Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và đồng nhiệm
Nga Serguei Lavrov hôm nay 12/04/2017 tại Matxcơva đã có cuộc thảo luận
quan trọng về tương lai quan hệ giữa hai cường quốc, sau đợt khẩu chiến
về Syria.
Cuộc đối thoại được dự báo sẽ rất gay go ấy diễn ra như thế nào ? Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne tường thuật :
« Chủ
và khách đều khẳng định muốn có một cuộc đối thoại thẳng thắn. Ngoại
trưởng Nga đã tiếp đón người đồng nhiệm Mỹ một cách nồng nhiệt - như cần
phải thế, nhưng cũng nhanh chóng bày tỏ mong muốn biết được ý định thực
sự của Nhà Trắng về chính sách đối ngoại.
Matxcơva muốn
tránh việc Mỹ lại tấn công Syria, và bàn bạc thành lập một mặt trận
chung chống lại quân khủng bố. Về phía ông Rex Tillerson cho biết sẵn
sàng thảo luận thẳng thắn để làm rõ những lợi ích chung cũng như những
điểm bất đồng giữa hai nước.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Nga
với thế mạnh, nhờ có được sự ủng hộ của các nước G7 trong hồ sơ Syria.
Nga chỉ được mỗi mình Iran đồng tình trong sự kiện mới này, còn Thổ Nhĩ
Kỳ - mà Matxcơva đã lôi kéo vào tiến trình thương lượng ngừng bắn - đã
vỗ tay hoan nghênh việc Mỹ bắn hỏa tiễn vào Syria.
Bằng chứng quan trọng của chuyến công du này đối với người Nga :
từ 48 tiếng đồng hồ qua, trên trang web của bộ Ngoại giao Nga xuất hiện
một video bằng tiếng Anh, lặp lại vài khẩu hiệu chính như « chúng tôi
muốn đối thoại để giảm nhẹ thay vì làm trầm trọng thêm căng thẳng quốc
tế ». Đây là lần đầu tiên cơ quan ngoại giao Nga cho đăng như vậy.
Và
sáng nay, phát ngôn viên điện Kremlin cũng không loại trừ khả năng gặp
gỡ giữa ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Nga Vladimir Putin ».
Tin
mới nhất từ đại sứ quán Hoa Kỳ tại Matxcơva cho biết tổng thống Nga
Putin đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Tillerson ở điện Kremlin. Phía Nga xác
nhận cuộc gặp ngoài dự kiến này.
Pháp muốn tranh thủ cơ hội để tái lập thương thảo
Tổng
thống Pháp François Hollande cho rằng Pháp và châu Âu phải tận dụng cơ
hội để tái lập thương lượng hòa bình Syria. Trong bài trả lời phỏng vấn
nhật báo Le Monde số đề ngày mai, ông nhấn mạnh : « Tôi
không nghĩ vụ tấn công bằng khí độc chỉ là một vụ khiêu khích. Chế độ
Damas cho rằng họ bất khả xâm phạm, những gì họ đã làm và lặp đi lặp lại
gây cảm giác gớm ghiếc, nhưng ngoài ra không có gì hơn ».
« Theo
các thông tin của chúng tôi, vũ khí hóa học không phải được sử dụng một
cách tình cờ, do vụng về, hay chỉ nhằm khủng bố. Cuộc tấn công ấy có lý
do chiến thuật, nhắm vào việc tạo lập thế mạnh trong tương quan lực
lượng trên chiến trường, gây nhiều thiệt hại nhân mạng trong đó có trẻ
em, bởi vì không thể phân biệt được giữa các chiến binh và thường dân ».
Trong
bối cảnh thiếu vắng những tiến triển trong tiến trình dân chủ, giải
pháp quân sự có vẻ thuyết phục hơn so với năm 2013 - khi Washington và
Paris chuẩn bị tấn công chế độ Damas sau vụ tấn công hóa học làm trên
1.300 người chết, nhưng vào giờ chót ông Obama đã thoái lui.
Vào
lúc liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo chuẩn bị tái chinh phục Rakka, thủ
phủ tự xưng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS) ở Syria, tổng
thống François Hollande muốn duy trì các thỏa thuận với Nga để không làm
chậm lại cuộc tiến công. Ông cho rằng « nhất thiết phải tiếp tục tấn công Daech trong lúc này, sẽ rất nguy hiểm nếu để người ta nghĩ rằng chúng ta đã thay đổi địch thủ ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.