dimanche 8 décembre 2019

Trương Nhân Tuấn – Xử lý nước thải không thể là chuyện sân sau của lãnh đạo



Vấn đề "hồi sinh" sông Tô Lịch, vốn là "cống lộ thiên" của dân Hà Nội, không đơn thuần là việc tranh cãi giữa các phe binh và chống chủ tịch UBND TP Hà Nội. 

Trên phương diện "thương mại", đây là "chiến trường" để các tập đoàn công nghệ thế giới về xử lý nước thải "đấu đá" với nhau để tranh đoạt thị trường. 

Trên phương diện "khoa học", hiện tai sông Tô Lịch là "chiến tranh cục bộ" giữa hai đại cường công nghệ Nhật và Đức, với hai phương pháp xử lý nước thải: nano bioreactor của Nhật và bột khử có tên gọi RedOXY-3C của Đức. 

Trên phương diện tiện ích công chúng, dĩ nhiên lãnh đạo Hà Nội phải lựa chọn nhà đầu tư (hay công nghệ) nào ít tốn kém, có hiệu quả và nhứt là bền vững theo thời gian. 

Công nghệ của Đức, RedOXY-3C được thương mại hóa qua dạng chất bột, như bột giặt, giá bán tính theo ký lô. Thị trường thế giới có nhiều sản phẩm tương đương, với giá cả và hiệu quả không chênh lệch nhiều. Bất tiện của công nghệ này "hóa chất tồn đọng" sau quá trình xử lý. Tức là môi trường vẫn chưa đạt tiêu chuẩn "xanh" và "sạch". Bất tiện khác là việc "lệ thuộc" dài hạn của khách hàng vào "hóa chất". 

Công nghệ của Nhật, Nano Bioreactor, là một công nghệ mới nhưng khá phổ biến. Nhiều tập đoàn quốc tế khác đã từng "trình làng" những phương cách xử lý nước thải khác nhau, trên nền tảng "bio reactor", như CYCLOR, ULTRAFOR, DENSADEG... tùy trường hợp ao hồ, sông ngòi, bùn... 

Lợi ích của công nghệ này ngoài việc đáp ứng được tiêu chuẩn"xanh" và "sạch", phía sử dụng có thể được chuyển giao công nghệ (để áp dụng cho toàn lãnh thổ). 

Nhưng vấn đề "lợi ích cá nhân, phe phái" có thể lớn hơn lợi ích công chúng. 

Nếu Hà Nội cho các tập đoàn xử lý nước thải được cạnh tranh lành mạnh, thì chắc chắn công nghệ RedOXY-3C đã rớt từ vòng gởi xe. Bất tiện của công nghệ này là phía sử dụng bị lệ thuộc vĩnh viễn vào nguồn hóa chất. Vì vậy người ta chỉ sử dụng phương pháp này khi có nhu cầu cấp bách (như khởi động lại hồ bơi sau cuộc ngủ đông). 

Xử lý nước thải Hà Nội và việc "hồi sinh" sông Tô Lịch không phải là chuyện vài ngày hay vài tháng, chuyện "sân sau" của lãnh đạo Hà Nội, mà là chuyện vĩnh cửu, cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

TRƯƠNGNHÂN TUẤN 08.12.2019 (Tựa bài do Thụy My đặt)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.