Từ nhỏ tôi đã
thích nhạc Phạm Duy, dù trước năm 1975 tôi không thích con người ông. Tôi có
đọc hai cuốn sách viết về ông : “Phạm Duy
còn đó nỗi buồn” của Tạ Tỵ và “Phạm
Duy đã chết như thế nào ?” của Nguyễn Trọng Văn.
Trước 1975, tôi
đứng về “phe” Nguyễn Trọng Văn, sau 1975 tôi thích cách viết của Tạ Tỵ. Dù đứng
về “phe” nào thì tôi vẫn thích nhạc Phạm Duy. Nói rõ hơn, tôi thích nhất là
tình ca của ông, còn đạo ca và tục ca thì không thích. Có một bài không phải tình ca nhưng tôi rất thích, đó là bài “Kỷ vật cho em”.
Từng có nhiều bàn
cãi về ca từ của bài hát này và người ta đã xác định đó là một bài thơ, cả Phạm
Duy và tác giả của bài thơ đó đã xác nhận. Nhưng tôi không quan tâm, vì nếu bài
thơ kia không được Phạm Duy phổ thành một bài hát thì nó đã bị quên lãng như
hàng vạn những bài thơ khác.
Điều đáng nói là “Kỷ vật cho em” là bài hát phản chiến,
từng bị chính quyền VNCH cấm, tất nhiên cấm lỏng lẻo, vì nó vẫn được hát. Nhạc
Phạm Duy sau năm 1975 bị cấm tiệt, sau khi nới lỏng bằng cách cho phổ biến một
danh sách các bài hát được phép, nhưng danh sách đó không có bài “Kỷ vật cho em”, nó vẫn đang bị chính
quyền mới cấm dài hạn.
Tôi gặp Phạm Duy
hai lần, cách đây hơn mười năm. Lần thứ nhất, tại nhà anh Nguyễn Công Khế. Tôi
không có ý định viết gì về ông, đơn giản là tôi không viết được về âm nhạc, còn
chuyện này chuyện kia thì thiên hạ đã viết quá nhiều rồi. Tôi nghe ông nói
chuyện, chỉ nói với ông là tôi thích bài “Kỷ
vật cho em” và bày tỏ sự ngưỡng mộ bài hát này. Ông tỏ ra cảm động, nói đó
là một bài hát phản chiến, và không hề thắc mắc vì sao bài hát này không được
phép lưu hành.
Lần thứ hai, tôi
được mời đi ăn trưa với ông, cùng với một người bạn. Sau khi kể chuyện đông
chuyện tây, ông bất ngờ nói, với một thoáng dịu dàng trên khuôn mặt, rằng có
một nhà thơ nữ mới hơn 20 tuổi tỏ tình với ông. Ông hàm ý hỏi tôi cô ấy là
người như thế nào và ông có nên hay không nên.
Tôi biết ông vẫn
còn có thể yêu đương, vì vậy hơi hoảng khi nghĩ ông sẽ sa vào một mối tình,
không đến mức phải thân bại danh liệt, nhưng chắc chắn sẽ để lại nhiều tai
tiếng. (Tôi không tiện nói tên nhà thơ nữ ấy ở đây và cũng xin các bạn đọc stt
này không suy diễn tùy tiện nhé).
Tôi không phải là
kẻ hồ đồ nghĩ gì nói vậy về đời tư của người khác, dù tôi biết ở đời có nhiều
người cố tình tạo ra tai tiếng cùng người nổi tiếng để được “phái sinh”. Tôi trả lời rằng tôi không
biết, rằng ông nên tự mình tìm hiểu tự mình cảm nhận tự mình quyết định nên hay
không nên. Ông im lặng một lúc, rồi nói sang chuyện khác.
Tôi âm thầm theo
dõi chuyện này, có hơi hồi hộp, cho đến khi ông qua đời, vẫn không xảy ra sự cố
tai tiếng gì. Ông đã đủ tỉnh táo để thoát hiểm, có lẽ vậy, thật là may mắn.
FB HOÀNG HẢI VÂN 08.08.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.