Lincohn: "Đừng ngại người ta không biết ơn bạn, nhưng cố gắng xứng đáng để được tri ân". |
Thằng đó chính là
tôi. Hồi xong tiểu học, khi đi học nghề sửa radio (nhưng bất thành), có lần
ngồi lên chiếc honda của ông chủ định xin tập thử. Một anh lớn tuổi nhìn tôi
bằng nửa con mắt, nói “hạng của mày mà
cũng đi honda à”.
Nghe câu ấy tôi
không thấy tủi thân, dù chưa đọc kinh Phật. Thỉnh thoảng nghĩ lại thấy anh kia
nói đúng, phải một năm sau ngày tôi được anh ta xếp hạng, mẹ tôi mới mua cho
tôi được một chiếc xe đạp cũ và hơn hai mươi năm sau tôi mới mua được một chiếc
honda.
Nhà tôi nghèo, mẹ
tôi không mang lời hay ý đẹp dạy cho tôi. Một hôm có người phụ nữ đi ngang qua,
tạt vào nhà ra sau hè đi đái nhờ, làm rơi một túi tiền. Tôi nhặt được chạy theo
trả lại. Mẹ ôm tôi vào lòng, nói “con ngoan lắm”. Đó là mẹ dạy tôi không tham
lam.
Có lần tôi sang
quê bà nội ăn giỗ, về mẹ hỏi ăn gì, tôi bảo ăn đu đủ trộn, mẹ nói sao chỉ ăn đu
đủ trộn, tôi nói trước mặt có dĩa đu đủ trộn thì ăn, những thứ khác không để
trước mặt là không dành cho mình. Mẹ cười, bảo “con dại lắm”. Không phải mẹ khuyên tôi ăn cho đủ món mới là khôn,
mà hàm ý rằng con chỉ ăn đu đủ trộn cũng được, nhưng đừng nghĩ những người ăn
đủ món trên bàn là không tốt.
Mẹ mất, chị nuôi
tôi một thời gian, rồi một mình ra Đà Nẵng học lớp 8. Khi thì ngủ ở ký túc xá,
khi thì rúc vào chân cầu thang ngủ. Chẳng còn ai dạy dỗ phải sống sao cho nên
người. Lời mẹ bảo như thế nào là ngoan và như thế nào là dại, thành cái “dĩ bất biến ứng vạn biến” để sống.
Nhưng đâu có đủ để thành người có giáo dục được.
Đến năm lớp 9 hay
lớp 10 gì đó, xem lén sổ tay của một người bạn thân, thấy ghi một đoạn về “Người có giáo dục” trong bức thư của
nhà văn Nga Tchekov gửi cho em trai. Vì đoạn đó hay quá nên mấy chục năm tôi
vẫn còn nhớ (có thể không nguyên văn lời dịch) :
“Những người có giáo dục biết tôn trọng nhân cách,
bởi vậy bao giờ họ cũng độ lượng, mềm mỏng, lịch sự và biết nhường nhịn. Họ
không bao giờ nổi đóa lên vì ăn phải một bát súp cho muối quá tay hay vì một
cục tẩy bị rơi mất. Họ không chỉ biết thương những người ăn mày và những chú mèo
con, họ biết đau đến cả những điều mắt thường không trông thấy.
Họ trung thực và sợ điều dối trá như sợ lửa. Họ không
nói dối ngay cả trong những chuyện tầm phào vặt vãnh. Dối trá là xúc phạm người
nghe và ti tiện hóa người nói. Họ không làm điệu, uốn éo, không bắt nạt những
kẻ yếu hơn mình. Họ không ba hoa và không trút ra hàng tràng lời tâm sự khi
không ai muốn hỏi. Họ không tự hạ mình để gợi lòng thương hại ở kẻ khác. Họ
không vội vàng tất bật…, không khoác lên mình những vòng trang sức giả như sự
làm quen với người nổi tiếng…”.
Còn nhiều dòng
nữa, hình như Tchekov khuyên em trai rằng, để trở thành một người có giáo dục
thì phải đọc nhiều sách, phải quý thời gian, phải làm việc chăm chỉ, v.v… tôi
không thích mấy nên không nhớ. Tôi không thích lời khuyên đó, vì mẹ tôi chưa
bao giờ đọc sách.
Sau này tôi có
đọc bức thư này bằng tiếng Anh và một số bản dịch tam sao thất bản, nhưng không
quan trọng, cũng không cần phải nhớ hết. Tôi cũng chưa bao giờ mượn lời hay ý
đẹp này hay những lời tương tự để dạy con hay nói với người khác. Hình như
những lời đó dành cho những người có quá nhiều thứ cần phải buông bỏ, chứ cái
hạng không xứng ngồi trên xe honda như tôi thì có gì. Tôi cũng đâu có biết
người nào thì cần buông bỏ cái gì, dù người đó là con tôi.
Sau này, bạn bè
tôi, đồng đội tôi, đồng nghiệp tôi, người thân trong gia đình tôi đã dạy tôi
rất nhiều thứ, cả những con chó tôi nuôi cũng dạy tôi đạo lý làm người. Nhưng
đâu phải cái gì tôi cũng học được.
Ông nội tôi hồi
chiến tranh gần 70 tuổi phải theo đạo Tin Lành để thỉnh thoảng kiếm bột bắp bột
mì về giúp mẹ con tôi, mỗi bữa ông chỉ ăn một chén cơm rồi bỏ đũa, nói ông no
rồi, nhưng tôi biết ông triền miên đói. Hơn 70 tuổi ông lên Đăk Lăk, nói là ở
với chú tôi nhưng sự thật là ông đi ở đầy tớ cho người ta để kiếm tiền thỉnh
thoảng gửi về giúp tôi ăn học.
Chiến tranh kết
thúc, tôi đã không kịp đi tìm ông, để ông mất không tìm ra mộ. Tôi không bao
giờ có cơ hội được nấu cho ông tôi ăn, dù chỉ một bữa cơm. Tôi đúng là một
thằng mất dạy.
Nếu đến ngày phán
xử, tôi phải đứng trước cái bàn cân như anh nông dân trong một truyện ngắn của
Turgeniev, đếm từng tật xấu bỏ vào một bên, còn bên kia bỏ điều ngược lại, thì
chỉ riêng sự tệ hại vô ơn đối với ông mình, tôi chắc chắn sẽ bị đày xuống chín
tầng địa ngục, bất kể đầu bên kia có bao nhiêu là điều tốt tôi đã làm trong
đời.
Mà sự vô ơn trong
đời tôi thì đâu có ít. Vô ơn là loại mất dạy chỉ một mình ta biết mà thôi.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.