jeudi 5 décembre 2019

Phạm Đoan Trang - Lời giới thiệu « Đêm giữa ban ngày »



Nếu ai đó hỏi tôi cuốn sách nào có ảnh hưởng đến tôi nhất, tôi sẽ trả lời: “Không nhiều, nhưng chắc chắn một trong số đó, và là cuốn sách đầu tiên có ảnh hưởng lớn đến mức thay đổi hoàn toàn tư duy, hiểu biết của tôi về chính trị, là ‘Đêm giữa ban ngày’”. 

Tôi đọc “Đêm giữa ban ngày” lần đầu vào năm 1998, khi còn là một cô sinh viên kinh tế 20 tuổi. Cuốn sách đến tay tôi dưới dạng một tập photocopy khổ A4 lem nhem, phông chữ biến dạng và đầy lỗi (do được in “chui” từ đâu đó trên mạng xuống, rồi photo lại). 

Thông thường, với những tập tài liệu như thế, nhìn đã thấy nhức mắt chứ đừng nói đến chuyện đọc. Ấy thế mà chỉ sau khi cầm “Đêm giữa ban ngày” lên và xem lướt vài dòng đầu, tôi đã cắm đầu đọc một mạch, như bị thôi miên, không rời mắt cho đến khi kết thúc những dòng cuối cùng của “tập giấy photocopy” cả ngàn trang đó.

Bởi vì cuốn sách quá hấp dẫn, cả về nội dung (những câu chuyện mà nó kể) lẫn hình thức (cách viết, giọng văn). 

Về nội dung, “Đêm giữa ban ngày”, như tác giả Vũ Thư Hiên định vị, là cuốn “hồi ký chính trị của một người không làm chính trị”. Nhưng thực tế còn hơn thế nhiều: Đó là cuốn hồi ký chính trị của một nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch mà cuộc đời gắn chặt với lịch sử hình thành và củng cố quyền lực của nhà nước độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam. 

Tuổi niên thiếu của ông là “những ngày Tháng Tám tưng bừng” với “cờ đỏ sao vàng tràn ngập Hà Nội” “tiếng trống ếch thiếu nhi vang rền trên các phố”, khi mà “trước mắt tôi cuộc đời mở ra toàn một sắc hồng”. Tiếp đó là tuổi thanh xuân gắn liền với chiến trường, bom đạn, và hy sinh: “Lớp trẻ chúng tôi đi vào chiến tranh với những khúc quân hành hùng tráng và những bản tình ca lãng mạn”.
 
Rồi đến những năm tháng du học tại Liên Xô, trở về nước làm báo, dịch thuật, viết văn… và chứng kiến tất cả sự tha hóa tột cùng của những người cộng sản thế hệ đầu với cái nhà nước mà họ tạo nên. Để rồi cuối cùng, ông không chỉ chứng kiến mà còn trở thành nạn nhân bi thảm của chế độ cộng sản: Bị tù chín năm từ năm 1967 đến năm 1979, trong một vụ án mà hàng chục người tù đều không có án, không hiểu vì sao mình bị bắt, không hề biết trước là phải ngồi tù bao lâu. Hai người trong số đó – hai trí thức – đã chết trong tù. 

Cuốn sách bóc trần một sự thật đen tối, bẩn thỉu về nhà nước cộng sản: Thực chất thì nhà nước ấy chưa bao giờ, chưa một ngày nào “dân chủ, văn minh”. Ngay từ đầu, nó đã chỉ là một bộ máy để hợp thức hóa, thể chế hóa đặc quyền đặc lợi của những kẻ cai trị ít học, thấp kém cả về tâm đức lẫn tài trí, nhưng thừa tham vọng quyền bính. 

Không ít kẻ trong số đó là lưu manh chính hiệu, thất học, bạc bẽo, tàn bạo, sẵn sàng sát hại cả đồng chí mình, giết người diệt khẩu, bỏ tù công dân vô tội vạ, nắm đầu cai quản văn nghệ sĩ - trí thức… như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Trần Quốc Hoàn… Và nói chung, tất cả bọn họ, trong khi phè phỡn trong quyền lực, đều mù đặc về những khái niệm của thế giới văn minh, như nhân quyền, dân chủ, tự do, công lý.

Đó hiển nhiên là một điều kinh khủng. Nhưng đối với một dân tộc, một quốc gia thì còn hơn thế, đó là một thảm họa. Trong guồng máy ấy, không một trí thức - văn nghệ sĩ chân chính, hay nói rộng hơn, không một công dân lương thiện nào tồn tại được. 

Tất cả đều bị nhào nặn trở thành khiếp nhược, hèn hạ, mất nhân cách, đến độ có thể khom lưng luồn cúi trước lãnh đạo, đồng thời không ngại làm chỉ điểm, tố cáo bạn bè các “tội” về tư tưởng, về chính trị. Trước đảng Cộng sản “quang vinh, vĩ đại”, trí thức thật sự là “cục phân” như Mao Trạch Đông nói, còn dân chúng là đám đông mờ mờ nhân ảnh, chưa từng hiện diện trong bất cứ chính sách nào. Dân chỉ là cỏ rác, không hơn. 

Qua “Đêm giữa ban ngày”, hay nói đúng hơn, nhờ những trải nghiệm của chính tác giả trong hoàn cảnh đặc biệt của ông, người đọc mới biết được những chuyện tày trời trong chốn cung đình đỏ. Ví dụ như việc Chính phủ cách mạng của đảng Cộng sản Việt Nam từng buôn ma túy như nguồn thu nhập chính vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp (mua gom thuốc phiện ở các vùng Tây Bắc, Việt Bắc, rồi bán qua Thái Lan lấy tiền mua súng đạn).

Chuyện những người cộng sản bí mật sát hại chính đồng chí của mình (ông Nguyễn Thế Vinh), để mặc cho vợ con đồng chí vật vã khóc lóc đi tìm chồng tìm bố, và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ tiết lộ vụ ấy bằng một câu nói gọn lỏn: “Ta ‘thịt’ anh ấy rồi”. Hay là chuyện Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ từng vỗ ngực bành bạch: “Tao chưa duyệt thì đừng có hòng. Nó phải hiểu Đảng là tao, là tao đây này!” Và một trong những câu chuyện khủng khiếp nhất có lẽ là vụ án mạng đầy oan khuất, cái chết bi thảm của cô Nông Thị Xuân, người vợ không được thừa nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào mùa xuân năm 1957…

Vô số chuyện “bếp núc”, “hậu trường” của giới trí thức - văn nghệ sĩ những năm tháng ngột ngạt ấy cũng được Vũ Thư Hiên kể lại trong cuốn hồi ký chính trị có một không hai của ông. Nhiều chi tiết hé lộ những điều mà công chúng chẳng ai được biết, về nhân cách, con người mỗi văn nghệ sĩ và cách họ đối diện với bàn tay sắt của chế độ độc tài đảng trị: can đảm giữ vững khí tiết, chấp nhận bị đọa đày, tù ngục; hay mũ ni che tai, im lặng, tránh né; hay đánh mất hết liêm sỉ, phẩm giá, sẵn sàng biến mình thành công cụ đắc lực của bộ máy đảng và công an. 

Độc giả được thấy một khía cạnh khác của nhà phê bình văn học Hoài Thanh: Tác giả tài danh của “Thi nhân Việt Nam” bỗng dưng biến mình thành “trưởng ban vỗ tay”, nghĩa là tranh ngồi hàng đầu mỗi khi nghe lãnh tụ nói chuyện, “chực sẵn để khi lãnh tụ xuống giọng chấm câu hoặc hết đoạn thì đứng lên vỗ tay làm gương cho cử tọa vỗ theo” (!). Độc giả cũng được biết đến Nguyễn Đình Thi, người mà trong một cuộc “đấm ngực tập thể” (phê và tự phê) của văn nghệ sĩ, đã lên diễn đàn sỉ vả Văn Cao, nhưng “chửi xong, từ diễn đàn bước xuống, Nguyễn Đình Thi ôm lấy Văn Cao thì thầm: ‘Hiểu cho mình, cái thế mình phải thế!’”.

Về hình thức, “Đêm giữa ban ngày” cũng được thể hiện với một bút pháp hấp dẫn, nâng tầm cuốn sách lên nhiều. Nói cách khác, hình thức thể hiện hay chẳng kém những câu chuyện mà nội dung của sách kể. Tác giả Vũ Thư Hiên vốn xuất thân là một nhà biên kịch (ông tốt nghiệp trường điện ảnh Liên Xô), nên ông rất biết sử dụng thủ pháp điện ảnh trong việc viết sách. “Đêm giữa ban ngày” có những trường đoạn cực kỳ điện ảnh, kịch tính, như các đoạn đối thoại giữa nhà văn với viên công an làm nhiệm vụ thẩm vấn ông, đoạn nhà văn - người tù nuôi một con cóc làm bạn giữa bốn bức tường. 

Ngôn ngữ của “Đêm giữa ban ngày” giàu hình ảnh đến mức độc giả vừa đọc, vừa có thể hình dung câu chuyện rõ ràng như một cuốn phim. Nói không ngoa, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển thể cuốn sách này, đưa nó lên phim một cách dễ dàng, bởi vì đã có sẵn một kịch bản rất tốt. 

“… Lại thêm một anh phi công Mỹ lạc loài vào sau chúng tôi vài ngày, hẳn khu tù binh đã quá chật. Anh chàng này suốt ngày im lặng, thỉnh thoảng lại hứng lên ông ổng cất tiếng hát bằng giọng nam trầm, chẳng ra cái điệu gì. Hách sầm sầm chạy vào, mắng xa xả bằng tiếng Việt, người Mỹ cãi lại oang oang bằng tiếng Mỹ. Hai bên om sòm một hồi rồi chia tay, không bên nào hiểu bên nào nói gì”.

Có những đoạn không chỉ giàu hình ảnh mà còn đầy chất thơ:

“Không khí mát và ngọt sau cơn mưa rào ùa vào lồng ngực. Chung quanh tôi là sự tĩnh lặng của vô cùng. Qua song sắt nhà tù, tôi nhìn thấy bầu trời nhợt dần, bóng đêm mất đi nhường chỗ cho một ánh hồng cảm thấy được chứ chưa nhìn thấy được đang dâng lên từ phương đông…”.

* * *

Khi đọc “Đêm giữa ban ngày” lần đầu tiên, tôi vẫn còn là một sinh viên trong hệ thống giáo dục XHCN. Cuốn sách thật sự có tác dụng mở mắt cho tôi rất nhiều. Tôi hiểu thêm về báo chí, văn học, nghệ thuật. Tôi hiểu về sự khó khăn của mỗi cá nhân trí thức - văn nghệ sĩ khi phải đứng trước sự lựa chọn ngặt nghèo: sống ngẩng cao đầu để phải chịu đủ đói khổ cực nhục (không chỉ mình mà cả gia đình), hay khéo léo, “biết thời thế”, biết nhẫn nhịn, để vinh thân phì gia? Suy cho cùng, sống chưa bao giờ là một điều dễ dàng, đặc biệt ở các xứ toàn trị. 

Tôi cũng hiểu một cách sâu sắc hơn bất kỳ lúc nào trước đó về chính trị, về ảnh hưởng bao trùm của chính trị đối với vận mệnh đất nước và số phận mỗi người dân của đất nước ấy. Khi chính trị rơi vào tay một thiểu số thất học, thèm khát quyền lực, thiếu đạo đức, cả xã hội trở thành ngột ngạt, đen tối, không thể phát triển. Đáng sợ nhất là trong chính trị, “thằng ở trên xoay 15 độ thì bọn ở dưới phải quay theo tới 180 độ”; mọi lời nói, hành động, thái độ, chính sách của các lãnh đạo đều ảnh hưởng đến toàn dân, dù tốt đẹp hay thảm họa, tàn hại. 

Tôi hiểu về vai trò người trí thức: Trong những xã hội như thế, để cứu nước cứu dân, trí thức không thể hèn kém, không được phép hèn kém. Các xã hội độc tài về cơ bản đều giống nhau, nhưng con đường dân chủ hóa của mỗi nơi đều khác nhau, tùy vào việc đội ngũ trí thức của nơi ấy là như thế nào về chất lượng và số lượng, và họ tham gia vào công cuộc kiến thiết sự thay đổi ra sao. Nếu họ không chủ động nắm lấy ngọn cờ thay đổi, nếu họ ngậm miệng ăn tiền, chấp nhận thân phận đi sau những kẻ hãnh tiến, lưu manh, cơ hội (mà họ coi là “minh chủ”) thì quốc gia không có cửa dân chủ hóa, nó sẽ rơi vào tay hết kẻ độc tài này tới kẻ độc tài khác. 

Khi đọc “Đêm giữa ban ngày” lần đầu tiên vào năm 1998, tôi không nghĩ sẽ có ngày tôi bị bắt giam, phải ngồi tù (vài ngày) vì nó, hơn một thập niên sau đó. Tôi càng không nghĩ rằng hai thập niên sau đó nữa, tôi sẽ có lúc ngồi viết bài giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc như thế này. 

Được viết bài giới thiệu “Đêm giữa ban ngày”, với tôi, là niềm vinh hạnh, nhưng cũng lại làm nặng thêm sức ép đè lên tôi và thế hệ chúng tôi, chúng ta: Làm gì? Làm gì để tấn thảm kịch “Đêm giữa ban ngày” không bao giờ lặp lại nữa, và cuốn sách sẽ sớm được xuất bản công khai, đàng hoàng cho độc giả toàn Việt Nam đọc, không phải để thù oán chế độ cộng sản, mà là để bảo đảm chắc chắn rằng độc tài sẽ không trở lại trên đất nước chúng ta? 

Việt Nam, ngày 23/11/2019

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.