Mình thấy có một
số anh chị em bạn bè có nhắc đến một thông báo của CDC (“Center for Disease
Control and Prevention” hay “Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh”) của
Mỹ. Thông báo này (trong hình) đưa Việt Nam trong nhóm các quốc gia và vùng
lãnh thổ có “apparent community spread”, hiểu nôm na là “có sự lây lan Covid-19
trong cộng đồng được ghi nhận”.
Thông báo này của
Covid-19 được các bạn hiểu là Mỹ đang coi Việt Nam là quốc gia có dịch. Thế nên
chuyện Việt Nam nói là đã (gần) hết dịch là nói xạo. Nhiều bạn còn dùng đó là
bằng chứng để lên án sự thiếu minh bạch ở Việt Nam.
Thực ra thông báo
này của CDC là nhằm cung cấp thông tin cho dân Mỹ khi ra nước ngoài. Thông báo
này cũng có từ ngày 20 tháng 2, tức là mấy ngày rồi không cập nhật. Các bạn khi
copy lại đoạn thông báo của CDC cũng không biết đã cố tình hay vô ý chỉ chép có
một mẩu nhỏ.
Thông báo đầy đủ
của CDC ngày 20 tháng 2 chia các quốc gia có dịch thành 4 nhóm với các mức độ
cảnh báo khác nhau:
Nhóm cao nhất
tính tới thời điểm này được xếp hạng cảnh báo 3 trên 4 có Trung Quốc. Cảnh báo
3 nghĩa là không nên tới quốc gia này trừ khi thật cần thiết (avoid
nonessential travel). Có một số nước không liên quan đến dịch bị xếp vào cảnh
báo 4 (không nên đến – do not travel) như Venezuela.
Nhóm thứ cao thứ
nhì được xếp hạng cảnh báo 2 trên 4 gồm Nhật và Hàn Quốc. CDC mô tả các nước
này đang có dịch Covid-19 ở mức “lây truyền trong cộng đồng một cách bền vững”
(sustained community transmission) và khuyên “người cao tuổi có tình trạng bệnh
lý mãn tính không nên đến trừ khi thật cần thiết”.
Nhóm thấp nhất
được xếp hạng cảnh báo 1 trên 4 gồm Hong Kong. CDC không khuyến nghị hủy hoặc
lùi hành trình tới điểm đến này mà chỉ khuyến nghị hành khách nên có sự “thận
trọng thông thường”.
Nhóm mà Mỹ xếp
Việt Nam vào là nhóm CDC không thấy việc lây lan Covid-19 đủ rộng hoặc đủ
bền vững để phải đưa ra khuyến nghị gì cho hành khách khi di chuyển. Các điểm
đến này gồm Iran, Singapore, Thailand, Taiwan, và Việt Nam. Nhóm này được gán
cụm từ “địa điểm có sự lây lan trong cộng đồng được ghi nhận”.
Thế nào là lây lan trong cộng đồng? Hiểu nôm na có
nghĩa là có người đã nhiễm virus này, và đã lây cho người khác trong cộng đồng.
Việt Nam với trường hợp
lây lan trong gia đình đã công bố ở Vĩnh Phúc dĩ nhiên sẽ được CDC xếp vào nhóm
“có sự lây lan trong cộng đồng được ghi nhận”.
Câu chuyện chỉ có vậy chứ không có gì hơn. Tính tới
thời điểm này, nếu CDC cập nhật danh sách các quốc gia trong nhóm của Việt Nam, có lẽ sẽ phải
đưa thêm vào nhiều nước ở Châu Âu nữa chứ không còn thuần túy ở Châu Á.
Còn ở Mỹ thì sao?
Mỹ cũng có mấy chục trường hợp bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên CDC chưa gọi nước
Mỹ là “có sự lây lan trong cộng đồng được ghi nhận” vì những ca nhiễm này được
phát hiện ngay và cách ly điều trị kịp thời trước khi lây bệnh cho người khác.
Tuy nhiên CDC
cũng không loại trừ khả năng này. Giám đốc của CDC, tiến sĩ Nancy Mesonnier hôm
thứ 6 vừa rồi khi trả lời báo chí (hình đính kèm) cũng nói” “Chúng ta chưa thấy sự lây lan trong cộng
đồng ở Mỹ, nhưng nó hoàn toàn có thể, thậm chí có lẽ cuối cùng cũng sẽ xảy ra.
Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục làm chậm việc xâm nhập của virus vào nước
Mỹ. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị cho cộng đồng
trước khi có thêm nhiều ca lây nhiễm hơn và thậm chí có thể là sự lan truyền
bền vững”.
Nếu để ý, cách
trả lời của bà Mesonnier không có sự hốt hoảng theo kiểu đóng cửa trường cho
tới khi nào thế giới hết dịch, không thể hiện sự thiếu thông tin theo kiểu diễn
biến còn phức tạp, cũng không coi nhẹ vấn đề theo kiểu Mỹ sẽ không có dịch.
Cách trả lời của bà cho thấy CDC ý thức được và chấp nhận thực tế là có thể sẽ
diễn biến xấu đi, thậm chí rất xấu. Họ cũng lên kế hoạch cũng như chuẩn bị cho
các kịch bản xấu hơn (community spread như Việt Nam) và xấu hơn nhiều
(sustained community spread như Nhật hay Hàn).
Cái chúng ta cần
là sự thận trọng, nhưng trên cơ sở bình tĩnh và duy lý như thế.
TRẦN VINH DỰ
23.02.2020
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.