vendredi 8 février 2019

Hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ đến từ chiến trường xưa Việt Nam ?


Nhật báo La Croix hôm nay 08/02/2019 nhận định « Thượng đỉnh Trump-Kim tại Việt Nam, cả một biểu tượng ». Việt Nam về mặt lịch sử, ý thức hệ và ngoại giao là một thỏa hiệp tuyệt vời đối với Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.

Chỉ vài giờ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump trong thông điệp liên bang loan báo sẽ gặp Kim Jong Un ngày 27 và 28/2 tại Việt Nam, Hà Nội đã lên tiếng cam đoan sẽ tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh này.

Cuộc họp lần thứ hai có lẽ mang tính quyết định hơn lần trước ở Singapore, được diễn ra tại một nước cộng sản, đồng minh lâu đời của Bắc Triều Tiên và đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995, hai thập niên sau chiến tranh. 

Việt Nam mang tính biểu tượng cao đối với Bình Nhưỡng vì đất nước này từng bị chia đôi trong hơn 20 năm, cũng như bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ năm 1945. Bắc Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên công nhận chế độ cộng sản Hà Nội về mặt ngoại giao, và còn gởi binh lính, thiết bị quân sự hỗ trợ. Khoảng mấy chục phi công Bắc Triều Tiên đã tử thương trong cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Gần đây đến lượt Việt Nam hỗ trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng trong nạn đói khủng khiếp thập niên 90. Sau khi Liên Hiệp Quốc cấm vận, trao đổi đã giảm xuống, nhưng đối với Bắc Triều Tiên thì Việt Nam vẫn là một hình mẫu : cải cách kinh tế theo kiểu tư bản nhưng chế độ cộng sản vẫn không bị ảnh hưởng. Đó là con đường mà Kim Jong Un muốn đi theo.

Đối với người Mỹ, chuyến viếng thăm của một hàng không mẫu hạm năm 2017 tượng trưng cho việc đẩy nhanh hợp tác quân sự Việt-Mỹ, trong nỗ lực tái cân bằng chiến lược trước mối đe dọa Trung Quốc. Thượng đỉnh lần thứ hai mang lại một lợi ích chiến lược khác cho Hoa Kỳ : hạn chế ảnh hưởng đang tăng cao của Bắc Kinh - đồng minh ngoại giao và chỗ dựa kinh tế của Bắc Triều Tiên. Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong Whun, Viện nghiên cứu chính trị Asan ở Seoul, ông Trump có thể dùng Việt Nam để « chỉ cho Bắc Kinh thấy là không phải đã nắm chắc Bắc Triều Tiên trong tay, và Hoa Kỳ có thể có được đối trọng với ảnh hưởng Trung Quốc ».
 
Đất nước này cũng mang tính biểu tượng cao đối với Washington, nhất là thành phố biển Đà Nẵng vì đây là nơi đầu tiên quân Mỹ đổ bộ trong chiến tranh Việt Nam. La Croix kết luận, nếu chiến trường xưa lại trở thành nơi loan báo hiệp ước hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, thì sự kiện này sẽ mang một tầm vóc lịch sử hiếm thấy.

Hoàng Hướng Mặc (thứ 2 từ trái) với cựu thủ tướng Julia Gillard và Sam Dastyari. Ảnh ABC News
Úc thẳng tay chống Trung Quốc can thiệp vào chính trường

Liên quan đến châu Á, Le Monde chú ý đến việc « Úc đóng sập cửa trước một nhà tài trợ Trung Quốc », do nhà tỉ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) đóng vai trò thao túng chính trường, làm lợi cho Bắc Kinh.

Ông Hoàng Hướng Mặc, với ngôi biệt thự lộng lẫy tọa lạc tại khu phố sang trọng Mosman ở Sydney, tượng trưng cho sự can thiệp của Bắc Kinh vào Úc. Tỉ phú này đã hào phóng tài trợ cho những chính khách nào chấp nhận. Chẳng hạn năm 2014 đã tặng số tiền tương đương 62.000 euro cho bộ trưởng Thương mại lúc đó là Andrew Robb, trong đó có phân nửa được trao đúng vào ngày Canberra và Bắc Kinh loan báo các chi tiết về hiệp định tự do mậu dịch.

Chính trong vườn nhà tỉ phú địa ốc vào cuối 2016, mà thượng nghị sĩ đảng Lao Động Sam Dastyari thông báo cho ông Hoàng là đang bị nghe lén. Cơ quan tình báo Úc nghi ngờ Hoàng Hướng Mặc là người phụ trách lobby của Bắc Kinh. Thực tế do nhận tiền của doanh nhân này, ông Dastyari đã đi ngược lại chủ trương của đảng mình, bênh vực cho việc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Sam Dastyari còn cố vận động để Hoàng Hướng Mặc được nhập quốc tịch Úc.

Số tiền 1,7 triệu euro đổ vào chính trường Úc đã thành « gậy ông đập lưng ông » : liên minh bảo thủ cầm quyền tung ra chiến dịch ngăn chận mọi can thiệp của Trung Quốc. Tháng 6/2018 một đạo luật chống can thiệp được thông qua, buộc tất cả các nhà vận động hành lang vì lợi ích nước ngoài phải đăng ký, và tăng cường các biện pháp chống gián điệp.

Dùng tiền bẩn để « mua » chính sách ?

Trong khuynh hướng cứng rắn này, bộ Nội vụ Úc thông báo cho Hoàng Hướng Mặc lúc ông này đang ở ngoài nước Úc, là đơn xin nhập tịch của ông đã bị bác, giấy phép cư trú bị hủy và ông sẽ không được cấp visa nhập cảnh.

Tờ Sydney Morning Herald nhận định việc đóng sầm cửa lại trước ông chủ giàu có của tập đoàn Yuhu « có thể là dấu hiệu mạnh mẽ nhất của Canberra cho Bắc Kinh về quyết tâm chống can thiệp vào chính trị Úc ». Tờ báo viết : « Các chính đảng từng nhận tài trợ từ ông ta nay phải tự hỏi, liệu có phải trả lại số tiền có lẽ là tiền bẩn hay không ? »

Hoàng Hướng Mặc làm giàu từ địa ốc ở Thâm Quyến, đã rời Hoa lục sang Úc năm 2011 khi nổ ra xì-căng-đan tham nhũng mà quan chức quê ông có dính líu. Ngay từ 2013, ông ta làm quen được Tony Abbott, người sau đó trở thành thủ tướng, có liên lạc thường xuyên với người phụ trách tài chính trong chiến dịch tranh cử. Năm 2015, ông thành chủ tịch Hội đồng xúc tiến thống nhất hòa bình cho Trung Quốc tại Úc, tổ chức vỏ bọc của Mặt trận Tổ quốc ở Hoa lục. 

Chủ đề này đặc biệt nhạy cảm tại Úc, đồng minh truyền thống của Mỹ và thành viên nhóm Five Eyes (hợp tác về tình báo). Nhưng Bắc Kinh dựa vào cộng đồng người Hoa đông đảo ở Úc, đặc biệt trong các trường đại học ; và thế mạnh của đối tác kinh tế hàng đầu : trao đổi giữa Úc với Trung Quốc bằng cả ba đối tác đứng sau là Nhật, Mỹ, Hàn cộng lại.

Ảnh một "người hùng" trước Ủy ban Vinh Thành. Ảnh Simina Mistreanu
Trung Quốc làm thí điểm theo dõi công dân

Còn tại Hoa lục, bài phóng sự của Le Figaro mô tả « Vinh Thành (Rongcheng), thí điểm cho Big Brother Trung Quốc ». Thành phố này thử nghiệm một hệ thống đánh giá công dân bằng điểm số, tùy theo thái độ ứng xử, để nhân rộng ra cả nước vào năm 2020.

Cư dân khởi đầu với số điểm 1.000, được phân làm 6 hạng AAA, AA, A, B, C, D. Các hành vi « tích cực » như tặng tiền cho các hội từ thiện, làm tình nguyện, giúp đỡ người nghèo, có hành động anh hùng…sẽ làm tăng điểm. Ngược lại, vi phạm luật giao thông, xả rác, phổ biến các thông tin « tiêu cực » trên mạng…sẽ bị trừ điểm. 

Theo nhiều chuyên gia, khó thể đưa ra một bộ tiêu chí chung cho toàn quốc tại đất nước 1,4 tỉ dân, mà tùy theo các chính quyền địa phương. Human Rights Watch tố cáo « vi phạm quyền riêng tư » qua việc lập ra cơ sở dữ liệu khổng lồ, và sự tùy tiện trong việc lập danh sách đen.Ví dụ cụ thể là nhà báo điều tra Liu Hu sau khi tố cáo quan chức tham nhũng đã bị kết án, cho vào danh sách này. Hậu quả là ông không được đi máy bay, không được mua nhà. 

Báo chí chính thức cho biết hàng triệu người « bất tín nhiệm » đã bị hủy 11 triệu chuyến bay và 4,25 triệu chuyến tàu cao tốc, từ 2013 đến tháng 4/2018. Địa phương còn cho bêu tên và hình ảnh trên mạng : có thể biết được người này không trả nợ, người kia không trợ cấp nuôi con sau khi ly dị…Tuy gây nhiều bất bình ở nước ngoài, nhưng người Trung Quốc thì đã quen chịu đựng sự kiểm soát của đảng Cộng Sản từ nhiều thập niên qua.

Tập Cận Bình ưu ái doanh nghiệp nhà nước

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nói về « Sự phản công của các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc ». Tập Cận Bình đặt các công ty quốc doanh vào trung tâm chính sách kinh tế, còn doanh nghiệp tư nhân bị trói tay, và là nạn nhân đầu tiên chịu hậu quả của tình trạng kinh tế chậm lại. Điều này đi ngược lại với lời hứa dành « một vai trò quyết định » cho thị trường của ông Tập lúc mới nhậm chức năm 2013. 

Đối với hàng ngàn doanh nhân, việc Bắc Kinh siết chặt tín dụng trở thành tai họa : công ty tư nhân không vay được tiền, phải quay sang tín dụng đen hoặc chịu phá sản. Trong khi đó, hồi tháng 10/2018 có ít nhất 16 ngân hàng nhanh chân cho công ty xe hơi quốc doanh FAW vay số tiền kỷ lục là 1.000 tỉ nhân dân tệ (130 tỉ euro). Nếu trước đây bị chỉ trích vì kém hiệu quả, thì nay lãnh vực công được ngân hàng dành ưu tiên, và có được sự hỗ trợ chính trị của đảng. Tập Cận Bình cho rằng 160.000 doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì ổn định xã hội.

Bệnh viện Venezuela thiếu thốn phương tiện, trẻ sơ sinh được đặt trong thùng carton. Ảnh CNN
Tử vong trẻ sơ sinh : Bước lùi khủng khiếp của Venezuela 

Nhìn sang châu Mỹ la-tinh, Les Echos nhận xét « Tỉ lệ tử vong trẻ em : Bước lùi khủng khiếp của Venezuela ». Theo số liệu của các nhà nghiên của Viện Dân số Quốc gia (INED) và các trường đại học Venezuela vừa được công bố trong The Lancet Global Health, số trẻ em tử vong bắt đầu tăng lên từ năm 2009, khi ngân sách y tế bị cắt giảm mạnh. Riêng tại bệnh viện phụ sản Santa Ana ở Caracas, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong lên đến 20%. 

Trước đây Venezuela là nước có tiến bộ lớn nhất châu Mỹ la-tinh : từ 108 trường hợp tử vong trong số 1.000 bé sơ sinh, giảm xuống chỉ còn có 18,2 vào năm 2000. Đó là nhờ mức sống được nâng cao, trang thiết bị y tế được nâng cấp, các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, phân phối thuốc kháng sinh.
Giờ đây Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận một số bệnh truyền nhiễm đã quay trở lại, thêm vào đó là tình trạng suy dinh dưỡng ngày càng tồi tệ hơn.

Mua hàng phân phối tại một cửa hàng quốc doanh ở La Habana, Cuba ngày 07/02/2019.
Chiêu dụ Cuba để kết thúc chế độ độc tài Venezuela trong hòa bình ?

Làm thế nào để kết thúc chế độ độc tài Maduro ? Trên trang Ý kiến của Le Monde, triết gia kiêm nhà nghiên cứu chính trị Renée Fregosi ghi nhận, đối lập Venezuela hy vọng một sự chuyển đổi dân chủ. Muốn vậy phải thuyết phục được Cuba, hiện đang hiện diện cùng khắp trong bộ máy nhà nước Venezuela.

Khi tuyên bố « chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21 », Hugo Chavez đã mở toang cửa cho Cuba xâm nhập vào mọi tổ chức nhà nước Venezuela : cơ quan xã hội, lực lượng vũ trang, giao thông (nhất là hàng không), thậm chí cả cơ quan hộ tịch. Theo tác giả, có lẽ nên thương lượng viện trợ cho Cuba với điều kiện La Habana chấp nhận để cho Venezuela tự chọn lựa định mệnh của mình.

Tựa chính báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm các hàng tựa chính của các báo Paris hôm nay. Le Monde kể ra : « Sức mua, an ninh, sinh thái, những vấn đề gây bất đồng trong đảng cầm quyền ». Libération tiết lộ mối quan hệ mờ ám của Alexandre Benalla, vệ sĩ của ông Macron từng gây tai tiếng cho Phủ tổng thống mới đây, nay đến lượt Dinh thủ tướng cũng bị ảnh hưởng. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến danh sách 500 doanh nghiệp năng động nhất nước Pháp, có tỉ lệ tăng trưởng bình quân đến 44%. Le Figaro chạy tựa « Khủng hoảng ngoại giao giữa Pháp và Ý », còn nhật báo công giáo La Croix cho biết bắt đầu điều tra về vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190208-hoa-binh-cho-ban-dao-trieu-tien-se-den-tai-chien-truong-xua-viet-nam

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.