mercredi 4 décembre 2019

Ám sát, rửa tiền, bán hộ chiếu…tiểu quốc Malta làm xấu mặt EU

Biểu tình tại Valletta, Malta ngày 02/12/2019 đòi công lý trong vụ ám sát nhà báo điều tra Daphne Caruana Galizia.

Liên quan đến tình trạng lộn xộn gần đây tại Malta, đất nước nhỏ bé là thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU), bài xã luận của Le Monde nhấn mạnh « Châu Âu phải hành động để chống nạn tham nhũng ».

Ngày 16/10/2017, nhà báo Daphne Caruana Galizia bị ám sát, bị thiêu sống khi một quả bom gài trong xe phát nổ. Bà đang điều tra một vụ tham nhũng có liên quan đến các quan chức cấp cao. Sự kiện này không phải đã xảy ra tại một nước độc tài xa xôi nào đó, mà ở Malta, quốc gia nhỏ nhất trong Liên hiệp Châu Âu. Hơn hai năm đã trôi qua, điều tra của cảnh sát vẫn dậm chân tại chỗ. 

Tuy ba kẻ thủ ác có liên quan đến mafia đã bị bắt, nhưng kẻ chủ mưu cho đến nay vẫn là bí mật, việc bắt được một tay trùm cờ bạc đã bất ngờ giúp tăng tốc cho cuộc điều tra. Được bảo đảm không truy tố, người này đã khai ra một doanh nhân quyền lực là Yorgen Fenech. Đại gia này khai tiếp Keith Schembri, chánh văn phòng và là bạn thân của thủ tướng Joseph Muscat. Nhưng ông Schembri, người bị nhà báo Daphne tố giác ăn hối lộ vẫn được tự do và không bị khởi tố, các nhà báo bị ngăn chận thô bạo, thủ tướng giữ im lặng…

Ông Joseph Muscat đến Dinh thủ tướng tiếp đoàn kiểm tra của Liên hiệp Châu Âu ngày 03/12/2019.
Đến Chủ nhật 1/12, thủ tướng Malta mới loan báo từ chức nhưng nói rằng không thể trước tháng Giêng, khi chưa có người thay thế. Hôm sau, hàng ngàn người biểu tình đòi ông Muscat phải ra đi ngay, tố cáo ông muốn tại vị để bảo vệ mình và những người thân cận bị cáo giác trong hồ sơ trên.

La Croix trong bài « Cơn sốt không ngừng tăng lên ở Malta » ghi nhận từ hai tuần qua, mỗi ngày những tiếng hô « barra, barra » (hãy ra đi) xung quanh dinh thủ tướng càng rầm rộ hơn, tại đảo quốc chỉ có 450.000 dân. Một nhà quan sát cho biết, « bản thân ba kẻ đặt bom cũng lo sợ cho sinh mạng của họ, từ chối các bữa ăn của nhà tù, thức ăn phải do gia đình mang đến ».

Nghị viện Châu Âu quyết định gởi khẩn cấp một phái đoàn đến Malta, nhưng quyền hạn chỉ mang tính tượng trưng. Không có nước châu Âu nào lên tiếng về tình trạng dung dưỡng nạn rửa tiền, trốn thuế, bán hộ chiếu… của Malta đã làm phương hại cho hình ảnh EU. Le Monde cho rằng EU không chỉ là một thị trường, mà là một tổng thể các Nhà nước gắn liền với nhau bằng các giá trị và nguyên tắc đã được thử thách qua một lịch sử chung lâu dài. Tự do báo chí, độc lập tư pháp và Nhà nước pháp quyền phải là những cột trụ.

Người dân tự xoay sở khi không còn phương tiện công cộng để di chuyển.
Nước Pháp trước cuộc tổng đình công

Tại Pháp, một ngày trước cuộc tổng đình công, các báo đều dành tựa chính cho chủ đề này. « Giao thông công cộng, trường học : Chiếc bẫy xung đột », tựa của Les Echos. Đối với người sử dụng dịch vụ công, Le Figaro cho biết « Giao thông, doanh nghiệp : Trước cuộc đình công, người Pháp phải tổ chức để đối phó », còn Le Monde nhìn ở một góc độ khác : « Chế độ hưu : Các nghiệp đoàn trước tác động Áo Vàng ». Libération đăng ảnh người dân chen chúc đi bộ vì không có tàu xe công cộng, với hàng tít « Chế độ hưu : Ai được (một ít), Ai mất (nhiều) ».

Le Monde giải thích vì sao cuộc tổng đình công năm 2019 không giống như hồi năm 1995 : sự ngờ vực đối với các nghiệp đoàn. Trong cuộc thăm dò hồi tháng Bảy, có đến 62% người làm công ăn lương cho biết không tin vào các công đoàn nữa. Tại hai công ty quan trọng hàng đầu về đường sắt công cộng là RATP và SNCF, tỉ lệ đi bầu đại diện nghiệp đoàn giảm rất mạnh. 

Như vậy các nghiệp đoàn hô hào đình công lần này lao vào một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro, khó thể buộc tổng thống Emmanuel Macron từ bỏ việc cải cách hưu bổng. Và nhất là có nguy cơ không còn kiểm soát được phong trào phản kháng, khó tránh được những hành động chệch hướng thậm chí bạo lực.

Macron-Trump lạnh nhạt tại NATO

Một chủ đề lớn khác được các báo Paris quan tâm là hai nguyên thủ Pháp-Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Le Figaro nhận định « NATO : Macron-Trump, bất đồng lớn ». Le Monde mô tả một « NATO bị ảnh hưởng vì sự chia rẽ giữa các đồng minh », còn Libération chạy tựa « NATO : Macron và Trump, liên minh căng thẳng ».

Libération ví von, NATO vẫn chưa « chết não », và các tuyên bố trong ngày khai mạc là bắng chứng. Hai mươi chín nhà lãnh đạo họp lại không chỉ làm công việc thổi 70 ngọn nến sinh nhật và thưởng thức sâm banh của hầm rượu nữ hoàng Elizabeth II, ý hướng cam kết và chiến lược của NATO là trung tâm những cuộc gặp gỡ trong ngày đầu tiên. 

Tuy trước khi đến dự ông Donald Trump đả kích tổng thống Pháp, nhưng nguyên thủ Mỹ đã nhẹ giọng hơn khi gặp Emmanuel Macron trong hội nghị. Thậm chí ông Trump còn khen ngợi hoạt động của quân đội Pháp : « Tại châu Phi, các ông đã làm việc rất tốt, hơn nhiều người khác », và gợi ra khả năng « tìm một giải pháp » cho vụ đánh thuế GAFA. 

Về phía ông Macron nhấn mạnh việc xác định mối đe dọa chung là khủng bố quốc tế và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Ông Macron nhắc nhở, kẻ thù chung của NATO hiện nay rất khác với hồi mới thành lập năm 1949. Cuộc họp báo chung kết thúc với những nụ cười gượng gạo và không có cái bắt tay nào. Cũng chẳng có biểu hiện thân thiết nào trước Downing Street trong những cuộc gặp tiếp theo giữa tổng thống Pháp với thủ tướng Đức và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. 

NATO và sự tồn tại mặc nhiên

Đối với nhà nghiên cứu Bertrand Badie, NATO có khuyết điểm là chưa bao giờ tái xác định sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. NATO ra đời trong hoàn cảnh bị đe dọa bởi một khối mà năng lực chính trị, ngoại giao và quân sự được coi là tương đương ; và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ không thể tranh cãi. Trong một thế giới mà phương Tây không còn địch thủ, không có hội nghị thượng đỉnh NATO nào từ 1989 đến nay định ra một chủ thuyết mới, và cũng không có tiêu chí nào để mở rộng. Là một khối đồng tâm nhất trí trong thời chiến tranh lạnh, nay sự đoàn kết đó không còn nữa : Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Baltic, Đông Âu không cùng có chung mục đích. 

Trong bối cảnh châu Âu không còn chịu đựng nguy cơ một sự đối đầu trực tiếp giữa hai khối tự do và cộng sản, một chính sách ngoại giao và quốc phòng chung, theo ông Badie, chỉ là ảo tưởng. Thật ra châu Âu vẫn nuối tiếc thời kỳ được Mỹ bảo bọc, thế nên các nước đồng tình mặc nhiên kéo dài NATO để khỏi phải có chính sách quốc phòng riêng. Và như vậy, duy trì cuộc sống nhờ « thở máy » của NATO có vẻ kinh tế hơn và ít phức tạp hơn.

Thuế GAFA : Ván bài tẩy của tổng thống Pháp

Về sắc thuế đánh vào các tập đoàn công nghệ GAFA, Les Echos cho rằng đây là ván bài tẩy của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Theo tờ báo, khó thể đánh bại ông Trump bằng chính trò chơi của ông. Macron hy vọng thuyết phục được Mỹ ủng hộ sắc thuế về kỹ thuật số của các nước OCDE. Nhưng thuế khóa là lãnh vực hiếm hoi đòi hỏi phải có sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, và chưa chi đã có 4 nước chống đối (Ireland, Malta, Chypre, Đan Mạch). Tổng thống Pháp đành phải dùng đến ván bài rủi ro cao là ra tay trước với hy vọng các nước châu Âu khác sẽ đi theo, và hiện giờ chỉ mới có Tây Ban Nha, Ý, Anh, Áo. 

Bị Washington đe dọa trừng phạt, Paris cần có sự hỗ trợ của EU để đáp trả, như trong hồ sơ nhôm thép trước đây. Vấn đề là vì muốn đi nhanh, Emmanuel Macron đã một mình dấn thân vào nhiều chủ đề như quan hệ EU-NATO, mở rộng Liên Hiệp Châu Âu, khối Mercosur, Nga…Muốn thúc đẩy Bruxelles, rốt cuộc ông Macron lại tự cô lập.

Hàng hải quân sự : Pháp-Đức cạnh tranh nhau, Trung Quốc được lợi

Trên lãnh vực quân sự, Les Echos cho biết : « Châu Âu không tái cơ cấu được ngành hàng hải quân sự, Trung Quốc thủ lợi ». Tuy Pháp và Đức cùng đẩy mạnh kế hoạch quốc phòng chung trên bộ và trên không, nhưng không có sự hợp tác nào trên biển. 

Trước sự cạnh tranh quyết liệt của các nước mới nổi mà đứng đầu là Trung Quốc, kỹ nghệ đóng tàu chiến của châu Âu quá manh mún để có thể đảm bảo chủ quyền về công nghệ. Paris và Berlin có rất nhiều dự án cùng hợp tác sản xuất phi cơ tiêm kích, xe tăng tác chiến, máy bay không người lái…nhưng Hải quân thì không. Tệ hơn nữa, hai bên lại cạnh tranh với nhau về tàu ngầm : TKMS của Đức và Naval Group của Pháp đều tự cho mình là nhất thế giới. 

Cay cú vì hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc lọt vào tay Pháp, TKMS dùng mọi cách để thắng thầu ở Na Uy, và đóng chiến hạm cho Brazil, Ai Cập. Các khu vực cảng biển Đức gây áp lực lên Quốc Hội để khỏi gọi thầu châu Âu về chiến hạm, còn các đơn đặt hàng của Hải quân Pháp cũng cung cấp việc làm cho vùng Normandie, Bretagne. Tờ báo phê phán việc đặt lợi ích địa phương lên trên, thay vì tập trung cho việc xây dựng kỹ nghệ hàng hải châu Âu hiện đại để đương đầu với Trung Quốc.

Venezuela và những thành phố không điện nước

Nhìn sang châu Mỹ la tinh, Libération có bài phóng sự về thành phố dầu lửa Maracaibo. Trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng, thành phố một triệu rưỡi dân nay không điện, không nước, không có dịch vụ y tế, cũng như nhiều thành phố khác của Venezuela.

Đặc phái viên của tờ báo mô tả những dây đèn trang trí Noel vẫn nhấp nháy cùng với câu khẩu hiệu của tòa thị chính « Maracaibo tái sinh ». Nhưng cách đó không xa là những dãy nhà chìm trong bóng tối. Điện bị cúp thường xuyên, trong khi trời nóng có lúc lên đến 40°C. Nhưng khó khăn nhất là nước sinh hoạt chỉ được cung cấp mỗi 20-25 ngày. Cũng có những xe xi-tẹc đến bán nước nhưng giá cả ngoài tầm tay với của hầu hết người dân.

Hậu quả rất nặng nề về y tế : bệnh ghẻ và sốt xuất huyết hoành hành tại các khu phố nghèo của Maracaibo. Nếu vào bệnh viện phải có trong túi khoảng 300 đô la để mua thuốc và dụng cụ, một khoản tiền mà ít ai có được. Bệnh viện thì xuống cấp trầm trọng, dịch vụ X quang không còn, ngay cả các bác sĩ cũng gần như làm việc không công vì lương tháng chỉ khoảng hơn 13 đô la. 

Macaraibo, thủ đô dầu lửa của Venezuela đang lịm chết

Chợ đen có nhiều loại hàng hóa buôn lậu từ Colombia, nhưng chỉ những ai có thân nhân ở nước ngoài gởi tiền về mới có khả năng mua thịt cá, thuốc men…Tại một gia đình mà nhà báo Pháp đến thăm, bốn đứa trẻ chỉ còn da bọc xương.

Trước đây Maracaibo sản xuất 1,5 triệu rưỡi thùng dầu/ngày (60% sản lượng toàn quốc), nay chỉ có 200.000 thùng. Đối với Evaristo Perez-Suarez, chuyên gia về dầu lửa Venezuela thân chính quyền, thì chính phủ chưa bao giờ biết sử dụng đúng đắn nguồn tài nguyên này. Ngay cả Hugo Chavez cũng đã bổ nhiệm những người bất tài quản lý kỹ nghệ dầu lửa. Một cựu kỹ sư trong ngành cho biết những người có năng lực không ai muốn làm cho Nhà nước Venezuela vì mỗi khi có vấn đề thì lại bị quy trách nhiệm.

Maracaibo đang trở thành một thành phố ma với bóng tối bao trùm hàng đêm, những chiếc xe hiếm hoi trên đường phải chạy thật chậm để tránh ổ gà. Trên các bức tường, những hình vẽ graffiti mô tả đúng đắn hơn câu khẩu hiệu của tòa thị chính : « Maracaibo đang lịm chết ».

Vận động viên Anh Duncan Scott (P) từ chối đứng chung với Tôn Dương (Sun Yang) của Trung Quốc đang có tai tiếng doping.
Doping : Sau Nga sẽ là Trung Quốc ?

Trên lãnh vực thể thao, La Croix nhận xét xì-căng-đan sử dụng thuốc kích thích của Nga thật ra không có gì mới. Các nước thuộc Liên Xô cũ, Đông Đức và cả Tây Đức đều dùng đến doping trong các cuộc thi tài thể thao quốc tế, và Trung Quốc rất có thể nằm trong danh sách sắp tới.

Theo chuyên gia Jean-François Bourg, việc cấm các vận động viên Nga thi đấu trong bốn năm tới là khó tránh khỏi, « vì đã đạt đến đỉnh với nước Nga của Putin. Có ít nhất bảy trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật chống doping thế giới ». 

Tuy nhiên Nga không phải là nước đầu tiên và cuối cùng dính doping. Điều bất ngờ là xì-căng-đan dùng thuốc kích thích đầu tiên nổ ra không phải tại Liên Xô hay Đông Đức mà ở Tây Đức, nhằm đoạt nhiều huy chương hơn nước anh em bên Đông. Còn Trung Quốc sau vụ Tôn Dương (Sun Yang), vận động viên bơi lội hàng đầu đã tự đập vỡ ổng thử nước tiểu để khỏi bị lộ, cũng đang trong tầm ngắm. Từ một nước trắng tay không có huy chương nào năm 1989, bỗng chốc vọt lên trên 100 huy chương thế vận, theo chuyên gia Bourg, không thể là chuyện tự nhiên.

http://vi.rfi.fr/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20191204-%C3%A1m-s%C3%A1t-r%E1%BB%ADa-ti%E1%BB%81n-b%C3%A1n-h%E1%BB%99-chi%E1%BA%BFuti%E1%BB%83u-qu%E1%BB%91c-malta-l%C3%A0m-x%E1%BA%A5u-m%E1%BA%B7t-eu

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.