ratzel đã hoàn toàn chứng
nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.
Định luật 1 : Nền văn minh Hán tộc đã đồng
hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã chiếm hữu và trị
vì Trung Quốc.Văn hóa các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu
vết ở Trung Quốc.
Định luật 2 : Hiện đang thích ứng cho
tình trạng Trung Quốc hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép nước này hiện
đại hóa quân đội. Những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông hay với Nhật qua
tranh chấp Senkaku, cho thấy ý chí muốn chinh phục của nước này.
Định luật 3 : Định luật này cùng với định
luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và còn đang tiếp tục
cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt (hay Hán hóa) tất cả
các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện ráo riết tại Tây Tạng.
Định luật 5 cho thấy vẫn chưa lỗi thời,
Trung Quốc đặt ra mục tiêu phải chinh phục Trường Sa và Senkaku. Nhưng định luật
này cần cập nhật thêm vì chủ đích của việc chinh phục sẽ là vùng biển, là tài
nguyên chứa đựng trong đó.
Định luật 6 phản ảnh rõ rệt thái độ bành
trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : Việt Nam và Phi, hai nước yếu, nằm trong tầm
nhắm của Trung Quốc. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu mạnh.
Một nước Việt Nam giàu, mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. Về
kinh tế, ta thấy Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc. Đó cũng là một biến
dạng của lý thuyết « không gian sinh tồn », biến Việt Nam thành một chư hầu
kinh tế.
Từ định luật 6, ta thấy cuộc chiến giữa
Trung Quốc và các quốc gia kế cận chắn chắn sẽ xảy ra. Trung Quốc không thể trở
thành đại cường nếu có các nước Nhật, Hàn, Việt Nam… hùng mạnh ở kế bên (và ngược
lại).
Ở điểm này các quốc gia Nhật, Hàn (và có
thể là Việt Nam sau này) được sự trợ giúp của Mỹ để phát triển. Nếu Nhật, Hàn
(và Việt Nam sau này) là các quốc gia hùng mạnh, việc này sẽ cản trở sự trỗi dậy
của Trung Quốc. Vấn đề là lãnh đạo Mỹ có thấy điều này hay không, và nhứt là
lãnh đạo Việt Nam có nhận thức được điều này hay không ?
Định luật 7 cho thấy có nhiều điều cần điều
chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là việc tranh giành thị
trường, dành vùng ảnh hưởng, hay việc xung đột giữa các nền văn minh (theo thuyết
của Samuel P. Huntington).
TRƯƠNG NHÂN TUẤN 12.02.2020 (Tựa bài
do Thụy My đặt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.