Nhà văn, dịch giả Đoàn Phú Tứ. |
Đã từ lâu rồi tôi
luôn có một nguyện vọng viết về người bác kính yêu của mình, bác Đoàn Phú Tứ,
người bác gần gũi nhất với tôi trong số tất cả họ hàng bên nội của mình. Không
hiểu duyên cơ gì mà tôi lại được bác quý và được gần gũi với bác đến thế. Trong
đời mình rất ít khi tôi mê nhưng nếu có thì tôi thường mê thấy bố mẹ tôi và
bác.
Cách đây mấy hôm,
cậu bạn già thân thiết Phan Trí Đỉnh có một bài viết về bác nên càng giúp tôi
quyết tâm viết về người bác kính yêu của mình. Viết về những gì tôi biết và
được nghe bác hay bố tôi kể về bác.
Bác tôi là người
con thứ hai trong gia đình có 9 anh em, nhưng hai bác gái tôi đã qua đời rất
sớm, để lại 7 anh em trai gắn bó nhau suốt cả cuộc đời. Tất cả anh chị em đều
sinh ra trong một ngôi nhà trên phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) ở Hà Nội. Cụ
nội tôi là tri huyện nhưng sớm từ quan để sống với niềm đam mê của mình là văn
thơ cùng săn bắn. Theo như các bác kể thì hồi cụ nội còn sống có cả một đàn chó
săn nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Làng Xã Đàn (cách
Ô Chợ Dừa một đoạn không xa) chính là điền trang của họ nội, là nơi cứ đến Chủ
nhật cuối tuần thì cả đại gia đình đưa nhau về đó thưởng thức không khí đồng
quê. Ông bà nội tôi mất sớm nên bác cả tôi cùng bác gái đã thay bố mẹ chăm sóc
các em cho đến khi trưởng thành, mỗi người đi một ngã.
Gia đình bác Cả
(Đoàn Phú Quán) về Lò Đúc, gia đình bác Tứ về Châu Long, gia đình bác Ba (Đoàn
Phú Chiêm) về phố Huế, gia đình bác Tư (Đoàn Phú Tư) về Cầu Gỗ, gia đình bác
Năm (Đoàn Phú Canh) ở tít tận Mộc Hóa, Long An ; gia đình bác Sáu (Đoàn
Phú Tặng) về Bà Triệu và gia đình bố mẹ tôi, em út trong nhà ở cùng nhà với ông
bà ngoại và cũng là cùng nhà với gia đình bác Cả ở Lò Đúc. Đây là một biệt thự
hai tầng với nhiều phòng. Nhà bác Cả ở tầng dưới còn nhà ông bà ngoại tôi ở
tầng trên.
Hàng năm, cả đại
gia đình họ nội chúng tôi lại tập trung ở nhà bác Cả trong những ngày giỗ ông
bà nội và tối giao thừa. Tuy những năm giữa thập kỷ 50 thì tôi còn bé lắm, mới
ba, bốn tuổi nhưng không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh của những
ngày đó. Bác Cả gái, tên thật là bác Quế, trước năm 1954 là giáo viên tiếng
Pháp của trường trung học Albert Saraut trên phố Hai Bà Trưng nhưng sau năm
1954 thì tiếng Pháp bị loại bỏ khỏi các môn học nên bác gái tôi trở thành gia
sư cho một số gia đình ở Hà Nội.
Ngày nào bác tôi
cũng đi dạy với những bộ quần áo dài trắng rất đẹp, bộ tóc dài được quấn vành
khăn trên đầu. Thời kỳ đó mấy anh em của bố tôi toàn xưng hô với nhau bằng “Toi” – “Moi” chứ không xưng hô như
trong các gia đình khác. Đến cuối năm 1956 thì bỗng nhiên tôi không còn thấy
bác gái tôi đi dạy học trong bộ áo dài trắng nữa. Thay vào đó là áo trắng hoặc
mỡ gà lụa dài tay xẻ ngang hông cùng với hai cái túi áo nhỏ phía trước bụng.
Bố tôi và các bác
cũng không xưng hô với nhau bằng “Toi” –
“Moi” như trước mà xưng hô “Anh” –
“Tôi”. Các em chồng gọi chị dâu của mình là “Chị” xưng “Tôi” còn các
anh rể gọi em dâu của mình là “Cô” xưng “Tôi”. Lúc đầu tôi cũng lạ với cách
xưng hô đó nhưng rồi quen dần và thấy bình thường. Sau này, khi đã lớn thì tôi
có hỏi bố tôi về cách xưng hô đó và được trả lời là để bình đẳng trong quan hệ.
Trong những lần
gặp gỡ đại gia đình như vậy thì sau bữa ăn, các bác và bố tôi đều ngồi tụ nhau
trong phòng khách để trò chuyện và lúc đó mọi người thường nói với nhau bằng
tiếng Pháp. Các bác gái và mẹ tôi lại tụ tập ở phòng bên cạnh tâm sự về chuyện
gia đình, củi nước.
Là cháu út trong
họ nên tôi thường ở lại với các bác, lúc thì ngồi vào lòng bố tôi, lúc lại sà
vào lòng bác Tứ. Tôi rất khoái chòm râu và bộ ria cong vút của bác. Không hiểu
bác Tứ để ria từ bao giờ nhưng từ khi tôi bắt đầu biết nhớ thì tôi đã nhìn thấy
bộ râu và chòm ria cũng mái tóc xoăn xoăn tự nhiên của bác.
Trong mấy anh em
thì có lẽ bác Tứ và bố tôi gần gũi với nhau nhất và có lẽ nhờ vậy nên trong cả
mấy chục người cháu trong họ thì tôi cũng là người tiếp xúc với bác Tứ nhiều
nhất. Bác Tứ thường đến nhà tôi trên “con ngựa sắt”, là chiếc xe đạp điện đen
tuyền từ thời Pháp với bộ phanh cũng bằng những thanh sắt nhỏ nối với nhau chứ
không phải là loại phanh thông dụng như bây giờ. Đã có lần tôi suýt dập mặt vì
cái xe đó vì không bóp nổi hai tay phanh cứng nhắc đó.
Bố tôi và bác Tứ
thường tâm sự với nhau rất lâu và thường cả hai đều có bộ mặt trầm ngâm như
đang nghĩ về vấn đề gì hệ trọng lắm. Gần như lúc nào bác Tứ cũng có cái tẩu
trên môi cùng làn khói trắng uốn quanh bộ ria của bác.
Những khi rảnh
rỗi, nhất là sau khi đã tốt nghiệp đại học rồi ra làm việc thì tôi thường đến
thăm bác. Ngôi nhà 12 Châu Long lúc nào cũng đen bụi than do nhà máy điện Yên
Phụ phả vào. Sau năm năm 1954 một thời gian thì tầng trệt của gia đình bác bị
chính quyền trưng thu làm lớp mẫu giáo nên cả gia đình đông người phải dồn lên
ở tầng lầu.
Nơi làm việc của
bác là mọt góc nhỏ ngay sát cầu thang với ngổn ngang giấy tờ, là những bản dịch
nháp các cuốn tiểu thuyết, kịch từ tiếng Pháp. Phần lớn những cuốn sách mà bác
Tứ dịch là tôi được đọc từ những bản nháp đó như “Hồn ma bóng quỉ”, “Trưởng giả học làm sang”, “Hài kịch Shakespeare” … và nhất là cuốn
tiểu thuyết nổi tiếng “Đỏ và Đen” của
nhà văn Stendhal, tên thật là Henri Mari Beyle. Tôi đã đọc ngấu nghiến một cách
say mê mặc dù đó chỉ là những bản thảo. Bằng cả sự say mê bác Tứ dịch và viết
nhiều lắm nhưng cho đến cuối đời nhà xuất bản Văn Học chỉ chấp nhận in một số
lượng nhỏ với những điều kiện vô cùng khắt khe.
Bác Khiêm, bác
gái vốn là nữ sinh viên, kém thầy giáo mình 21 tuổi nhưng đã mang lòng yêu bác
Tứ để rồi hai bác trở nên vợ chồng. Sau này, dù là một giáo viên giỏi tiếng Anh
nhưng vì là vợ bác Tứ nên không một trường học, một cơ quan nào dám nhận bác
vào làm việc. Hai bác đã phải làm tất cả mọi việc có thể để nuôi sống gia đình
mình.
Những năm đầu của
thời kỳ tem phiếu, ngoài tiêu chuẩn gạo ít ỏi (13 kg/người/tháng) thì cả gia
đình bác Tứ hoàn toàn không được hưởng bất kỳ tiêu chuẩn nào khác như thịt, cá…
Thật ra đó cũng chỉ là tiêu chuẩn vô cùng “khiêm tốn” với mức 350 gram
thịt/người/tháng, là tiêu chuẩn cho người dân, không nằm trong biên chế nhà
nước. Hàng tháng bố tôi vẫn lẳng lặng trích một phần tiêu chuẩn của mình như thịt,
thuốc lá, … cho gia đình anh trai mặc dù bản thân tiêu chuẩn của cụ cũng chẳng
nhiều nhặn gì.
Tôi còn nhớ lần
mẹ tôi bị kẻ gian móc túi lấy hết tem phiếu của tháng đó ngay hôm đầu tháng,
trong đó có cả phiếu mua thuốc lá. Bố tôi buồn vì không phải không có thuốc hút
mà buồn là không có thuốc cho anh trai mình. Cụ đã nhờ người mua thuốc lá sợi
từ Bắc Giang, Bắc Ninh về để anh mình có thuốc hút. Mỗi lần có điều kiện mua
thuốc lá ngoài tiêu chuẩn là tôi cũng dành cho người bác kính yêu của mình. Vì
thời gian đó giấy trắng rất khan hiếm nên tôi thường xin lũ bạn làm việc bên
phân viện máy tính những tập giấy máy tính, loại đục lỗ hai lề đã sử dụng để
bác Tứ có thể dùng làm nháp cho các tác phẩm của mình.
Thời gian tôi gần
gũi bác Tứ nhiều nhất là vào năm 1983 – 1985, khi tôi đang chờ giấy phép được
quay trở lại Tiệp Khắc để đoàn tụ với vợ con ở bên này. Hai bác cháu thường ra
mấy quán café quen thuộc của những cây đa, cây đề trong nền văn học, nghệ thuật
Miền Bắc ở Hà Nội để uống trà, uống café và tôi cũng không ít lần chứng kiến
cảnh ông chủ quán Lâm đã nhận những bức tranh vẽ phác thảo tại chỗ của cụ Bùi
Xuân Phái thay cho thanh toán tiền mặt.
Thời gian đó tôi
được nghe bác Tứ tâm sự về mình nhiều nhất, kể cả những điều mà rất ít người
biết. Là một người đào hoa từ khi còn trẻ đến tận lúc về già nhưng chưa bao giờ
bác Tứ có một cuộc tình trăng hoa, kể từ khi còn thanh niên đến sau khi đã có
gia đình.
Có lẽ gia đình
bác Tứ tôi là một trong những gia đình đầu tiên ở Hà Nội nuôi lợn trong sân nhà
để có nguồn cải thiện từ những năm đầu của thập kỷ 60. Mỗi buổi chiều, bác tôi
phải ra chợ Hàng Da để lượm rau quả hỏng mà các bà hàng vứt đi để có thức ăn
cho lợn. Cũng vì thế mà một lần ông Phạm Văn Đồng đi qua, khi nhìn thấy bác tôi
đang bới đống rác lượm rau quả, đã bảo lái xe dừng lại để hỏi tình hình, làm
như ông ấy không biết rằng chính cái chính quyền của ông ấy đã đầy đọa bác tôi
như thế nào.
Sau khi nghe
chuyện về những cuốn truyện, vở kịch được bác Tứ dịch nhưng không được phát
hành, thì ông Đồng đã yêu cầu nhà xuất bản “Văn Học” cho in những cuốn đó nhưng
cũng phải mấy năm sau thì yêu cầu đó mới được thực hiện. Bộ Văn Hóa không đồng
ý bác tôi để tên thật của mình trên những cuốn sách đó mà phải chọn một bí
danh. Để có khoản thu nhập thì cuối cùng bác tôi đã phải chấp thuận và chọn cho
mình cái bí danh “Tuấn Đô”. Bộ Văn Hóa uất lắm nhưng không còn cách nào hơn là
phải thừa nhận cái bí danh đó bởi vì TUẤN ĐÔ đọc ngược là ĐỐ TUÂN.
Cộng sản quả là
ác độc và nhỏ mọn. Chính vì vụ án “Trần Dụ Châu” mà có những kẻ trong số đó
muốn triệt hại bác Đoàn Phú Tứ đến tận cuối đời. Sách báo thường kể rằng bác Tứ
đã có câu nói khẳng khái trong lễ tiệc cưới của Trần Dụ Châu để rồi dẫn đến
việc Trần Dụ Châu bị chính tay ông Hồ ký lệnh xử bắn. Thật ra đó không phải làm
đám cưới của Trần Dụ Châu là mà đám cưới một thuộc hạ thân tín của Trần Dụ Châu
do tay này đứng ra làm chủ hôn.
Mãi đến sau này
bác Tứ cũng không hiểu tại sao Trần Dụ Châu đích thân mời bác đến dự. Trong bữa
tiệc cưới hôm đó có gần đầy đủ mặt của các quan chức quân đội, cấp bậc còn cao
hơn nhiều so với Trần Dụ Châu và tất cả đều hỉ hả giữa những dòng rượu đắt tiền,
thuốc lá sang trọng của Pháp, Mỹ cùng đủ sơn hào hải vị dưới những cây nến
trắng to bằng cổ tay, cổ chân được thắp sáng rực.
Bác tôi ngạc
nhiên vì trong hoàn cảnh chiến trường vô cùng khó khăn, gian khổ như vậy, người
lính phải ăn cơm nắm, muối vừng nhưng các quan chức cao cấp có thể vui vẻ như
vậy. Các sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ có nằm mơ cũng
không thể có được một bữa tiệc thịnh soạn như vậy.
Để có được những
món cao cấp như thế đưa ra từ vùng Pháp kiểm soát là một điều gần như không
tưởng, chưa kể dến những chặng đường vượt dốc khó khăn mà đoàn xe thồ phải đi
qua cả tuần lễ nhưng tại tiệc cưới thì bác tôi được các quan chức cho biết rằng
cả một trung đội dân công đã phải thực hiện bằng được công việc đó.
Sau khi nói lên
suy nghĩ của mình thì bác tôi đã bị một số quan chức cao cấp dè bỉu và có kẻ
còn cho rằng “dở hơi vì của ngon đến
miệng mà không biết hưởng”.
Sau khi Trần Dụ
Châu nhận án tử hình thì bác tôi đã phải nhận không ít lời dèm pha, coi bác tôi
như “kẻ mách lẻo” và thậm chí còn có những lời đe dọa. Chính vì những kẻ như
vậy mà bác tôi, đại biểu Quốc hội khóa 1 hồi năm 1946, nhận ra bộ mặt thật của
họ để rồi dẫn đến quyết định trở về Hà Nội với sự nghiệp văn chương hồi hè
1951.
Tưởng vậy là yên
nhưng bác tôi không ngờ rằng sau năm 1954, khi chính quyền nằm trong tay đảng
Cộng sản, thì một số kẻ có mặt trong buổi tiệc cưới hôm đó đã ngay lập tức thực
hiện lời đe dọa của mình bằng cách vu cho bác Tứ, nguyên là một thành viên sáng
lập nhóm “Tự Lực Văn Đoàn” có liên
quan với nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”
cùng nhiều nhóm khác mà chúng qui cho cái tội “chống đảng” cùng cái tội “dinh
tê” về Hà Nội.
Thực chất, theo
như bác Tứ nói đó chính là hình thức trả thù cho Trần Dụ Châu vì những kẻ có
mặt trong bữa tiệc cưới đó, sau này nhắn tin de dọa bác, đã trở thành những
lãnh đạo của Bộ Văn Hóa sau năm 1954. Cuộc đời của bác tôi cùng gia đình bắt
đầu bị vùi dập từ đó.
Thời gian ấy, như
bác và bố tôi kể, đã có một số bạn bè khuyên bác nên viết thư xin lãnh đạo Bộ
Văn Hóa “lượng thứ và xem xét lại” nhưng
không bao giờ bác tôi chấp nhận. Trong một chiều hè 1984, tại quán café trên
phố Phan Bội Châu, sau khi được nghe bác tâm sự, tôi có hỏi lý do tại sao không
bao giờ bác làm theo lời khuyên của bạn bè thì bác chỉ nói một câu ngắn gọn “Không bao giờ bác quỳ gối van xin lũ khốn
nạn đó”.
Tôi viết những
dòng này như để tưởng nhớ đến người bác kính yêu của mình, bác Đoàn Phú Tứ. Một
người không bao giờ khuất phục trước cường quyền.
Bác Đoàn Phú Tứ
của tôi là như vậy đấy.
P.S: Hồi còn nhỏ,
khi nghe tôi hỏi tại sao thỉnh thoảng các bác lại nói chuyện với nhau bằng
tiếng Pháp thì tôi được giải thích là để các bác không quên ngôn ngữ đó. Sau này, khi đã
lớn thì tôi mới hiểu rằng các bác cùng bố tôi nói với nhau bằng tiếng Pháp về
những vấn đề mà không phải ai cũng nên nghe.
ĐOÀN PHÚHÒA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.