jeudi 13 octobre 2011

Vụ thảm sát Thiên An Môn - Hồi ký Triệu Tử Dương (3)

Thái độ của Đảng đã khiến cảm tình đối với phong trào sinh viên tăng lên, người dân ủng hộ nhiều hơn. Các băng video ghi được vào thời đó cho thấy ở khắp chốn, nơi nào sinh viên đi qua cũng được đám đông chào đón  bằng những tràng pháo tay, hô lên các khẩu hiệu để động viên tinh thần họ. Đôi khi người dân còn tham gia vào cuộc biểu tình. Ngay cả các công an có nhiệm vụ cản lối thì cũng chỉ chặn một cách hình thức, để cho sinh viên tiến lên. Ở những chỗ có đặt các rào cản, thì khi các sinh viên vừa đến là công an mở cho họ đi qua, và cuộc biểu tình có thể tiếp tục mà không gặp trở ngại nào.

Quy mô của phong trào bắt đầu làm nhiều cán bộ lão thành hết sức lo ngại. Họ biết rằng các phát biểu của Đặng Tiểu Bình đã làm tình hình thêm căng thẳng, và sợ là máu sẽ đổ. Các vị ấy nhiều lần kêu gọi Ủy ban Trung ương nên tỏ ra ôn hòa, không sử dụng vũ lực. Bản thân ông Bành Chân (3) nhiều lần liên lạc với Văn phòng Trung ương Đảng. Ông nhắc đi nhắc lại rằng bằng mọi giá, không nên dùng đến vũ lực, cần biết kiềm chế, và ông hy vọng Trung ương Đảng không làm sự kiện bùng phát.

Nghe chừng Lý Tiên Niệm (4) đã gọi điện thoại cho Đặng Tiểu Bình sau khi biết được các phát biểu của ông ấy và nói : « Cần phải quyết định chặn đứng hàng trăm ngàn người ». Nhưng tôi không biết có đúng như vậy không. Có cả Vương Chấn (5) khuyên nên bắt giữ nhiều hơn.

Trước hàng chục ngàn người biểu tình, và những lời khẩn khoản của các nhà cách mạng lão thành, những người ban đầu quyết định cho giải tán biểu tình như Lý Bằng và Thành ủy Bắc Kinh lúng túng không biết phải xử lý ra sao. Và thế là thật tuyệt vời. Sinh viên đã nghĩ rằng sẽ bị trấn áp, nhưng cuối cùng chẳng có gì xảy ra cả. Thế là các thành viên tham gia biểu tình trở lại các trường đại học để mừng chiến thắng, cảm thấy được khuyến khích và trở nên can trường hơn bao giờ hết.

Thứ nhất, do việc phổ biến các tuyên bố của ông Đặng cho các cấp chính quyền và cho đăng bài xã luận, các hiệp hội sinh viên, các tổ chức của Đảng, hiệu trưởng và giảng viên các trường đại học đã làm tất cả để khuyên các sinh viên không nên đi biểu tình, ngăn cản sinh viên xuống đường. Biểu tình xong an lành trở về, sinh viên đã cười nhạo họ. Tự ái, họ cảm thấy như bị phản bội và sau đó bỏ mặc. Trần Hy Đồng,Thị trưởng Bắc Kinh cũng có cùng cảm giác ấy. Trong cuộc họp trung ương ngày 1/5, ông ta đã mặc sức trút nỗi căm giận, và nói rằng các cán bộ đại học cũng cảm thấy bị phản bội. Tôi đã hỏi thẳng ông ấy : « Ai phản bội ai ? »

Kết quả cuộc biểu tình lớn ngày 27/4 cho thấy một số điều. Người ta ngỡ rằng với việc đăng bài xã luận ngày 26/4, sinh viên sẽ không dám cục cựa nữa. Nhưng họ đã đạt được một kết quả trái ngược hẳn : phong trào càng thêm lan rộng. Cái cung cách lỗi thời, chụp cho cái mũ chính trị là phần tử gây rối, trước đây có hiệu quả, nhưng ngày nay không còn tác dụng nữa.

Thứ hai, do phát biểu của Đặng Tiểu Bình hôm 25/4 đã được phổ biến rộng rãi, sinh viên biết rằng bài xã luận ngày 26/4 phản ánh chủ trương của ông ấy, bài này được ông Đặng hoàn toàn ủng hộ. Tuy vậy họ vẫn không quan tâm, vẫn tiếp tục xuống đường, cho thấy các lời nói của người lãnh đạo tối cao không còn được lắng nghe nữa.

Thứ ba, chính quyền thành phố Bắc Kinh vừa công bố các quy định để đưa vào khuôn khổ các cuộc biểu tình, tăng cường kiểm soát và hạn chế những vụ xuống đường. Nhưng các quy định này tỏ ra vô ích, và các rào cản của công an cũng thế. Khi trở về Bắc Kinh và hiểu được tình hình này, tôi có cảm giác rằng nếu không tháo ngòi nổ được, thì có thể phải dùng đến vũ lực thôi.

Mọi việc không còn như trước ngày 27/4 nữa : sau cuộc biểu tình này, sinh viên không còn sợ gì cả. Họ nghĩ rằng chính quyền đang lúng túng, đã sử dụng hết mọi phương tiện, chỉ còn cách cầu viện đến quân đội – một giải pháp mà họ không hề tin. Vì thế mà mọi sự sau đó trở nên khó khăn hơn. Tóm lại, bài xã luận ngày 26/4 đã gây ra hậu quả vô cùng tai hại, gây thêm nhiều khó khăn to lớn để có thể giải quyết được tình hình ở Bắc Kinh.

Tất cả những điều trên cho thấy, nếu không muốn giải quyết vấn đề bằng phương pháp đối thoại, mà lại dùng sức mạnh để kiểm soát phong trào, thì không còn cách nào khác hơn là huy động đến quân đội. Khi từ Bắc Triều Tiên về, quá cảnh ở Thẩm Dương, chính quyền địa phương đã có báo cáo cho tôi. Những người có trách nhiệm cũng đã phổ biến các phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong các cuộc họp lớn, nhưng họ tự hỏi : liệu chúng ta còn có thể sử dụng các phương tiện như thế ? Họ nói với tôi rằng sau các cuộc họp này, rất nhiều người đã phê bình Đặng Tiểu Bình dữ dội.

Như vậy khi trở về, tôi đứng trước một tình hình hết sức nguy hiểm. Sau bài xã luận ngày 26/4, và trước sự vô hiệu của các biện pháp khác, viễn cảnh một sự tắm máu hiển hiện rõ hơn bao giờ hết.

Chú thích :

(1) Trần Hy Đồng (1930) : Thị trưởng Bắc Kinh, đóng vai trò quan trọng trong vụ huy động quân đội tàn sát sinh viên tháng 6/1989, là người viết bản báo cáo chính thức duy nhất về vụ thảm sát Thiên An Môn. Bí thư Thành ủy Bắc Kinh từ 1992 đến 1995, bị bắt giam vì tội tham nhũng và lãnh án 16 năm tù vào năm 1998.

(2) Vạn Lý (1916): Bí thư Tỉnh ủy An Huy năm 1977, người đưa ra chủ trương trao quyền cho nông dân rất thành công. Thành viên Bộ Chính trị và là Phó thủ tướng từ 1980 đến 1988, Chủ tịch Quốc hội năm 1988. Năm 2004, ông đã cùng hai mươi cựu ủy viên Bộ Chính trị khác yêu cầu phục hồi danh dự cho Triệu Tử Dương.

(3) Dương Thượng Côn (1907 – 1998) : Ủy viên Bộ Chính trị (1982-1987), Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, lên làm Chủ tịch nước năm 1988. Ban đầu ủng hộ Triệu Tử Dương, nhưng sau chuyển sang phe Đặng Tiểu Bình, chủ trương dùng quân đội đàn áp.

(4) Kỷ niệm phong trào ngày 04/05/1919 phản đối hiệp ước Versailles chuyển giao quyền bảo hộ Sơn Đông từ Đức cho Nhật thay vì trao trả cho TQ.

(5) Tại TQ, ngoài đảng Cộng sản còn có 8 đảng « dân chủ » khác, hoàn toàn do ĐCSTQ thống lãnh. Đó là các đảng : Trung Quốc Quốc dân đảng Cách mệnh Ủy viên hội (Dân Cách), Trung Quốc Dân chủ Đồng minh (Dân Minh), Quốc dân chủ Kiến quốc Hội (Dân Kiến), Trung Quốc Dân chủ Xúc tiến Hội (Dân Tiến), Trung Quốc Nông công Dân chủ Đảng (Nông Công Đảng), Trung Quốc Trí Công Đảng, Cửu tam Học xã, Đài Loan Dân chủ Tự trị Đồng minh (Đài Minh).

(6) Bành Chân (1902-1997) : Nhà cách mạng lão thành, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 1983 đến 1988.

(7) Lý Tiên Niệm (1909-1992) : Chủ tịch nước từ 1983 đến 1988, Chủ tịch Hội đồng Tham vấn Nhân dân từ 1988 đến 1992, chủ trương bảo thủ, hoàn toàn ủng hộ vụ đàn áp Thiên An Môn.

(8) Vương Chấn (1908-1993) : Hiệu trưởng Trường Đảng năm 1982, Phó chủ tịch nước từ 1988, chủ trương bảo thủ, ủng hộ đàn áp Thiên An Môn.

Kỳ tới : 3) Hai quan điểm đối nghịch về xử lý khủng hoảng

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.