Ông Kim Jong Nam tại sân bay Bắc Kinh. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/02/2007. |
Bị ám sát tại sân bay Malaysia hôm 13/02/2017,
người anh cùng cha khác mẹ với ông chủ Bình Nhưỡng có nhiều người quen
tại Paris. Tuần báo L’Express đã lần « Theo dấu vết Kim Jong Nam », gặp gỡ một số người từng tiếp xúc với ông.
L’Express
nhắc lại khung cảnh hôm ấy tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur. Một
người đàn ông mặc bộ vét xám nhạt, đang chờ làm thủ tục để bay sang
Macao. Bỗng dưng hai phụ nữ lao đến, úp một mảnh vải đen lên mặt ông. Vụ
tấn công, được caméra an ninh ghi lại, chỉ diễn ra trong vài giây đồng
hồ, hai hung thủ nhanh chóng lẩn vào đám đông. Người đàn ông kêu cứu,
nhưng chỉ vài phút sau, mắt bỗng mờ đi, nổi cơn ho, nghẹt thở…và tử vong
trên đường đến bệnh viện. Các bác sĩ cho biết nạn nhân bị đầu độc bằng
chất VX, một chất cực độc đối với hệ thần kinh.
Hộ chiếu của nạn nhân mang tên Kim Chol, nhưng cảnh sát sau đó phát hiện nhân thân : Kim Jong Nam, cháu nội của « chủ tịch vĩnh hằng »
Kim Il Sung. Các nhà điều tra bắt giữ hai hung thủ, và chú ý đến bốn
người Bắc Triều Tiên lúc đó đang uống cà phê tại sân bay và vội vàng bỏ
đi sau vụ tấn công, trong đó có một người là tình báo của Bình Nhưỡng.
Người ta cho rằng đây không phải là một vụ giết người đơn thuần, mà là
vụ án tầm cỡ quốc gia.
Cuộc
điều tra càng khó khăn khi các dấu vết mà ông Kim Jong Nam để lại nhanh
chóng bị xóa đi. Chỉ mới nhắc đến tên nạn nhân là những khuôn mặt bỗng
đổi sắc. Ngay cả tại Paris, nơi ông Jong Nam thường xuyên đến, các bạn
bè của ông cũng yêu cầu ẩn danh. Cứ như là chất VX khủng khiếp có thể
đầu độc tất cả những ai quen biết ông.
Từ lâu, « Fat Bear » (Gấu Bự) - tên thân mật mà các bạn
thường gọi - Kim Jong Nam là con trai cả được dự định sẽ cho lên ngôi.
Mẹ ông, bà Song Hye Rim là nữ nghệ sĩ nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên trong
thập niên 70, khi Kim Jong Il, lúc ấy 29 tuổi, đem lòng yêu bà. Nhưng
cha bà Hye Rim lại là địa chủ Hàn Quốc, nên Jong Il không thể thú thật
với cha là muốn cưới một đối tượng « tư sản ». Cuộc tình diễn ra trong bóng tối, cũng như sự ra đời của Kim Jong Nam năm 1971.
Những năm đầu đời, Jong Nam sống trong một tòa nhà bí mật ở thủ đô Bình Nhưỡng, sau đó được gởi sang « đất nước anh em »
Liên Xô, đến đầu thập niên 80 đi học trường quốc tế ở Genève. Chàng
thanh niên sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, năm 1988 quay về
nước, vì người cha chuẩn bị cho Jong Nam kế thừa. Kim Jong Nam vào làm
việc tại bộ Công An năm 1996, nổi tiếng đàn áp đối lập, rối lên lãnh đạo
Ủy ban tin học mang tính chiến lược, chuẩn bị trở thành « lãnh tụ tối cao » trong tương lai.
Nhưng
đến tháng 5/2001, cuộc đời ông bỗng rẽ sang ngã khác. Kim Jong Nam cùng
với hai phụ nữ và một trẻ em bị bắt giữ tại sân bay Tokyo do mang hộ
chiếu giả Cộng hòa Dominica. Ông giải thích với cảnh sát Nhật do muốn
tham quan Disneyland với gia đình. Bị mất mặt, Kim Jong Il hủy chuyến
thăm chính thức Trung Quốc, và không bao giờ tha thứ cho Jong Nam. Người
em Kim Jong Un được đôn lên làm lãnh đạo năm 2012 sau khi Jong Il qua
đời.
Thế
là Jong Nam bắt đầu cuộc sống lưu vong. Dưới những cái tên khác nhau :
Lee, Kim Chol, Pang Xiong, ông lưu lạc đến Bắc Kinh, Bangkok và cuối
cùng định cư tại Macao. « Fat Bear » sống phong lưu, đặc biệt
thích đến các hộp đêm, ông có hai vợ và rất nhiều tình nhân. Jong Nam
cũng thường bay sang châu Âu, tạm trú tại các căn hộ Airbnb ở Genève.
Những nơi chốn ăn chơi sang trọng ở Paris không hề xa lạ với ông, từ
khách sạn Four Seasons trên đại lộ George-V đến Ritz ở quảng trường
Vendôme. Một phóng viên tờ Dong A Ilbo còn gặp ông ở Méridien Etoile gần đại lộ Champs-Elysées.
Báo chí Hàn Quốc và nhất là Nhật Bản đều thích theo dõi ông. «
Nhật Bản quan tâm đến tất cả những gì liên quan đến Bình Nhưỡng, vừa vì
lý do địa chính trị, vừa do các vụ người Nhật bị tình báo Bắc Triều
Tiên bắt cóc trong thập niên 80 » - Eva Morletto giải thích. Nữ nhà
báo Ý từng theo sát gót Kim Jong Nam tại Paris, năm 2008 phát hiện Jong
Nam đến bệnh viện Sainte-Anne ở quận 14. Ông tìm bác sĩ Roux, trưởng
khoa giải phẫu thần kinh vì người cha bị đột quỵ, muốn kiếm một chuyên
gia chấp nhận đến Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, bác sĩ François-Xavier
Roux từ chối nói về Jong Nam, cũng như một nha sĩ ở Paris từng chữa răng
cho nhân vật bí ẩn này. Các bạn người Triều Tiên của Jong Nam cũng thế.
Anthony Sahakian, bạn học cũ thân thiết ở Genève, chỉ cho biết, Jong
Nam luôn bị ám ảnh và trốn tránh chế độ.
Người thừa kế bị truất
quyền tuy vậy không còn tham vọng chính trị, tránh chỉ trích Bình
Nhưỡng. Ngoại trừ một lần trả lời nhà báo Nhật Yoji Gomi năm 2012, ông
tỏ ý tiếc sự thiếu vắng cải cách, có thể dẫn đến « sự sụp đổ chế độ ». Nhất
là ông phản đối chế độ cha truyền con nối…đúng lúc Kim Jong Un lên nối
ngôi. Phải chăng khi ấy Jong Nam đã tự ký vào bản án tử hình của mình ?
Cách đây vài năm, ông đã thoát được hai âm mưu ám sát, trong đó có một
vụ tại Trung Quốc.
Bởi vì tại Bình Nhưỡng, tân lãnh tụ tối cao
muốn trừ khử mọi mối đe dọa tiềm năng : cuối 2013, người chú dượng Jang
Song Thaek, nhân vật số hai của chế độ đã bị hành quyết. Nhưng Kim Jong
Nam biết trốn đi đâu ? Người chị em họ là Jang Kum Song được tìm thấy đã
tử vong vào mùa hè 2006 ở Paris. Vài ngày trước đó, cô từ chối quay về
Bình Nhưỡng. Về mặt chính thức thì cô gái đã « tự sát ».
Trong
một lá thư viết năm 2012, Jong Nam yêu cầu người em cùng cha khác mẹ
chừa ông và gia đình ra. Còn có thể làm gì khác hơn ? Ông di chuyển bằng
taxi, không có vệ sĩ, nhưng cũng tổ chức bảo vệ gia đình mình, nhất là
con trai Kim Han Sol. Sinh tại Bình Nhưỡng năm 1995, cậu trai lớn lên ở
Macao rồi sang châu Âu du học ; đầu tiên ở Mostar (Bosnia), sau đó tại
Havre (vùng Seine-Maritime, Pháp) và đại học Khoa học Chính trị (Science
Po).
Trên những tấm ảnh hiếm hoi, cậu con trai của Jong Nam trong chiếc áo khoác đen, tai trái bấm khoen mang dáng vẻ tinh nghịch. « Cậu ấy học giỏi, rất ngoan và tiếu lâm » -
Elisabeth Rehn nhận xét. Năm 2012, người nữ trợ lý tổng thư ký Liên
Hiệp Quốc đã thực hiện cuộc phỏng vấn có ghi hình duy nhất với Han Sol.
Chàng thanh niên mô tả tuổi thơ cô độc, và bày tỏ hy vọng một ngày nào
đó có thể « cải thiện được tình hình đất nước ». Anh cũng không ngần ngại gọi ông chú Kim Jong Un là « nhà độc tài ».
Những
phát biểu nguy hiểm này khiến Han Sol được cảnh sát bảo vệ cẩn mật tại
Havre, trong căn hộ sinh viên nhỏ bé trên đường Aviateur-Guérin. Một cựu
sinh viên không muốn nói tên cho biết : « Trong trường đại học, cậu ấy còn bị các sinh viên Trung Quốc giả hiệu giám sát ».
Từ
khi người cha bị đầu độc ở Malaysia, Kim Han Sol đã biến mất, mẹ và em
gái cậu cũng vậy. Có thể họ đang được tình báo Trung Quốc bảo vệ, nhưng
một số người cho rằng họ đã sang Hà Lan tị nạn. Han Sol, người nối dõi
cuối cùng của họ nhà Kim, liệu có thể thoát được lời nguyền ?
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin BTT phóng hỏa tiễn đạn đạo ngày 11/02/2017. |
Cũng về Bắc Triều Tiên, The Economist trong bài « Đất nước của những chọn lựa tồi tệ » cho rằng, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nhận ra rằng khó thể chặn đứng được chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Làm
thế nào giải quyết ? Một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào các mục tiêu
nguyên tử Bắc Triều Tiên, có thể làm cho 130.000 người thiệt mạng trong
hai tiếng đồng hồ đầu tiên. Còn nếu tập trung được sức mạnh để phá hủy
cỗ máy chiến tranh của Bình Nhưỡng chỉ trong vài ngày, rủi ro chiến
tranh hạt nhân còn cao hơn.
Trừng phạt chăng ? Hàng trăm ngàn
người dân đã bị chết đói trong thập niên 90, nhưng thành phần đặc quyền
đặc lợi vẫn an nhiên tự tại. Còn có hai phương cách khác. Hoặc gây áp
lực lên Trung Quốc để chế độ Bình Nhưỡng bị nghẹt thở, hoặc thương thảo
với Kim Jong Un. Theo chuyên gia Mark Fitzpatrick của Viện Nghiên cứu
Chiến lược Quốc tế, có thể điều đình với Bình Nhưỡng để giảm các vụ thử
hỏa tiễn, ngưng làm giàu plutonium và uranium, đổi lấy việc giảm nhẹ
trừng phạt.
Nhưng chuyên gia Jonathan Pollack ở Brookings
Institution tỏ ra nghi ngại. Theo ông, Kim Jong Un không có lợi lộc gì
khi thương lượng, trừ phi Bắc Triều Tiên được công nhận là cường quốc
hạt nhân. Nhưng như vậy Hàn Quốc cũng sẽ tự trang bị vũ khí nguyên tử,
gây chạy đua vũ trang trong khu vực. Và với một quốc gia bí ẩn như thế,
rủi ro thảm họa do tính toán sai lầm là rất cao.
Jay Y.Lee, người đứng đầu tập đoàn Samsung tại tòa ngày 07/04/2017. |
Còn tại Hàn Quốc, nguyệt san kinh tế Alternative Economiques số tháng Tư nhận định « Gió đã đổi chiều đối với các chaebol »,
tức các đại tập đoàn đầy thế lực của con rồng châu Á. Là trụ cột trong
công cuộc phát triển kinh tế hậu chiến, nay các chaebol lại đang bị lung
lay.
Doanh số của Samsung gần như tương đương với ngân sách quốc
gia, và 30 tập đoàn hàng đầu chiếm 70% đầu tư, 80% tổng chi cho nghiên
cứu. Tuy nhiên những gì có lợi cho các chaebol không nhất thiết làm lợi
cho Hàn Quốc. Các tập đoàn này tạo công ăn việc làm ở nước ngoài nhiều
hơn trong nước.
Các lãnh vực biểu tượng cho thành công của Hàn
Quốc như luyện kim, đóng tàu, chất bán dẫn nay bị Trung Quốc cạnh tranh
dữ dội. Do kinh tế thế giới chậm lại, các chaebol phải đa dạng hóa,
hướng về thị trường nội địa và trong lãnh vực dịch vụ, gây khó khăn cho
các công ty vừa và nhỏ.
Những người thừa kế thế hệ thứ ba đang
lãnh đạo không có được tính chính danh như cha ông, và gây sốc với những
đặc quyền. Theo tác giả, Hàn Quốc cần nhanh chóng cải cách hệ thống đã
làm nên sức mạnh của mình nhưng nay đang làm đất nước yếu đi, bằng cách
củng cố các công ty vừa và nhỏ, thay vì chĩa mũi dùi vào các chaebol.
Cũng liên quan đến châu Á, Le Courrier International dịch bài viết « Cam Bốt, nền dân chủ đang hấp hối » của Nikkei Asian Review.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định xu hướng độc tài, chính phủ của ông tự cho
mình cái quyền giải tán các đảng đối lập. Theo tờ báo, đây là giai đoạn
cuối cùng của quá trình hủy hoại chính thể tự cho là dân chủ, được
thiết lập từ năm 1993.
Đạo luật về các đảng chính trị được thông
qua hồi tháng Hai cho phép chính phủ giải thể các đảng nào phạm « sai
lầm trầm trọng » - nhưng như thế nào thì chưa được định nghĩa. Luật cũng
cấm nhận mọi tài trợ từ ngoại quốc, như vậy đảng đối lập Cứu nguy Dân
tộc Cam Bốt sẽ không còn được sự hỗ trợ của kiều dân (trên một triệu
người Cam Bốt sống ở nước ngoài). Chính phủ cũng có thể giải tán tất cả
các đảng nào mà người lãnh đạo có tiền án tiền sự - một điều không khó
tại đất nước mà tòa án nhận lệnh từ chính quyền.
Một người đàn ông đột tử khi xếp hàng mua thực phẩm ở Caracas, 30/03/2017. |
Nhìn sang một đất nước vẫn còn đang theo con đường xã hội chủ nghĩa ở châu Mỹ la-tinh, Le Courrier International dịch lại bài phóng sự đăng trên tờ El Estimulo xuất bản ở Caracas, mang tựa đề « Venezuela tràn ngập cảnh khốn cùng ».
Những
người ăn xin, những kẻ trộm vặt xuất hiện nhiều vô kể nơi thành trì
cuối cùng của sự sung túc – một khu phố sang trọng của thủ đô Caracas,
hy vọng tìm thấy được chút gì để sống sót. Tác giả dẫn lời của những con
người khốn khổ cho biết tại Los Palos Grandes, « rác có chất lượng tốt nhất ».
Nơi đây trở thành nhà ăn tập thể ngoài trời của người nghèo. Số lượng
người phải đi ăn mày hoặc bới rác ngày càng tăng lên. Một chủ tiệm bánh
mì kể lại, mỗi ngày có ít nhất 50 người đến xin ăn. Tại khu Chacao mới
đây chính quyền đã thu gom 73 người hành khất, trong đó cũng có người ăn
mặc tử tế.
Các vụ giựt điện thoại ngày càng nhiều, vì đơn giản
hơn so với đi ăn trộm và không cần vũ khí. Cả bóng đèn, caméra an ninh
cũng bị lấy cắp. Cảnh sát thiếu nhân lực : thanh niên không muốn gia
nhập vì nguy hiểm, nhiều cảnh sát bỏ việc để đi làm cận vệ tại các đại
sứ quán.
Còn tại nước Pháp trên lãnh vực văn hóa, L’Express viết về « Những cuốn sách quý giá của các chính khách Pháp ».
Tuần san cho biết các cựu tổng thống François Mitterrand, Nicolas
Sarkozy, cựu thủ tướng Dominique de Villepin…đều rất mê đọc sách, một số
còn bỏ công sưu tập sách quý.
Những người bán bản thảo viết tay
đều thuộc nằm lòng sinh nhật của ông Nicolas Sarkozy, đơn giản là vì gần
đến ngày này, những người thân của ông đều tìm mua để tặng. Đôi khi
đích thân cựu tổng thống đi mua. Những cuốn sách bọc bìa tuyệt đẹp xếp
ngay ngắn dọc theo các giá sách trên tường, dài đến tận căn bếp nhà bà
Carla ở quận 15 Paris. Đủ loại : từ lá thư viết tay của vua Henri IV cho
đến một bài viết của Lênin năm 1917, gởi đi từ toa tàu bọc thép, nơi
lãnh tụ bôn-sê-vích đưa ra những chỉ thị mới nhất cho Hồng quân ở
Matxcơva.
Còn cố tổng thống François Mitterrand suốt nửa thế kỷ,
dù mưa gió, ông vẫn lặn lội đến các nhà sách ở khu Saint-Sulpice.
Mitterrand đặc biệt yêu thích các bản sách quý có đánh số. Chẳng hạn ông
sở hữu trọn bộ « Đi tìm thời gian đã mất » của Proust. Một chủ tiệm sách thổ lộ lúc đang là tổng thống, François Mitterrand đã mua bộ « Mối liên hệ nguy hiểm » của Laclos, bản đặc biệt giá 60.000 quan, và đề nghị thanh toán làm nhiều lần.
Nhưng
phải chăng hiện tượng này đã thuộc về quá khứ ? Trong hội chợ sách hiếm
thường niên tại Paris lần này, chẳng có ai trong số 11 ứng cử viên tổng
thống xuất hiện.
Trên thế giới mạng, Le Point đặt câu hỏi « Google, Apple, Facebook có phải là các quốc gia ? ». Những tập đoàn kỹ thuật số này có ảnh hưởng vô cùng lớn, trong khi châu Âu đang tỏ ra bất lực.
Đó
là FAT GAS BAM : Facebook, Amazon, Tencent (Đằng Tấn), Google, Apple,
Samsung, Baidu (Bách Độ), Alibaba, Microsoft. Chín tập đoàn đa quốc gia
trên có trị giá tổng cộng trên thị trường chứng khoán 3.140 tỉ đô la,
thu dụng gần một triệu rưỡi nhân viên ; nhưng ảnh hưởng trên thế giới
còn vượt xa cả vốn liếng. Vương quốc Đan Mạch đang dự định bổ nhiệm một
công sứ toàn quyền phụ trách lãnh vực này. Ngoại trưởng Đan Mạch Anders
Samuelsen cho biết : « Các đại công ty này có ảnh hưởng tương đương với một quốc gia, và chúng ta phải biết thích nghi ».
Phản
ứng rõ ràng nhất là từ Bắc Kinh : Trung Quốc cấm hẳn Facebook, Google
và ngăn trở Microsoft, đồng thời thành lập ra Đằng Tấn để cạnh tranh với
Facebook, Bách Độ chống lại Google, Alibaba đối phó với Amazon. Còn
châu Âu thì lại không có gì để đối chọi. Le Point dẫn câu nói được cho
là của trùm găng-tơ Al Capone : « Người ta đạt được nhiều thứ hơn với những lời nói ngọt ngào và một khẩu súng lục, thay vì chỉ bằng lời nói mà thôi ». Một điều chắc chắn là về ngoại giao kỹ thuật số, châu Âu không có khẩu súng lục nào.
Áp-phích của ứng cử viên Macron và Fillon trên đường phố Paris, 03/04/2017. |
Gần tới ngày bầu cử, các tuần báo Pháp tiếp tục mổ xẻ các ứng cử viên tổng thống. L’Obs đăng ảnh ứng cử viên Emmanuel Macron đang chống cằm suy tư với hàng tựa « Ông ấy có thể lãnh đạo với những ai ? ». Trong
trường hợp đắc cử, cựu bộ trưởng Kinh tế sẽ chọn lựa những nhân vật nào
vào nội các : từ cánh trung của ông François Bayrou, các chính khách
đảng Xã Hội hay những người ủng hộ ông bên cánh hữu ?
Ứng cử viên cánh hữu François Fillon đang gặp nhiều tai tiếng, được Le Point đưa lên trang nhất với hàng tựa « Fillon đối diện với chính mình ».
Liệu ông Fillon còn có cơ may thắng cử hay không, trong lúc chỉ còn hai
tuần nữa để chạy đua vào điện Elysée và tìm cách dập tắt những nghi ngờ
ngay trong cánh hữu.
Trên lãnh vực xã hội, L’Express tìm
đến các nhà trí thức, nghệ sĩ thế hệ trước, những người tuổi đã trên 80
nhưng vẫn chứng tỏ là mẫu mực về tính chiến đấu, sự lạc quan và phong
cách lịch lãm, chạy tựa « Họ dạy cho chúng ta những bài học của tuổi trẻ
».
Nhìn sang châu Âu, Le Courrier International đăng hình ảnh trò chơi roulette với tựa đề « Brexit, Luân Đôn vẫy tay giã từ ».
Tờ báo Pháp trích bài viết của báo chí các nước nhận định ván bài poker
với Liên hiệp Châu Âu đã bắt đầu, và đây là một cuộc ly dị với nguy cơ
cao.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170408-mong-vuot-binh-nhuong-co-buong-tha-hau-due-kim-jong-nam
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.